Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta

Lê Thị Thanh Hà TS, Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
22:12, ngày 20-06-2017

TCCS - Trong điều kiện đổi mới, với hội nhập quốc tế sâu rộng, trình độ dân trí không ngừng được nâng cao và thông tin cập nhật, thì người cán bộ lãnh đạo, quản lý bên cạnh việc phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng lãnh đạo, quản lý tốt còn cần phải có năng lực tư duy phản biện. Bởi đây là kỹ năng quan trọng giúp họ phân tích, đánh giá, lựa chọn ý tưởng mới nhằm xây dựng chủ trương, quyết sách và chỉ đạo thực tiễn một cách sáng tạo và đạt hiệu quả cao nhất.

1. Tư duy phản biện là một hình thức tư duy giúp con người đưa ra những nhận định, phán đoán, đánh giá, lý luận khoa học cho hoạt động của mình trước những tác động của hiện thực. Tư duy phản biện là quá trình tư duy khi tiếp nhận một thông tin thường có sự đào sâu xem xét, phân tích, xử lý trong suy nghĩ để nhận thức được sai hay đúng sau đó mới quyết định chấp nhận hay không chấp nhận, trên cơ sở của các quy luật lô-gic, có lý lẽ (có căn cứ, lý do, dẫn chứng...). Do đó, kết quả của quá trình tư duy phản biện không chỉ nhắm đến việc đạt được sự hiểu biết, mà còn là việc vận dụng kiến thức để tạo ra những thay đổi tích cực trong hiện thực.

Năng lực tư duy phản biện là khả năng sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn cả nội dung và phương pháp tư duy để phát hiện vấn đề và có phương án xử lý tốt vấn đề đó. Đây là quá trình kết hợp khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng, thái độ, các công cụ để tư duy với sự lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác, hoặc tiếp nhận tri thức của người khác để xác định lại tính chính xác của thông tin. Trên cơ sở đó nhằm đưa ra một tri thức mới có tính chân thực cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.

2. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là người đứng đầu một cơ quan, đơn vị giữ vị trí quan trọng trong việc hoạch định chiến lược, xác định mục tiêu, phương hướng đề ra các quyết định, chủ trương, chính sách và xây dựng những phương án, chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể, tổ chức thực thi nhiệm vụ. Họ phải chịu trách nhiệm trước tập thể và cấp trên về nhiệm vụ được giao. Với vị trí và vai trò của mình, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên đào sâu suy nghĩ nhằm có ý tưởng mới, có dự định, kế hoạch mới phù hợp để thực thi nhiệm vụ của mình. Để những ý tưởng đó trở thành hiện thực, mang lại hiệu cao trong quá trình phát triển xã hội, họ phải thường xuyên lật đi, lật lại vấn đề, thẩm định, đánh giá, bác bỏ, phủ định, bổ sung hoặc lựa chọn những chủ trương, chính sách, đề án,... Vì vậy, ngoài những yêu cầu chung của người cán bộ như có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo trong công việc thì họ còn cần phải có năng lực tư duy phản biện.

Bên cạnh đó, nước ta đang trong thời kỳ “bùng nổ thông tin” - các loại thông tin tràn ngập trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, đúng sai lẫn lộn. Do đó, không thể dùng tư duy cũ để nhận thức chính xác và đầy đủ thực tiễn đang biến đổi nhanh chóng. Đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý - những người đưa ra và lựa chọn mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương mình quản lý - càng phải nâng tầm nhận thức của mình bằng các công cụ tư duy mới. Để làm được điều đó thì năng lực tư duy phản biện phải không ngừng được trang bị và nâng cao như Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy”(1), đồng thời: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp”(2). Đổi mới và nâng cao năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ trang bị cho họ cách tiếp cận vấn đề trên nhiều phương diện, khả năng suy nghĩ thấu đáo, thực tế và sâu sắc, tạo ra những thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động của họ. Cụ thể:

Thứ nhất, khắc phục ảnh hưởng của lối tư duy giản đơn, thiếu khoa học. Tư duy phản biện, xét về bản chất là sự phản ánh sáng tạo hiện thực khách quan. Sự sáng tạo thể hiện ở chỗ, tư duy phản biện phản ánh sự vật hiện tượng không rập khuôn, giáo điều, máy móc và càng xa lạ với thái độ thụ động, ỷ lại, chủ quan duy ý chí, đó là khả năng nắm bắt bản chất của sự vật thông qua phân tích, biện luận, lập luận, đào sâu suy nghĩ bằng các công cụ tư duy, tổng hợp, so sánh, lựa chọn, khái quát từ thực tế sinh động của đời sống hiện thực để rút ra những kết luận khoa học. Với bản chất phản ánh sáng tạo, khoa học và đúng đắn sự vật, tư duy phản biện luôn vươn tới cái mới, cái tiến bộ, phù hợp với thực tiễn đang đặt ra, giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận thức thực tiễn đời sống ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn. Vì vậy, nâng cao năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ giúp họ khắc phục được lối tư duy đơn giản, thiếu khoa học.

