Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 22-8 đến ngày 28-8-2016)
An ninh hàng hải là thách thức và cơ hội của khu vực châu Á
Các học giả tại Hội thảo. Ảnh: Vietnam+
Ngày 22-8-2016, tại khách sạn Shangri-La ở Thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Vấn đề an ninh hàng hải khu vực châu Á: Thách thức và cơ hội cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”. Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận, tập trung phân tích các thách thức về an ninh hàng hải hiện nay, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông khi Trung Quốc ngày càng có các hành động ngang ngược, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Theo các học giả, các quốc gia cần tuân thủ theo Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển (UNCLOS) để giải quyết các thách thức an ninh trên biển hiện nay, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Nhiều ý kiến tại Hội thảo nhất trí rằng ASEAN được coi là một bên quan trọng trong vấn đề Biển Đông, vì vậy, các thành viên ASEAN cần tích cực hợp tác, phát huy hiệu quả của các khuôn khổ như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM),… Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đề cập tới các vấn đề hợp tác khác của ASEAN, như hợp tác nghề cá, phòng, chống thiên tai, hợp tác về hàng hải, hải quan,… Các nước ASEAN cần tiếp tục tích cực tham gia giải quyết xung đột ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình, qua đó khẳng định vai trò trung tâm và vị thế là khu vực lớn, ngày càng quan trọng trên thế giới. Thứ trưởng Bộ Điều phối Hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia, Arif Havas Oegroseno cho biết những nước ASEAN có những tranh chấp trên Biển Đông, cần đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, cần đưa ra được những cam kết rõ ràng về các động thái và cách hành xử trên biển. Trong quá trình này, các vấn đề về biển được đề cập bởi các văn bản quy phạm pháp luật. Các nước vi phạm có thể bị khởi kiện khi nước đó là từng tham gia vào các cam kết về luật biển quốc tế.
Phát hiện hành tinh giống Trái đất có thể tồn tại sự sống
Phát hiện hành tinh giống Trái đất có thể tồn tại sự sống. Ảnh: space.com
Ngày 24-8-2016, theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature của Anh, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh được cho là giống với Trái đất quay quanh ngôi sao chủ có vị trí gần nhất với Hệ Mặt Trời. Hành tinh mới có tên gọi Proxima b, có kích thước bằng 1,3 Trái đất, nằm cách Trái đất 4,2 năm ánh sáng, tương đương khoảng cách 40.000 tỷ km. Các nhà khoa học tính toán với trình độ công nghệ hiện nay, con người sẽ phải mất 70.000 năm mới có thể đặt chân lên hành tinh đó. Nhóm nghiên cứu gồm 31 nhà khoa học quốc tế đã tìm ra hành tinh này sau khi xem xét kỹ lưỡng sự thay đổi trong màu sắc ánh sáng của sao chủ lùn đỏ Cận tinh. Đây là ngôi sao nhỏ, mờ thuộc chòm sao Bán Nhân Mã, được phát hiện vào năm 1915, song lại là ngôi sao gần nhất với Trái đất. Đây là điều kiện thuận lợi mở ra cơ hội để các nhà khoa học có thể chụp được những hình ảnh về hành tinh nhằm xác định hai yếu tố then chốt tồn tại sự sống là nước và bầu khí quyển có thực sự tồn tại trên hành tinh mới này hay không. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng xác định được Proxima b mất 11 ngày quay quanh sao chủ Cận tinh trong khi Trái đất quay quanh Mặt Trời với thời gian 365 ngày.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã phát hiện những dấu hiệu đầu tiên về hành tinh này vào năm 2013. Tuy nhiên, phải mất 3 năm để quan sát và sử dụng các dụng cụ chuyên biệt, các nhà khoa học mới công bố việc phát hiện một hành tinh gần giống Trái đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng Proxima b có thể không phải là hành tinh duy nhất quay quanh sao Cận tinh. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang tập trung xác định xem liệu có phải có rất nhiều hành tinh quay quanh ngôi sao này hay không.
Hơn 2,4 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do các cuộc tấn công của Boko Haram
Tay súng Boko Haram canh giữ các nữ sinh ở Chibok, Nigeria bị bắt cóc tại một địa điểm bí mật tháng 4-2014. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 25-8-2016, theo báo cáo “Những đứa trẻ được phát triển, Những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các cuộc tấn công bạo lực liên quan đến nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram tại vùng lòng chảo Hồ Sát (bao gồm các quốc gia Nigeria, Cameroon, Chad và Niger) trong mấy năm qua đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ, khiến 1,4 triệu trẻ em thiệt mạng và ít nhất 1 triệu em đang bị kẹt ở những vùng mà các tổ chức cứu trợ quốc tế khó có thể đến được. Bên cạnh 2,6 triệu người hiện bị mất nhà cửa, có đến 2,2 triệu người - trong đó hơn một nửa là trẻ em - đang bị mắc kẹt trong những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Boko Haram và cần được viện trợ nhân đạo. Báo cáo cũng nhấn mạnh số liệu là tính từ đầu năm đến nay, có khoảng 38 trẻ em bị bắt phải thực hiện các cuộc tấn công liều chết, nâng tổng số em bị biến thành kẻ đánh bom liều chết lên con số 86 em tính từ năm 2014. Trong năm nay sẽ có tổng cộng 475.000 trẻ em sinh sống tại khu vực này bị suy dinh dưỡng trầm trọng, tăng so với con số 175.000 em hồi đầu năm, và chỉ riêng ở Nigeria, có khoảng 20.000 em bị ly tán với gia đình của mình.
