Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 05 đến 11-12-2016

Hồng Ngọc tổng hợp
12:43, ngày 13-12-2016
TCCSĐT - Tại buổi họp tổng kết công tác năm 2016 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh yêu cầu: “Tổ chức thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, kiên quyết miễn nhiệm, thay thế đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức”.

Thủ tướng Chính phủ: Hưng Yên cần tập trung xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực

Sáng 11-12, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 75 thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Hưng Yên đã đạt được, đồng thời đề nghị tỉnh tập trung làm tốt một số nhiệm vụ.

Đó là quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực, hiệu quả; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Hưng Yên cần phải phấn đấu ngay trong năm 2017-2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đạt mức bình quân của cả vùng”, Thủ tướng nói và yêu cầu tỉnh phát huy hơn nữa tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo môi trường và động lực mới cho phát triển.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Kiên quyết miễn nhiệm cán bộ, công chức yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức

Ngày 07-12, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã họp tổng kết công tác năm 2016 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tính đến tháng 11-2016, các thành viên Ban Chỉ đạo tại các bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành gần 160 nghị định để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh và điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong đó phần lớn là các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và nhiều nghị định quy định về các nội dung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ, tiền lương và trợ cấp xã hội.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động trong việc rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, giúp kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các văn bản hết hiệu lực, trái pháp luật hoặc văn bản không còn phù hợp với tình hình thực tế. Các bộ, ngành đã tích cực rà soát, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, góp phần từng bước loại bỏ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong năm 2016, các bộ, ngành và địa phương đã cơ bản hoàn thành công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính và đang cập nhật dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Cho tới tháng 9-2016, các bộ, ngành đã hoàn thành đơn giản hóa 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt 95.85%). Công tác rà soát, đánh giá thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện thường xuyên và mang lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện.

Thực hiện Đề án 896, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực xây dựng và hoàn thiện các thể chế cho việc cấp số định danh cá nhân. Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch triển khai thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được các thành viên Ban Chỉ đạo quan tâm, đôn đốc và chỉ đạo trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc, giúp tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Bộ Nội vụ đang tích cực nghiên cứu, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Cán bộ, công chức hoặc sửa đổi, bổ sung, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo các quy định. Tính đến hết tháng 11-2016, đã thực hiện tinh giản biên chế được 18.839 người, trong đó, các cơ quan Đảng, đoàn thể là 789 người; các cơ quan hành chính là 2.342 người; các đơn vị sự nghiệp công lập là 12.041 người; cán bộ, công chức cấp xã là 3.553 người; khối doanh nghiệp nhà nước là 114 người.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Ghi nhận những kết quả đạt được, phân tích các hạn chế, nguyên nhân, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục xây dựng thể chế pháp luật, các văn bản hướng dẫn, khắc phục cho được tình trạng luật trình rồi rút, luật khung, luật ống, luật, nghị định vừa ban hành đã phải sửa. Việc xây dựng thể chế phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn thông qua việc nhận phản ánh thông tin của xã hội, kiến nghị của cử tri, phản ánh của doanh nghiệp, qua Mặt trận và các đoàn thể, báo chí, qua công tác kiểm tra của bộ máy nhà nước, phản ánh của doanh nghiệp trong, ngoài nước để đánh giá các vấn đề đặt ra, thiết kế chính sách phù hợp, để luật, văn bản hướng dẫn đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Thẳng thắn đánh giá hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo là chưa “đều tay”, phát hiện, đề xuất vấn đề chưa tới nơi, tới chốn, chưa đầy đủ, Phó Thủ tướng đề nghị cải cách ngay cách làm việc của Ban Chỉ đạo, phát huy trách nhiệm phát hiện và kiến nghị chính sách, thảo luận để xây dựng thể chế, không để trở thành hình thức. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, của các bộ, ngành, phát hiện cho được những vấn đề đang là trở ngại của công cuộc cải cách hành chính, đề xuất các giải pháp cụ thể.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trọng tâm là công tác bổ nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, tiếp tục hoàn thiện thể chế xây dựng văn bản về tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, đặc biệt là giám sát chặt chẽ quy trình xử lý các vụ án về người đứng đầu mà dư luận đặc biệt quan tâm. “Tổ chức thực hiện nghiêm việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, kiên quyết miễn nhiệm, thay thế đối với cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Xây dựng hệ thống quản lý dân cư: Bước đột phá mới trong cải cách thủ tục hành chính

Sau 3 năm tổ chức triển khai, dự án "Xây dựng hệ thống quản lý dân cư" tại thành phố Hải Phòng đã đạt hiệu quả và đáp ứng tiến độ đề ra. Thành công của dự án sẽ là tiền đề để xây dựng và triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc.

Việc triển khai dự án được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án đã thí điểm thu thập thông tin dân cư tại xã Tân Tiến, huyện An Dương và phường Đa Phúc, quận Dương Kinh để rút kinh nghiệm và giai đoạn 2 triển khai mở rộng dự án trên địa bàn toàn thành phố Hải Phòng. Sau 3 năm thực hiện, dự án "Xây dựng hệ thống quản lý dân cư" tại thành phố Hải Phòng đã đạt hiệu quả và đáp ứng tiến độ đề ra. Qua việc triển khai dự án đã hoàn thành việc thu thập, nhập dữ liệu và tổ chức cấp số định danh cá nhân cho gần 2 triệu công dân thành phố Hải Phòng.

