Tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, qua đảng viên - đột phá trực tiếp và trước hết từ người đứng đầu cấp ủy
(Tiếp theo và hết)
III- Hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực thi đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết và trực tiếp từ người đứng đầu cấp ủy
Đảng hoạt động theo Điều lệ Đảng và trong khuôn khổ pháp luật. Và để xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động”, “là đạo đức, là văn minh, là đoàn kết thống nhất, là hòa bình ấm no”, “phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, thì một cách tự nhiên, mục tiêu đổi mới toàn bộ hoạt động của Đảng nói chung, ở đây là phương thức lãnh đạo của Đảng nói riêng hiện nay, phải mang ba tính chất: dân chủ và kỷ luật, văn minh và tiến bộ, trực tiếp và quyết định xứng đáng là một đảng cầm quyền khoa học, dân chủ, chân chính và cách mạng.
Theo phương hướng đó, để đổi mới phương thức lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy các cấp, phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức đảng, với tính cách là khâu đột phá, trước mắt, cần giải quyết hiệu quả các vấn đề chung sau:
1- Người đứng đầu cấp ủy chủ động, độc lập, chịu trách nhiệm trước hết, trong chỉnh thể cơ quan lãnh đạo của tổ chức đảng, theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đối với việc lựa chọn phương thức lãnh đạo phù hợp
Đảng ta thực thi chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là thiết chế hoạt động, là nguồn gốc và bảo đảm sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo, suy cho cùng, là lựa chọn con đường ngắn nhất, phương pháp hữu hiệu nhất để thực hiện thành công nội dung các quyết sách, tức nội dung lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp bộ đảng, trên tất cả các lĩnh vực và địa bàn trong cả nước; là một trong những nhân tố quyết định thành công công việc cầm quyền của Đảng.
Thiết chế đó bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của tập thể cấp ủy, trên cơ sở dân chủ thảo luận, tranh luận và ra quyết nghị, nhưng đồng thời hoàn toàn cho phép và bảo đảm sự dân chủ rộng rãi tối đa trong việc tìm tòi biện pháp thực thi nghị quyết một cách chủ động và độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là con đường tối ưu tiếp cận sự thật, hành động theo chân lý.
Vì thế, tính chủ động, sự độc lập và sự chịu trách nhiệm cao nhất và trước hết của người đứng đầu cấp ủy và mọi thành viên, đảng viên thực thi quyền của mình, theo sự phân công, trước cơ quan lãnh đạo và tổ chức đảng đương nhiên rộng mở, là một bảo đảm, một điều kiện và môi trường cổ vũ tìm tòi sáng tạo mọi con đường rộng rãi cho việc lựa chọn phương thức lãnh đạo phù hợp và hiệu quả nhất. Ở phương diện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Ở phương diện này, óc độc lập sáng tạo và óc phản biện, tinh thần quyết đoán và chịu trách nhiệm của người đứng đầu trước tập thể cấp ủy có ý nghĩa rất quan trọng và cần được bảo vệ. Chỉ có như vậy, người đứng đầu mới có khả năng làm gương và cổ vũ sự thảo luận, tranh luận trong cấp ủy, tổ chức đảng, chịu trách nhiệm trước hết về các quyết sách tập thể được xây dựng một cách dân chủ, chín muồi và tập trung chắc chắn trước đảng viên và đối với cấp trên. Đó là con đường ngắn nhất dẫn dắt tập thể cấp ủy đi tới chân lý và tổ chức hiệu quả thực tiễn nghị quyết; và là sự khẳng định và đo lường về trách nhiệm trước hết theo quyền trong thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy. Nghị quyết của cấp ủy là pháp lệnh tối cao đối với mọi đảng viên. Ở đây, vai trò của người đứng đầu - vai trò của thủ lĩnh rất quan trọng, trong điều kiện tiến tới nhất thể hóa chức danh và nhất nguyên chế bộ máy.
