Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới

Cao Văn Thống*, TS. Trần Duy Hưng** *Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, **Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương
21:17, ngày 13-07-2018

TCCSĐT - Công tác cán bộ có vị trí quan trọng, luôn được Đảng ta quan tâm chăm lo xây dựng từ khi thành lập đến nay. Trong công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Đảng quan tâm thực hiện.

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các khâu của công tác cán bộ, vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp các nhiệm kỳ đều quan tâm đề ra các mục tiêu, quan điểm, yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong mỗi nhiệm kỳ và cho giai đoạn tiếp theo. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, cấp ủy các cấp các khóa đã ban hành, cụ thể hóa nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, hướng dẫn, trong đó có nội dung về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp (kể cả cán bộ tham mưu, nhất là cán bộ tham mưu cấp chiến lược) cơ bản đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Ban Tổ chức Trung ương và ban tổ chức cấp ủy các cấp đã ban hành các hướng dẫn cụ thể về công tác tổ chức cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy định để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng.

Trên cơ sở các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc mỗi nhiệm kỳ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cụ thể hóa thành các luật, pháp lệnh, nghị quyết về cán bộ, công chức, viên chức; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Nghị định, quyết định, các bộ, ngành chức năng, địa phương, đơn vị đã ban hành các thông tư, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định về công tác cán bộ, trong đó có đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức và tổ chức thực hiện cơ bản đúng quy định.

Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được coi trọng và thực hiện hiệu quả theo các quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước, bước đầu gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ; cơ bản khắc phục được việc “bổ nhiệm trước, đào tạo sau” hoặc tình trạng “nợ một số tiêu chuẩn, điều kiện” trước khi bổ nhiệm. Số lượng cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học tăng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ bản được chuẩn hóa trình độ theo chức danh. Nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng có bước đổi mới; đã chú trọng bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới theo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm, sát với yêu cầu, nhiệm vụ thực tế. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng được mở rộng, kết hợp đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước với nghiên cứu, học tập ở nước ngoài thông qua Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương, Đề án 322, 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng của địa phương, cơ quan, đơn vị. Các chỉ tiêu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, về cơ bản đã đạt được yêu cầu; cán bộ chủ chốt dưới 45 tuổi từ cấp huyện trở lên phải có trình độ đại học về chuyên môn, nghiệp vụ và có trình độ cao cấp về lý luận chính trị.

Có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các cấp đã từng bước có chuyển biến, đổi mới tích cực; bước đầu khắc phục được một số hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như theo một chương trình chung, chưa có chương trình cụ thể theo chức danh, theo từng loại hình đào tạo, chậm đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, công tác quản lý, kiểm tra,... giúp cho việc quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở các cấp trong thời gian qua cho thấy cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí có khuyết điểm, cần phải được nhận diện rõ để có chủ trương, biện pháp chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục. Trước hết, việc ban hành các quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên còn sự khác nhau, chưa thật đồng bộ, thống nhất, liên thông và chưa cụ thể, sát hợp theo từng chức danh, theo mục đích, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Các quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng, xác định trình độ lý luận chính trị thiếu thống nhất; nội dung, chương trình, giáo trình và việc quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Thứ hai, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn thiếu chiến lược dài hạn, chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch, sử dụng cán bộ. Chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng còn thấp. Nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới; buông lỏng giáo dục, rèn luyện lập trường giai cấp và đạo đức cách mạng; còn chồng chéo, trùng lặp, nặng về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhẹ về chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng thực hành và tâm lý, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; chưa gắn kết với công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ. Trình độ của một số cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng còn chưa theo kịp, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc quản lý, tổ chức thi cử và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập còn dễ dãi, hình thức, chiếu lệ.

