Xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt mạnh trong đấu tranh lý luận hiện nay
TCCSĐT - Đấu tranh trên mặt trận lý luận nhằm góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và quan điểm, đường lối của Đảng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết trong tình hình mới. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng được một lực lượng nòng cốt mạnh để đi tiên phong trong công tác đấu tranh này.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ xây dựng đất nước có những điều kiện thuận lợi hơn so với các giai đoạn trước đây, song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch cũng như các phần tử cơ hội chính trị luôn có những âm mưu nhằm chống phá toàn diện cách mạng nước ta, đặc biệt là trên lĩnh vực lý luận, với những thủ đoạn vừa ngấm ngầm, tinh vi, xảo quyệt, vừa công khai, trắng trợn, kết hợp lực lượng bên ngoài với lực lượng bên trong, tận dụng triệt để tất cả các phương tiện, các tình huống, các hình thức, biện pháp,... Nhưng tất cả những âm mưu, thủ đoạn đó đều có thể đụng phải “bức tường lửa” của chúng ta ngăn chặn và làm thất bại, trong đó có lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận. Gần đây, Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014, của Bộ Chính trị “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” khẳng định: “Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chống âm mưu “diễn biến hòa bình” và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng đã đạt kết quả bước đầu”.
Tuy nhiên, công tác lý luận nói chung cũng như cuộc đấu tranh lý luận của Đảng ta trong nhiều năm qua vẫn còn những yếu kém, khuyết điểm, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp. Đúng như Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014, của Bộ Chính trị đã nhận định: “Kết quả thực hiện nhiệm vụ cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối, quan điểm của Đảng còn hạn chế, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được làm rõ. Đội ngũ cán bộ lý luận đông, nhưng không mạnh, còn ít chuyên gia lý luận đầu đàn trên các lĩnh vực”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những yếu kém, khuyết điểm nói trên, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan. Ở đây, có thể nêu ra một số nguyên nhân chủ quan như sau: sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác lý luận chưa thực sự đúng tầm trong điều kiện Đảng cầm quyền; công tác lãnh đạo, quản lý các hoạt động đấu tranh lý luận chưa theo kịp đòi hỏi của tình hình mới; thiếu sự nghiên cứu sâu về mặt lý luận nên các hoạt động đấu tranh lý luận nhằm phản bác, phản kích những luận điệu sai trái, thù địch chưa có cơ sở khoa học vững chắc, tính thuyết phục chưa cao; đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận, đấu tranh lý luận, nhất là lực lượng nòng cốt, chưa đủ mạnh, còn bất cập so với yêu cầu mới, trong đó đáng chú ý là trình độ kiến thức lý luận, sự hiểu biết về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như năng lực, dũng khí đấu tranh lý luận của đội ngũ này còn hạn chế; cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ nghiên cứu lý luận và đấu tranh lý luận còn thấp kém, manh mún, dàn trải; việc cung cấp thông tin phục vụ đấu tranh lý luận chưa kịp thời, nhiều khi thụ động, thậm chí cung cấp cả những thông tin cũ, lạc hậu; chất lượng một số công trình nghiên cứu khoa học - lý luận liên quan đến nội dung đấu tranh lý luận chưa cao; các bài viết chính luận mang tính bút chiến có độ sâu, sắc bén về lý luận và thực tiễn còn ít; đặc biệt, còn thiếu thông tin về các lực lượng phản động, các phần tử cơ hội chính trị (cả ở trong nước và nước ngoài), nên việc tập hợp các chuyên gia giỏi trong đấu tranh phản kích, phản bác, tiến công lý luận nhiều khi lâm vào thế bị động, mang tính thời vụ.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, đấu tranh lý luận nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng xã hội, tạo thành nhiều tầng nấc tham gia đấu tranh. Song, do tầm quan trọng và tính cấp thiết của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực lý luận và để bảo đảm chất lượng, hiệu quả đấu tranh trên mặt trận không kém phần quyết liệt, nóng bỏng này, vấn đề đặt ra là phải rất coi trọng việc xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận.
Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, thống nhất và nâng cao nhận thức trong xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận
Do tầm quan trọng, tính chất quyết liệt, phức tạp và yêu cầu rất cao của mặt trận đấu tranh lý luận nên cần có sự thống nhất cao về nhận thức trong xây dựng, bồi dưỡng và phát huy vai trò lực lượng nòng cốt mạnh trên mặt trận này. Trước hết, có thể thấy, đây là cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng cũng như quan điểm, đường lối của Đảng, và do vậy, cũng là cuộc đấu tranh “một mất, một còn” giữa chúng ta với các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị. Ở đây, điều dễ nhận thấy là, nếu để mất trận địa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ làm cho cách mạng mất định hướng phát triển.
