TCCS - Trong quan hệ quốc tế đương đại, hiếm có cơ chế quốc tế nào có “số phận” kỳ lạ như Phong trào Không liên kết. Năm mươi lăm năm qua, kể từ thời điểm ra đời (ngày 6-9-1961 tại Thủ đô Ben-grát của Liên bang Nam Tư cũ) đến nay, bất chấp sự lớn mạnh kể cả về số lượng (từ 25 thành viên ban đầu, đến nay đã có 120 thành viên) lẫn chất lượng (phương thức hoạt động và hiệu quả thu được) cùng những nỗ lực điều chỉnh nhằm thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh, Phong trào Không liên kết không ít lần phải đối mặt với câu hỏi: “tồn tại hay không tồn tại?”. Đặc biệt là từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa buộc tất cả các nước thành viên của Phong trào Không liên kết đều phải thi hành một chính sách “mở”, tăng cường liên kết với bên ngoài, nghịch lý này lại càng trở nên rõ ràng hơn.

Những thách thức từ quá trình phát triển

Ra đời trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, hiện tại Phong trào Không liên kết (NAM) quy tụ hầu hết các nước đang phát triển trên phạm vi toàn cầu. Điều này có nghĩa, hầu như mọi vấn đề của đời sống quốc tế đương đại đều có thể tìm thấy tại phong trào này. Chính mục đích giải quyết những vấn đề quốc tế là cơ sở dẫn đến việc ra đời NAM. Đương nhiên, với việc chiếm tới 2/3 số lượng thành viên của Liên hợp quốc và 55% dân số thế giới, các thành viên trông đợi Phong trào sẽ trở thành một nguồn lực quan trọng giúp họ không chỉ giải quyết được những vấn đề của riêng mỗi quốc gia, mà còn trở thành một thực thể đoàn kết hùng mạnh có thể nâng cao vị thế của các thành viên trong các vấn đề quốc tế của khu vực và thậm chí là của thế giới.

Trên thực tế, NAM đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết những vấn đề giải phóng dân tộc, thủ tiêu chế độ thực dân kiểu cũ, xóa đói, giảm nghèo... Thành công lớn nhất của NAM chính là việc đã tạo dựng được nhận thức chung về sự cần thiết và có thể đoàn kết giữa các thành viên hết sức đa dạng của Phong trào. Tuy nhiên, phần lớn những thành công đạt được là trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, bởi khi đó các nước thành viên đã có được sự đoàn kết khá cao trong việc tận dụng những cơ hội từ sự đối đầu giữa hai cường quốc Liên Xô - Mỹ. Hơn nữa, trong giai đoạn đó, đối với hầu hết các nước thành viên, mục tiêu giành độc lập dân tộc, chống lại nguy cơ đe dọa xâm lược giữ vai trò chủ đạo, vì thế tính đa dạng của các thành viên, đặc biệt là sự khác biệt về lợi ích, chưa trở thành thách thức to lớn đe dọa tới khả năng tồn tại và phát triển của NAM.

Bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, khi các nước thành viên tham gia ngày càng nhiều vào các cơ chế hợp tác, liên kết quốc tế, cũng là lúc NAM phải đối mặt với rất nhiều thách thức do quá trình liên kết này đem lại. Chính những thách thức này khiến câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?” đối với NAM trở nên thường xuyên hơn. Có thể nêu một số thách thức sau:

Thứ nhất, thách thức từ nguồn lực tài chính hạn chế của NAM. Tuy phong trào này có số lượng thành viên đông đảo, nhưng hầu hết lại là các nước đang phát triển, do vậy nguồn lực của từng thành viên rất hạn chế. Hơn nữa, do NAM không có tính chất của một khối, một tổ chức gắn kết nên chưa bao giờ có được một nguồn lực tổng thể. Tuy một số nước thành viên có nguồn lực ở mức tầm trung, như In-đô-nê-xi-a (GDP của nước này đã vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD trong năm 2015), một số nước Vùng Vịnh Péc-xích, như Ca-ta, Cô-oét, các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, A-rập Xê-út..., nhưng số các nước này quá ít ỏi nên không thể làm thay đổi bức tranh nghèo đói của toàn bộ thành viên NAM. Trớ trêu ở chỗ, kể cả trong trường hợp NAM có tạo được sức mạnh tổng lực từ một phép cộng GDP của tất cả các nước thành viên thì nguồn lực tổng thể đó vẫn quá nhỏ bé (tổng GDP của các nước thành viên NAM chiếm chưa đến 7% GDP toàn cầu) trước hàng loạt vấn đề toàn cầu đang tồn tại, như đói nghèo, thất học, bệnh tật, tội phạm, thảm họa biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Hơn nữa, sự đa dạng của các thành viên khiến các vấn đề phải giải quyết từ an ninh, chính trị cho đến văn hóa, xã hội càng trở nên phức tạp, nan giải hơn và vượt quá khả năng của NAM.

Thứ hai, thách thức từ sự thiếu kết dính giữa các nước thành viên. Do hầu hết các nước thành viên đều phụ thuộc ở các mức độ khác nhau về các nguồn lực, như tài chính, công nghệ, chuyên gia... vào các nền công nghiệp phát triển, nên chính họ không muốn có những ràng buộc quá chặt vào NAM. Đơn cử như trong vòng đàm phán Đô-ha, mặc dù nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của hầu hết các nước thành viên NAM nhưng chưa bao giờ họ có được tiếng nói chung trong các vấn đề cần có sự đồng thuận trong lĩnh vực này. Hoặc như tại các hội nghị về ứng phó với biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP), cho dù rất cần sự thống nhất giữa các nước đang phát triển để có thể gây sức ép buộc các nước công nghiệp phát triển phải có trách nhiệm trợ giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng dấu ấn của NAM lại hết sức mờ nhạt, đơn giản bởi mỗi nước thành viên lại có những vấn đề của riêng mình (nhu cầu chống hạn hán của các nước thành viên châu Phi đương nhiên có sự khác biệt với đòi hỏi ngăn chặn lũ lụt của các nước Đông Nam Á) và vì thế, cần những sự trợ giúp với mức độ, hình thức khác nhau. Đã hơn nửa thế kỷ tồn tại, NAM vẫn chưa có một bước tiến nào về mặt thể chế và vẫn đang dừng lại ở mức độ của một diễn đàn. Chính mô hình của một cơ chế lỏng lẻo, một mặt, tạo nên sức cuốn hút các thành viên đang phát triển; mặt khác, lại khiến Phong trào thiếu sức mạnh thống nhất.

Thứ ba, thách thức từ chính quá trình gia tăng liên kết của các nước thành viên. Xu thế toàn cầu hóa tạo điều kiện để các quốc gia tham gia nhiều hơn vào những công việc quốc tế, đồng thời cũng khiến họ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Hệ quả là NAM không phải là địa chỉ duy nhất mà một nước đang phát triển hướng tới trên con đường hội nhập quốc tế, ngược lại, giờ đây các nước này chú trọng hơn tới các tổ chức khu vực, các cơ chế quốc tế có tính năng chuyên biệt, như về tài chính, thương mại hay an ninh. Sự tham gia nhiều cơ chế quốc tế cùng một lúc của các nước thành viên khiến NAM phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các cơ chế quốc tế và khu vực này. Với tính đa dạng về thành viên, NAM chỉ có thể đụng chạm đến những vấn đề có tính vĩ mô, toàn cầu, nhưng ở quy mô này, rõ ràng NAM khó có thể vượt ra ngoài khuôn khổ của Liên hợp quốc. Trong quá trình giải quyết, trước hết là những vấn đề có tính toàn cầu, xét trên cả góc độ nguồn lực lẫn tính chuyên nghiệp của những phương thức giải quyết, NAM chỉ có thể đảm đương vai trò hỗ trợ tổ chức lớn nhất hành tinh này. Còn đối với những vấn đề cụ thể của mỗi thành viên hoặc của một tiểu khu vực hay khu vực nào đó, tiếng nói của NAM khó có được sức nặng trong so sánh với các tổ chức khu vực. Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng NAM lần thứ 16 được tổ chức tại Thủ đô Tê-hê-ran (I-ran), từ ngày 25 đến 27-5-2011, 120 thành viên đều nhất trí ủng hộ chương trình phát triển hạt nhân dân sự của I-ran, bởi đây là vấn đề chung của không chỉ các thành viên của Phong trào mà của cả thế giới. Nhu cầu hạt nhân dân sự đang ngày một trở nên bức thiết đối với các nước đang phát triển do các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, không đủ đáp ứng cho quá trình công nghiệp hóa tại những nước này. Tuy nhiên, sự ủng hộ này lại đối nghịch với lệnh phong tỏa của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các biện pháp trừng phạt của các nước phương Tây đối với chính chương trình hạt nhân này của I-ran, có lẽ cũng vì thế, ngoài những lời lẽ ủng hộ chung chung, NAM cũng không thể đưa ra một giải pháp cụ thể nào giúp tháo gỡ những “rắc rối” giữa I-ran và các nước phương Tây. Trong tình huống này, rõ ràng NAM tỏ ra yếu thế hơn nhiều so với Liên đoàn A-rập. Tựu trung, sự mở rộng các mối liên kết khiến các thành viên của Phong trào có nhiều ràng buộc hơn với các nước bên ngoài nên họ không thể dành mọi ưu tiên cho Phong trào, thậm chí trong nhiều trường hợp, các lợi ích khu vực mới là ưu tiên hàng đầu đối với họ.