Theo đó, đổi mới cơ chế về mối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy với tập thể cấp ủy, với tổ chức đảng, theo hướng tập trung quyền của người đứng đầu gắn với trách nhiệm cá nhân từng thành viên một cách cụ thể, dân chủ và triệt để, trên cơ sở Điều lệ Đảng. Đó là chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách một cách cụ thể nhằm cấp bách khai thông các điểm “nghẽn” về quyền gắn với trách nhiệm của cá nhân và của tập thể, giữa cá nhân với tập thể, giữa cấp trên với cấp dưới; ngăn chặn những thói, thậm chí là những bệnh hoạn trong việc sử dụng quyền và thực thi trách nhiệm ở các tổ chức đảng hiện nay nói chung, người đứng đầu cấp ủy nói riêng: tình trạng lạm quyền, lộng quyền, độc đoán, tự do phi dân chủ, nói và làm trái nghị quyết của tập thể, của tổ chức đảng, thậm chí thói vô chính phủ, tệ lộng quyền, lạm quyền của người đứng đầu trong việc thực thi quyền và trách nhiệm của mình, tự biến mình thành những “ông vua con”, biến nơi họ phụ trách thành những “bầu trời riêng”, thậm chí là những “sứ quân” trong các cấp ủy; những “gia đình, họ mạc trị”, bè cánh tạo nên tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa cá nhân với tổ chức, giữa người đứng đầu với các thành viên cấp ủy, trong thực thi nghị quyết; tệ cát cứ, cục bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữa các thành viên tập thể cấp ủy với nhau; tệ né tránh, đùn đẩy, thậm chí trốn tránh trách nhiệm, tệ phi dân chủ, thậm chí đối lập quyền và trách nhiệm của mọi đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy; tệ dân chủ vô chính phủ trong thực thi nghị quyết của Đảng; tệ xa dân, tự mình cách bức với đồng chí và xa lánh, trốn tránh trách nhiệm với tổ chức đảng và cơ sở.
Tất cả điều đó làm tổn hại tới năng lực lãnh đạo, thanh danh và uy tín của Đảng. Nhất định phải bị tẩy trừ.
Nói gọn lại, thật sự dân chủ bảo đảm tập trung trong định ra quyết sách, tự do tìm kiếm phương pháp thực thi quyết sách một cách độc lập, dân chủ và sáng tạo là bản chất của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tập trung thể hiện ở người đứng đầu cấp ủy, là tất yếu hiện nay. Người đứng đầu cấp ủy phải trở thành tấm gương về thực thi công việc đó. Như thế, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, mới “tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, mới “là đạo đức, là văn minh”.
2- Quyền lãnh đạo gắn chặt với trách nhiệm lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy bảo đảm thống nhất, dân chủ theo Điều lệ Đảng và pháp luật
Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu là hai mặt nội dung bản chất của phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ chính trị theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đặt ra quyền phải đặt ra đồng thời trách nhiệm theo quyền một cách tương dung và hữu cơ; và ngược lại, nói tới trách nhiệm là nói tới quyền một cách trực tiếp và chính đáng. Và, thực thi trách nhiệm theo quyền được trao chính là bảo vệ vô điều kiện quyền do cấp ủy và tổ chức đảng, cấp trên trao hoặc ủy quyền. Xin nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây: Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Nó là nguồn gốc sức mạnh, uy tín sự lãnh đạo của Đảng. Tách rời chúng hay hạ thấp mặt nào đều là vô hình hạ thấp mặt kia và thủ tiêu cả hai.
Vì vậy, tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các quyền và trách nhiệm bằng thể chế theo Điều lệ Đảng của đảng viên nói chung và người đứng đầu cấp ủy nói riêng, bằng các quy chế, quy định, bảo đảm phù hợp với các loại hình tổ chức đảng ở tất cả các cấp, các lĩnh vực... trên cả nước, mà người đứng đầu tổ chức đảng giữ quyền lãnh đạo và chịu trách nhiệm lãnh đạo trước tập thể, trước cấp trên và cấp dưới theo Điều lệ Đảng và hiến định. Thực chất công việc đó là giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ - quyền (quyền hạn, quyền lực chính trị) - và trách nhiệm. Quyền là điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ, nếu thấp thì không đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ, nếu cao sẽ sinh ra lạm quyền hoặc lộng quyền. Và, trách nhiệm đòi hỏi phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu thấp sẽ sinh ra lơ là, coi nhẹ việc thực thi nhiệm vụ, nếu cao thì không thực hiện được. Cho nên, quyền và trách nhiệm phải tương xứng với nhau và phù hợp với nhiệm vụ. Đó là riềng mối của thể chế gắn quyền với trách nhiệm và nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy.