UNICEF hiện đang phối hợp với các đối tác để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho trẻ em và gia đình của các em tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Tính từ đầu năm đến nay, đã có gần 170.000 em được hỗ trợ về tâm lý, gần 100.000 em được điều trị chứng suy dinh dưỡng trầm trọng và hơn 100.000 em đã tham gia các chương trình dạy học. Tuy nhiên, UNICEF mới chỉ nhận được 13% trong tổng số 308 triệu USD mà tổ chức này cần để có thể hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng bởi các vụ bạo lực do nhóm Boko Haram tiến hành tại vùng lòng chảo Hồ Sát. Ông Manuel Fontaine, Giám đốc khu vực Tây và Trung Phi của UNICEF, cho biết đây sẽ là vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về người tị nạn và người di cư tới đây.
Châu Á sẽ mất 20.000 tỷ USD do lão hóa dân số
Dân số châu Á - Thái Bình Dương đang “già” đi nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Ảnh minh họa: Getty Images
Một nghiên cứu được công bố ngày 25-8-2016 cho biết dân số châu Á - Thái Bình Dương đang “già” đi nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, đồng thời cảnh báo việc gia tăng số người cao tuổi sẽ khiến khu vực này phải chi tới 20.000 tỷ USD vào chăm sóc y tế cho người già từ nay tới năm 2030. Theo nghiên cứu của Trung tâm đánh giá rủi ro châu Á - Thái Bình Dương (APRC) có trụ sở tại Singapore, đến năm 2030 sẽ có 511 triệu người cao tuổi trong khu vực. Nhật Bản sẽ trở thành nước có dân số “siêu già”, với số người cao tuổi chiếm 28% tổng dân số, trong khi 1/5 dân số Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc sẽ ở độ tuổi 65 trở lên.
Theo Giám đốc điều hành APRC Wolfram Hedrich, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh ở châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ qua khiến dân số bùng nổ tại nhiều nước trong khu vực, tạo ra nguồn nhân công dồi dào, dẫn đến năng suất lao động và thu nhập tăng. Tuy nhiên, xu hướng này đang đảo ngược thành việc những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số đang già đi, phải sống dựa vào lớp người trẻ do ở nhà hoặc phải trả chi phí cho chăm sóc sức khỏe. Nghiên cứu này dự báo hệ thống y tế, các doanh nghiệp và gia đình toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đối mặt với áp lực lớn khi khoảng 200 triệu người bước qua tuổi 65 đến năm 2030. APRC ước tính chi phí để chăm sóc người cao tuổi dự kiến lên tới 2,5 tỷ USD/năm, gấp 5 lần chi phí năm 2015. APRC cũng cảnh báo các chính phủ sẽ cần đầu tư mạnh vào việc chăm sóc những người già, đồng thời đánh giá mức độ hiện nay “không bền vững” khi tại nhiều nước, chi phí y tế đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. APRC kêu gọi các chính phủ, cá nhân, công ty bảo hiểm, tổ chức và chuyên gia y tế trong khu vực cần hành động ngay.
Nhật Bản - châu Phi cam kết chống khủng bố và ủng hộ duy trì trật tự hàng hải quốc tế
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Chad Idriss Deby Itno, Chủ tịch liên minh châu Phi AU. Ảnh: Reuters
Ngày 28-8-2016, kết thúc Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ sáu (TICAD 6) diễn ra tại Thủ đô Nairobi của Kenya, lãnh đạo Nhật Bản và các nước châu Phi đã cam kết chống khủng bố và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trật tự hàng hải trên cơ sở luật pháp. Trong Tuyên bố Nairobi được thông qua tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm tạo thêm việc làm tại khu vực đang tăng trưởng nhanh này. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cho biết đang hướng tới duy trì trật tự hàng hải dựa trên cơ sở luật pháp, và tăng cường an ninh, an toàn trên biển thông qua hợp tác quốc tế và khu vực theo luật pháp quốc tế. Tuyên bố cũng tái xác nhận ủng hộ những nỗ lực nhằm cải cách của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, Nhật Bản hy vọng sẽ phân biệt được viện trợ của nước này trong khu vực với của Trung Quốc thông qua thúc đẩy kết cấu hạ tầng chất lượng tốt. Trong các cuộc thảo luận tại TICAD 6, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi những người đồng cấp châu Phi thực hiện các biện pháp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi về vấn đề an toàn và pháp lý để thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản tại khu vực. Liên quan những thách thức mà châu Phi đang đối mặt, như chủ nghĩa khủng bố, các bệnh truyền nhiễm và giá hàng hóa sụt giảm, các bên đã cam kết nỗ lực tạo việc làm cho thanh niên và phụ nữ, thúc đẩy cải cách cơ cấu để đa dạng hóa công nghiệp và tăng cường hệ thống chăm sóc y tế để cải thiện chất lượng cuộc sống./.
Tích cực phòng chống bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung  (29/08/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28-8-2016  (29/08/2016)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28-8-2016  (29/08/2016)
Chủ tịch nước gặp mặt cộng đồng người Việt tại Singapore  (28/08/2016)
Thủ tướng: Phú Yên phải đánh thức tiềm năng đang “ngủ quên”  (28/08/2016)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình họp xử lý khiếu nại ở các tỉnh phía Nam  (28/08/2016)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên