Các kibbutz của Israel: Mô hình phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn

PGS, TS. Nguyễn An Ninh Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
09:36, ngày 19-07-2016
TCCSĐT - Nông dân, nông nghiệp và nông thôn luôn là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của các quốc gia bởi nông nghiệp, nông dân đóng vai trò hết sức to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế của mỗi đất nước. Mô hình kibbutz ở Israel có thể được xem là một điển hình cần tham chiếu để phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn.

Vài nét về các kibbutz ở Israel

Kibbuttz theo tiếng Hebrew (ngôn ngữ phổ thông của Israel) nghĩa là vùng định cư, để giúp cho những người Do thái trên thế giới trở về và sinh sống trên đất nước Israel của họ.

Kibbutz hiện nay là những cộng đồng kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, nông thôn Israel được tổ chức theo các nguyên tắc: dân chủ tự quản, cộng đồng sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản, bình đẳng trong lao động “làm theo năng lực” và phân phối công bằng “hưởng theo nhu cầu”. Thành công của kiểu tổ chức cộng đồng kibbutz đã mang lại cho từ này một hàm nghĩa mới: công xã.

Về nguồn gốc lịch sử và văn hóa, người Do thái rất tôn trọng những giá trị cộng đồng, công bằng, bình đẳng, dân chủ (1). Chính những giá trị này đã tăng thêm sức mạnh cho quá trình tồn tại, phát triển của tộc người Do thái trong gần 20 thế kỷ bị bài xích, kỳ thị vừa qua.

Kibbutz đóng một vai trò quan trọng trong quốc phòng và chính trị Israel. Israel là quốc gia của người Do thái được thành lập từ ngày 14-5-1948 (2). Quá trình lập quốc đã diễn ra trong bối cảnh không hòa bình. Israel có chung biên giới với 5 nước là: Palestine, Ai Cập, Jordan, Syria và Lebanon. Họ đã trải qua 3 cuộc chiến với các nước Arập láng giềng vào các năm: 1948, 1967 và 1973 và đến nay vẫn còn trong trạng thái xung đột. Những năm 1950 - 1960, nhiều kibbutz thành lập trong vùng biên giới còn chưa ổn định, đã trở thành các đồn biên phòng bảo vệ Tổ quốc. Trong “Cuộc chiến tranh sáu ngày”(3) khi Israel hy sinh 800 quân nhân thì 200 là các thành viên của kibbutz. Vì vậy, đến nay kibbutz vẫn được hưởng đặc quyền: tuy chỉ chiếm gần 4% dân số nhưng luôn có 15% ghế trong Quốc hội.

Thổ nhưỡng và khí hậu của Israel không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Đó là một vùng đất mà phần lớn là sa mạc khô cằn. Diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp rất hạn hẹp, song chính người Israel đã tái sinh đất nông nghiệp từ sa mạc, thâm canh và mở rộng nó. Kể từ khi lập quốc (1948) đến nay, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp đã tăng từ 1.650km2 lên 4.300km2. Tính đến năm 2014, 24,2% diện tích Israel đã là đất nông nghiệp. Thành tích này có công lao lớn của các kibbutz.

Điều quan trọng hơn là từ diện tích nhỏ ấy đã mang lại thành tựu lớn nhờ khoa học - công nghệ, chính sách và mô hình phát triển hợp lý. Israel coi đất đai là sở hữu quốc gia. Nguyên tắc sử dụng đất sản xuất nông nghiệp là công hữu. Được thúc đẩy bởi cả ý tưởng về chủ nghĩa xã hội và hoàn cảnh thực tế của Israel, hai hình thức tổ chức hợp tác nông nghiệp là kibbutz (công xã) và mosav (hợp tác xã) đã được triển khai rộng rãi. Hiện nay khoảng 80% diện tích nông nghiệp Israel do các hình thức hợp tác này đảm nhiệm.

Mới gần 70 năm lập quốc, Israel đã phát triển mạnh, hiện được xếp thứ 17 trong số những nước phát triển (G20). Vị thế ấy có sự đóng góp rất quan trọng của kibbutz.

Những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các kibbutz

Sở hữu công cộng cả về tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng

Những quy định ban đầu về sở hữu của các kibbutz thể hiện rõ sắc thái cộng sản chủ nghĩa: công hữu toàn bộ tư liệu sản xuất và tiêu dùng. Hình thái sở hữu duy nhất của kibbutz hồi mới thành lập là công hữu mọi thứ, từ tư liệu sản xuất đến tiêu dùng đều là của chung. Đất đai và các công cụ sản xuất, nhà cửa, thiết bị sản xuất và sinh hoạt,... đều thuộc sở hữu của cả cộng đồng. Ở kibbutz không có sở hữu tư nhân vì khi gia nhập, các thành viên đã tự nguyện chuyển tất cả tài sản của họ cho cộng đồng. “Kibbutz là nơi tinh thần cộng đồng rất cao, mọi người sống và làm việc hết mình vì nhau, ở đó không ai có tài sản riêng” (4). Nguyên tắc cộng đồng, “cùng làm, cùng hưởng” được đề cao. Lối sống cộng đồng thấm đẫm từ trẻ em đến mọi kibbutznic (xã viên). Tất cả là chung, không chỉ về tư liệu sản xuất và tiêu dùng mà còn là lối sống: sức khỏe của thành viên là tài sản của cộng đồng, trẻ em được giáo dưỡng để xã hội hóa nhân cách, các bà mẹ có thể cho con của người khác bú, một số quà tặng cho cá nhân cũng được tập thể cùng chia sẻ,…

Ngày nay, theo sự biến chuyển của thời đại, sở hữu của kibbutz tuy vẫn lấy phương thức cộng đồng làm chủ đạo, song một số lĩnh vực đã khoán hoặc trao quyền sử dụng cho các thành viên. Gia đình xã viên được trao quyền sử dụng đất đai của kibbutz để sản xuất (như khoán hộ ở Việt Nam).

Quản lý, tổ chức tự quản, dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên

Các hoạt động quản lý trong kibbutz dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và tự quản. Tự nguyện nhưng không phải ai muốn cũng được gia nhập kibbutz. Khi đã gia nhập thì xã viên cần phải mang một tinh thần mới và lối sống mới. Họ phải trải qua một thời gian học hỏi, tập sự, khi hết hạn mới được Hội nghị kibbutz xem xét chấp nhận hay không. “Kibbutz là một xã hội dựa trên sự tham gia tự nguyện của các thành viên, nó có trách nhiệm bảo đảm cho các nhu cầu của thành viên suốt đời họ. Đó là một xã hội phấn đấu để các cá nhân phát triển tối đa tiềm năng, mặt khác nó cũng đòi hỏi từ mỗi người trách nhiệm và cam kết đóng góp cho phúc lợi của cộng đồng”(5).

Đại hội các xã viên là thiết chế quyền lực cao nhất của một kibbutz được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Việc hoạch định chính sách, bầu cán bộ, ủy quyền quản lý ngân sách hay phê duyệt thành viên mới đều phải thông qua Đại hội. Lãnh đạo kibbutz là một Hội đồng, do xã viên trực tiếp bầu ra trong Đại hội. Hội đồng sẽ bầu chọn chủ nhiệm - người chịu trách nhiệm điều phối mọi hoạt động của kibbutz trong nhiệm kỳ 4 năm. Các vị trí thư ký, quản lý quỹ và điều phối viên, theo quy định, hoạt động toàn thời gian, các thành viên khác hoạt động bán thời gian. Những vấn đề thường nhật, như tài chính - thuế, sản xuất, nhà ở, y tế và văn hóa - giáo dục,… được Hội đồng xử lý kịp thời, công khai, công bằng và bị giám sát chặt chẽ. Hội đồng còn là diễn đàn để mọi thành viên nêu vấn đề hoặc bày tỏ quan điểm. Tính dân chủ, minh bạch và khoa học trong tổ chức và hoạt động đã giúp cho mô hình tự quản này ổn định và phát triển khá thịnh vượng.