Vì vậy, hiện nay, cần thiết phải tập trung tăng mạnh quyền gắn với trách nhiệm theo nhiệm vụ một cách minh bạch, trong phạm vi cho phép, của người đứng đầu thống nhất song hành với tăng quyền quyết định, kiểm soát quyền, ủy quyền và quyền phúc quyết của tập thể cấp ủy đối với người đứng đầu; đồng thời, phân cấp, phân quyền cho các cấp ủy thực thi kiểm soát, giám sát quyền trong hệ thống bộ máy và tổ chức của Đảng, trực tiếp đối với người đứng đầu. Người đứng đầu giữ quyền tổng thể trước cấp ủy cấp trên và cấp ủy cấp dưới (và đảng viên) một cách tập trung trên cơ sở phân công một cách dân chủ các thành viên cấp ủy theo chế độ ủy quyền hoặc thay mặt... gắn với trách nhiệm cụ thể trong thực thi nhiệm vụ theo quyết nghị của cấp ủy một cách minh bạch.
Người đứng đầu cấp ủy cần ý thức chủ động và sẵn sàng rời khỏi chức vụ (từ chức, huyền chức, xin miễn chức vụ,...), khi không hoàn thành nhiệm vụ hay vi phạm Điều lệ Đảng và kỷ luật của Đảng. Ai không có khả năng chịu trách nhiệm thì nên thôi, không thể xứng đáng và không thể làm người lãnh đạo được nữa. Đó là biểu hiện về sự tự giác và nghiêm minh trong việc thực thi quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, theo nhiệm vụ. Đó chính là sự tự giác về trách nhiệm công vụ; cũng là liêm sỉ hay lòng tự trọng của cá nhân đảng viên.
3- Kiểm tra, kiểm soát, giám sát và thanh tra song hành dân chủ, chặt chẽ và phù hợp đối với quyền được trao và thực thi quyền theo trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy
Kiểm soát quyền lực luôn là công việc trung tâm nhưng rất khó khăn, luôn là nguy cơ sinh tử của mọi thể chế dân chủ. Chung quanh vấn đề này, A. Anh-xtanh viết: Quyền lực luôn thu hút những kẻ không có đạo đức. A. Ca-muy viết: Người không có đạo đức giống như con thú hoang thả rông vào thế giới. Sự rung rinh, nghiêng ngả, sụp đổ của một số thể chế chính trị trên thế giới, một trong những nguyên nhân là, do đánh mất vai trò kiểm soát quyền lực.
Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được toàn dụng song hành, càng đặc biệt đối với người đứng đầu cấp ủy, trong bối cảnh đổi mới bộ máy đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, không trùng chéo, tiến tới nhất nguyên chế tổ chức bộ máy và nhất thể hóa chức danh. Không định vị đúng quyền và phạm vi quyền được trao sẽ không thể định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy; và ngược lại, trách nhiệm phải trên cơ sở và tương dung thống nhất với quyền được trao. Không thể để tình trạng dùng quyền mà không chịu trách nhiệm về quyền được trao cũng như tình trạng quyền và trách nhiệm không cân xứng.
