Biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế

Phạm Tất Thắng TS, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
14:20, ngày 03-01-2017

TCCS - Cho đến nay, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được quan tâm nhiều hơn, nhưng tốc độ tăng GDP vẫn là chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe, quy mô của nền kinh tế. Cuộc chạy đua đạt tốc độ GDP cao đang tiến đến trần giới hạn chịu đựng của tự nhiên, khiến môi trường sống bị ô nhiễm, khí hậu biến đổi. Đến lượt mình, biến đổi khí hậu làm giảm mức tăng trưởng kinh tế, gây nên những bất ổn đối với an sinh xã hội và trở thành một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

Biến đổi khí hậu kéo lùi tăng trưởng kinh tế

Biến đổi khí hậu, theo định nghĩa tại Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC), là sự biến đổi cơ bản của khí hậu được quy trực tiếp hoặc gián tiếp do hoạt động của con người làm thay đổi thành phần của khí quyển toàn cầu; sự thay đổi này cộng thêm khả năng biến động tự nhiên của khí hậu quan sát được trong các thời kỳ có thể so sánh được. Biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế và các hoạt động của con người tác động vào tự nhiên trong quá trình sản xuất, tiêu dùng, có mối quan hệ nhân quả, tác động qua lại. Trong các thập niên gần đây, nhiều báo cáo của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế, các nghiên cứu độc lập đánh giá về biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, tuy có khác nhau về số liệu cụ thể, nhưng đều phản ánh một xu thế chung thống nhất, đó là hoạt động của con người là nguyên nhân chính (chiếm đến 90%) gây ra biến đổi khí hậu và đến lượt mình, biến đổi khí hậu có ảnh hưởng tiêu cực đối với an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế quá nóng, tăng trưởng dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; cạnh tranh, tranh giành nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng khiến tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, khí hậu biến đổi. Mặc dù biến đổi khí hậu không hoàn toàn chỉ có tác động tiêu cực, mà cũng có những tác động tích cực nhất định đối với một số cộng đồng, một số khu vực, một số ngành nghề,... nhưng xét về tổng thể thiệt - hơn, thì tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lớn hơn tác động tích cực. Những tổn thất kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu cộng với các chi phí khắc phục thiệt hại làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia và trên phạm vi toàn cầu. Theo tài liệu “Kiểm soát sức tàn phá của biến đổi khí hậu: Phép tính lạnh cho một hành tinh nóng” do Tổ chức Nhân đạo quốc tế DARA và Diễn đàn Các nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu (CVF) thực hiện, hiện tượng Trái đất nóng dần lên gây thiệt hại khoảng 1.200 tỷ USD, tương đương 1,6% GDP hằng năm của thế giới; đến năm 2030, thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí gây ra sẽ tăng lên 3,2% GDP toàn cầu, trong đó mức thiệt hại của những nước kém phát triển nhất có thể lên đến 11% GDP. Còn theo một kết quả nghiên cứu của Liên hợp quốc mới được công bố, đến năm 2030 nền kinh tế toàn cầu có thể mất hơn 2.000 tỷ USD do biến đổi khí hậu và tình trạng nóng dần lên của Trái đất. Một kết quả nghiên cứu khác cho biết, nếu thế giới không có các chính sách hiệu quả nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thì đến năm 2100, nền kinh tế thế giới có thể sẽ giảm 23% mức tăng trưởng. Tổ chức phi chính phủ Oxfam (Anh) công bố số liệu cho thấy, các nền kinh tế đang phát triển có thể bị thiệt hại tới 1.700 tỷ USD/năm vào năm 2050. Báo cáo của tổ chức Health and Environment International Trust của Liên hợp quốc cho biết, có tới 43 quốc gia bị suy giảm về kinh tế do nắng nóng và biến đổi khí hậu. Tới năm 2030, tổng GDP của Trung Quốc sẽ giảm 1%, của In-đô-nê-xi-a: 6%; tổng GDP của cả Ấn Độ và Trung Quốc sẽ bị mất khoảng 450 tỷ USD. Một số nước ở vùng hàn đới, như Nga, Na Uy và Thụy Điển cũng chịu sự suy giảm về GDP do thời tiết mùa đông trở nên khắc nghiệt hơn. Theo nghiên cứu của DARA và CVF, đến năm 2030, hiện tượng thời tiết cực đoan có thể khiến GDP của Mỹ giảm 2% và gây thiệt hại cho Trung Quốc khoảng 1.200 tỷ USD.