Thứ hai, góp phần hình thành mô hình, con đường, chính sách, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội - một chế độ xã hội chưa có tiền lệ trong lịch sử. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một thành tựu lý luận đặc sắc của Đảng ta đã được thực tiễn đổi mới chứng minh. Mặc dù vậy, đây vẫn là vấn đề còn nhiều ý kiến tranh luận. Nhất là, khi chủ nghĩa xã hội trên thế giới vẫn đang thoái trào, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng thấm sâu vào đời sống mọi quốc gia, nhiều vấn đề thuộc mọi lĩnh vực của đời sống đều mang tính đa diện, đa chiều, phức tạp và phức hợp với vô vàn cấp độ, phương thức, xu hướng, khả năng, lợi ích... khác nhau. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chưa có tiền lệ trong lịch sử. Vì vậy, chúng ta phải vừa làm, vừa tổng kết thực tiễn, vừa rút ra những kinh nghiệm, để bổ sung lý luận. Quá trình đó rất cần đến tư duy phản biện của cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm giúp họ có những ý tưởng mới, phản biện lại quá trình tư duy của mình, lật đi lật lại vấn đề, lập luận trong tư duy rồi đưa ra tập thể tranh luận, thảo luận, bàn bạc, bổ sung gạt bỏ những luận điểm không phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước.

Ba là, ra quyết định, tổ chức thực hiện quyết định và tổng kết thực tiễn đúng đắn, khoa học. Người lãnh đạo, quản lý tất yếu phải gắn với việc ra quyết định, tổ chức triển khai quyết định và tổng kết việc thực hiện quyết định. Ra quyết định đúng, trúng những vấn đề cấp thiết của địa phương sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; ngược lại, sẽ kìm hãm sự phát triển, thậm chí, gây ra những hậu quả khó lường. Tổ chức thực hiện quyết định phải khoa học, lựa chọn phương án tối ưu, hiệu quả kinh tế cao, không ảnh hưởng tới địa phương khác cũng như thế hệ sau này. Tổng kết thực tiễn phải khách quan, không tô hồng, bôi đen thực tiễn, đánh giá thực tiễn chính xác và hiệu quả... Tất cả những nhiệm vụ đó đều cần phải có tư duy phản biện.

3. Để có đường lối đổi mới đúng đắn năm 1986 là cả một quá trình đổi mới tư duy của Đảng, nhất là tư duy phản biện. Sự tìm tòi, khảo nghiệm con đường cải cách, cải tổ hay đổi mới và đổi mới theo hướng nào? bắt đầu từ đâu? của Việt Nam trước đổi mới đã thể hiện sự phản biện quyết liệt trong tư duy của cả xã hội khi đó. Nhờ có sự phản biện, nhìn nhận ra những vấn đề chưa đúng trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn, Đảng ta đã đưa ra đường lối đổi mới đúng đắn, đưa nước ta bước vào một giai đoạn phát triển chưa từng có.

Với đổi mới, Đảng ta xác định, khâu đột phát đầu tiên là đổi mới tư duy, trong đó có tư duy phản biện. Theo đó, năng lực tư duy phản biện của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng được nâng lên rõ rệt. Điều đó thể hiện, hiện nay họ đã làm quen với cơ chế thị trường, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám trao đổi, tranh luận về hướng đi của địa phương mình lãnh đạo. Nhiều địa phương, cán bộ lãnh đạo, quản lý dám xin cơ chế riêng cho địa phương mình. Chứng tỏ họ đã có sự nhạy bén về thị trường, đang dần xóa bỏ tư duy bao cấp thời kỳ trước đổi mới.

Tuy nhiên, năng lực tư duy phản biện của cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Nhiều người bị ảnh hưởng của tư duy kinh nghiệm, tư duy nhiệm kỳ, thiếu tầm nhìn chiến lược, sa đà vào cái cụ thể, thiên vị trong đánh giá vấn đề. Thiếu động não trong việc ra quyết định, thậm chí rơi vào chủ quan duy ý chí khi xây dựng và triển khai quyết định.

