TCCSĐT - Đợt 2 của chương trình đoàn tụ lần thứ 21 các gia đình ly tán do cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) diễn ra từ ngày 24 đến 26-8-2018 đã khép lại. Các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán này cho thấy ý nghĩa nhân văn khi làm dịu bớt nỗi đau chia cắt do chiến tranh để lại, đồng thời được xem là một biểu tượng của tiến trình hòa giải hai miền Triều Tiên.

Đoàn tụ liên Triều 2018: Một biểu tượng của tiến trình hòa giải hai miền

 
 Đoàn tụ gia đình. Ảnh: TTXVN

Trong đợt đoàn tụ thứ 2 này, 81 người phía Triều Tiên được gặp lại 326 người thân ly tán đang sống ở Hàn Quốc. Việc tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán là một phần trong thỏa thuận giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên tại cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 4 vừa qua ở làng đình chiến Panmunjom, đồng thời cũng là dấu mốc mới trong xu thế cải thiện quan hệ giữa hai miền.

Cuộc đoàn tụ diễn ra khi cuộc chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc tròn 65 năm, song Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có một nền hòa bình đúng nghĩa và những người dân vẫn mong mỏi về một tương lai thống nhất hai miền để các gia đình ly tán có thể đoàn tụ. Có thể nói, các gia đình được đoàn tụ lần này may mắn bởi cơ hội được tham gia các cuộc đoàn tụ là hết sức khó khăn. Nếu tính cả 7 cuộc gặp qua cầu truyền hình, khoảng 21.000 người ở cả hai miền Triều Tiên đã được nhìn thấy người thân, nhưng con số này thực sự không thấm vào đâu nếu so với tổng số 132.124 người thuộc các gia đình ly tán đã đăng ký đoàn tụ tính từ năm 1988.

Các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên là vấn đề nhân đạo hết sức cấp thiết trên Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hàng triệu gia đình đã bị cuộc chiến tranh Triều Tiên chia cắt hàng thập niên qua. Đa số họ bị lạc mất người thân. Nếu tính từ thời điểm tháng 8-1972, khi lần đầu tiên các quan chức hội chữ thập Đỏ hai miền Triều Tiên gặp nhau để thảo luận về vấn đề đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh thì rõ ràng chặng đường để thực hiện mục tiêu mang tính nhân đạo này rất chông gai. Mỗi lần quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên căng thẳng thì các cuộc đoàn tụ liên Triều lại bị gián đoạn. Tính từ năm 2000 tới năm 2015, có 3 chương trình đoàn tụ đã được lên kế hoạch chi tiết bị hoãn với thời gian kéo dài hằng năm do những bất đồng trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Không chỉ có vậy, nhiều năm qua, giới chức Hàn Quốc đã cảnh báo cơ hội cho các gia đình ly tán được đoàn tụ không còn nhiều. Thời gian chia cách càng dài, độ tuổi của các thành viên trong gia đình ly tán càng lớn và họ ngày càng ít có cơ hội gặp lại những người thân của mình. Theo thống kê, trong số hơn 132.000 người Hàn Quốc đã nộp đơn thông qua Hội Chữ thập đỏ xin đoàn tụ với người thân ở Triều Tiên, hơn một nửa đã qua đời trước khi mong ước trở thành hiện thực, chỉ còn lại 56.890 người còn sống. Trong số những người còn sống, có tới 48.703 người đã trên 70 tuổi. Do vậy, việc nối lại các cuộc đoàn tụ có thể xem là bước đi thể hiện thiện chí và nỗ lực của cả hai miền Triều Tiên trong một mục tiêu chung.

Những thách thức đối với tân Thủ tướng Australia

 
 Tân Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: TTXVN

Với lễ nhậm chức diễn ra ngắn gọn tại trụ sở Quốc hội Australia ngày 24-8, ông Scott Morrison đã trở thành Thủ tướng thứ 30 của Australia và là Thủ tướng thứ 6 trong vòng chưa đầy 10 năm qua của nước này. Việc ông S. Morrison trở thành nhà lãnh đạo mới của Australia cũng đã chấm dứt cuộc khủng hoảng trên chính trường Australia, song với những rạn nứt và bất ổn trên chính trường, ông S. Morrison sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ông S. Morrison trở thành thủ tướng trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài một tuần trước đó trong nội bộ đảng Tự do cầm quyền, khiến chính phủ và quốc hội nước này phải tạm ngừng hoạt động. Do vậy, có thể thấy, trong vai trò Thủ tướng, việc chèo lái đảng Tự do thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm tới không phải là bài toán dễ đối với tân Thủ tướng S. Morrison. Thủ tướng sắp mãn nhiệm M. Turnbull ra đi để lại cho người kế nhiệm một nội các “bừa bộn” với gần một nửa số bộ hiện không có người đứng đầu. Nhiều hoạt động, kế hoạch tham vọng của chính phủ phải tạm ngưng. Trở thành thủ tướng của Australia, song ông S. Morrison cũng sẽ không thể giữ chiếc ghế của mình lâu dài nếu không nhanh chóng khắc phục được khó khăn và vực dậy uy tín đang xuống dốc của Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền. Cuộc tổng tuyển cử năm 2019 đang đến gần, trong khi ngày càng có nhiều cử tri thất vọng trước những chính sách không mấy hiệu quả của chính phủ tiền nhiệm quay sang ủng hộ Công đảng đối lập hoặc các đảng nhỏ.

Thời gian qua, những thủ tướng mới lên thay kiểu “giữa dòng” như thế này ở Australia thường kêu gọi tổ chức bầu cử trước thời hạn, nhưng nay vị lãnh đạo mới của đảng Tự do chắc chắn không nhặt lá bài này. Ông cần thời gian để xốc lại đội ngũ, lấy lại uy tín cũng như giúp đảng chuẩn bị tốt hơn cho cuộc bầu cử mà ai cũng biết nếu được tổ chức bây giờ, Công đảng đối lập gần như cầm chắc chiến thắng.

Một khó khăn trước mắt nữa cũng đang chờ Chính phủ mới là Thủ tướng sắp mãn nhiệm M. Turnbull cũng sẽ rời khỏi cơ quan lập pháp. Điều này được cho là sẽ gây khó khăn cho Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền vì phải tiến hành bầu cử bổ sung ngay do hiện chỉ nắm đa số hơn một ghế tại Hạ viện. Dù đơn vị bầu cử này vốn là “thành trì” của đảng Tự do, nhưng cũng không loại trừ khả năng chiếc ghế nghị sỹ của ông M. Turnbull sẽ rơi vào tay Công đảng hay một đảng nhỏ nào đó. Nếu điều đó xảy ra, Liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền sẽ mất thế đa số và Chính phủ mới khó có thể thúc đẩy được chính sách nào qua cửa Hạ viện.

Thực tế cho thấy, tân Thủ tướng S. Morrison là một nhân vật khá ôn hòa, đã tham gia nghị trường từ năm 2007. Dư luận Australia hy vọng với những kinh nghiệm dày dặn từng kinh qua vị trí lãnh đạo nhiều bộ khác nhau như nhập cư và bảo vệ biên giới, dịch vụ xã hội, ngân khố dưới thời hai chính phủ tiền nhiệm, tân Thủ tướng S. Morrison sẽ vượt qua được những khó khăn trước mắt để tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo cho đảng Tự do sau cuộc bầu cử vào năm tới.

Quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục căng thẳng

 
 Thứ trưởng Ngoại giao Nga S. Ryabkov. Ảnh: TTXVN

Căng thẳng Nga - Mỹ tiếp tục leo lên một nấc thang mới khi ngày 21-8, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan tới vấn đề Triều Tiên và các hoạt động mà nước này cho là gây hại trên mạng, đồng thời cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow. Trong khi đó, Nga kiên quyết bác bỏ và cam kết sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả.

Cụ thể, gói trừng phạt mới của Mỹ nhằm siết chặt các hạn chế trong lĩnh vực năng lượng và tài chính, các nhà tài phiệt và doanh nghiệp nhà nước, áp dụng án phạt đối với nợ quốc gia Nga, cũng như cấm cấp giấy phép cho các công dân Mỹ tham gia hoạt động liên quan đến các dự án khai thác dầu mỏ tại Nga.

Phát biểu trước các thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ M. Billingslea nêu rõ, Washington có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang S. Skripal tại Anh hồi tháng 3 mà Moscow bị cáo buộc là chủ mưu. Trong khi đó, tại phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Thứ trưởng Tài chính Mỹ S. Mandelker cũng cảnh báo Washington sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga.

Giới chức Mỹ đưa ra các tuyên bố trên ngay sau khi Bộ Tài chính nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công ty vận tải thủy và 6 tàu của Nga với cáo buộc tham gia hoạt động chở xăng dầu tinh chế cho các tàu của Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.