Rõ ràng, biến đổi khí hậu có tác động rất lớn đến tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội trên phạm vi toàn cầu cũng như ở mỗi quốc gia, và mọi chiến lược về phát triển bền vững không thể không tính đến tác động của biến đổi khí hậu để luôn có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.


Biến đổi khí hậu làm gia tăng bất ổn xã hội ở mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu


Biến đổi khí hậu không chỉ làm giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn chất thêm những khó khăn cho nhân loại trong tiến trình giảm đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, thu hẹp bất bình đẳng xã hội,... Có thể thấy những tác động nổi bật nhất là:


Thứ nhất, một bộ phận người nghèo có nguy cơ càng nghèo hơn do họ là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên tác động trực tiếp đến những ngành kinh tế - kỹ thuật thấp, các ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, môi trường, đất đai, nguồn nước, khí hậu, chế độ thủy văn, nhiệt độ, độ ẩm, như sản xuất nông nghiệp,... trong khi đó, đây lại là những lĩnh vực mà người nghèo chiếm số đông. Nhiều nước nghèo, kém phát triển nhất ở châu Phi và châu Á, như Ê-ti-ô-pi-a, Dăm-bi-a, Y-ê-men, các đảo quốc trên Thái Bình Dương là nơi sinh sống của đông người nghèo nhất thế giới, đồng thời cũng là nơi phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, lũ lụt, bão... khiến tình trạng suy dinh dưỡng, nghèo đói, bệnh tật và bất ổn nơi đây càng trầm trọng thêm.


Trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21) (tháng 12-2015), Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố một báo cáo về những hậu quả của biến đổi khí hậu, trong đó đưa ra cảnh báo rằng, tiến trình giảm nghèo đói của thế giới sẽ chịu những tác động tiêu cực bởi sẽ có thêm khoảng 100 triệu người trên thế giới có thể rơi vào tình trạng nghèo khổ trong 15 năm tới do các hiện tượng thời tiết bất thường liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong khi đó, dân số Trái đất tiếp tục tăng nhanh, tốc độ tăng dân số ở các nước nghèo, đang phát triển lại nhanh hơn các nước giàu, phát triển; biến đổi khí hậu khiến đất canh tác thu hẹp; một số nước có lợi thế phát triển nông nghiệp, xuất khẩu lúa gạo có khả năng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích trồng lúa... Thủ tướng Băng-la-đét S. Ha-si-na (Sheikh Hasina) cho biết, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 10C, năng suất nông nghiệp của nước này sẽ giảm 10%, lương thực giảm khoảng 4 triệu tấn, tương đương 2,5 tỷ USD và 2% GDP. Những sự chuyển đổi, thiệt hại đó cộng hưởng lại có khả năng đe dọa an ninh lương thực ở tầm toàn cầu.


Thứ hai, biến đổi khí hậu làm gia tăng dòng người tị nạn môi trường do bị mất nơi cư trú, mất phương thức sống truyền thống gắn với thiên nhiên, phải chuyển đổi nghề nghiệp,... Tị nạn môi trường, theo định nghĩa của Liên hợp quốc, là “cư dân phải rời bỏ môi trường sinh sống truyền thống trong tạm thời hoặc lâu dài vì môi trường bị phá hủy bởi các yếu tố nhân tai và thiên tai, đẩy họ đến chỗ mất sinh kế, sự tồn tại gặp nguy hiểm, chất lượng sống xuống cấp”. Theo số liệu mà các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề di cư môi trường của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, hiện có 50 triệu người mất đất sống truyền thống, phải đi tìm sinh kế ở các đô thị và những quốc gia có điều kiện sống khá hơn. Báo cáo phát triển con người 2007/2008 của UNDP dự báo, nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 30C - 40C, khoảng 330 triệu người sẽ mất chỗ ở tạm thời hoặc vĩnh viễn do lũ lụt. Báo cáo tổng kết của Diễn đàn nhân đạo toàn cầu (năm 2009) cho biết, sự gia tăng nhiệt độ của Trái đất sẽ khiến trung bình mỗi năm có 26 triệu người di cư. Không chỉ người di cư mà cả những nơi tiếp nhận người di cư đều phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế, xã hội nảy sinh.


Thứ ba, biến đổi khí hậu tuy tác động đến tất cả các quốc gia, nhưng tác động không đồng đều giữa các vùng, các khu vực, do vậy góp phần làm trầm trọng thêm bất bình đẳng xã hội trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia trên quy mô toàn cầu. Một kết quả nghiên cứu mối liên hệ giữa biến đổi nhiệt độ và những hoạt động kinh tế của 166 quốc gia trong 50 năm qua cho biết, sự nóng lên toàn cầu ở một khía cạnh nhất định sẽ có lợi đối với các nước có khí hậu lạnh vốn là những quốc gia giàu có, trong khi ảnh hưởng tiêu cực tới các nước có khí hậu nóng - thường là các quốc gia kém phát triển. Hiện tượng nóng lên của Trái đất sẽ giúp cải thiện tình hình sản xuất ở những nước thuộc vùng lạnh, nhất là những khu vực có đủ nước và chất dinh dưỡng, mùa vụ sẽ kéo dài hơn, cây trồng có năng suất cao hơn, cây rừng sẽ mọc tốt hơn. Sức khỏe của con người ở một số vùng lạnh sẽ có lợi hơn. Chi phí để sưởi ấm, dọn đường trong mùa đông băng giá cũng sẽ giảm đi, giao thông thuận lợi hơn. Trong khi đó những tác động này lại không thuận đến các nước ở vùng nhiệt đới nắng nóng do sâu bệnh, dịch bệnh, khan hiếm nước, chi phí làm mát (điều hòa nhiệt độ...).


Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, nồng độ các khí “gây hiệu ứng nhà kính” trong khí quyển năm 2015 đã vượt qua ngưỡng 400/106 thể tích, trong khi giới hạn an toàn của chỉ số này là 350/106 thể tích. Những quốc gia nghèo, có thu nhập thấp chỉ thải ra một lượng rất nhỏ các khí gây ra “hiệu ứng nhà kính” làm Trái đất nóng lên, dẫn tới hệ thống khí hậu biến đổi. Họ không phải là thủ phạm gây ra biến đổi khí hậu nhưng lại là nạn nhân lớn nhất do khí hậu biến đổi. Nghịch lý phát triển đối với các nước nghèo là, nguồn lực để đối phó, thích ứng với biến đổi khí hậu hạn chế, các chi phí khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu gây nên gia tăng, trong khi đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng dựa trên các yếu tố truyền thống đã không còn phù hợp và không còn cơ hội. Khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến để thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng là một khó khăn rất lớn đối với các quốc gia nghèo. Theo báo cáo của Oxfam, nếu nhiệt độ thế giới tăng thêm 30C, các nước đang phát triển sẽ phải chi thêm khoảng 270 tỷ USD/năm vào năm 2050 để thực hiện các biện pháp đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nếu không có số tiền trên, nền kinh tế của những nước này còn có nguy cơ thiệt hại khoảng 600 tỷ USD vào năm 2050. Trong khi đó, những nước công nghiệp phát triển, những nước giàu là thủ phạm gây ra “hiệu ứng nhà kính” dẫn đến biến đổi khí hậu lại chịu tác động ít hơn từ sự nóng lên của Trái đất. Đây chính là một trong những căn nguyên lý giải vì sao biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến môi trường sống của cả nhân loại nhưng các quốc gia lại khó khăn như thế trong việc cắt giảm khí thải, hợp tác chống biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu. COP 21 đã phải trải qua trình đàm phán căng thẳng, gay cấn trong suốt 13 ngày liên tục để tìm tiếng nói chung giữa các nước về việc giảm lượng khí thải, thỏa thuận giữa các quốc gia chỉ đạt được vào phút chót, vào thời điểm “không thể muộn hơn”.


Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu


Là nước nông nghiệp (nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP), có bờ biển dài 3.260km, đạt mức thu nhập trung bình thấp của thế giới, phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam, theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Theo chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), đánh giá mức độ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới thông qua 42 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường tại 193 quốc gia, Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”.


Biến đổi khí hậu tác động tới tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực của nước ta, nhưng trong đó tài nguyên nước, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế - sức khỏe và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, là nguy cơ hiện hữu đối với thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Theo một dự báo, đến năm 2100, Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thế giới và Đại học Cô-pen-ha-ghen (năm 2012) cho biết, nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD thì thiệt hại khi đó do biến đổi khí hậu có thể lên đến khoảng 40 tỷ USD.


Các tác động của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan,... đang hiện hữu ngày càng nhiều hơn, rõ rệt hơn, thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, gây thiệt hại cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của nước ta. Việt Nam là một trong 84 quốc gia đang phát triển ở vùng ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng. Hai vựa lúa lớn của cả nước là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước, vùng nguyên liệu đầu vào quan trọng cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dệt, may mặc,... là một trong 4 - 5 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ngập chìm không còn khả năng canh tác. Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm. Nước biển dâng khiến tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển nặng nề hơn, thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều thấp hơn so với mực nước biển. Ngập mặn có tác động đặc biệt nghiêm trọng tới vùng đồng bằng sông Cửu Long, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất của vùng này sẽ bị xâm nhập mặn, mất khoảng 2 triệu héc-ta đất trồng lúa. Nhiệt độ tăng, mưa ít, hạn hán, thiếu nước tưới, các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, lũ theo mùa tự nhiên ít khiến đất thiếu phù sa bồi đắp đứng trước nguy cơ bị bạc màu, suy thoái, ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất cây trồng.


Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai tại các đô thị, khu dân cư lớn, các làng nghề; các sự cố môi trường ngày càng gia tăng do những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, gia tăng dân số,... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn. Xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng bộc lộ rõ, chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Các sự cố về môi trường, tranh chấp môi trường và xung đột môi trường diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, có nguy cơ lan rộng cả về không gian, thời gian và tần suất ở nhiều địa phương trên cả nước(1).


Xác định bảo vệ môi trường, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, ban hành chính sách bảo vệ môi trường, như Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị, về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 21-1-2009, của Ban Bí thư, về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Ngày 3-6-2013, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững...”(2). Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2139/QĐ-TTg, ngày 5-12-2011, Phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Vấn đề bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững đã được đưa vào kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương,...


Để có thể đưa các chủ trương, chính sách đó của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đồng thời tổng kết, phát huy được các sáng kiến của người dân trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, “sống chung với lũ”, “sống chung với mặn”... có một số nội dung cần được quan tâm nhiều hơn:


Một là, nghiên cứu mối quan hệ, tác động qua lại giữa ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế, trong đó đánh giá cụ thể hơn những hoạt động của con người vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà làm ô nhiễm môi trường, dẫn tới biến đổi khí hậu.


Hai là, phân tích rõ hơn những ngành, nghề, lĩnh vực có tiềm năng phát triển, khai thác những nguồn lợi do tác động của biến đổi khí hậu mang lại để có hướng phát triển, khai thác và tận dụng. Chẳng hạn như “nắng nóng cao kéo dài, lượng mưa ít đi thì có thể tạo những thuận lợi cho các ngành nghề, như từ làm ruộng muối, phơi sấy nông, hải sản và thực phẩm... đến các hoạt động du lịch bãi biển hay sản xuất quang điện...”(3).


Ba là, nâng cao năng lực của nền kinh tế để tăng sức chịu đựng đối với biến đổi khí hậu qua việc đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng xanh, đầu tư xanh; cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn các ngành kinh tế phù hợp để tập trung phát triển; nâng cao tính thiết thực và hiệu quả liên kết vùng trong tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi.


Bốn là, khảo sát, tổng hợp những sáng kiến của người dân trong việc ứng phó với các hiện tượng biến đổi khí hậu và tăng cường nguồn lực để hỗ trợ, nâng cao hơn nữa tính chủ động cũng như tính dài hạn trong các biện pháp đó. Đã có nhiều khảo sát tìm hiểu cách người dân ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, ứng phó với biến đối khí hậu và thích nghi với quá trình đó. Rất nhiều nhận xét cho rằng người dân đặc biệt sáng tạo và có nhiều sáng kiến ứng phó. Chẳng hạn, khảo sát cách người dân một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với hiện tượng xâm nhập mặn, TS. Đặng Kim Khôi, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bên cạnh các biện pháp công trình (xây bể chứa nước, khoan giếng, sửa chữa đê bao, bơm nước làm sạch ruộng,...), các giải pháp phi công trình (thay đổi lượng đầu vào, như phân bón, thuốc trừ sâu, lượng hạt giống), thay đổi lịch thời vụ, chuyển đổi giống và cơ cấu cây trồng, như chuyển trồng lúa sang trồng các loại cây khác, chuyển trồng lúa sang nuôi tôm,... được người dân tăng cường áp dụng. Các hộ dân có xu hướng ứng phó quyết liệt hơn với tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán. Tuy nhiên, những giải pháp này nhìn chung còn mang tính ngắn hạn, chủ yếu giảm thiểu tác động ngay khi thiên tai xảy ra. Nguyên nhân là do người dân còn hạn chế về khả năng nhận biết mức độ phức tạp của thiên tai, không có đủ kỹ thuật chuyển đổi hoặc chi phí cho các giải pháp dài hạn thường tốn kém hơn, mất thời gian mang lại hiệu quả cao hơn và tiềm ẩn hiều rủi ro hơn(4). Đây cũng là khoảng trống cần được nghiên cứu để khắc phục.


Những phân tích trên đây cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là vấn đề về môi trường mà còn là vấn đề về phát triển bởi nó tác động sâu sắc và nhiều mặt đến cuộc sống của mỗi người dân và môi trường sống toàn cầu. Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Cô-phi A-nan (Kofi Annan) từng coi biến đổi khí hậu là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, có mức độ nguy hiểm xếp ngang hàng với xung đột vũ trang, buôn lậu vũ khí hay nghèo đói. Vì thế “xanh hóa” nền kinh tế gồm tăng trưởng, đầu tư, công nghệ, năng lượng, tiêu dùng đến các lĩnh vực khác, như giáo dục, đào tạo, việc làm, y tế,... cần trở thành mục tiêu và cơ hội đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Mọi bất bình đẳng trong cơ hội phát triển, phát triển bền vững đều có thể tạo nên nguy cơ khiến thế giới bất ổn, môi trường sống bất an, đe dọa sự an toàn của ngôi nhà chung của nhân loại./.

----------------------------------------------


(1) Xem: PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”, tháng 11-2016


(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 141


(3) Lê Anh Tuấn: Kinh tế và biến đổi khí hậu (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ) http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/20131130/kinh-te-va-bien-doi-khi-hau/582681.html


(4) Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”, tháng 11-2016