Trong thực tiễn, yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có những ý tưởng đột phá, cần có óc phân tích, đánh giá, thẩm định, không chủ quan, mọi vấn đề cần được xem xét khách quan, khoa học và có phương án tối ưu. Do thiếu năng lực tư duy phản biện nên không ít người ngại suy nghĩ, ít có những ý tưởng mới đột phá, mà thường bằng lòng với tuân thủ ý kiến cấp trên một cách vô điều kiện. Đó là do:

Một là, trình độ tri thức, phương pháp tư duy lô gic của cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa được nâng cao. Nhiều người trở thành lãnh đạo, quản lý bằng con đường “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy bằng cấp” hoặc do các mối quan hệ chi phối mà không phải bằng thực lực. Vì vậy, trình độ tri thức của họ chưa đạt yêu cầu. Khả năng sử dụng tư duy lô gic vào phân tích tình huống, chắt lọc thông tin, lựa chọn vấn đề yếu kém. Bên cạnh đó, “công tác lý luận vẫn còn lạc hậu, việc tổng kết thực tiễn vẫn còn yếu kém, chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu của cách mạng... phương pháp tư duy vẫn chưa vươn tới tầm biện chứng, còn dừng lại ở trình độ cảm tính, ở chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc phần nào còn mang tính thực dụng. Rất nhiều vấn đề chúng ta vẫn chưa kết luận được”(3). Rõ ràng, tư duy phản biện của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chưa trở thành công cụ để cung cấp những luận cứ khoa học cho lý luận phát triển.

Hai là, về cơ bản, hiện nay chúng ta chưa xây dựng được môi trường văn hóa phản biện, môi trường học thuật dân chủ. Môi trường dân chủ là yêu cầu thiết yếu để nâng cao năng lực tư duy phản biện cho nhân dân nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Nhưng, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế cũng như môi trường để cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có những phát minh, sáng kiến trong lãnh đạo, họ phải biết thông tin, nắm bắt thông tin và khi tham gia phản biện, tranh luận phải dân chủ, văn minh trên cơ sở sinh hoạt khoa học mà không bị trù dập, định kiến, quy chụp. Trong một diễn đàn chính thức, không ít người không dám nói ra ý kiến của mình vì không ai bắt lãnh đạo, quản lý nhất thiết phải có sáng kiến và để bản thân được an toàn.

Ba là, bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý bị suy thoái. Tại Đại hội XII của Đảng, vấn đề bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên tiếp tục được nhắc tới: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi... đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng”(4). Cán bộ lãnh đạo, quản lý còn quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật, không hiểu thực tiễn, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới, không nắm được hoạt động, lối sống của cán bộ dưới quyền, nên có trường hợp đề ra chủ trương, chính sách không phù hợp với thực tế, người dân không đồng tình. Mà thiếu bản lĩnh, ý thức trách nhiệm thì năng lực tư duy phản biện không thể được nâng cao. Bởi, năng lực tư duy phản biện mang tính khoa học, phản ánh khách quan hiện thực xã hội, không thể được hình thành trên nền tảng những tình cảm nhạt nhẽo, nhạt phai lý tưởng, sự lười biếng, ngại khó, ngại khổ, ỉ lại, thói cơ hội của chủ nghĩa cá nhân. Tư duy phản biện với những yêu cầu cao như vậy chỉ có thể xuất hiện, được nuôi dưỡng và phát triển ở những con người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm với dân với nước, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân.

4. Để nâng cao năng lực tư duy phản biện cho cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay ở nước ta, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ hiểu biết, năng lực sáng tạo của tư duy và phương pháp tư duy lô gic cho cán bộ lãnh đạo, quản lý

Tư duy phản biện là kỹ năng tư duy cần có để trở thành một người có trình độ hay một người có khả năng lãnh đạo, quản lý. Quá trình thực hiện tư duy này cần vận dụng không chỉ tri thức chuyên môn, am hiểu mọi mặt của đời sống xã hội mà còn phải sử dụng phương pháp tư duy lô-gic để biểu đạt ý tưởng rõ ràng, lô-gic, thiết thực, chiều sâu và tầm rộng, cũng như sự khách quan và tính công bằng. Theo đó, để có thể phát huy được năng lực phản biện của mình, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có trình độ chuyên môn giỏi, có hiểu biết sâu rộng, có kiến thức về nhiều lĩnh vực, đặc biệt phải có phương pháp tư duy lô-gic, tư duy biện chứng.