Phản ứng trước động thái trên của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga S. Ryabkov tuyên bố, Moscow không thấy có bất kỳ bằng chứng hay lý do gì để Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với nước này. Trong một tuyên bố đăng trên website Bộ Ngoại giao Nga, ông S. Ryabkov cho rằng, các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra dựa trên các cáo buộc “lừa dối”. Theo ông, Moscow sẽ có những biện pháp đáp trả, như thường lệ, mà không gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Tổng thống Nga V. Putin ngày 22-8 khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga sẽ chỉ “phản tác dụng và vô nghĩa”, đồng thời bày tỏ hy vọng các đối tác Mỹ sẽ hiểu rằng chính sách trừng phạt chống Nga là sai lầm. Trong khi đó, cùng ngày, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga D. Manturov cho biết, Bộ đang cân nhắc việc chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ Ruble để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Trả lời phỏng vấn truyền hình, ông D. Manturov cho biết, gói trừng phạt mới của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Nga sang các nước thứ ba. Để đối phó với tác động này, trong khuôn khổ chương trình thay thế hàng chế tạo máy nhập khẩu, Bộ trên đặt ra nhiệm vụ phải đạt bằng được sản lượng, chất lượng và đặc tính của hàng hóa nhập khẩu.

Malaysia và Trung Quốc củng cố quan hệ song phương

 
 Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Malaysia M. Mohamad đã thực hiện chuyến thăm 5 ngày từ 17 đến 21-8 tới Trung Quốc. Chuyến thăm được đánh giá là cột mốc mới trong việc củng cố quan hệ song phương giữa hai nước.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng M. Mohamad đã có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc Lật Chiến Thư.

Là người góp phần đặt nền móng vững chắc cho quan hệ Malaysia - Trung Quốc, Thủ tướng M. Mohamad đã từng thăm Trung Quốc 7 lần khi nắm giữ cương vị thủ tướng trong giai đoạn 1981 - 2003. Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của ông M. Mahathir cho thấy, Trung Quốc vẫn là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao của Malaysia.

Trong những năm gần đây, hợp tác thương mại giữa Malaysia và Trung Quốc phát triển nhanh. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Malaysia sau Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương Malaysia - Trung Quốc đạt 290,65 tỷ RM (tương đương 70 tỷ USD). Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào công nghiệp sản xuất của Malaysia. Năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia đạt khoảng 2,36 tỷ USD, tăng gần 350% so với năm 2013. Trung Quốc hiện còn là nhà thầu lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng ở Malaysia. Khoảng 85% chi phí xây dựng đường sắt ECRL là do vay từ Trung Quốc.

Chuyến thăm của Thủ tướng M. Mahathir tới Trung Quốc được đặc biệt chú ý trong bối cảnh quan hệ hai nước đang được đánh giá là “trong thời điểm nhạy cảm”. Kể từ sau khi lên nắm quyền hồi tháng 5-2018, Thủ tướng M. Mahathir đã đưa ra quyết định đình chỉ một số dự án đầu tư của Trung Quốc, vốn được thông qua dưới thời cựu Thủ tướng Malaysia N. Razak. Lý do Thủ tướng M. Mahathir đưa ra quyết định đình chỉ một số dự án đầu tư của Trung Quốc là nếu triển khai các dự án này, Malaysia sẽ cần vay rất nhiều tiền mà nước này hiện không có khả năng chi trả. Do vậy, đây sẽ là gánh nặng lớn đối với Malaysia khi nước này bị phụ thuộc tài chính, nhân công và nguyên vật liệu nhập khẩu của Trung Quốc.

Mặt khác, sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng M. Mahathir tuyên bố ưu tiên của chính phủ là giải quyết thâm hụt ngân sách quốc gia và cam kết rà soát các dự án lớn do chính quyền tiền nhiệm phê duyệt, theo hướng kiên quyết loại bỏ một số dự án được cho là không cần thiết. Theo ước tính Malaysia có thể giảm gần 1/5 trong tổng số khoảng 251,5 tỷ USD nợ quốc gia nhờ hủy các dự án lớn như vậy. Việc đánh giá lại các dự án đầu tư từ Trung Quốc cũng nằm trong lộ trình này.

Như vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng M. Mahathir lần này không chỉ là cơ hội để hai bên điều chỉnh lại mối quan hệ song phương mà còn được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề liên quan tới những dự án đầu tư với Trung Quốc đang bị đình lại thời gian qua. Với các thỏa thuận mới đạt được, chuyến thăm tiếp tục phản ánh sự nhất quán trong chính sách của Thủ tướng M. Mahathir về mối quan hệ song phương cân bằng, thực chất và hiệu quả hơn với Trung Quốc./.