Cơ quan điều hành (The kibbutz movement) là đại diện cao nhất của tất cả các kibbutz trên cả nước. Với cấu trúc gần giống như một “chính phủ” nhỏ và quản lý khá độc lập, cơ quan trung ương này đại diện cho tất cả các kibbutz. Những cuộc họp của Cơ quan điều hành gần giống như cuộc họp Quốc hội của một nhà nước. Nó có trách nhiệm giải quyết với Chính phủ và chính quyền địa phương các vấn đề của các kibbutz trong quốc gia (6). Chẳng hạn, kế hoạch phát triển các kibbutz, hỗ trợ cho từng kibbutz về những vấn đề cơ bản. Các hoạt động của Cơ quan điều hành nhằm phát triển các cộng đồng kibbutz cả về kinh tế, xã hội và tư tưởng trên toàn quốc. Phương châm là xây dựng một cộng đồng mạnh, phát triển hài hòa về kinh tế, giáo dục, văn hóa, phúc lợi xã hội bảo đảm tương lai của các thành viên và phát triển các kibbutz.

Phân phối công bằng và đang thực hiện ở mức độ nhất định “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” cho mọi thành viên

Công bằng trong lao động là một nguyên tắc của kibbutz. Đối với thành viên kibbutz, lao động là vinh quang và không có công việc nào là thấp kém. Các thành viên được bố trí công việc phù hợp với năng lực bản thân trong sản xuất, dịch vụ. Những việc thường nhật như dọn vệ sinh, bếp núc, nhà ăn,… được thực hiện theo nguyên tắc lần lượt, xoay vòng. Không có sự phân biệt nào về vị trí làm việc của mọi người, dù là quản lý, chuyên gia hay là dịch vụ. Tất cả đều không có lương, mà chỉ được hưởng một mức phụ cấp như nhau, tùy theo khả năng tài chính của mỗi kibbutz. Mọi người cũng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước vì kibbutz sẽ đóng thuế cho họ.

Không thuê mướn nhân công ngoài cũng là một đặc điểm của kibbutz truyền thống. Với nguyên tắc “tự lực trong lao động” họ cho rằng thuê mướn là dấu hiệu của bóc lột! Vấn đề thiếu nhân lực của các kibbutz có khi được giải quyết bằng các tình nguyện viên (7).

Những người vốn xuất thân từ kibbutz nay đi làm những công việc ở thành phố, vẫn theo quy ước chung, đều đặn gửi toàn bộ lương và thu nhập về cho kibbutz của mình. Kibbutz sẽ phân phối lại và thỏa mãn những yêu cầu theo đặc thù công việc của những thành viên đó.

Về nguyên tắc, phụ nữ kibbutz bình đẳng trong công việc với nam giới. Những thế hệ trước đây, phụ nữ kibbutz còn tìm cách chứng minh sự bình đẳng bằng việc đảm nhận cả những công việc nặng của đàn ông. Phụ nữ kibbutz ngày nay tham gia nhiều hơn trong giáo dục - đào tạo, y tế và dịch vụ.

Thành viên được kibbutz đáp ứng tất cả mọi nhu cầu của cuộc đời một con người như ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, việc làm và các nhu cầu tinh thần hoặc chữa bệnh,... Kibbutz đã mang lại an sinh xã hội thông qua tương trợ cộng đồng.

Đời sống, sinh hoạt ở kibbutz

Trung bình mỗi kibbutz có khoảng 300 - 400 xã viên cùng những người trong gia đình của họ. Các gia đình thường có nhiều thế hệ chung sống.

Các kibbutz có thiết kế khá giống nhau, thường theo kết cấu vòng tròn đồng tâm. Trung tâm của kibbutz thường là nhà ăn tập thể và nhà máy giặt, đây cũng là nơi dành cho các sinh hoạt động cộng đồng. Cùng đó là khu vực sân chơi cho trẻ em và khu trường học. Bao xung quanh trung tâm là khu nhà ở của các gia đình với diện tích hiện nay khoảng 100m2 mỗi hộ. Khu nhà ở điển hình cho một kibbutz bao gồm nhà cửa và vườn cây, nhà mẫu giáo, sân chơi cho mọi lứa tuổi và các công trình công cộng, như nhà ăn, thư viện, giảng đường, bể bơi, cửa hàng bách hóa, trạm y tế,… Phía xa và ngoài rìa là những khu trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất với những trang trại nuôi gà, cá, bò lấy sữa và các nhà máy sản xuất của kibbutz… (8) Kết cấu vòng tròn đồng tâm này cũng rất hữu ích trong công việc phòng vệ của những kibbutz gần biên giới.

Tất cả các dịch vụ cho cuộc sống của kibbutznic đều miễn phí.

Về ăn, hiện nay nhiều kibbutz vẫn duy trì ăn sáng và trưa cho tất cả mọi người. Nhà ăn tập thể được tổ chức hiện đại với chế độ ăn tự chọn. Ăn xong, mỗi người tự mang bát đĩa đến nơi quy định để cho “tổ bếp núc” rửa. Người lớn đi làm, trẻ em đi học. Buổi tối cả nhà về ăn cùng nhau.

Kibbutz xây dựng và cấp miễn phí nhà ở cho các gia đình xã viên. Khi cần xây dựng mở rộng và cải tạo, chủ nhà trao đổi với ban quản trị, sẽ có đội xây dựng đến thực hiện theo yêu cầu, kibbutz thanh toán chi phí. Kibbutz cung cấp miễn phí toàn bộ tiền điện, nước, gas cho các gia đình. Ở kibbutz Mashabbe Sade, nhà ở xã viên là những biệt thự đầy đủ tiện nghi.

Tất cả các kibbutz, việc giặt quần áo cho gia đình các xã viên được tổ chức thành một tổ chuyên phục vụ giặt giũ. Công việc này hiện nay được làm bằng máy từ giặt đến sấy khô.

Về đi lại, xã viên không cần phải sắm ô-tô riêng vì kibbutz đã có bãi xe dùng theo nhu cầu, người dùng không phải chi trả khoản xăng dầu, sửa chữa.

Giáo dục từ phổ thông đến học nghề đều được kibbutz miễn phí. Trẻ em phải trở thành con người mang tinh thần xã hội và truyền thống dân tộc Do thái là mục tiêu của giáo dục. Hầu hết các em đều trưởng thành từ “trường làng” nhưng đều là những cơ sở giáo dục rất tốt. Các gia đình Israel ở thành phố thường gửi con về các trường ở kibbutz để cùng với kiến thức, được giáo dục tình cảm quê hương, ý thức cộng đồng và những kỹ năng sống. Kibbutz cũng chi trả học phí cho những thành viên đi học đại học, cao đẳng trên thành phố.

Xã viên kibbutz được nghỉ hưu theo quy định chung ở tuổi 69 đối với nam giới, 67 đối với nữ giới. Nhưng nếu muốn, xã viên có thể tiếp tục làm việc.

Các nhu cầu chữa bệnh, dưỡng lão của thành viên cũng được thỏa mãn theo tinh thần “sức khỏe thành viên là tài sản của cả cộng đồng”.

Ở Israel, từ chính khách cho đến các trí thức, doanh nhân, ai cũng tự hào rằng mình có nguồn gốc là một kibbutznic!

Kibbutz hiện nay là một tổ hợp nông - công nghiệp hiện đại và có năng lực sản xuất cao và khá nhanh nhạy với cơ chế thị trường

Trình độ sản xuất cao cắt nghĩa cho khả năng phúc lợi xã hội lớn của kibbutz. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kibbutz có quan hệ rất gắn bó với khoa học và công nghệ từ các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu và trường đại học. Nhiều thành tựu khoa học nông nghiệp của Israel xuất phát hoặc được ứng dụng trong các kibbutz. Israel có công thức: nông nghiệp là 95% khoa học và công nghệ cộng với 5% sức lao động.