Việc khai thác dữ liệu dân cư trong hệ thống đã góp phần phục vụ ngành Công an và ngành Tư pháp thành phố Hải Phòng hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính trong công tác đăng ký cư trú, cấp căn cước công dân, đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch, đi lại. Đến nay, thông qua hệ thống quản lý dân cư thành phố, cơ quan Công an đã tiến hành giải quyết đăng ký thường trú cho hơn 70.000 trường hợp, giải quyết đăng ký tạm trú cho hàng ngàn trường hợp. Công an thành phố cũng đã triển khai thông tin dân cư phục vụ việc cấp căn cước công dân cho gần 90.000 trường hợp.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Phượng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, trước đây, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và hộ khẩu, các thủ tục hành chính cấp các loại giấy tờ cho công dân, lưu trữ hồ sơ và tập hợp các văn bản lưu trữ để hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động của ngành, lĩnh vực đều được thực hiện bằng phương pháp ghi chép thủ công. Một số đơn vị sử dụng máy tính nhưng chỉ để lưu số liệu phục vụ thống kê, không phục vụ tra cứu hoặc xác nhận. Với cách thức như vậy, việc quản lý dân cư đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, Công an thành phố giải quyết các thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú và khai báo tạm vắng của công dân sau đó được lưu trữ tại tàng thư Hồ sơ hộ khẩu tại công an các quận, huyện. Trong khi đó, công tác cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân được lưu trong tàng thư căn cước công dân, tại phòng PC64, Công an các đơn vị. Như vậy song song tồn tại hai hệ thống tàng thư.

Đại tá Nguyễn Trọng Phượng đánh giá, thực hiện Dự án là bước đột phá mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính, căn bản đáp ứng yêu cầu của người dân. Ứng dụng phần mềm quản lý dân cư giúp cho việc tra cứu thông tin dân cư nhanh chóng, chính xác, thuận tiện phục vụ cho việc đăng ký quản lý cư trú, cấp, quản lý chứng minh nhân dân 12 số, thẻ căn cước công dân trên toàn địa bàn thành phố; đồng thời phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, xác minh thông tin về đối tượng kịp thời, có hiệu quả cao.

Khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Phú Yên

Ngày 06-12, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển công nghệ thông tin và khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Phú Yên.

Dự kiến trong quý I-2017, Viettel sẽ hỗ trợ tỉnh Phú Yên mở rộng mô hình một cửa liên thông; triển khai lắp đặt các điểm phát sóng wifi công cộng tại thành phố Tuy Hòa; hoàn thành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đến 100% trường học trên địa bàn tỉnh, ở các hạng mục như: mạng cáp quang, phần mềm quản lý trường học, quản lý thống kê…

Tại lễ ký kết, tỉnh Phú Yên và Tập đoàn Viettel đã khai trương Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ông Lê Tỷ Khánh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên cho biết, qua Cổng thông tin này, người dân và doanh nghiệp có thể tìm hiểu, đăng ký thực hiện các thủ tục hành chính một cách thuận tiện. Đây là một nỗ lực của tỉnh Phú Yên trong việc cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử…

TP. Hà Tĩnh: Xây dựng chính quyền đô thị thân thiện, kỷ cương

Cuối tháng 9-2016, quyết định và các quy định cụ thể về việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính nhà nước phải công khai xin lỗi nhân dân khi xảy ra trường hợp gây khó khăn, phiền hà hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính được ban hành. Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Trần Quốc Toản cho biết: Quy chế đã quy định rất rõ về các hành vi phải xin lỗi, trách nhiệm, cách thức công khai xin lỗi và xem xét xử lý vi phạm sau khi thực hiện. Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo niêm yết công khai quy định này tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Tại các vị trí này cũng sẽ dành vị trí để niêm yết các văn bản xin lỗi của các cá nhân vi phạm quy định.

Quy định và quy chế xin lỗi công dân được triển khai quyết liệt cùng với các giải pháp hiệu quả trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hoạt động bộ máy đang được thực hiện đồng bộ đã mang đến những tín hiệu đáng mừng bước đầu. Theo số liệu từ Văn phòng UBND thành phố, 11 tháng năm 2016, số lượng hồ sơ tiếp nhận qua bộ phận một cửa tăng lên với tổng số hơn 10.400 hồ sơ, nhưng tỷ lệ tồn đọng lại giảm đáng kể. Ví dụ như hồ sơ giải quyết các thủ tục đất đai năm nay lên tới gần 7.400 bộ, nhưng số tồn đọng chỉ có 9 hồ sơ (năm 2015 là 57 hồ sơ).

Trao đổi về việc thực hiện quy định mới này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: “Xây dựng chính quyền đô thị thân thiện là một mục tiêu lớn nhưng lại phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Công chức, viên chức cần xin lỗi công dân nếu có trường hợp gây khó khăn, phiền hà hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của công dân, đây là việc phải làm một cách tự nguyện và nghiêm túc”.

Bí thư Thành ủy cho biết thêm, cùng với quy chế xin lỗi công dân được ban hành, thành phố vừa triển khai quy định về việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn. Cấp thành phố sẽ thực hiện đối thoại 6 tháng/lần và cấp phường, xã 1 quý/lần. Qua đó, sẽ tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.

Những động thái tích cực này của TP. Hà Tĩnh đang mang đến niềm hy vọng về một nền hành chính được cải cách một cách mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng hình ảnh chính quyền đô thị thân thiện, kỷ cương./.