Vì vậy, nếu bảo đảm quyền phải gắn liền với trách nhiệm thì trao quyền tới đâu phải kiểm soát vô điều kiện quyền được trao theo trách nhiệm tới đó, không kể là ai hay bất cứ cấp nào. Càng phân cấp và phân quyền đối với người đứng đầu càng phải siết chặt công tác kiểm tra, giám sát một cách song trùng và dân chủ. Chung quanh điều này, gợi ý từ nhà vua Lê Thánh Tông, khi ông viết: Pháp luật là phép chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo. Nay, càng không thể để bất cứ tình trạng quyền được trao cho người đứng đầu cấp ủy ở bất cứ cấp nào nằm ngoài sự kiểm soát của các cơ quan chức năng của Đảng, sự phản biện của Mặt trận Tổ quốc và sự giám sát của nhân dân theo luật định. Điều đó cũng đồng nghĩa với không thể để và không dung thứ tình trạng lạm quyền, lộng quyền, mạo quyền, tiếm quyền, sở hữu quyền được trao (dưới mọi hình thức, tính chất và mức độ) ở bất cứ ai. Đặc biệt là tệ sở hữu quyền lực, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, là “đạo vị” (ăn cắp vị trí) - tham nhũng chính trị - nguồn gốc đẻ ra các tệ nạn khác nguy hiểm (mua bán chức vụ, quyền ban phát quyền, nạn “chạy” đủ loại: chức vụ, thành tích, luân chuyển, bằng cấp,...) chung quanh quyền lực chính trị. Đồng thời, đổi mới, thực thi cơ chế giám sát chặt chẽ và nghiêm ngặt về đạo đức của người đứng đầu cấp ủy ở mọi nơi, mọi lúc song hành với vận hành cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực nhằm chống tham nhũng quyền lực, tha hóa và thoái hóa quyền lực. Đạo đức chính trị và quyền lực chính trị phải trở thành đối tượng của công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra từ mọi phía Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì, khi đạo đức bị suy thoái, sa đọa rất dễ dẫn tới tha hóa về chính trị, thậm chí sa đọa về quyền lực chính trị.
Kỷ luật là sức mạnh của sự lãnh đạo của Đảng. Ở đây, nếu buông lỏng công tác kiểm tra là xâm hại sự lãnh đạo của Đảng, coi nhẹ giám sát kỷ luật trong Đảng là vô hình trung dung túng cho nguy cơ việc sử dụng quyền được trao biến thành sở hữu quyền được trao và tác họa sẽ khôn lường; nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chuyển thành suy thoái chính trị, lâm vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn tới nền chính trị suy thoái là nguy cơ được báo trước. Thời vua Lê Thánh Tông, ông không chỉ dụng tâm đối với việc xử nghiêm các quan lại không xứng chức mà đặc biệt chú trọng rèn đức, kiểm tra phẩm hạnh quan lại. Ông cho đặt hai hệ thống kiểm tra và giám sát quan lại. Hệ thống các quan ngự sử được đặt bắt đầu từ triều đình cho tới các thừa tuyên (tỉnh) để theo dõi, giám sát từ người có chức vụ cao nhất của triều đình tới những viên quan ở cấp cơ sở. Và, các quan ngự sử không được phép né tránh trách nhiệm, thể hiện trong việc để lọt các hành vi sai trái của lục bộ, của quan, lại. Do đó, trên tầm vĩ mô, tiếp tục đổi mới mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo với Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ, trọng tâm là Đảng lãnh đạo với lập pháp, hành pháp và tư pháp, bảo đảm quyền lực được kiểm soát một cách toàn diện, chặt chẽ, cụ thể và hiệu quả theo Điều lệ Đảng và pháp luật. Mặt khác, tiếp tục đề cao sự kiểm tra, giám sát tổng thể, toàn diện và cụ thể đối với người đứng đầu trong công vụ và cuộc sống hằng ngày.