Nhà nước đầu tư lớn ban đầu và thường xuyên hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp ở các kibbutz. Israel đứng đầu thế giới trong đầu tư cho phát triển nông nghiệp, thường khoảng 100 triệu USD/năm. Một nửa trong số đó là từ ngân sách (50 triệu USD/năm), từ hợp tác quốc gia (12 triệu USD/năm), từ các tổ chức nông nghiệp (6 triệu USD/năm), từ tư nhân 25 triệu USD/năm,…

Trong khi vẫn lấy nông nghiệp làm ngành kinh tế quan trọng, ngày nay nhiều kibbutz mở rộng hoạt động sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Sản phẩm công nghiệp đa dạng, nhưng thường là cơ khí, nhựa và chế biến thực phẩm. Hầu hết cơ sở công nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa (chưa đến 100 công nhân).

Hiện nay, “kinh tế đối ngoại” của kibbutz hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Nông nghiệp Israel được gọi là “vườn rau của châu Âu mùa đông” với gần 4 tỷ USD nông phẩm xuất khẩu năm 2014. Về hiệu quả kinh tế, kibbutz đóng góp 33% sản phẩm nông nghiệp và 6,3% sản phẩm công nghiệp vào tổng sản phẩm của Israel, trong khi dân số chỉ chiếm 2,5% (9).

Người ta cho rằng, sức sống của kibbutz nằm ở khả năng luôn sẵn sàng chuyển đổi theo kịp bối cảnh và những nhu cầu mới. Để thích nghi với hoàn cảnh mới, các kibbutz hiện nay đã chuyển đổi theo 3 dạng. Thứ nhất, sử dụng cơ chế thị trường trong một số dịch vụ (điện, truyền hình cáp,…) hoặc thuê mướn nhân công bên ngoài. Nhiều trường ở kibbutz, vốn có chất lượng giáo dục tốt, đã mở cửa đón trẻ em từ thành phố về học. Nhóm học sinh này phải đóng học phí. Thứ hai, tiến hành trả lương “theo lao động” chứ không cào bằng như trước đây. Bác sĩ và giáo viên được trả lương khá cao. Thứ ba, các xã viên được sở hữu nhà cửa và có cổ phần, được chia lợi tức; kibbutz cho phép các thành viên chuyển nhượng hoặc để thừa kế hai loại tài sản này trong thời gian nhất định (10).

Cho dù có những lo ngại rằng, những chuyển đổi trên sẽ làm kibbutz dần xa rời ý tưởng và nguyên tắc cộng đồng của mô hình này. Nhưng lịch sử đã cho thấy, chính sự chuyển hóa nhanh nhạy là bí quyết sinh tồn của người Do Thái. Sức sống và sự hấp dẫn của kibbutz vẫn rất lớn. Số lượng các kibbutz và dân số vẫn tăng đều đặn trong thập niên gần đây.

Theo số liệu 2014, ở Israel hiện có 273 kibbutz, với số dân 152.900 người (11).

Vài bình luận thay lời kết

Kibbutz là một trường hợp nghiên cứu thú vị, vì những lẽ sau:

Nông dân, nông nghiệp và nông thôn luôn là vấn đề lớn trong phát triển của nhiều quốc gia. Mô hình kibbutz ở Israel có thể được xem là một điển hình cần tham chiếu để phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại.

Vấn đề công hữu tư liệu sản xuất và sản xuất tập thể trong nông nghiệp, gần đây thường bị coi là kém hiệu quả. Kibbutz đã phản chứng bằng thực tế thành công của nó. Công hữu tư liệu sản xuất nếu được tổ chức quản lý tốt, được hỗ trợ từ nhà nước và xã hội, tạo ra được năng xuất lao động cao thì vẫn là một hướng phát triển có tính bền vững cả về kinh tế và xã hội.

Sức sống và sự hấp dẫn của ý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa thật mạnh mẽ và đôi khi nó tìm đến một biểu hiện rất độc đáo. Thực tiễn đã xác nhận hiệu quả và vai trò tích cực của các kibbutz ở Israel. Về lý luận, có thể xem kibbutz như những nhân tố xã hội chủ nghĩa trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa hiện nay./.

