Cuộc bầu cử Quốc hội Cam-pu-chia khóa VI: Chiến thắng tạo đà của Đảng Nhân dân Cam-pu-chia

Trần Văn Thông Vụ Lào - Cam-pu-chia, Ban Đối ngoại Trung ương
21:47, ngày 18-10-2018

TCCS - Ngày 29-7-2018, cuộc bầu cử Quốc hội Cam-pu-chia khóa VI (nhiệm kỳ 2018 - 2023) đã diễn ra thành công tốt đẹp với tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu lên tới 83,02%. Đây được coi là cuộc bầu cử ghi lại nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử Cam-pu-chia, bởi có số đảng tham gia tranh cử đông đảo nhất (20 đảng) trong các kỳ bầu cử tại nước này từ trước tới nay. Chiến thắng tuyệt đối thuộc về Đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP) tại cuộc bầu cử lần này cho thấy cử tri Cam-pu-chia đã lựa chọn đảng đem lại hòa bình và phát triển đối với đất nước.

Cam-pu-chia trước thềm bầu cử Quốc hội khóa VI

Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI, cục diện chính trường Cam-pu-chia đã bước sang giai đoạn mới với lợi thế thuộc về Đảng Nhân dân Cam-pu-chia (CPP). CPP đã giành thế chủ động và chi phối chính trường, khẳng định là đảng cầm quyền liên tục, lâu dài, dẫn dắt đất nước Cam-pu-chia đạt nhiều thành tựu trong ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế khả quan, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, từng bước hội nhập quốc tế.

Về kinh tế - xã hội, dưới sự điều hành của Chính phủ khóa V do Chủ tịch CPP, Thủ tướng X. Hun Xen (Samdech Hun Sen) đứng đầu, kinh tế Cam-pu-chia đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 7%/năm. Sự tăng trưởng kinh tế của Cam-pu-chia được phản ánh trên các lĩnh vực, như xây dựng, bất động sản, công nghiệp dệt may, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đáng ghi nhận, Cam-pu-chia đang nỗ lực chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ quốc gia dựa chủ yếu vào nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Chính phủ Cam-pu-chia kiên trì chính sách an sinh xã hội, xây dựng các gói bảo hiểm y tế cho mọi người dân, cải thiện chế độ hưu trí, các gói kinh tế dành cho công nhân, nông dân, sinh viên. Theo đó, cùng với những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế, Cam-pu-chia được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả giảm nghèo nhanh chóng trong một thập niên qua. Tỷ lệ nghèo ở Cam-pu-chia đã giảm từ mức 53,2% (năm 2004) xuống dưới 13% (năm 2017) và sẽ tiếp tục giảm 1%/năm. Lạm phát ở mức thấp và nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ. Đời sống của người dân Cam-pu-chia không ngừng được được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Cam-pu-chia liên tục tăng, từ 1.042 USD (năm 2013) lên 1.563 USD (năm 2018).

Chính phủ Cam-pu-chia cũng đặc biệt chú trọng tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, triển khai chính sách kinh tế vĩ mô, giữ ổn định nền kinh tế, thúc đẩy và nâng cao việc đa dạng hóa các thành phần kinh tế, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy công nghiệp chế biến, nâng cao sức cạnh tranh, sản xuất hàng xuất khẩu chất lượng cao. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cũng đạt nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ 2013 - 2018. Vốn dự trữ ngoại hối liên tục tăng, từ 3.643 tỷ USD (năm 2013) lên 9.050 tỷ USD (năm 2017), do nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), nhất là các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc tăng nhanh liên tục.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN được tổ chức ở Thủ đô Phnôm Pênh (tháng 5-2017), Thủ tướng Cam-pu-chia X. Hun Xen từng nhấn mạnh, Cam-pu-chia là nền kinh tế nhỏ nhưng có độ mở lớn; việc đẩy mạnh giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới góp phần quan trọng để phát triển kinh tế. Đến nay, Cam-pu-chia có quan hệ thương mại với hơn 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; tiếp tục thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với các nước lớn, các đối tác phát triển; tăng cường hợp tác với các nước láng giềng. Việc tích cực tham gia các hoạt động đa phương nhằm tranh thủ tối đa sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế và các thể chế tài chính đã giúp Cam-pu-chia kết nối với mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị trong khu vực cũng như toàn cầu.

Chính vì vậy, Cam-pu-chia tự hào là “con hổ kinh tế mới” ở châu Á, khi được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào hàng các quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng cao. Theo dự báo của WB, kinh tế Cam-pu-chia trong năm 2018 - 2019 sẽ duy trì tăng trưởng 7%/năm. Giới chuyên gia nhận định, sự hồi sinh và phát triển toàn diện của Cam-pu-chia “thực sự kỳ diệu”. Riêng ngành công nghiệp, tính đến tháng 6-2018, Cam-pu-chia đã có 1.585 nhà máy, xí nghiệp, tạo công ăn việc làm cho 1.011.146 người; có trên 1 triệu lao động xuất khẩu, hằng năm gửi về nước hàng tỷ USD; trong 4 tháng đầu năm 2018 đã thu hút FDI đạt 634 triệu USD với 47 dự án đăng ký mới; trong 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu 297.080 tấn gạo; dự báo năm 2018 xuất khẩu gạo của Cam-pu-chia sẽ đạt khoảng 500.000 tấn. Du lịch cũng được coi là “vàng xanh” của Cam-pu-chia, đóng góp 12,3% vào GDP của nước này. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Cam-pu-chia đã đón trên 3 triệu du khách quốc tế, tăng hơn 13,59% so với cùng kỳ năm 2017.

Về đối ngoại, quốc phòng - an ninh, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, Chính phủ Cam-pu-chia theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, không can thiệp công việc nội bộ nước khác, đề cao lập trường bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trung lập, gắn hòa bình với phát triển đất nước, duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế. Cam-pu-chia nỗ lực tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); chủ động tham gia cùng ASEAN thúc đẩy cơ chế thương mại đa phương và an ninh mạng, phối hợp với các nước láng giềng xây dựng khu vực biên giới thành khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Về kênh đảng, CPP hết sức coi trọng tham gia cơ chế Ủy ban Thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP). Chính phủ Cam-pu-chia đẩy mạnh hợp tác với các nước trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên biên giới, tội phạm buôn bán người, ma túy, thúc đẩy cắt giảm vũ khí và giảm thiểu nguy cơ do biến đổi khí hậu; nỗ lực cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; chủ động triển khai chính sách đối ngoại trên cơ sở luật pháp quốc gia và vận dụng luật pháp quốc tế theo hướng có lợi nhất cho Cam-pu-chia...

Có thể thấy, nhìn chung Cam-pu-chia đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn và mục tiêu đưa “xứ sở Chùa Tháp” trở thành một nước có thu nhập trung bình vào năm 2030, trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050. Những thành tựu to lớn mà đất nước Cam-pu-chia đã đạt được trong thời gian qua là minh chứng rõ nét khẳng định khả năng lãnh đạo của CPP trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước; tiếp tục củng cố uy tín và vị thế của đảng cầm quyền, tạo tiền đề thuận lợi cho CPP tự tin bước vào cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Cuộc bầu cử tự do, dân chủ và công bằng

Ngày 29-7-2018, dưới sự điều hành của Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC), Cam-pu-chia đã tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Tham gia tranh cử tại cuộc bầu cử lần này có 20 đảng(1) (năm 1993 có 20 đảng; 1998: 39 đảng; 2003: 23 đảng; 2008: 11 đảng; 2013: 8 đảng(2)). Tổng số ứng cử viên được 20 đảng giới thiệu là 1.972 ứng viên chính thức (498 nữ) và 2.154 ứng viên dự bị (732 nữ). Theo dõi cuộc bầu cử có 89.612 quan sát viên trong nước, 539 quan sát viên quốc tế, 1.238 phóng viên báo chí trong nước và quốc tế.

Theo NEC, cuộc bầu cử đã được tổ chức đúng luật, bảo đảm tự do, dân chủ, công bằng và không có hành động bạo lực nào xảy ra. Để bảo đảm an ninh của cuộc bầu cử, Chính phủ Cam-pu-chia đã triển khai trên 80.000 nhân viên an ninh tham gia bảo vệ. Với 6.956.900/8.380.217 cử tri đăng ký đã đi bỏ phiếu (đạt 83,02% - đông hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2013 là 69,61%) để bầu 125 ghế(3) nghị sĩ Quốc hội khóa VI (tăng 02 nghị sĩ so với khóa V), và đặc biệt là, với chiến thắng áp đảo thuộc về CPP trong cuộc bầu cử (4.889.113 phiếu ủng hộ, chiếm 76,85% tổng số phiếu hợp lệ, giành trọn 125 ghế trong Quốc hội mới)(4), cuộc bầu cử lần này cho thấy uy tín của CPP ngày càng được củng cố và người dân Cam-pu-chia ngày càng ý thức được quyền hiến định của mình trong việc lựa chọn người đại diện tại cơ quan lập pháp tối cao nhất của Vương quốc Cam-pu-chia. Các cử tri Cam-pu-chia đã lựa chọn đảng đem lại hòa bình và phát triển cho đất nước. Sự lựa chọn của cử tri Cam-pu-chia là hoàn toàn đúng đắn và CPP xứng đáng với sự lựa chọn này, bởi trong lịch sử vẻ vang của mình, CPP đã có những cống hiến to lớn vào hòa bình và phát triển của đất nước Cam-pu-chia. Người dân Cam-pu-chia không những ghi nhận đóng góp to lớn của CPP trong việc duy trì hòa hợp dân tộc, tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo trong suốt gần 40 năm qua, mà còn ủng hộ chủ trương của đảng cầm quyền củng cố quan hệ hợp tác cùng có lợi với cộng đồng quốc tế, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng...

Hơn nữa, trong chiến dịch tranh cử, CPP đã tiến hành một cách bài bản và thuyết phục với cương lĩnh 11 điểm, trong đó nhấn mạnh việc củng cố đoàn kết dân tộc, tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ chế độ quân chủ, đồng thời chú trọng đến việc phát triển kinh tế bền vững. CPP cũng ưu tiên quan tâm đến quyền lợi của mọi thành phần trong xã hội, như nông dân, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, tiểu thương; đề cao vai trò của thanh niên, học sinh, sinh viên, nhất là đào tạo giải quyết việc làm cho nguồn nhân lực này cũng như cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao, đưa ra các chính sách an sinh xã hội phù hợp... Cùng với chiến lược tranh cử toàn diện, CPP cũng đã có chiến thuật tranh cử năng động với những mục tiêu hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những kết quả bầu cử trước đó.

Không chỉ trong chiến dịch tranh cử mà cả nhiều tháng, năm trước ngày diễn ra bầu cử, các cán bộ của CPP từ mọi cấp đều định kỳ xuống cơ sở để vận động quần chúng tham gia bầu cử. Đích thân Chủ tịch CPP, Thủ tướng X. Hun Xen đã đi đến nhiều địa phương trong cả nước thực hiện 48 cuộc tiếp xúc với hơn 654.000 công nhân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những yêu cầu bức thiết của họ. Nhờ vậy, CPP đã tập hợp được đông đảo cử tri ủng hộ trong chiến dịch tranh cử, huy động được hàng chục nghìn người tham gia tập hợp tuần hành ngay trong ngày khởi động chiến dịch tranh cử, thậm chí hàng trăm nghìn người trong ngày kết thúc.

Với chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 29-7-2018, CPP tiếp tục giữ “thế thượng phong”, lãnh đạo đất nước Cam-pu-chia nhiệm kỳ 5 năm tới. Theo đó, ngày 17-8-2018, hai ngày sau khi NEC chính thức công bố kết quả của cuộc bầu cử, Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni (Norodom Sihamoni) đã ban hành Chỉ dụ bổ nhiệm ông X. Hun Xen, Chủ tịch CPP, ứng cử viên chức vụ Thủ tướng Chính phủ khóa VI giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia khóa VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Theo kế hoạch, ngày 5-9-2018, Quốc vương N. Xi-ha-mô-ni đã chủ trì phiên họp khai mạc Quốc hội khóa VI. Tiếp đó, ngày 6-9-2018, Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia khóa VI đã được thành lập và họp phiên đầu tiên vào ngày 7-9-2018.

Trước bối cảnh mới, Chính phủ khóa VI khẳng định tiếp tục đẩy mạnh chính sách cải cách sâu, rộng và triển khai thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử của CPP.

Một là, cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng vào chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ mới, với trọng tâm là duy trì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Hai là, tổ chức bộ máy cơ quan hành pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ khóa VI có khoảng trên 30 thành viên bao gồm thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng cao cấp và bộ trưởng (28 bộ và cơ quan ngang bộ). Đây được coi là bước cải cách đột phá trong tổ chức bộ máy lãnh đạo cơ quan hành pháp của Cam-pu-chia.

Ba là, thúc đẩy cải cách tư pháp, tìm kiếm biện pháp cụ thể chống lại căn bệnh quan liêu, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo, đội ngũ công chức các cấp.

Bốn là, tiếp tục triển khai “chiến lược tứ giác” giai đoạn IV(5), ổn định vĩ mô nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng liên tục, quan tâm vấn đề an sinh xã hội, dịch vụ y tế, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, cải cách chế độ tiền lương, chế độ thai sản, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Năm là, cải tổ lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng, triển khai chính sách đối ngoại linh hoạt, củng cố độc lập, tính trung lập, hóa giải thành công các mối quan hệ quốc tế, nhất là giải tỏa áp lực về chính trị - ngoại giao, thương mại từ Liên minh châu Âu, Mỹ; thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, duy trì quan hệ với các đối tác khác, tham gia xây dựng ASEAN đoàn kết, thúc đẩy cơ chế quan hệ đa phương, nhất là về kinh tế - thương mại và an ninh mạng, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế.

Sáu là, đề cao chính sách hòa hợp dân tộc, cân nhắc bổ nhiệm một số quan chức không phải là đảng viên CPP vào các chức vụ cố vấn, quốc vụ khanh, phó quốc vụ khanh các bộ, ngành...

Bảy là, nỗ lực quản lý thông tin truyền thông, tăng cường biện pháp xử lý thông tin bịa đặt sai sự thật, xuyên tạc, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi gây chia rẽ dân tộc, gây xáo trộn xã hội, vu khống chính phủ do CPP lãnh đạo; tăng cường thông tin đối ngoại, nâng cao vị thế Cam-pu-chia trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, con đường lãnh đạo đất nước Cam-pu-chia của CPP ở phía trước vẫn còn nhiều thách thức, như nhu cầu của các tầng lớp nhân dân về một xã hội công bằng, dân chủ, tôn trọng nhân quyền có chiều hướng gia tăng; bệnh quan liêu, thoái hóa, biến chất, tham nhũng của đội ngũ công chức, bộ máy chính quyền các cấp; tâm lý muốn thay đổi của một bộ phận cử tri, nhất là những cử tri sinh ra sau ngày đất nước Cam-pu-chia được giải phóng khỏi chế độ Pôn Pốt diệt chủng; một số nước và tổ chức quốc tế gia tăng sức ép về chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, thông qua thúc đẩy dân chủ, nhân quyền. Do vậy, việc đưa cương lĩnh tranh cử trở thành hiện thực là một nhiệm vụ cấp bách của CPP trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Các cử tri Cam-pu-chia hy vọng, Chính phủ Hoàng gia mới do CPP lãnh đạo sẽ có những biện pháp cụ thể để duy trì và phát huy những thành tựu đã đạt được, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân “đất nước Chùa Tháp”./.

----------------------------------

(1) 1- CPP, 2- Đảng Quốc tịch Cam-pu-chia, 3- Đảng Thanh niên Cam-pu-chia, 4- Đảng Khơ-me Hòa hợp dân tộc, 5- Đảng FUNCINPEC, 6- Đảng Tổ Ong xã hội dân chủ, 7- Đảng Dân chủ cơ sở, 8- Đảng Ánh sáng mới, 9- Đảng Khơ-me là một, 10- Đảng Liên minh vì dân chủ, 11- Đảng Ý nguyện Khơ-me, 12- Đảng Khơ-me Phát triển kinh tế, 13- Đảng Khơ-me hết nghèo, 14- Đảng Dân chủ, 15- Đảng Khơ-me đứng lên, 16- Đảng Cộng hòa dân chủ, 17- Đảng Tổ quốc của chúng ta, 18- Đảng Dân chủ mới, 19- Đảng Tia sáng Khe-ma-ra, 20- Đảng Dân tộc dân chủ bản địa

(2) CPP, Đảng CNRP, Đảng FUNCINPEC, Đảng Liên minh vì dân chủ; Đảng Cộng hòa dân chủ; Đảng Khơ-me hết nghèo; Đảng Khơ-me phát triển kinh tế và Đảng Quốc tịch Cam-pu-chia

(3) Phân chia 125 ghế ở các tỉnh: Bantei Mienchey (6 ghế), Batambang (8 ghế), Komphongcham (10 ghế), Kompongchnang (8 ghế), Kompong Spu (6 ghế), Kompong Thum (6 ghế); Kom Pot (6 ghế), Kandal (11 ghế), Kos Kong (1 ghế), Kro Ches (3 ghế), Mondonkiri (1 ghế), Phnôm Pênh (12 ghế), Preah Vihea (1 ghế), Prey Veng (11 ghế), Pothisat (4 ghế), Rattanakiri (1 ghế), Siem Riep (6 ghế), Prea Sihanu (3 ghế), Stung Treng (1 ghế), Svai Rieng (5 ghế), Ta Keo (8 ghế), Kep (1 ghế), Pay Lin (1 ghế), Udom Mienchey (1 ghế), Tbong Khmum (8 ghế)

(4) 19 đảng còn lại không giành được ghế nào trong Quốc hội mới, do chỉ nhận được số phiếu ủng hộ chưa đủ để có thể giành được ít nhất là một ghế theo luật định. Trong đó, đảng về nhì sau CPP là FUNCINPEC, chỉ giành được 374.510 phiếu, chiếm 5,89% tổng số phiếu hợp lệ

(5) Năm 1998 - 2003, Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia do CPP lãnh đạo đã đề ra và thực hiện “chiến lược tam giác” gồm tìm kiếm hòa bình cho đất nước; phấn đấu trở thành thành viên có đầy đủ tư cách của Liên hợp quốc; tìm kiếm và xây dựng các cơ sở có đầy đủ khả năng xây dựng và phát triển đất nước. Từ năm 2003, Cam-pu-chia đề ra và thực hiện “chiến lược tứ giác” (đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện qua khẩu hiệu: tăng trưởng, việc làm, công bằng và hiệu quả) và đã thực hiện được ba giai đoạn