Hiện nay, một trong những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch là tìm cách mua chuộc, lôi kéo, làm giảm sút lập trường, niềm tin, bản lĩnh của những chuyên gia giỏi về lý luận của chúng ta. Vì vậy, việc thống nhất và nâng cao nhận thức trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, về vai trò của lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận là yêu cầu khách quan của cuộc đấu tranh lý luận của Đảng. Để phát huy vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ làm công tác lý luận nói chung cũng như của đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận, trong Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9-10-2014, Bộ Chính trị đã đề ra giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ này, trong đó nhấn mạnh: “Có biện pháp thích hợp nhằm phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo của cán bộ có trình độ chuyên môn cao và bản lĩnh chính trị vững vàng (cả đương chức và nghỉ hưu). Đổi mới căn bản công tác đào tạo cán bộ lý luận, từ quy hoạch đến chương trình, nội dung, phương pháp tuyển chọn, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và sử dụng cán bộ. Hình thành đội ngũ cán bộ đầu đàn và các lớp cán bộ kế tiếp, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”.
Hai là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, phương pháp, nội dung đấu tranh lý luận cho lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận
Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc tập hợp được lực lượng nòng cốt mạnh trong mặt trận đấu tranh lý luận của Đảng để chống lại các quan điểm sai trái, thù địch là rất cần thiết, song điều quan trọng là phải làm cho lực lượng này luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tri thức lý luận sâu rộng, có năng lực và dũng khí đấu tranh nhằm làm thất bại mọi mưu mô xảo quyệt của các thế lực thù địch trên mặt trận lý luận. Nói cách khác, phải xây dựng được một lực lượng nòng cốt đủ mạnh, “dám đánh, biết đánh và biết thắng” các thế lực thù địch trên mặt trận lý luận; không né tránh hoặc dung hòa, thỏa hiệp về quan điểm, lý luận.
Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận cho lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận cần tập trung vào những vấn đề lý luận có tính nguyên lý và chiến lược, cũng như những vấn đề thực tiễn cơ bản và cấp bách đang đặt ra. Đó là những nguyên lý, những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng và những vấn đề cốt yếu của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); những quan điểm, những nhận thức mới về bản chất, đặc điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, về tính chất, đặc điểm của thời đại ngày nay, về tình hình thế giới và khu vực; những thành tựu mới của khoa học - lý luận, nhất là khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới;… Đồng thời, bồi dưỡng phương pháp tư duy biện chứng, phương pháp lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tham mưu, đề xuất, phát hiện và phương pháp đấu tranh trực diện có căn cứ khoa học, có sức thuyết phục cao nhằm làm thất bại mọi quan điểm, lý luận sai trái, thù địch.
Để công tác bồi dưỡng lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận đạt được mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh lý luận trong tình hình mới, đòi hỏi các cơ quan tư tưởng, lý luận - khoa học hàng đầu của Trung ương, như Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,… cần chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch đấu tranh lý luận, định hình, thiết lập hệ thống khung lý luận, các luận cứ, luận điểm đấu tranh lý luận; trên cơ sở đó, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận và định hướng nội dung đấu tranh lý luận cho lực lượng nòng cốt mạnh theo sự chỉ đạo, lãnh đạo tập trung, thống nhất từ Trung ương đến các cơ quan nghiên cứu lý luận - khoa học.
Ba là, bồi dưỡng kỹ năng khai thác, sử dụng mạng in-tơ-nét cho lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận, nhằm bảo đảm tính kịp thời, sắc bén, hiệu quả trong đấu tranh lý luận
Cuộc đấu tranh lý luận chống các quan điểm, lý luận sai trái, thù địch trên mạng in-tơ-nét thường gặp nhiều khó khăn, phức tạp, bởi vì, nhiều khi đối thủ của chúng ta, tức tác giả của các quan điểm, lý luận sai trái, thù địch đó không lộ diện, trong khi chúng ta lại phải ứng phó trong thời gian tương đối ngắn. Vả lại, phần lớn lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận cũng như những chuyên gia giỏi về lý luận ở nước ta hiện nay là những người cao tuổi, việc làm chủ các trang bị, phương tiện công nghệ thông tin kỹ thuật cao, trong đó có lĩnh vực in-tơ-nét, gặp khó khăn hơn lớp trẻ. Cho nên, để nâng cao tính hiệu quả của cuộc đấu tranh lý luận trong thời đại “bùng nổ thông tin”, vấn đề đặt ra là cần có sự bồi dưỡng kỹ năng khai thác, sử dụng và đấu tranh lý luận trên mạng in-tơ-nét cho lực lượng nòng cốt mạnh và những chuyên gia được huy động vào mặt trận đấu tranh nóng bỏng này.
Đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm, lý luận sai trái, thù địch trên mạng in-tơ-nét trước hết phải là các chuyên gia giỏi về lý luận, những cây bút sắc bén, am hiểu về thực tiễn, đồng thời có khả năng ứng dụng kịp thời công nghệ thông tin để xử lý nhanh các tình huống. Do vậy, cần có kế hoạch tổ chức học tập, bồi dưỡng chuyên biệt cho đội ngũ này những kỹ năng về sử dụng trang bị, phương tiện công nghệ thông tin, kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng phân biệt các dạng tài liệu trên mạng của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị,… để họ làm chủ một cách thuần thục, vừa nhằm đấu tranh phản bác kịp thời các quan điểm, lý luận và hành động sai trái, lệch lạc, thù địch, vừa góp phần quan trọng định hướng dư luận xã hội, không để các quan điểm, lý luận và hành động sai trái, lệch lạc, thù địch đó tác động xấu đến các tầng lớp nhân dân; qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, cần tổ chức phối hợp hiệu quả với các lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng - chính trị trên mạng in-tơ-nét do các cơ quan chức năng đảm nhiệm, để cung cấp những dữ liệu thông tin cụ thể, có tính cập nhập cho lực lượng nòng cốt mạnh trong đấu tranh lý luận.
Bốn là, có cơ chế, chính sách phù hợp đối với lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận
Đấu tranh lý luận là một mặt trận nóng bỏng, quyết liệt, do đó, đòi hỏi người tham gia đấu tranh không chỉ phải có trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ, có phẩm chất, năng lực, phương pháp đấu tranh tốt, mà còn phải có nhiệt huyết, dũng khí và quyết tâm đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng. Họ là những chiến sĩ tiên phong, chủ lực, trực diện trên mặt trận đấu tranh lý luận, luôn phải đối mặt với những thách thức, khó khăn và cả sự hiểm nguy trước sự tấn công của các thế lực thù địch. Vì thế, việc bồi dưỡng và sử dụng họ cũng phải được coi như việc bồi dưỡng và sử dụng những người “hiền tài”. Theo đó, Đảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất về vật chất và tinh thần để họ có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ cuộc đấu tranh trên mặt trận lý luận của Đảng.
Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng cơ chế phối, kết hợp giữa các lực lượng khác nhằm hỗ trợ mặt trận đấu tranh lý luận cũng như lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận. Nội dung cơ bản của cơ chế này cần phản ánh được các mối quan hệ và các nguyên tắc phối, kết hợp, trong đó có cơ chế cung cấp những thông tin cập nhật, kịp thời cho lực lượng nòng cốt mạnh; cơ chế đầu tư vật chất, kỹ thuật theo hướng hiện đại, bảo đảm kinh phí và tạo những điều kiện thuận lợi để lực lượng nòng cốt mạnh hoạt động; cơ chế bảo vệ lực lượng nòng cốt mạnh trước sự tấn công hiểm độc của các thế lực thù địch; cơ chế ưu tiên đăng tải, xuất bản và ưu đãi nhuận bút đối với các ấn phẩm khoa học phục vụ đấu tranh lý luận. Ngoài ra, có chế độ đặc thù về vật chất và tinh thần vừa mang tính ưu đãi và tôn vinh đối với lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận, vừa kịp thời động viên họ hăng hái đấu tranh trên mặt trận lý luận của Đảng.
Năm là, kết hợp lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận với các lực lượng khác để hình thành nhiều tầng nấc trên mặt trận đấu tranh lý luận
Trên cơ sở đánh giá đúng tính chất phức tạp, khó khăn, quyết liệt của cuộc đấu tranh lý luận, trong thời gian qua Đảng ta không chỉ tập trung xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt mạnh làm nhiệm vụ đấu tranh lý luận, mà còn quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, huy động đông đảo, rộng rãi các lực lượng khác tham gia cuộc đấu tranh này. Các lực lượng tham gia bao gồm đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các học viện, nhà trường, nhiều phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, đội ngũ cán bộ các cơ quan văn hóa, nghệ thuật,...
Trước tình hình mới, cần xác định đúng yêu cầu, chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của từng lực lượng, từng cấp, từng ngành, kết hợp chặt chẽ các lực lượng trong đấu tranh lý luận, tạo nên một thế trận hiệp đồng rộng khắp trong phạm vi cả nước, hình thành theo nhiều cấp, nhiều tầng, đồng loạt tiến công các quan điểm, luận điểm sai trái, thù địch trên mặt trận lý luận.
Các lực lượng đông đảo nói trên cũng cần được quan tâm bồi dưỡng, trang bị thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề lý luận cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, cần có định hướng nội dung đấu tranh lý luận cho các lực lượng này, trong đó tập trung vào các nội dung: khẳng định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn; kiên định và quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới; khắc phục mọi biểu hiện dao động, bi quan, bảo thủ, giáo điều, chủ quan, nóng vội, đặc biệt là những biểu hiện xa rời quan điểm, nguyên tắc của Đảng; đấu tranh kiên quyết với những quan điểm, lý luận phản động, sai trái, mà trọng điểm là những quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, dân chủ cực đoan, phủ định thành quả cách mạng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, góp phần cùng lực lượng nòng cốt mạnh bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 23 đến ngày 29-11-2015  (30/11/2015)
Con phải hơn cha để nhà có phúc  (30/11/2015)
Pháp huy động hơn 1 vạn cảnh sát đảm bảo an ninh COP 21  (29/11/2015)
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chủ nghĩa xã hội  (29/11/2015)
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp xúc cử tri tại Bắc Giang  (29/11/2015)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển