Hội Nông dân Việt Nam với vai trò làm cầu nối giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

Lại Xuân Môn Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
23:38, ngày 19-12-2017

TCCS - Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới phát triển kinh tế - xã hội do Đảng ta đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện, công cuộc xóa đói, giảm nghèo có bước phát triển vượt bậc, nông thôn có nhiều đổi mới, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững..., tạo tiền đề cho việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quá trình phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Để thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thay đổi nhận thức của nông dân về phương thức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất lớn, hợp tác, liên kết, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp; chuyển từ sản xuất theo kinh nghiệm, truyền thống sang ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp..., xây dựng sự liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp phù hợp, hiệu quả, những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực phát huy vai trò quan trọng liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Mối liên kết này được thể hiện trong 15 năm qua, tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở đã tuyên truyền cho hàng triệu hội viên nông dân cả nước về những lợi ích thiết thực và bền vững của việc sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng, tham gia sản xuất sạch, bảo vệ uy tín trước các đối tác, người tiêu dùng và xã hội.

Quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp

Nhằm xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, phát triển bền vững và tiếp tục chăm lo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho nông dân, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản thể hiện những quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp làm cơ sở chính trị quan trọng đối với việc thực hiện liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Cụ thể là: Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 05-4-1988, của Bộ Chính trị, về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”; Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, ngày 18-3-2002, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Các nghị quyết đã định hướng cho việc chấn chỉnh tổ chức, đổi mới quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp về khoán, phân công lao động và phân phối thu nhập trong hợp tác xã, tập đoàn sản xuất để bảo vệ lợi ích của nông dân, để nông dân không bị thua thiệt. Nghị quyết đã thể hiện quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta là tiếp tục đổi mới và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, tăng cường khuyến khích, hỗ trợ, mở rộng liên kết, tạo điều kiện phát triển kinh tế, trên cơ sở liên kết, hợp tác tự nguyện ở các hộ, các trang trại bằng nhiều hình thức, bước đi, quy mô thích hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Đề ra chủ trương về phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: “Tổng kết thực tiễn, sớm có chính sách, cơ chế cụ thể khuyến khích phát triển mạnh hơn các loại hình kinh tế tập thể đa dạng về hình thức sở hữu và hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, bao gồm các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cổ phần”(1). Văn kiện Đại hội X cũng khẳng định: Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể (mà nòng cốt là hợp tác xã) ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân(2). Ngày 05-8-2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục khẳng định vai trò của Hội Nông dân Việt Nam đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn hiện nay, ngày 03-12-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 61-KL/TW về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”.

Với quan điểm về xây dựng hợp tác xã kiểu mới, cơ cấu lại nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, phát triển và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, Văn kiện Đại hội XI chỉ rõ: “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững... Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con. Khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng”(3) và “Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã. Tổng kết tình hình phát triển các hợp tác xã và thực hiện Luật Hợp tác xã” (4). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng cũng khẳng định “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết và hợp tác dựa trên quan hệ lợi ích, áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện phát triển kinh tế hợp tác xã trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ”(5), xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của sự liên kết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Như vậy, trong các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới luôn được Đảng ta quan tâm, chỉ đạo. Và việc xây dựng người nông dân mới, phát triển giai cấp nông dân Việt Nam đáp ứng các yêu cầu sự phát triển khoa học, công nghệ, yêu cầu của nền kinh tế tri thức, trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đạt được những kết quả tích cực. Nền nông nghiệp Việt Nam đã bước đầu bảo đảm các điều kiện cần thiết, người nông dân đã cơ bản tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ, chủ động trong các hoạt động ký kết hợp đồng, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguyên liệu nông nghiệp cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế. Những kết quả này đã cho thấy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện chức năng “cầu nối” giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng vào hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, vững chắc với những cơ chế, chính sách, quy định cụ thể về việc thực hiện liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp, ngày 24-6-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg, về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”. Sau 11 năm thực hiện, chính sách này đã mang lại những kết quả quan trọng, bước đầu giúp nông dân tiếp cận phương thức mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Để giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quan hệ sản xuất, lưu thông nông sản, hàng hóa, ngày 25-10-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn” thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg. Đồng thời, trên cơ sở Kết luận số 61- KL/TW, ngày 03-12-2009, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, ngày 10-5-2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg, Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020. Đây là những văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy, thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn sự liên kết giữa: nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp với sự quản lý, kiến tạo chính sách và cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, thúc đẩy một nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, gắn bó chặt chẽ hơn giữa các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa, nâng cao giá trị lao động, khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra đối với sản phẩm nông nghiệp của nông dân, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập, phát triển bền vững.

Vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong liên kết giữa ba nhà

Ngay từ đầu năm 2005, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức ký “Chương trình liên kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” cam kết thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức. Chương trình với 11 điều cam kết, trong đó xác định vai trò, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở là: Tuyên truyền vận động nông dân, hợp tác xã, chủ trang trại thực hiện ký hợp đồng và sản xuất theo hợp đồng; bảo đảm các cam kết trong hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp; bảo đảm các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo đảm chữ “tín” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng chuẩn mực ứng xử văn hóa trong việc thực hiện hợp đồng kinh tế, tạo thành nền nếp của nông dân trong sản xuất hàng hóa; bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân khi các đơn vị vi phạm hợp đồng gây thiệt hại hoặc xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân...

Trong quá trình thực hiện vai trò của mình, Hội Nông dân Việt Nam đã ngày càng khẳng định vai trò “cầu nối” giữa các nhà với nhà nông, đặc biệt là “cầu nối” tương tác giữa nhà nông - nhà khoa học và nhà nông - nhà doanh nghiệp, tạo dựng vị trí trung tâm của nhà nông trong mối quan hệ “3 nhà”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, mặc dù Hội Nông dân Việt Nam không phải là một “nhà” trực tiếp tham gia “liên kết ba nhà”, không được “nhà nông” ủy quyền đại diện theo pháp luật trong một mối quan hệ kinh tế, nhưng ở góc độ chính trị - xã hội, Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, có vị trí, vai trò quan trọng, với địa vị pháp lý được ghi nhận tại Điều 9, Hiến pháp năm 2013 và trong các văn bản pháp luật khác có liên quan, là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp nông dân, đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc xây dựng liên kết các “nhà” xung quanh nhà nông. Vai trò “cầu nối” của Hội trong liên kết này những năm gần đây đã được mở rộng hơn, “cây cầu” đã có nhiều “làn đường” hơn trên các lĩnh vực của kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu hộ nông dân.

Về mối quan hệ nhà nông - nhà khoa học, trong hơn 15 năm qua, mối quan hệ này đã có những bước tiến triển thiết thực, tích cực. Giờ đây, có những nhà nông giỏi đã thuê chuyên gia, nhà khoa học tư vấn, thậm chí trở thành người hợp tác hoặc làm thuê cho dự án của mình. Không chỉ thuê chuyên gia trong nước, nhà nông giỏi còn thuê cả chuyên gia quốc tế tư vấn cho dự án. Nhiều nhà khoa học khác cũng đã bắt tay với nông dân nghiên cứu, chuyển giao giống thủy sản, lai tạo giống lúa, ghép điều, xử lý sâu bệnh cho trái cây xuất khẩu... Tuy nhiên, trên bình diện chung, những hợp đồng giữa nhà nông - nhà khoa học còn ít. Trong điều kiện số đông nông dân Việt Nam và các hợp tác xã nông nghiệp rất khát khao khoa học công nghệ mới, trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang thay đổi thế giới nhanh chóng, và kinh tế thị trường nước ta đã đủ sức định giá trí tuệ nhà khoa học, thì vai trò của nhà khoa học vẫn chưa ngang tầm với vị trí trong mối liên kết với nhà nông, nhà doanh nghiệp.

Về mối quan hệ giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp, trước thực tiễn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hiện nay, nhà nông và cả doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về công nghệ mới trong lĩnh vực canh tác tiết kiệm, bảo quản chế biến, đặc biệt là khâu nghiên cứu, phân tích thị trường nông sản trong nước và quốc tế trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Thời gian qua, việc giải cứu nông sản (chuối, dưa hấu, thịt lợn) được phân tích, một mặt, do nhà nông sản xuất theo phong trào, chạy theo tín hiệu giá trong ngắn hạn; mặt khác, do thiếu thông tin chính xác về thị trường và một số hạn chế trong quản lý quy hoạch sản xuất và việc tổ chức các chuỗi liên kết hợp tác theo ngành hàng ở các địa phương. Nếu các tổ chức nghiên cứu hoặc cá nhân nhà khoa học, hoặc doanh nghiệp chuyên về phân tích thị trường có sản phẩm tin cậy, cập nhật hằng ngày, hằng tuần, dự báo sát tình hình và tiếp thị tốt thì các doanh nghiệp, các hợp tác xã, thậm chí nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cũng có nhu cầu mua thông tin, hoặc ký hợp đồng hợp tác. Như vậy, trong những năm tới, trong sự liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp không thể thiếu vắng các nhà khoa học. Nhà khoa học sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong “liên kết ba nhà”.

Trong 15 năm qua, tổ chức Hội từ Trung ương đến cấp hội cơ sở đã tuyên truyền cho hàng triệu hội viên nông dân trong cả nước về những lợi ích thiết thực và bền vững thông qua hợp đồng, tham gia sản xuất sạch, bảo vệ uy tín của mình trước các đối tác. Vai trò “cầu nối” ấy được thể hiện ở 4 nhóm hoạt động nổi bật sau:

Một là, Hội Nông dân Việt Nam là chủ thể đại diện đối với việc tín chấp vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp cho hội viên nông dân mua trả chậm, chia sẻ, giải quyết những vấn đề khó khăn của nông dân trong đầu tư. Nổi bật nhất trong chương trình này là tín chấp giúp nông dân cả nước mua trả chậm hàng chục nghìn tấn phân bón mỗi năm. Thông qua tổ chức của các cấp hội, các doanh nghiệp này phối hợp với nhà khoa học và chuyên gia tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả cho hàng triệu lượt nông dân. Ở nhiều nơi, Hội đảm nhận vai trò thu hộ tiền mua vật tư phân bón cho doanh nghiệp.

Hai là, Hội Nông dân Việt Nam thực hiện nhận tín chấp vốn vay cho hội viên nông dân từ các ngân hàng. Trong mối “liên kết giữa các nhà”, các ngân hàng được xếp vào nhóm nhà doanh nghiệp. Kể từ khi Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội ký kết Văn bản liên tịch số 235/VBLT, ngày 15-4-2003, về ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, dư nợ nhận ủy thác qua Hội liên tục tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Tính đến hết tháng 8-2017, Hội Nông dân Việt Nam đang thực hiện ủy thác 23 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 52.901 tỷ đồng (tăng 17,1 lần so với cuối năm 2003) cho trên 2,1 triệu hội viên nông dân, thông qua 59.999 tổ tiết kiệm và vay vốn, mức vay bình quân 24,62 triệu đồng/hộ vay.

Việc quản lý nợ và thu hồi nợ quá hạn được các cấp hội coi trọng. Nhiều địa phương khi nhận bàn giao dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang có nợ quá hạn cao nhưng đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền cơ sở để phân loại, đôn đốc thu nợ nên số nợ quá hạn giảm nhanh. Tại thời điểm ngày 31-12-2003 nợ quá hạn chiếm 4,11% tổng dư nợ, nhưng đến hết tháng 8-2017 tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,39% tổng dư nợ. Tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên đến thời điểm ngày 30-8-2017 thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn đạt tỷ lệ 99,85% số tổ, với số dư tiền gửi trên 1.854,505 tỷ đồng(6).

Ba là, thời gian qua Hội cũng đã kết nối chính những người nông dân nhỏ lẻ với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, thông qua kênh tín dụng. Bởi nếu muốn giúp nông dân liên kết tốt với doanh nghiệp, thì không thể giúp từng hộ (cả nước có khoảng 15 triệu hộ nông dân) mà phải tập hợp, tổ chức nông dân lại, đào tạo nghề, cho vay vốn, làm quen dần với kinh tế tập thể và làm ăn thông qua hợp đồng. Trong 5 năm qua các cấp hội đã hướng dẫn tổ chức thành lập được 14.682 mô hình kinh tế tập thể (1.029 hợp tác xã kiểu mới). Đến nay, cả nước có hơn 110.000 mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập. Ngoài ra còn thành lập và duy trì hoạt động hơn 80.000 tổ vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh và 5.146 doanh nghiệp trong nông nghiệp. Mặc dù còn nhiều khía cạnh cần hoàn thiện, nhưng đây chính là nền tảng ban đầu cho một nền nông nghiệp hiện đại với đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hơn trong tương lai(7).

Bốn là, sáng tạo trong việc kết nối nông dân Việt Nam với các tổ chức, doanh nghiệp khoa học kỹ thuật và công nghệ nông nghiệp đến từ những quốc gia tiên tiến, như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, I-xra-en... Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thúc đẩy hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, Hội đang nỗ lực hỗ trợ nhà nông để họ không bị nhỡ “chuyến tàu tốc hành” mang tên Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Hai trong số các sự kiện mà Trung ương Hội đã khởi động theo hướng này là đã hợp tác với Tập đoàn Công nghệ Hàn Quốc Agerigna để xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nông dân - NongTalk” (tháng 8-2017) và hợp tác với Tập đoàn Google tại Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng kỹ thuật số thiết yếu cho hơn 30.000 nông dân ở 9 tỉnh của Việt Nam trong vòng 3 năm tới (tháng 5-2017).