Việc lâu dài, đổi mới vị thế, trách nhiệm cơ quan kiểm tra và kỷ luật của Đảng ở các cấp theo hướng trao quyền ngang tầm và mạnh mẽ, tổ chức bộ máy gọn và tinh thông trong việc giữ nghiêm kỷ luật theo Điều lệ Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi những chứng bệnh của một đảng cầm quyền; đổi mới cơ quan thanh tra nhà nước; đồng thời đổi mới cơ chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra của Đảng - thanh tra của Nhà nước - cơ quan giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một cách đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả. Trước mắt, củng cố đội ngũ những người làm công việc kiểm tra trong Đảng, thanh tra phía Nhà nước thật sự thạo việc, trung trực, liêm chính trên cơ sở trao quyền quyết định tương xứng cho ngành kiểm tra, thanh tra ngang tầm trọng sự được giao. Về lâu dài, tiến tới nhất nguyên chế các bộ máy kiểm tra, giám sát và thanh tra một cách thống nhất và phù hợp. Đồng thời, gắn chặt với sự giám sát của công luận, của nhân dân và của toàn bộ hệ thống chính trị đối với các tổ chức đảng và đảng viên, trực tiếp là người đứng đầu cấp ủy, đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi, dù trong nước hay ở công tác nước ngoài.
4- Thể chế hóa cụ thể quyền lãnh đạo và trách nhiệm lãnh đạo theo nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy đúng Điều lệ Đảng, thống nhất với pháp luật của Nhà nước; đổi mới công tác cán bộ đối với người đứng đầu cấp ủy
Tiếp tục nghiên cứu nhằm xây dựng hệ thống quy chế, quy định, chế độ một cách thống nhất, đồng bộ và cụ thể về sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả mọi phương diện, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thực hiện trọng trách này, chú trọng xây dựng các ban tham mưu của Đảng đủ mạnh về đội ngũ, đủ tinh nhuệ về năng lực, nhất là trình độ kiến thức, năng lực nghiên cứu và hoạt động thực tiễn, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, đạo đức chính trị ngang tầm trọng trách.
Quy định và kiểm tra công việc cần có của người đứng đầu cấp ủy, trước hết là việc chủ trì đổi mới quy trình ra và tổ chức thực thi nghị quyết. Mỗi quyết nghị của cấp ủy phải là một chương trình hành động, chứ không phải là chương trình nghị luận suông. Mỗi quyết nghị của tập thể cấp ủy mà người đứng đầu chủ trì bảo đảm tối thiểu 7 yêu cầu, với 7 “định”: Định hướng, định tính, định lượng, định hình, định việc, định người và định kiểm. Người chủ trì khuyến khích và bảo vệ quyền dân chủ thảo luận, tự do tranh luận, biết chờ đợi, trân trọng và lắng nghe, nhất là các ý kiến khác nhau của đảng viên trong thảo luận xây dựng các quyết sách của cấp ủy.
Đó là con đường ngắn nhất bảo đảm sự tập trung của các quyết sách đúng đắn trên cơ sở thực thi dân chủ, có tính khả thi và kiểm soát chủ động việc thi hành nghị quyết. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và thiết thực; chú trọng điều tra, làm thử, rút kinh nghiệm và nhân rộng kinh nghiệm; phát huy trí tuệ tập thể của cấp ủy, đội ngũ đảng viên thật sự dân chủ trong triển khai thực hiện nghị quyết và các chính sách khác bảo đảm cho các quyết nghị được thực hiện kịp thời, đúng đắn và nghiêm chỉnh; kiểm tra chặt chẽ việc thực thi nghị quyết, chứ không phải làm ngược lại: nghị quyết suông, chỉ đạo chay, nói nhưng không làm, nói nhiều làm ít, thậm chí “đánh trống bỏ dùi” hay “đầu voi đuôi chuột”, chống lại nghị quyết... Đó là thước đo về sự trưởng thành chính trị, trí tuệ, uy tín, phương pháp và phong cách lãnh đạo khoa học và dân chủ; đồng thời là sự kiểm chứng giữa quyền và trách nhiệm theo nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy.
Các cấp có thẩm quyền thể chế hóa nghị quyết của Đảng về vấn đề này thống nhất thành quy chế, chế độ tại các cơ quan (của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị) để các cơ quan này giám sát và phản biện. Quy chế hóa về tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng, theo nguyên tắc tập trung dân chủ thật sự phải cụ thể, thiết thực và hiệu quả; xác định đúng trọng tâm, trọng điểm cần giải quyết; định tính, định lượng rõ ràng; dân chủ và minh bạch hóa... Khuyến khích, cổ vũ mọi sự tìm tòi, sáng tạo thực hiện nghiêm minh, hiệu quả nghị quyết của Đảng ở tất cả các cấp ủy, các ngành, các địa bàn...