--------------------------------------------

Chú thích:

(1) Philon, triết gia Hy lạp cổ đại (26 TCN - 50) mô tả về một cộng đồng Do Thái ở đầu Công nguyên: “…Nhà nào cũng là nhà của mọi người, họ sống chung với nhau thành giáo đoàn… Quần áo chung; thức ăn chung, ăn chung bàn với nhau. Lại thêm chỉ có một quỹ chung cho mọi người cùng tiêu pha. Mỗi người nhận được bao nhiêu tiền công mỗi ngày thì không giữ làm của riêng, mà để chung để ai muốn tiêu thì cứ lấy…Người nào đau ốm không sản xuất được thì được săn sóc, phí tổn thuốc thang cứ lấy trong quỹ chung. Người già cả được kính trọng và săn sóc… Cái tục ở chung một nhà, sống chung một cách, ăn chung một bàn đó không thấy ở đâu thực hiện được hoàn hảo như ở đó” (Theo Nguyễn Hiến Lê, Bài học Israel).

(2) Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xung đột vũ trang ngày càng gia tăng giữa người Do Thái và người Ả Rập ở Palestine, khi những nỗ lực quốc tế để hòa giải không thành công, Nghị quyết 181 (II) của Liên hợp quốc, ngày 29-11-1947, đã chia Palestine thành hai quốc gia: một của người Arab và một của người Do Thái. Vùng đất của người Do Thái chiếm khoảng 55% diện tích còn vùng đất của người Arab khoảng 45%. Ngày 14-5-1948, trước khi hết thời hạn ủy trị của Anh tại Palestine, Nhà nước Israel đã được Quốc hội của người Do Thái tuyên bố thành lập. (Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam/Tư liệu,văn kiện/Nhà nước Israel).

(3) “Cuộc chiến sáu ngày” để chỉ cuộc chiến tranh giữa Israel với Ai Cập, Jordan và Syria diễn ra từ ngày 05-6 đến ngày 11-6-1967. Trong cuộc chiến này, Israel giành thắng lợi, mở rộng lãnh thổ thêm hơn 7.000km2 trong đó có cả phần Đông của Jerusalem. Vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi với Palestine về lãnh thổ.

(4) Việt Trung: Kibbutz - những nông trang tập thể, www.sggp.org.vn/hosotulieu/2011/12/275248

(5) Amnon Rubinstein: Sự phục hồi của các kibbutz (Return of the kibbutzim), Jerusalem Post, Bộ Ngoại giao Israel, ngày 10-7-2007

(6) Theo Trần Thị Thu Hương: Kibbutz - Mô hình làng cộng đồng trong sự nghiệp kiến quốc của Israel, Cơ quan điều hành kibbutz có các Ban Kinh tế, Ban Điều phối khu vực, Ban Công tác quốc gia, Ban Hợp tác xã, Ban Tăng trưởng nhân khẩu, Ban Y tế và Phúc lợi, Ban An ninh kibbutz và các phòng như Phòng Giáo dục, Phòng Nhân sự, Phòng Pháp chế, Phòng Phát triển cá nhân, Phòng Xúc tiến sự tiến bộ của phụ nữ, Phòng Văn hóa và Phòng Phụ trách các tình nguyện viên đến từ nước ngoài,…

(7) Những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, từ sức hấp dẫn của mô hình này, trên thế giới có một phong trào “Tình nguyện viên kibbutz”. Có tới hàng chục ngàn thanh niên ở các nước đã đến đây và làm việc. Nhiều người đã ở lại Israel (www.kibbutzvolunteers.org.il/ Lydia Aisenberg/ Ex-volunteers-kibbutz movement want to her from you).

(8) Nguyễn Đại Phượng: Kibbutz - mô hình kinh tế “made in Israel”, Tiền phong điện tử, ngày 06-6-2005

(9) Nguyễn Xuân Thủy: Kỳ tích nông nghiệp Israel - Kibbutz hợp tác xã kiểu Israel, Báo Nông nghiệp Việt Nam, bản điện tử, ngày 25-9-2014

(10) Việt Trung: Kibbutz - những nông trang tập thể, www.sggp.org.vn/hosotulieu/2011/12/275248

(11) Tổng cục Thống kê Israel: Báo cáo số liệu về phân bố dân cư Israel năm 2014, http://cbs.gov.il