TCCS - Tỉnh Ninh Bình với những di sản thiên nhiên tươi đẹp đang là điểm đến thu hút một lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực, như tăng doanh thu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, …, cũng gây ra một số tác động tiêu cực, như làm xói mòn di sản, quá tải hạ tầng, mất cân bằng sinh thái… Do đó, việc bảo vệ môi trường khu vực di sản là một trong những trách nhiệm quan trọng, cần có nhận thức đúng đắn và hành động kịp thời.
Thực trạng công tác bảo vệ môi trường tại các di sản thiên nhiên ở Ninh Bình
Tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều danh lam, thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, đặc biệt, Quần thể Danh thắng Tràng An được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Quần thể danh thắng Tràng An hiện nay có 6 khu, điểm du lịch chính gồm: Khu di tích văn hóa lịch sử Cố đô Hoa Lư; Khu du lịch sinh thái Tràng An; Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; Khu du lịch Thung Nham; Khu du lịch động Thiên Hà và Tuyến du lịch Thạch Bích - Thung Nắng. Tại các điểm du lịch trong vùng di sản, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được bảo đảm, cơ sở vật chất luôn được đầu tư và nâng cấp; văn hóa, văn minh du lịch được nâng cao, chất lượng nguồn nhân lực và công tác phục vụ, đón tiếp khách du lịch đã cơ bản đi vào nền nếp; công tác quảng bá xúc tiến du lịch luôn được chú trọng, hình ảnh và thương hiệu du lịch của các khu, điểm du lịch trong Quần thể danh thắng Tràng An ngày càng được khẳng định. Danh hiệu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới của Quần thể danh thắng Tràng An thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, khẳng định vị trí trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường, tỉnh Ninh Bình luôn đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong giữ gìn bảo vệ môi trường di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Triển khai các biện pháp thiết thực, tổ chức các lớp tập huấn, trong đó lấy chính người dân làm hạt nhân nòng cốt để thực hiện mục tiêu bảo tồn bền vững. Các doanh nghiệp khi đầu tư tôn tạo điểm du lịch đều phải tôn trọng tối đa yếu tố tự nhiên, tôn trọng giá trị văn hóa, lịch sử của di sản trong phục dựng và phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo đảm phát triển du lịch không mâu thuẫn với công tác bảo tồn tự nhiên.
Kết quả cho thấy, cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại các khu, điểm trong khu di sản đều rất hưởng ứng và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ cảnh quan môi trường, như tổ chức thu gom rác thải, xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải công cộng gìn giữ vệ sinh môi trường, do đó đã giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực đến môi trường trong vùng di sản. Một trong những mô hình điểm về bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên môi trường là Khu du lịch sinh thái Tràng An. Trên mỗi thuyền, người lái đò đều chuẩn bị giỏ đựng rác và mỗi người lái đò là một tuyên truyền viên tuyên truyền cho khách du lịch cùng chung tay với người dân địa phương bảo vệ môi trường, không vứt rác thải bừa bãi. Trên mỗi đoạn sông, hằng ngày có những chiếc thuyền nhỏ vớt rong rêu để bảo đảm môi trường, cảnh quan luôn sạch đẹp. Khách đến Tràng An luôn cảm thấy thư thái, hài lòng không chỉ bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà còn được hòa mình trong không khí trong lành, không rác thải và sự đón tiếp nồng hậu, thân thiện của người dân địa phương.
Không chỉ riêng Khu du lịch sinh thái Tràng An, một số khu vực khác cũng đã và đang là những điển hình trong công tác bảo vệ môi trường. Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, xã Ninh Hải (Hoa Lư) những năm gần đây thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Điều mà mỗi du khách khi đến đây đều ghi nhận và đánh giá cao là việc gìn giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên được thực hiện tốt. Tại các khu du lịch, xã Ninh Hải tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân làm du lịch cũng như du khách đến tham quan về bảo vệ môi trường, bảo tồn nguyên trạng giá trị, tính toàn vẹn và xác thực của di sản. Nhìn chung, đa số người dân trên địa bàn đã hiểu và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ di sản; có những hành động tích cực để bảo vệ môi trường, không xâm phạm các giá trị trong vùng lõi di sản. Công tác tuyên truyền, tập huấn của các cấp, các ngành giúp người dân cũng như du khách hiểu rõ, để phát triển du lịch và tạo sinh kế bền vững, người dân phải làm tốt công tác bảo tồn di sản, cần thay đổi tư duy và cách thức làm du lịch. Vì vậy, ngoài tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, cả người dân và du khách cần chung tay bảo vệ nguyên vẹn vùng lõi di sản, bảo vệ môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn triển khai nhiều giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, trong đó, huyện tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân và du khách về xử lý rác thải, nước thải, giữ gìn cảnh quan, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp theo Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch; gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với du khách và bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch. Bên cạnh việc phối hợp trồng hơn 20 nghìn cây xanh góp phần lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường, giảm biến đổi khí hậu, Huyện đoàn Gia Viễn còn đẩy mạnh vận động, tuyên truyền nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan tự nhiên, không tàn phá đa dạng sinh học cũng như nâng cao ý thức về việc thu gom rác thải. Để bảo vệ tính đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, các cấp, ngành chức năng địa phương đã phối hợp xây dựng ranh giới, cắm mốc, thống kê các loại đất trong khu vực; thực hiện tốt công tác trồng mới và bảo vệ rừng, bảo vệ các nguồn gen quý hiếm. Tỷ lệ che phủ rừng tốt đã tạo môi trường sinh sống cho các loài động, thực vật, giúp cho các loài chim muông sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, huyện Gia Viễn tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, các cấp khai thác các tiềm năng, lợi thế của Khu Bảo tồn Vân Long để phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên. Xác định bảo vệ cảnh quan môi trường và tính đa dạng sinh học của Vân Long có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các ngành, các cấp có các quy định rõ đối với khách du lịch, các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về việc bảo vệ môi trường gắn với thực hiện phát triển du lịch. Hằng năm, huyện thành lập các đội liên ngành kiểm tra các hoạt động tại các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch; qua đó góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Gia Viễn an toàn, thân thiện, văn minh.
Một số bài học kinh nghiệm
Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường tại các khu di sản thiên nhiên, Ninh Bình tập trung thực hiện 5 giải pháp: Xây dựng ban hành cơ chế, chính sách quản lý gắn với bảo vệ môi trường; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và đa dạng sinh học; định kỳ đánh giá sức chịu tải du lịch tại các khu, điểm du lịch; thực hiện tuần tra công tác bảo vệ môi trường cảnh quan; và tuyên truyền, giáo dục cộng đồng.
Cụ thể, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp, liên kết với các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện 10 đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học về các vấn đề đa dạng sinh học, văn hóa lịch sử, địa chất - địa mạo, khảo cổ học... Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình triển khai nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, dự án bảo tồn gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức đón tiếp, phục vụ, hướng dẫn khách đến tham quan bảo đảm thuận lợi, an toàn và chu đáo. Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã thực hiện trên 1.340 lượt tuần tra, phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành có liên quan trong khu Di sản kịp thời phát hiện các trường hợp sai phạm để kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của Di sản, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã tổ chức 3 chương trình tuyên truyền cho gần 300 lao động đang làm việc tại các khu, điểm du lịch.
Việc thay đổi tư duy về cách làm du lịch là hết sức quan trọng, trong đó xác định rõ thương hiệu, bản sắc, các loại hình và sản phẩm du lịch, cách thức tổ chức, quản lý, chiến lược kết nối và hỗ trợ, áp dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, bảo đảm nguyên tắc ngũ giác trong phát triển du lịch bền vững (Phát triển kinh tế, Hạnh phúc của người dân địa phương, Bảo vệ tài nguyên, Bảo tồn và phát triển văn hóa, Sự hài lòng của du khách).
Thực hiện điều tra, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường Di sản, nhất là di sản thiên nhiên quần thể Danh thắng Tràng An theo Quy định của Luật Bảo vệ môi trường để dự báo các tác động xấu đến môi trường khu di sản, là một việc đúng đắn nhằm đưa ra các giải pháp phục hồi, bảo vệ, bảo tồn các giá trị thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng thời, tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát về môi trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Lắp hệ thống quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí xung quanh để dự báo, cảnh báo chất lượng môi trường không khí tại khu di sản. Nhờ đó, nhiều năm liền, tỉnh Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước và được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế có uy tín đánh giá cao. Lượng khách đến tỉnh Ninh Bình tăng trưởng qua từng năm, nhiều sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới. Năm 2023, toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách tham quan, doanh thu đạt hơn 6.500 tỷ đồng; tăng 77% về tổng lượt khách và 103,7% về doanh thu so với năm 2022. Sáu tháng đầu năm 2024, Ninh Bình đón trên 6,26 triệu lượt khách, tăng 38,02% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có trên 700.000 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 5.900 tỷ đồng. Đối với khách du lịch, Ninh Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn không theo mùa vụ mà thích hợp vào tất cả các thời điểm trong năm.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải gắn với phát triển du lịch, bảo tồn môi trường và không gian di sản, không gian sinh tồn và bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Việc phát triển du lịch phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm, không làm tổn hại tới di sản văn hóa mà ngược lại làm giàu các giá trị văn hóa, thông qua các hình thức thực hành, biểu diễn... Điều này đòi hỏi phải có kế hoạch quản lý bền vững, bao gồm đánh giá tác động môi trường và xã hội.
Công tác tuyên truyền được thường xuyên triển khai tại các khu, điểm du lịch nhằm nâng cao nhận thức của du khách và người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, đặc biệt là tại những khu vực nằm trong vùng di sản thế giới. Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh cùng các cơ quan hữu quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức bảo vệ di sản, thực hiện ứng xử văn minh và an toàn tới các đối tượng là cán bộ và người dân trực tiếp tham gia dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch quan trọng.
Chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, vẻ đẹp hoang sơ của các khu di sản thiên nhiên, thời gian tới, các khu bảo tồn thiên nhiên phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tỉnh chú trọng công tác giáo dục, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ môi trường. Xây dựng chiến lược về bảo vệ môi trường ở khu bảo tồn, tập trung trồng và bảo vệ cây xanh, quản lý tốt kết cấu hạ tầng; tăng cường hợp tác liên ngành về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch./.
Các tôn giáo chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình  (10/11/2024)
Huyện ủy Kim Sơn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên là người có đạo  (10/11/2024)
Tỉnh Ninh Bình chú trọng phát huy tổng thể các nguồn lực, trong đó có các tổ chức tôn giáo để xây dựng nông thôn mới  (07/11/2024)
Vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình  (06/11/2024)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay