Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 05 đến ngày 11-6-2017

Hồng Ngọc tổng hợp
15:28, ngày 12-06-2017
TCCSĐT - Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với 4 bộ và TP. Hồ Chí Minh về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hơn 81.600 hồ sơ điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp; gần 88% thủ tục hành chính sẽ được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Nam từ ngày 03-7-2017;… là những tin nổi bật tuần qua.

Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính 06 tháng đầu năm 2017 và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Kiên quyết xóa bỏ cơ chế ''xin - cho'', lợi ích nhóm

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21-3-2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiên quyết xóa bỏ cơ chế ''xin - cho'', lợi ích nhóm. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và các địa phương tiếp tục rà soát, trình Chính phủ trong tháng 11-2017 bổ sung các lĩnh vực có thể phân cấp tiếp cho địa phương, theo hướng cấp nào sát việc nhất thì cấp đó thực hiện, tránh tình trạng thông qua nhiều cấp trung gian dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức.

Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ với nội dung trọng tâm là: tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% các đơn vị thuộc, trực thuộc trong năm 2017; việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố ý làm trái các quy định pháp luật, gây khó khăn cho người dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính.

Đồng thời, gắn kết chặt chẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử với cải cách thủ tục hành chính. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, các phần mềm dùng chung, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước. Thực hiện cung cấp trực tuyến dịch vụ công mức độ 3, 4 và tích hợp các dịch vụ công này với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân.

Thiết lập hệ thống thông tin điện tử một cửa kết nối các cấp chính quyền

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong quý III-2017 trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước các cấp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa kiểm soát thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử; thiết lập hệ thống thông tin điện tử một cửa kết nối giữa các cấp chính quyền nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; tăng cường tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; tăng tính liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng số lượng thủ tục hành chính được hướng dẫn, tiếp nhận, giám sát, trả kết quả; tạo hành lang pháp lý cho việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền và cho tổ chức và hoạt động của các trung tâm hành chính công, trong đó cần tính tới yếu tố đặc thù của địa phương, bảo đảm tính khả thi và tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. Đưa Chỉ số cải cách hành chính là một trong những nội dung kiểm tra về cải cách hành chính của Lãnh đạo Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với 4 bộ về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 07-6, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập chủ trì cuộc làm việc xem xét, đánh giá về đổi mới cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 4 bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết việc đổi mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập không phải là cắt giảm cơ học số lượng đơn vị mà là xóa bỏ bất cập, cắt giảm lãng phí ngân sách nhà nước cấp phát cho việc thực hiện dịch vụ công, tinh giản biên chế và mục đích cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu lực và chất lượng trong cung ứng dịch vụ công.

Tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc một số bộ, ngành. Sau khi Trung ương ra nghị quyết về lĩnh vực này thì các bộ phải rà soát lại mạnh mẽ hơn, đưa ra giải pháp đột phá hơn để tinh gọn lại bộ máy, biên chế đi kèm với tăng cường năng lực, chất lượng.

Bên cạnh đó, cần đánh giá lại cơ chế và mức độ tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay trong từng lĩnh vực. “Tự chủ tài chính càng cao thì mới tự chủ được về biên chế, tổ chức. Không thể không tự chủ được về tài chính mà đòi trao quyền quá nhiều về xác định biên chế và tuyển dụng cán bộ, nhân viên”, Phó Thủ tướng nói.

Gắn liền với tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương làm rõ lộ trình chuyển từ phí sang giá dịch vụ công, tính đúng, tính đủ các yếu tố vào giá khi coi đây là điều kiện then chốt để chuyển sang xã hội hóa và tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, không phải đưa giá dịch vụ lên cao chót vót là tự chủ tài chính, điều này liên quan đến ngân sách nhà nước và khả năng chi trả của người dân, đến yếu tố kiểm soát vĩ mô.

Bộ Giao thông vận tải hiện quản lý 68 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó 20 đơn vị tự chủ được chi thường xuyên, 42 đơn vị bảo đảm được một phần chi thường xuyên (khoảng 30-70%), Nhà nước bảo đảm 100% chi phí chi thường xuyên cho 6 đơn vị (ở lĩnh vực giám định y khoa, bảo vệ sức khỏe môi trường...).

Bộ Công Thương đang quản lý 67 đơn vị sự nghiệp công lập với 15.421 lao động, giảm 1.324 người so với năm 2011. Trong số này có 3 đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, 5 đơn vị tự chủ chi thường xuyên.

Số đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là 70, trong đó có 2 đơn vị tự chủ chi thường xuyên, 67 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên, 1 đơn vị do ngân sách bảo đảm chi.

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường có 67% đơn vị thuộc Bộ bảo đảm chi thường xuyên, chiếm hơn 70% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ cũng đẩy mạnh giảm các đầu mối trực thuộc ở cấp huyện đối với Văn phòng đăng ký sử dụng đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất.