Thứ ba, việc thực hiện quy định về chế độ học tập, bồi dưỡng hằng năm đối với cán bộ, đảng viên chưa thành nền nếp. Tình trạng chạy theo bằng cấp diễn ra ở nhiều nơi; tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, thích học tại chức, ngại học tập trung khá phổ biến trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược. Nhiều trường hợp đi học chỉ để đối phó với yêu cầu tiêu chuẩn hóa chức danh; một số trường hợp đi học cao học ở nước ngoài nhưng không được công nhận văn bằng đạt tiêu chuẩn theo quy định, gây lãng phí tiền của.

Thứ tư, một số địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người đứng đầu mới quan tâm đến số lượng cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, chưa chú ý đến chất lượng, cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, đội ngũ kế cận. Cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu học khoa học xã hội và nhân văn, rất ít cán bộ học về khoa học, kỹ thuật. Số cán bộ được cử đi học trong và ngoài nước khá nhiều, nhưng chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí, yêu cầu công tác của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, lãng phí nguồn lực tài chính, con người và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của cơ quan sử dụng cán bộ.

Thứ năm, quy mô đào tạo được mở rộng nhưng chưa gắn với nâng cao chất lượng đào tạo. Hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa đồng bộ, thiếu liên thông, gắn kết với hệ thống giáo dục, đào tạo chung. Việc sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung chưa hợp lý, hiệu quả còn thấp. Việc quy định các cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tổ chức, quản lý và kiểm tra chế độ học tập của cán bộ, công chức chưa được thực hiện. Còn bất hợp lý trong phân cấp, quản lý đối tượng, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Nguyên nhân của tình trạng trên có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Về nguyên nhân khách quan có thể thấy, một số quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ nói chung, về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng chưa ban hành đồng bộ, đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, kịp thời, liên thông, thậm chí còn có những chồng chéo, mâu thuẫn, không thống nhất, còn bất cập. Một số quy định của cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, cơ quan, đơn vị cấp dưới về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa cụ thể hóa kịp thời, phù hợp với cấp mình, thậm chí còn trái hoặc cao hơn so với quy định chung của Đảng, Nhà nước và của cấp trên.

Về nguyên nhân chủ quan, còn không ít cấp ủy, tổ chức đảng, chi bộ nhận thức chưa đúng mức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chưa thực sự quan tâm tổ chức nghiên cứu, quán triệt, ban hành, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thành quy định của cấp mình và chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp trong từng thời kỳ và tổ chức thực hiện có chất lượng, đạt kết quả. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu, sơ kết, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chưa quan tâm đầu tư nghiên cứu xây dựng khung chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, phù hợp với từng loại chức danh, từng loại đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; chưa khắc phục được tình trạng đào tạo, bồi dưỡng trùng lặp ở các cấp học, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước. Chưa quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng tương xứng, ngang tầm; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác giảng dạy ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chưa hợp lý. Nguồn lực đầu tư cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý, cơ sở vật chất còn nhiều bất cập. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ trong việc đi đào tạo, bồi dưỡng chưa đúng, chưa đầy đủ, nên chưa nêu cao trách nhiệm trong học tập; khả năng tiếp thu, cập nhập kiến thức được đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế, vận dụng vào thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý chưa được nhiều.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian qua, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới, cần quán triệt và thực hiện đúng một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, cần xác định và nắm vững mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, có phẩm chất, năng lực, uy tín, sẵn sàng hy sinh, phấn đấu vì sự nghiệp của Đảng, lợi ích của nhân dân, của dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đủ sức lãnh đạo đất nước sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thực hiện mục tiêu, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Tiếp đó, cần nắm vững quan điểm cơ bản về xây dựng đội ngũ cán bộ là: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ phải đặt trong tổng thể với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”. Đảng phải thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ “thực đức”, “thực tài”, “vừa hồng, vừa chuyên”, vững mạnh về mọi mặt, bảo đảm tính kế thừa, ổn định và phát triển, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị... Đổi mới nội dung, phương thức, hình thức, biện pháp, quy trình về công tác cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Về nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào đạo, bồi dưỡng cán bộ, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, nâng cao nhận thực của các cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế của nhà nước, trước hết là người đứng đầu về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đúng quy định, có chất lượng, hiệu quả. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải học tập, được đào tạo theo chương trình chuyên biệt phù hợp với từng chức danh để nắm vững Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, về công tác cán bộ nói riêng và trình độ quản lý, quản trị hiện đại để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và gương mẫu thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đúng quy định. Tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế để trao đổi kinh nghiệm về công tác cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; mở các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng để trao đổi kinh nghiệm và tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm, kết quả thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luật của Đảng về công tác cán bộ nói chung, trong đó có quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để cụ thể hóa thành các quy định, quy chế, khung chương trình, nội dung, phương pháp, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phù hợp ở từng cấp, từng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả. Khắc phục tình trạng chậm đổi mới khung chương trình, nội dung, phương pháp, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng như thời gian qua ở một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng: cán bộ trong quy hoạch phải được cử đi học nâng cao về lý luận chính trị, quốc phòng, an ninh; cập nhật kiến thức mới về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế; kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý; tin học, ngoại ngữ để bảo đảm cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ chốt các cấp phải có hiểu biết rộng, có kiến thức cơ bản tương đối toàn diện và thường xuyên được cập nhật tri thức mới để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện mục tiêu, yêu cầu, nội dung chương trình, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng: tăng cường cập nhật kiến thức mới cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; về tư duy, khoa học lãnh đạo, quản lý, quản trị hiện đại; về pháp luật, an ninh, quốc phòng và đối ngoại; gắn lý luận với thực tiễn; kiểm tra sát hạch chặt chẽ đầu vào, đầu ra; chú trọng đào tạo phương pháp tư duy, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Kết hợp cả đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và ở ngoài nước với chương trình, nội dung, hình thức thích hợp với từng loại đối tượng cán bộ công tác ở những lĩnh vực khác nhau để tránh trùng lặp, không sát hợp và kém hiệu quả. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiếp tục tổ chức có hiệu quả các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp theo các nhóm đối tượng cụ thể để bảo đảm chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cho các chức danh cán bộ cấp chiến lược, nhất là nhân sự Ban Chấp hành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng và tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, cơ cấu, yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách và phát triển đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược theo hướng chỉ chọn những cán bộ trẻ, có phẩm chất, năng lực vượt trội, đang công tác ở những cơ quan, địa bàn trọng yếu, phức tạp, có nhiều khó khăn, những lĩnh vực đáp ứng với yêu cầu phát triển cao của đất nước,...

Bốn là, tổ chức thực hiện nghiêm chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức và cập nhật kiến thức mới hằng năm phù hợp với từng đối tượng cán bộ gắn với học tập truyền thống lịch sử của Đảng, dân tộc và những tấm gương tiêu biểu trong xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc; kết hợp đào tạo cơ bản trong trường lớp với rèn luyện qua thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị, lý tưởng và nhân sinh quan cách mạng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nhanh chóng khắc phục tình trạng lười học, ngại học, xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhất là bảo đảm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cả trong và ngoài nước, khắc phục tình trạng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tri thức chậm đổi mới, chưa theo kịp với tình hình và yêu cầu đòi hỏi kiến thức cho từng loại cán bộ. Tăng cường công tác quản lý, rèn luyện cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao chất lượng dạy và học, kiểm tra, đánh giá kết quả dạy và học bảo đảm khoa học, thực chất, tránh hình thức và chạy theo thành tích. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo đảm phục vụ công tác quản lý, dạy và học có chất lượng, hiệu quả. Có chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Sáu là, tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức học tập, nghiên cứu quán triệt việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, trong đó có công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để kịp thời phát huy ưu điểm, phát hiện cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng, hạn chế, khuyết điểm để chấn chỉnh, uốn nắn, khắc phục; nếu có khuyết điểm, vi phạm thì kịp thời kết luận, xử lý nghiêm minh. Tập trung giải quyết đơn thư tố cáo, chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và xử lý kịp thời các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm để giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, môi trường đào tạo. Kịp thời phát hiện những quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng không còn phù hợp để trực tiếp hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền cho phù hợp./.