Thứ tư, thách thức nảy sinh từ xu thế đa trung tâm hóa trong đời sống quốc tế hiện nay. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, chỉ riêng sự đối đầu giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ cũng khiến NAM không ít lần chao đảo. Sau Chiến tranh lạnh, sở dĩ quá trình hợp tác, liên kết gia tăng là bởi nó đem đến cho tất cả các bên những lợi ích, đặc biệt là sự thịnh vượng. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, ASEAN... là minh chứng rõ ràng cho tính hiệu quả của chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế. Kết quả của quá trình hợp tác quốc tế này là việc xuất hiện những trung tâm quyền lực mới bắt đầu cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ - siêu cường duy nhất sau Chiến tranh lạnh. Quá trình liên kết càng tăng, sự cạnh tranh này càng mở rộng, đặc biệt là tại các nước thành viên của Phong trào. Các nước đang phát triển trở thành thị trường giúp các cường quốc gia tăng sức mạnh kinh tế, đồng thời cũng trở thành địa bàn giúp các nước này khẳng định vị thế cường quốc của mình. Chính vì thế, cạnh tranh giữa các nước lớn cũng mau chóng lây lan sang các nước đang phát triển. Để thực hiện cùng một mục tiêu tăng trưởng, các nước đang phát triển phải canh tranh gay gắt một nguồn đầu tư, phải cạnh tranh thị phần tại cùng một thị trường, thậm chí phải đối đầu nhau trong một vấn đề khu vực do chịu tác động của những cường quốc khác nhau. Tình trạng đa trung tâm, nhiều tầng nấc trong đời sống quốc tế khiến sự phân hóa trong NAM trở nên ngày càng sâu sắc, việc tìm kiếm đồng thuận trong nội bộ Phong trào trở nên khó khăn hơn gấp bội. Hệ quả tất yếu là vai trò của Phong trào ngày càng mờ nhạt trong quá trình giải quyết các vấn đề khu vực, đặc biệt là các cuộc xung đột khu vực, như tại Xy-ri, Y-ê-men, U-crai-na...

Thứ năm, thách thức lớn nhất chính là tính hiệu quả của những hoạt động của NAM. Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, trước sự vận động ngày một nhanh chóng và phức tạp của đời sống quốc tế, việc tiếp tục duy trì tần suất họp thượng đỉnh 3 năm 1 lần khiến những quyết định của Phong trào trở nên chậm trễ với thời cuộc. Đối với rất nhiều vấn đề có tính toàn cầu nóng bỏng hiện nay, như đói nghèo, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, buôn lậu ma túy, ngoài những tuyên bố mang nặng tính lý thuyết, NAM chưa đưa ra được một giải pháp cụ thể hữu ích nào. Do vậy, Phong trào gần như bị gạt ra ngoài tiến trình giải quyết những vấn đề trong phạm vi hoạt động của chính mình, như trong cuộc nội chiến tại Xy-ri, những tranh chấp trên Biển Đông hay xung đột giữa Vê-nê-xu-ê-la và Cô-lôm-bi-a... Hoặc như trong quá trình đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa I-ran với nhóm P5+1 hay quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Cu-ba và Mỹ, vai trò của Phong trào hầu như không có. Thực tế, các thành viên của Phong trào cũng đã sớm nhận thức được thách thức này, và cũng đã có những giải pháp, như việc thành lập Ban Phương Nam năm 1987 (theo đề xuất của Thủ tướng Ma-lai-xi-a lúc đó là Ma-ha-thia Mô-ha-mát). Nhiệm vụ của Ban Phương Nam là tập trung nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp giúp nâng cao hiệu quả của Phong trào. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, nhất là việc thiếu nguồn lực tài chính, giờ đây Ban Phương Nam chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Thách thức này càng trở nên trầm trọng hơn bởi những quy chuẩn, nguyên tắc hoạt động của NAM hầu như chưa có thay đổi gì trong suốt 55 năm qua, bất chấp đã có những biến động ở ngay chính nội bộ của không ít thành viên. Chẳng hạn như trước xu thế hợp tác, liên kết, Phong trào chưa một lần xem xét lại để bổ sung, hoàn thiện và làm mới nguyên tắc trung lập.

Để NAM tiếp tục phát huy vai trò trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan, hầu hết những thách thức nêu trên đều có tính chất đương nhiên đối với một cơ chế quốc tế mang nặng tính diễn đàn như NAM. Có lẽ cũng vì thế, việc khắc phục những thách thức này tuy khó nhưng không phải là nan giải, bởi trước hết đối với tất cả các nước thành viên, việc duy trì Phong trào vẫn là hết sức cần thiết. Để có thể đối phó với những nguy cơ đe dọa đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế và văn hóa (mà số lượng thành viên ngày một gia tăng trong kỷ nguyên toàn cầu hóa), các nước đang phát triển cần huy động được tất cả các nguồn lực, trong đó Phong trào là một nguồn lực đầy tiềm năng và hết sức quan trọng. Điều này đã được minh chứng rõ ràng qua việc đạt được đồng thuận của tất cả 195 thành viên tham dự Hội nghị COP 21 đối với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu được tổ chức vào ngày 12-12-2015 tại Pa-ri (Pháp). Thỏa thuận lịch sử này cho thấy, dù là rất khó nhưng rõ ràng các thành viên của NAM vẫn có thể đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề, đơn giản bởi sự đồng dạng về lợi ích. Đương nhiên, một khi đạt được sự đoàn kết, nhất trí thì Phong trào sẽ trở thành một thực thể đầy khả năng giúp các nước thành viên khắc phục những điểm yếu để vươn tới một thế giới hòa bình, bình đẳng và thịnh vượng. Nhận thức về sự cần thiết tiếp tục duy trì và nâng cao vai trò của Phong trào đã được tất cả các thành viên khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh NAM lần thứ 15 (diễn ra trong 2 ngày 15 và 16-7-2009 tại Sam En Sếch, Ai Cập), trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh NAM lần thứ 16 (ngày 30 và 31-8-2012, Tê-hê-ran, I-ran) và Hội nghị cấp Bộ trưởng Phong trào lần thứ 17 (ngày 28 và 29-5-2014, An-giê-ri)...

Tất nhiên, để nâng cao sức mạnh của NAM, các thành viên cần nhanh chóng tìm ra những giải pháp nhằm khắc phục những thách thức nêu trên, trước tiên cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các thành viên. Hợp tác Nam - Nam vẫn đang đem đến cho các nước đang phát triển những thành công trên mọi phương diện và vì thế, tăng cường liên kết giữa các thành viên Phong trào đang trở thành đòi hỏi rất cụ thể và bức thiết. Kinh nghiệm trong quá khứ cũng chỉ ra rằng, NAM cũng cần tăng cường liên kết với các cơ chế bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Liên kết nội tại cũng như với bên ngoài chính là sức mạnh của Phong trào. Để có thể hiện thực hóa nhiệm vụ này, NAM cần đẩy mạnh cải cách từ thể chế đến hình thức hoạt động. Tại Hội nghị thượng đỉnh NAM lần thứ 16, lãnh đạo nước chủ nhà I-ran, giáo chủ A-li Kha-me-nây đã tuyên bố rằng, chúng ta có thể chuẩn bị một văn kiện mang tính lịch sử nhằm thay đổi sự kiểm soát thế giới và đưa ra các công cụ quản lý cho sự kiểm soát này. Chúng ta có thể hoạch định sự hợp tác kinh tế hiệu quả và định hình kiểu mẫu cho các quan hệ văn hóa giữa chúng ta. Việc thiết lập văn phòng thư ký năng động cho tổ chức này sẽ giúp đáng kể trong việc đạt được các mục tiêu trên. Dù để hiện thực hóa đề xuất này hoàn toàn không đơn giản, nhưng rõ ràng Phong trào đang cần có nhiều hơn những đề xuất cụ thể như của I-ran. Cũng từ đề xuất của I-ran và từ cả thực tiễn tồn tại và phát triển của rất nhiều cơ chế quốc tế khác, NAM cần có những thành viên dám gánh vác trọng trách “đầu tàu” để có thể khắc phục hạn chế “đông mà không tinh” của Phong trào. Lịch sử 55 năm tồn tại của NAM cho thấy, để có thể là một “đầu tàu” của Phong trào, không nhất thiết phải là nước giàu nhất, quan trọng là biết cách kết nối các thành viên trong quá trình thực hiện những mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh hết sức phức tạp hiện nay, tuy đang phải đối mặt với muôn vàn thách thức nhưng có lẽ bất cứ thành viên nào của Phong trào cũng đều muốn cơ chế quốc tế này sớm đạt được tầm vóc đúng với những gì nó có. Liệu những thách thức này có gợi mở cho các thành viên về một phương án đổi tên cơ chế này thành “Phong trào Liên kết”?./.