Khảo sát tình hình các đơn vị sự nghiệp công tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 10-6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khảo sát về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng mong muốn TP. Hồ Chí Minh đánh giá khả năng đáp ứng các dịch vụ công của hệ thống đơn vị sự nghiệp hiện nay với người dân, doanh nghiệp; các giải pháp của địa phương trong giảm đầu mối, biên chế đi liền với giảm chi thường xuyên; tìm ra phương thức chi trả của Nhà nước hiệu quả qua các phương thức cấp phát, đấu thầu - đặt hàng dịch vụ công; mô hình quản lý về mặt Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết trong 5 năm qua, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế viên chức trên địa bàn đều tăng, từ 1.765 đơn vị lên 1.871 đơn vị (tăng 106 đơn vị), trong khi số đơn vị tự chủ được chi thường xuyên chỉ tăng 13 đơn vị lên 172 đơn vị. Về biên chế, số lượng người làm việc tăng 11.421 người, hiện đang ở mức 118.609 người. Nguyên nhân là do tăng dân số cơ học quá nhanh nên Thành phố phải mở rộng trường lớp, xây dựng mới trường, bệnh viện cũng như thành lập các đơn vị mới và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thanh, tới năm 2018, toàn Thành phố sẽ có 55 bệnh viện sẽ tự chủ được chi phí thường xuyên. Còn với các trung tâm, trạm y tế thì phải hoàn thiện đầu tư thêm chứ chưa tự chủ được. Đối với các đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa, thể thao và du lịch, tới năm 2021 có từ 30-40% đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp thuộc các lĩnh vực khác sẽ có khoảng 60% bảo đảm chi thường xuyên.

Riêng với giáo dục, hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập chiếm 76% tổng số đơn vị công lập trên địa bàn. Hiện nay mới có 0,7% tổng số đơn vị giáo dục công lập bảo đảm chi thường xuyên.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết Thành phố đã có đề án đẩy mạnh xã hội hóa trong y tế, giáo dục nhưng khó khăn hiện nay là phải có hướng dẫn thực hiện. Thực tế, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm hợp tác công tư (PPP) trong vận hành trạm y tế phường, xã. Cụ thể, UBND Quận 3 đã thực hiện hợp tác công tư với một doanh nghiệp tư nhân trong vận hành Trạm y tế Phường 11.

Đánh giá đây là mô hình thí điểm hứa hẹn nhiều lợi ích cho xã hội, song Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tuy không phân biệt đối xử đơn vị sự nghiệp nào là công hay tư nhưng phải rành mạch công- tư trong hợp tác, phân chia nguồn thu cho hợp lý và nghiên cứu xây dựng một pháp nhân cho kiểu hợp tác này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh xây dựng danh mục các loại hình dịch vụ công cần sử dụng 100% ngân sách nhà nước và danh mục dịch vụ công không sử dụng ngân sách để làm tiền đề cho các đơn vị sự nghiệp công lập triển khai đổi mới hoạt động.

Tiếp nhận hơn 81.600 hồ sơ điện tử trong lĩnh vực nông nghiệp

Triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính của Bộ được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và tiếp tục được thực hiện có hệ thống, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó tập trung chỉ đạo rà soát, kiến nghị sửa đổi các văn bản quy định về kiểm tra chuyên ngành, phí, lệ phí, điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Về xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đến nay, bước đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng, cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại 2 đơn vị là Cục Bảo vệ thực vật và Cục Chăn nuôi. Đồng thời khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, tích hợp với Cổng thông tin một cửa quốc gia và triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tạo thuận lợi thương mại. Tính đến hết tháng 5-2017, kết quả tiếp nhận, xử lý giải quyết hồ sơ cấp phép điện tử của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đạt tổng số hơn 81.600 hồ sơ. Trong đó đã xử lý, giải quyết và cấp phép, Giấy chứng nhận điện tử hơn 72.400 hồ sơ, số còn lại đang tiếp tục xử lý.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, đến nay Bộ đã công bố chuẩn hóa 430 thủ tục hành chính gồm 274 thủ tục hành chính cấp trung ương, 125 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 25 thủ tục hành chính cấp huyện và 6 thủ tục hành chính cấp xã. Theo bà Kim Anh, để thực hiện tốt hơn các dịch vụ công, cần đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công, tập trung vào các loại hình có thể xã hội hóa cao như y tế, một số ngành nghề đào tạo, xây dựng mô hình khuyến nông, phân tích, kiểm định, kiểm nghiệm… Đặc biệt, chuyển một phần nội dung thu phí, lệ phí sang cơ chế giá dịch vụ.

Hà Nam: Khắc phục tình trạng chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

UBND tỉnh Hà Nam cho biết, 1.246/1.417 thủ tục (chiếm gần 88%) trên 100 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của 19 sở, ban, ngành và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Nam bắt đầu từ ngày 03-7-2017.

Theo đó, các cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Với những hồ sơ, thủ tục hành chính đã đưa ra thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, các sở, ban, ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh không bố trí tiếp nhận tại cơ quan, đơn vị mình.

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh Hà Nam đã đạt được những kết quả nhất định về xây dựng thể chế, về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Đến nay, toàn tỉnh có 1.297 thủ tục hành chính thuộc 94 lĩnh vực được thực hiện theo cơ chế một cửa, 35 thủ tục hành chính thuộc 7 lĩnh vực được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã từng bước khắc phục tình trạng chậm trễ, đùn đẩy, né tránh; giảm bớt phiền hà, tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân; rút ngắn thời gian, chi phí và thúc đẩy nhanh quá trình gia nhập thị trường, tham gia sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; góp phần đảm bảo môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của tỉnh Hà Nam vẫn còn một số hạn chế như: thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà; việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc một số lĩnh vực còn bất cập, chưa nhanh, gọn; nhiều đơn vị bố trí công chức ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa phù hợp yêu cầu về chất lượng, số lượng. Một bộ phận công chức còn hạn chế về năng lực thực thi, hướng dẫn thủ tục hành chính dẫn đến việc tiếp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa đúng quy trình. Việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhiều lúc thiếu chặt chẽ, chưa khép kín, dễ nảy sinh tiêu cực./.