Hội Nông dân dân Việt Nam không chỉ đóng vai trò cầu nối liên kết giữa “3 nhà”, mà còn có vai trò vô cùng quan trọng trong liên kết giữa Nhà nước - nhà nông vốn xuất phát từ mối quan hệ chính trị. Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trong liên kết này, Hội đóng vai trò tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững, xây dựng giai cấp nông dân và người nông dân mới. Ở chiều ngược lại, Hội đã gắn bó sâu sát với hội viên nông dân, nghiên cứu các vấn đề lớn đang gây khó khăn bức xúc cho người dân, tìm giải pháp hoặc kiến nghị giải pháp hỗ trợ, từ cơ chế, chính sách cho đến tài chính và nhiều nguồn lực khác giúp người nông dân thoát nghèo, vượt khó, vươn lên làm ăn khá giả, hợp tác bình đẳng hơn, nhất là với doanh nghiệp. Minh chứng sinh động và mạnh mẽ nhất cho nội dung này là việc Hội chủ động xây dựng và trình Đề án 61 lên Ban Bí thư Trung ương, được Ban Bí thư thông qua năm 2009, đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg “về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”. Chủ trương, chính sách này đã mang lại nguồn lực lớn cho Hội hoạt động, nâng cao vị thế của Hội trong hệ thống chính trị, cũng như cải thiện mạnh mẽ vai trò “cầu nối” trong liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Xuất phát từ vai trò của một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bảo vệ nông dân trước mối quan hệ với doanh nghiệp, chủ yếu bằng con đường tham mưu cho Đảng và Nhà nước những chủ trương, chính sách lớn, tầm ảnh hưởng rộng, hoặc thông qua chương trình giám sát phản biện xã hội.

Một số đề xuất, kiến nghị

Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, với xu hướng mở rộng hợp tác liên kết trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, bảo vệ và phát triển sản xuất của nông dân, Hội Nông dân đề xuất một số kiến nghị:

Nhà nước sớm ban hành Luật Nông dân Việt Nam; sửa đổi Luật Đất đai theo hướng tạo điều kiện nhiều hơn cho việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; sớm thông qua Luật về hội, trong đó tạo thuận lợi cho việc thành lập các hội ngành hàng nông nghiệp để thúc đẩy liên kết theo chiều dọc với sự tham gia của đại diện các nhà sản xuất, chế biến, nghiên cứu, doanh nghiệp phân phối và cả khách hàng tiêu thụ nông sản, chứ không đóng khung hạn hẹp như liên kết theo chiều ngang kiểu hợp tác xã, tổ hợp tác như hiện nay.

Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp và kịp thời. Trong quá trình tổ chức thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ trong thời gian tới, nhân rộng hơn các mô hình kinh tế của nông dân, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, như về giống vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật, công nghệ chăm sóc, bảo quản, công nghệ gen, công nghệ vật tư nông nghiệp, công nghệ chế biến sản phẩm...; phát triển ngày càng nhiều số lượng doanh nghiệp không chỉ ở khu vực đô thị mà còn ở ngay trong phạm vi khu vực nông nghiệp, nông thôn. Các doanh nghiệp này thực hiện phong phú, đa dạng về hình thức, lĩnh vực kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ nông dân, tạo điều kiện để nhà khoa học tập trung nghiên cứu, cung cấp các sản phẩm về công nghệ, khoa học, kỹ thuật cho nông dân và xã hội. Cụ thể, thời gian tới chúng ta cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, đối với chính sách đất đai cần có sự quy hoạch đồng bộ về kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, như đường, điện, hệ thống tưới tiêu, kho bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...; duy trì diện tích đất nông nghiệp, hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích nông dân liên kết, hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, song vẫn bảo đảm quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân.

Thứ hai, đối với chính sách về khoa học, công nghệ nên tăng cường đầu tư và khuyến khích các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học (viện nghiên cứu, trường...) tập trung nghiên cứu giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị cao; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ khai thác, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường, phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân để tạo động lực tăng trưởng, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và trên thế giới.

Thứ ba, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Về nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước cần đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản, chợ đấu giá nông sản để tạo điều kiện giúp nông dân chủ động trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm, khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại; đầu tư chế biến nông sản, hạn chế xuất khẩu nông sản thô để gia tăng giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường; có biện pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với chất lượng vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản.

Về chính sách đối với nông dân, tiếp tục tăng cường và thực hiện chính sách tín dụng, cho nông dân vay với lãi suất thấp (có thể ưu đãi bằng từ 0% đến 5%) so với lãi suất ngân hàng thương mại, thủ tục vay thuận tiện, đơn giản... để nông dân phát triển sản xuất; tiếp tục nghiên cứu, ban hành chính sách bảo hiểm đối với nông dân, hỗ trợ bảo hiểm vật nuôi, cây trồng, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để nông dân có thể được hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tạo điều kiện ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn cũng như trên phạm vi cả nước, nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

--------------------------------------------------------------------------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 85 - 86, 77
(3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 113 - 114, 208
(5) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 107
(6) Ngân hàng Chính sách xã hội: Báo cáo Tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện tín dụng chính sách xã hội
(7) Tài liệu Hội nghị đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V (giai đoạn 2012 - 2017), ngày 19-9-2017, tổ chức tại Hà Nội