Để tiếp tục xứng đáng gánh vác trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri và nhân dân

Lưu Ngọc Tố Tâm TS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
15:31, ngày 31-10-2016

TCCS - Đại biểu Quốc hội là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri cả nước, là người thay mặt cho nhân dân, nói lên tiếng nói của cử tri và nhân dân tại Quốc hội. Điều 79 Hiến pháp năm 2013 quy định địa vị pháp lý và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, trong đó xác định rõ mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân.

Theo đó, đại biểu Quốc hội là người đại diện tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân một cách tâm huyết và trách nhiệm nhất tại Quốc hội, với một số trách nhiệm cơ bản sau:

Một là, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và lợi ích của nhân dân địa phương và nhân dân cả nước. Để thực hiện được trách nhiệm của người được ủy quyền, đại biểu Quốc hội phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nghĩa vụ của mình trong việc tiếp xúc cử tri, trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri, vận động và tuyên truyền pháp luật tới cử tri theo quy định tại Điều 79 Hiến pháp năm 2013.

Hai là, đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn; quyền tham gia và bày tỏ ý kiến tại nghị trường. Đây là quyền, đồng thời cũng là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri và nhân dân trong việc truyền tải những ý kiến, nguyện vọng của cử tri và nhân dân tới Quốc hội; đồng thời xem xét, đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thi hành pháp luật. Quy định này đã được cụ thể hóa tại Điều 32 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.

Ba là, đại biểu Quốc hội thực hiện tốt các trách nhiệm của mình trong mối quan hệ với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Điều 82 Hiến pháp năm 2013 và Điều 30 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định, đại biểu Quốc hội phải tham gia đầy đủ các kỳ họp, các phiên họp của Quốc hội; có quyền cũng như trách nhiệm phải tham gia các hoạt động của các ủy ban và Hội đồng Dân tộc với tư cách là thành viên.

Một số vấn đề đặt ra từ thực thi các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân

Thứ nhất, hệ thống văn bản pháp luật ngày càng được củng cố, hoàn thiện theo hướng quy định rõ ràng hơn về yêu cầu và cách thức thực hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Đối với vấn đề xác định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân, pháp luật quy định rõ về tính chất hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách; thể hiện trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, trách nhiệm với cử tri và trách nhiệm trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Bên cạnh các quy định trong Hiến pháp năm 2013, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân cũng được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật khác, như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2010, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 (có hiệu lực ngày 1-7-2016).

Thứ hai, tăng cường tính hợp lý và khả thi trong các quy định của pháp luật về cơ cấu đại biểu Quốc hội. Khoản 2, Điều 23 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: “Số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội”. Như vậy, trong tổng số không quá 500 đại biểu Quốc hội hiện nay thì có ít nhất 35% số đại biểu Quốc hội chuyên trách (đại biểu dành 100% thời gian hoạt động đại biểu), còn lại là đại biểu Quốc hội không chuyên trách (đại biểu được dành 1/3 thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ đại biểu). Như vậy, do điều kiện về thời gian và công việc, các đại biểu sẽ dành sự quan tâm ở các mức độ khác nhau đối với việc tiếp xúc cử tri. Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; để đại biểu Quốc hội khi tham gia trên nghị trường có thể toàn tâm, toàn ý, dành hết thời gian và trí lực của mình, thay mặt nhân dân đóng góp tiếng nói và quyết định những vấn đề lớn của đất nước.

Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, quy định cơ chế bảo đảm tính hiệu quả trong hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Điều 32 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 mở rộng đối tượng thuộc quyền được chất vấn của đại biểu Quốc hội, bao gồm các bộ trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Quy định cụ thể quyền chất vấn các bộ trưởng của đại biểu Quốc hội chính là một công cụ để nâng cao chất lượng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, chất vấn đúng đối tượng, đúng nội dung đặt ra. Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của các đối tượng bị chất vấn trong việc “phải” trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, thay vì quy định trình tự, thủ tục đại biểu Quốc hội phải thực hiện để “được” trả lời chất vấn. Theo đó, “người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội hoặc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản”. Nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền “chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn” (thay vì chỉ có quyền “đề nghị Chủ tịch Quốc hội đưa ra thảo luận trước Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội” như trước đây).

Thứ tư, bổ sung nhiệm vụ của đoàn đại biểu trong việc tổ chức giám sát, tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát tại địa phương. Điều 43 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 bổ sung nhiệm vụ của đoàn đại biểu trong việc tổ chức giám sát, tham gia hỗ trợ hoạt động giám sát tại địa phương; yêu cầu cơ quan, tổ chức liên quan cung cấp thông tin báo cáo về những vấn đề đại biểu quan tâm, quy định rõ hơn về điều kiện hoạt động của đại biểu. Quy định này nhằm tăng cường khả năng gắn kết giữa đại biểu Quốc hội với cử tri cả nước khi chính đại biểu là người trực tiếp tham gia trong công tác giám sát các hoạt động tại địa phương nên hiểu được một cách rõ ràng và khách quan nhất những vấn đề không chỉ tại địa phương mình mà còn ở các địa phương khác trên cả nước. Điều này được ghi nhận tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

Thứ năm, quy định cụ thể, chi tiết về chính sách đối với đại biểu Quốc hội. Để đại biểu Quốc hội có thể an tâm thực hiện bổn phận, trách nhiệm của mình với cử tri cả nước, cần phải có chế độ, chính sách thích hợp tương xứng với mức độ tham gia của đại biểu Quốc hội trong các hoạt động của Quốc hội. Khoản 3, Điều 82 Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của đại biểu Quốc hội”. Điều 41, 42 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định cụ thể về phụ cấp và các chế độ khác của đại biểu Quốc hội chuyên trách, phụ cấp của đại biểu Quốc hội không hưởng lương từ ngân sách nhà nước do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Đại biểu Quốc hội được cấp hoạt động phí hằng tháng, kinh phí để thực hiện chế độ thuê, khoán chuyên gia, thư ký giúp việc và các hoạt động khác để phục vụ cho hoạt động của đại biểu theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây chính là sự ghi nhận tích cực của pháp luật và Nhà nước trước trách nhiệm to lớn của đại biểu Quốc hội đối với cử tri cả nước; tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội yên tâm công tác và hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thực tiễn triển khai các quy định pháp luật hiện hành về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân cũng bộc lộ một số hạn chế, như: Việc quy định số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất bằng 35% tổng số đại biểu Quốc hội như hiện nay phần nào vẫn chưa bảo đảm được sự tham gia đầy đủ và tích cực của đại biểu Quốc hội nói chung vào các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; quy định về trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội còn cứng nhắc, thiếu chi tiết, các quy định về tiếp xúc cử tri hiện nay còn thiên về hình thức “hội nghị”; quy định về trách nhiệm tiếp công dân của đại biểu Quốc hội còn nhiều bất cập về trách nhiệm xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; chưa quy định rõ trách nhiệm của người bị chất vấn trong các phiên chất vấn của Quốc hội, chất lượng các câu trả lời chất vấn chưa cao, thời gian cho công tác chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp chưa hợp lý...

Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân

Nhấn mạnh tới vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội chính là điểm đột phá trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống lập pháp trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Việc hoàn thiện và nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội trong thời gian tới để Quốc hội thực sự trở thành cơ quan quyền lực cao nhất trong bộ máy nhà nước, xứng đáng với niềm tin của nhân dân cả nước trong hơn 70 năm qua, theo đó cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; tăng thời gian hoạt động của đại biểu Quốc hội đối với công việc của Quốc hội; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng. So với đại biểu kiêm nhiệm thì đại biểu chuyên trách có thể toàn tâm, toàn ý để chăm lo và thực hiện tốt hoạt động đại biểu của mình. Khi quyết định các vấn đề, ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách khách quan hơn. Do chỉ dành 1/3 thời gian làm việc để làm công tác đại biểu, nên đại biểu kiêm nhiệm dễ bị phân tán, vắng mặt, làm giảm chất lượng của những quyết sách được đưa ra. Do đó, cần sửa đổi luật theo hướng tiếp tục tăng số lượng đại biểu chuyên trách trong tổng số đại biểu Quốc hội ở nhiệm kỳ tới thêm 5% và phấn đấu để số đại biểu này chiếm 50% trong các nhiệm kỳ tiếp theo.

Việc tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải đi liền với vấn đề nâng cao tính chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đại biểu Quốc hội rất cần các thông tin đa dạng, vừa rộng, vừa chuyên sâu, nên cần sửa đổi các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong việc cung cấp thông tin và gửi các loại tài liệu cho đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định rõ trách nhiệm đối với những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện đầy đủ, kịp thời, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Đồng thời có cơ chế ràng buộc trách nhiệm về sự phối hợp chặt chẽ giữa đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.

Thứ hai, cần quy định cụ thể hơn về việc tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc; bổ sung các quy định về hình thức tiếp xúc cử tri. Quy định về tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú và nơi làm việc hiện nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về đối tượng tham gia, cách thức thực hiện, dẫn tới trong nhiều trường hợp, cử tri không biết cách và địa điểm gặp gỡ đại biểu Quốc hội. Do đó, cần quy định rõ về đối tượng cử tri tham gia vào các điểm tiếp xúc cử tri; phương thức thực hiện để cử tri có thể lựa chọn tham gia vào các điểm tiếp xúc phù hợp nhất. Cần thiết mở rộng các hình thức đối thoại giữa đại biểu Quốc hội và cử tri nhằm tạo điều kiện cho cử tri cũng như đại biểu Quốc hội được gặp gỡ và trao đổi với nhau nhiều hơn; đổi mới về phương thức tiếp xúc cử tri để tạo không khí cởi mở, tránh những buổi tuyên truyền, thuyết giáo. Có như vậy, tâm tư, nguyện vọng của cử tri mới tới được đại biểu Quốc hội một cách dễ dàng, chân thực nhất. Tùy theo điều kiện và yêu cầu của đại biểu Quốc hội, có thể tổ chức thêm các cuộc tiếp xúc cử tri ở xã, phường, thị trấn; tiếp xúc cử tri ngoài giờ hành chính, mở rộng đối tượng cử tri tham gia tiếp xúc, hạn chế tình trạng tiếp xúc hình thức, có sự sắp đặt trước theo kiểu “cử tri chuyên nghiệp”.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo; tuyên truyền và phổ biến kiến thức pháp luật tới cử tri để nhân dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm và vai trò của đại biểu Quốc hội. Hiện nay, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều trường hợp còn chưa nhận được sự thiện cảm hoặc sự đồng thuận từ người dân, xuất phát từ chính những bất cập trong nội dung pháp luật thực định và quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền trên thực tế. Do đó, trong thời gian tới, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các quy định liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội chuyển tới; quy định thêm về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân hiểu được đầy đủ, chính xác hơn về nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, trong đó có lĩnh vực tiếp công dân, để cử tri và nhân dân thuận lợi hơn và tham gia có trách nhiệm hơn khi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng dân nguyện nói chung và lĩnh vực tiếp công dân nói riêng cho đại biểu Quốc hội và cán bộ văn phòng phục vụ đoàn đại biểu Quốc hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền lợi chính đáng của cử tri và nhân dân./.