Có thể hình dung gồm 11 loại chế độ thống nhất sau:
Để bảo đảm tính khoa học, sự dân chủ, thiết thực và sự thạo việc, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ đối thoại dân chủ trong Đảng, đối thoại với cơ sở và nhân dân. Nhất định phải như vậy, mới tiếp tục xây dựng nội bộ đảng vững mạnh và phát triển cơ sở xã hội - chính trị của Đảng vững chắc và rộng rãi ngay từ nền tảng, với tinh thần dân chủ, minh bạch, mà người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước hết và trực tiếp. Định chế chế độ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn trực tiếp giải quyết những vấn đề đặt ra tại các nơi đó trên cơ sở thực thi nhiệm vụ. Tất cả các chế độ này cần gắn chặt với chế độ chịu trách nhiệm trước cấp trên, cùng cấp, đối với cấp dưới và cơ sở. Đó là một thước đo của việc đổi mới phong cách lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy.
Đổi mới chế độ bầu cử, bổ nhiệm trong Đảng, theo hướng tranh cử dân chủ (nhiều ứng viên cho một chức vụ) nhằm chọn trúng người đứng đầu cấp ủy thực sự là thủ lĩnh chính trị tinh hoa và tiêu biểu. Đồng thời, đổi mới chế độ luân chuyển, điều động... đối với người đứng đầu các cấp ủy một cách phù hợp và thống nhất trong thế bố trí chiến lược đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, trước hết là cán bộ cao cấp của Đảng. Kinh nghiệm của lịch sử dân tộc, chẳng hạn Luật Hồi tỵ thời Hồng Đức (1470 - 1497), đã cho không ít kinh nghiệm có thể tham chiếu hiện nay về phương pháp bố trí, kiểm soát vĩ mô quan lại lúc bấy giờ.
Xây dựng chế độ miễn nhiệm, từ chức của người đứng đầu và bổ sung các hình thức, mức độ kỷ luật khác (huyền chức, hạ chức, cách chức, tước bỏ chức vụ...) đối với người đứng đầu, trên cơ sở quyền gắn với trách nhiệm theo nhiệm vụ, không có vùng cấm, không trừ ngoại lệ, không đợi hết nhiệm kỳ, không vì bất cứ lý do nào khác. Thực hiện kịp thời chế độ khen thưởng và kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với người đứng đầu cấp ủy, tập thể cấp ủy và tổ chức đảng theo Điều lệ Đảng và pháp luật.
Cần định ra chế độ bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ (tín nhiệm và không tín nhiệm, trong Đảng song trùng với Nhà nước) để sàng lọc, lựa chọn thường xuyên, bố trí đúng người đứng đầu cấp ủy các cấp. Lập Quỹ Dưỡng liêm để bảo đảm và cổ vũ người đứng đầu. Tất cả cần được thực thi nghiêm nhặt. Chẳng hạn, dưới thời Lê Thánh Tông, chế độ quan lại phải qua 3 lần khảo thí, khảo khóa (9 năm) mới coi là xứng chức, được xét thưởng và thăng bổ cao hơn; người lập công được thăng thưởng trước niên hạn, người phạm tội phải bị xử lý, không tùy thuộc thời gian; không một ai dám nghĩ khi được bổ nhiệm sẽ làm quan suốt đời, vì luôn đứng trước nguy cơ bị loại bỏ, nếu lười học tập, không tu dưỡng phẩm hạnh hay trễ biếng công vụ; mọi quan lại suốt thời gian đương nhiệm không phạm bất kỳ sai lầm nào đều được hưởng chính sách “Dưỡng liêm”.