Muốn nâng cao năng lực tư duy phản biện thì không thể không đổi mới, nâng cao các tri thức triết học, đặc biệt là triết học Mác - Lê-nin. Ngoài việc trang bị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý những tri thức, tình cảm, lý tưởng Triết học Mác - Lê-nin... còn góp phần phát triển những phẩm chất trí tuệ, cung cấp cho họ phương pháp tư duy. Nhất là phương pháp để tự phê phán. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Phương pháp giảng dạy, học tập lý luận chính trị còn lạc hậu”(5), trong đó có phương pháp giảng dạy môn triết học Mác - Lê-nin cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phương pháp dạy ở các trường chính trị vẫn là thầy giảng, trò nghe và ghi chép. Mọi việc cứ theo lời thầy giảng làm cho tư duy phản biện của học viên không được hình thành và phát huy. Thời gian tới nên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường đàm thoại, thảo luận, trao đổi, khảo sát thực tế...

Thứ hai, xây dựng môi trường dân chủ, văn hóa tranh luận, phản biện. Đổi mới tư duy, nâng cao năng lực tư duy phản biện phải thông qua giáo dục, đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng phản biện. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ để chuyển hoá, biến những kiến thức thu nhận được thành cái của mình. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý khâu tiếp tục rèn luyện tư duy phản biện trong thực tiễn công tác có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Muốn vậy phải tạo ra được một bầu không khí dân chủ, có văn hóa trong hoạt động phản biện.

Bầu không khí dân chủ trong hoạt động phản biện là môi trường sống của tư duy phản biện, tư duy sáng tạo. Nó khuyến khích con người tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ: nhìn thấy những cái không bình thường trong những cái tưởng chừng là hợp lý; dám đề xuất những ý kiến táo bạo vượt lên những “khuôn sáo”, những “giáo điều” cũ kỹ về cách quản lý, cách làm ăn, thậm chí dám nghi ngờ, đặt câu hỏi trước những vấn đề vốn được xem là chân lý.

Ở nước ta hiện nay, do môi trường dân chủ trong phát huy tư duy phản biện còn hạn chế nên cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn bị thụ động trong suy nghĩ và hành động. Họ không tự và không dám suy nghĩ mà chỉ dựa vào cấp trên; làm việc gì cũng phải chờ và xin ý kiến. Họ thường đi theo hướng tuyên truyền, giải thích nghị quyết mà ít có ý kiến sáng tạo, hoặc có cũng không dám nói ra. Vì vậy, hiện nay cần phải xây dựng cho được môi trường văn hóa tranh luận, phản biện dân chủ thì cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp mới dám thảo luận, đặt câu hỏi, nghi ngờ, đưa ra những ý kiến mới một cách khoa học, từ đó nâng cao năng lực tư duy phản biện của mình.

Thứ ba, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để nâng cao năng lực tư duy phản biện, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phải nâng cao bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức cách mạng. Bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ lãnh đạo, quản lý là một trong những yếu tố quan trọng hình thành bản lĩnh chính trị của Đảng. Bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng được thể hiện ở việc: quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm, đường lối, chiến lược, sách lược; ở sự mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược, thái độ và khả năng xử lý các tình huống phức tạp; ý chí và khả năng đấu tranh chống lại sự tấn công của kẻ thù; sự nhạy cảm với cái mới và khả năng tự đổi mới.

Để nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, Đại hội XII của Đảng yêu cầu: “Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng. Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương. Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(6).

Trên đây là một số giải pháp nhằm tạo ra động lực kích thích và tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo hiện nay. Muốn thực hiện trên thực tế được chất lượng, hiệu quả, các giải pháp này cần được tiến hành đồng bộ và nhất quán. Tuy nhiên, việc giải quyết tốt những yêu cầu trên chỉ tạo ra những điều kiện khách quan, những tiền đề cần thiết cho việc nâng cao năng lực tư duy phản biện. Trên nền tảng đó, người cán bộ lãnh đạo, quản lý còn cần phát huy nhân tố chủ quan, cố gắng nỗ lực cá nhân. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục, thì còn phải có được một cơ chế trên thực tế để hướng tất cả mọi cán bộ lãnh đạo, quản lý vào quỹ đạo học tập và rèn luyện, trong đó, tự học tập, tự rèn luyện là quan trọng nhất để nâng cao năng lực tư duy phản biện cho mình./.

--------------------------------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr. 17, 46 
(3) Nguyễn Phú Trọng: Tổng kết thực tiễn - một nhiệm vụ trọng yếu của công tác lý luận hiện nay, http://tapchicongsan.org.vn, ngày 26-2-2014
(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 61, 193
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 201 - 202