Quy định người đứng đầu thực thi nghiêm chế độ báo cáo và chế độ giải trình trách nhiệm một cách công khai, minh bạch và dân chủ trong Đảng theo Điều lệ Đảng và tại cơ quan, đơn vị theo pháp luật của Nhà nước.
Thực thi chế độ khen thưởng và kỷ luật một cách dân chủ, nghiêm minh, kịp thời đối với công việc thực thi phương thức lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy nói riêng và công tác đảng nói chung. Các tổ chức đảng, trước hết là các cơ quan tổ chức, kiểm tra và khen thưởng của Đảng chủ động thực thi công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, một cách sát thực về hoạt động của tổ chức đảng cùng cấp và cấp dưới theo các quy chế, trước hết là cấp ủy và người đứng đầu, không chỉ cơ quan đảng mà gắn với cơ quan lãnh đạo của chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các doanh nghiệp và những địa bàn trong nước và ở nước ngoài có tổ chức đảng.
Hiện đại hóa các phương tiện, công cụ làm việc phục vụ công tác lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, ở tất cả các cấp.
5- Đổi mới công tác đào tạo theo hướng chuyên biệt trong hệ thống đảng về khoa học chính trị, khoa học về đảng chính trị nói chung và công tác xây dựng Đảng nói riêng
Lãnh đạo chính trị là một nghề, lại là nghề chuyên biệt. Và, đã là chuyên nghiệp thì không thể không đào tạo toàn diện một cách chuyên biệt. Ngày xưa, ông cha ta từng lập trường Quốc Tử Giám (còn gọi là Quốc Học viện) chuyên dạy con em hoàng tộc và các quan đại thần, hay sau này là trường hậu bổ. Tất cả từ con cháu hoàng tộc tới những người đỗ đạt qua các kỳ thi đều phải dự thi, ai đỗ mới được bổ làm quan, nếu không đỗ thì con cháu hoàng tộc tuy được phong tước, nhưng tuyệt đối không được giao quyền. Chính sách này khiến cho tất cả đều bình đẳng, khó lòng oán trách nhà vua, góp phần ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, mua quan bán tước...
Nay, hệ thống đào tạo hiện có chung quanh công việc này, đã có đóng góp nhất định. Nhưng, từ toàn cục, tất cả những gì hiện tồn, không ngang tầm và chưa tương thích: về tính khoa học, về tính chuyên biệt, chuyên nghiệp, tính cụ thể và tính khả thi về chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt; về đối tượng đào tạo thích ứng theo nhu cầu nâng cao và phát triển của khoa học chính trị nói chung và khoa học về Đảng nói riêng; về chương trình kiểm nghiệm sau đào tạo, bồi dưỡng; v.v... Do đó, cần cơ cấu lại công việc đào tạo, bồi dưỡng theo phương châm: Định hướng về quan điểm, định tính về chất lượng, định lượng về dung lượng, định danh theo nhiệm vụ và định vị theo chức vụ (theo yêu cầu và tố chất riêng của người đứng đầu cấp ủy) một cách khoa học về nội dung và thiết thực về phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, chức năng, vai trò, quy mô và tính chất lãnh đạo của Đảng hiện nay. Dạy thì cần thiết thực coi trọng từ hành làm đầu, đoạn tuyệt hẳn lối học sáo rỗng kiểu từ chương.
Theo đó, sắp xếp, phân công hợp lý hệ thống trường đào tạo gắn với đổi mới, thành lập cơ quan nghiên cứu cần thiết, để phục vụ công việc này một cách khả dụng và hữu hiệu./.
APEC 2017: Hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền APEC 2017  (29/09/2017)
Phiên họp toàn thể lần thứ 7 Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội  (29/09/2017)
Ra mắt Nhóm nghị sỹ hữu nghị Brazil - Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2019  (29/09/2017)
Quốc hội Campuchia ủng hộ phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam  (29/09/2017)
Quan hệ Việt Nam - Kazakhstan phát triển trên nhiều lĩnh vực  (29/09/2017)
Việt Nam cam kết cùng cộng đồng quốc tế chấm dứt nạn buôn người  (29/09/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay