Phát triển du lịch văn hóa tỉnh Ninh Bình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng di sản
TCCS - Quyết định số 218/QĐ-TTg, ngày 4-3-2024, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” xác định mục tiêu đến năm 2035, Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Quyết định mở ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi tỉnh Ninh Bình cần nỗ lực hành động để đạt được mục tiêu đề ra, mà trước tiên là thúc đẩy ngành du lịch văn hóa phát triển, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng di sản.
Tiềm năng và những kết quả bước đầu
Là một tỉnh nằm ở cửa ngõ phía nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, có nhiều điều kiện để giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh, thành phố đồng bằng Bắc bộ cũng như vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Ninh Bình có sự đa dạng, phong phú về điều kiện tự nhiên và văn hóa. Hiện nay, Ninh Bình còn lưu giữ hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa, di vật, di chỉ khảo cổ, cùng nhiều danh lam thắng cảnh, tiêu biểu như khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính; khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; núi Non Nước; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; nhà thờ đá Phát Diệm; Vườn quốc gia Cúc Phương... Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An với những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, thẩm mỹ và văn hóa đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, cũng là di sản hỗn hợp duy nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đây vừa là những điểm đến du lịch hấp dẫn, vừa là nơi có thể làm bối cảnh sáng tạo các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình còn có nhiều làng nghề thủ công truyền thống có bề dày lịch sử, văn hóa. Hiện nay, tỉnh có 77 làng nghề được công nhận, tiêu biểu như làng nghề gốm sứ Bồ Bát; làng nghề thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải; làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân - Hoa Lư; làng nghề gốm Gia Thủy - Nho Quan; làng nghề mỹ nghệ cói Kim Sơn; làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân; làng nghề mộc Phúc Lộc; làng nghề đan cót Vân Long… Cùng với đó là các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội dân gian. Đây chính là nguồn tài nguyên quý giá, là tiềm năng, lợi thế so sánh để tỉnh Ninh Bình xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với cơ cấu đa dạng cùng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa phong phú, đặc sắc; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và nâng tầm giá trị các di sản văn hóa, lan tỏa vẻ đẹp của đất và người cố đô tới các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng như tới các nước trên thế giới.
Trên cơ sở nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của các di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như xác định đúng tiềm năng, lợi thế địa phương, quán triệt các nghị quyết của Đảng về văn hóa, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có những chủ trương, chính sách phát triển văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát triển du lịch văn hóa, hướng đến xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29-10-2021, “Về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045”, trong đó xác định mục tiêu tạo bước đột phá phát triển toàn diện các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm hiệu quả, bền vững. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng đề ra chiến lược khai thác các giá trị văn hóa, đề án tôn tạo, phục dựng các giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa khác; thực hiện Đề án xây dựng các sản phẩm văn hóa nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cố đô Hoa Lư phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô Hoa Lư giai đoạn 2021 - 2030...; từ đó tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, riêng có của địa phương.
Hiện nay, các sản phẩm du lịch Ninh Bình được xây dựng thương hiệu theo định hướng gắn với các giá trị văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư cũng như Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, với 4 nhóm sản phẩm chính (gồm nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình là các phẩm du lịch văn hóa - lịch sử; nhóm sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các hệ sinh thái biển, rừng, các nguồn khoáng nóng; nhóm sản phẩm du lịch sáng tạo).
Cùng với đó, hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng. Một số khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện đưa vào phục vụ khách du lịch có hiệu quả; các chỉ tiêu về lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành du lịch... ngày càng tăng. Giai đoạn 2016 - 2022 nhiều dự án, công trình về du lịch với số vốn hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiêu biểu như dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; dự án tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư; dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế tại thành phố Ninh Bình; dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; dự án nâng cấp tuyến đê hữu Hoàng Long và đê sông Đáy kết hợp giao thông đoạn đường từ Cúc Phương - Chùa Bái Đính đi Kim Sơn phục vụ du lịch; dự án tu bổ tôn tạo di tích đền Cọ (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); dự án xây dựng mốc giới bảo vệ, phân định ranh giới vùng lõi, vùng đệm của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An... Tỉnh Ninh Bình cũng khuyến khích xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư vào các dự án du lịch văn hóa, phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ, đầu tư chất lượng, định vị thương hiệu các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm phục vụ khách du lịch… Các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương cũng tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Nhờ những hành động cụ thể, thiết thực đó, Ninh Bình ngày càng trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước; được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế, như tripadvisor, telegraph, business insider... đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn và được yêu thích nhất. Trong năm 2022, Ninh Bình đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước (trong đó, khách nội địa đón hơn 3,6 triệu lượt khách, khách quốc tế đón hơn 58 nghìn lượt khách); doanh thu đạt 3,45 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong 5 tháng đầu năm 2024, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt gần 5,7 triệu lượt khách, tăng 36,1% so với 5 tháng năm 2023 (trong đó, khách trong nước hơn 5 triệu lượt, tăng 27,4%; khách quốc tế gần 616.000 lượt, gấp 3,1 lần cùng kỳ năm ngoái); doanh thu du lịch 5 tháng ước đạt trên hơn 5.337 tỷ đồng, tăng 55,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó doanh thu lưu trú 382,2 tỷ đồng, tăng 42,7%; doanh thu ăn uống hơn 2.625 tỷ đồng, tăng 48,3%). Đặc biệt vừa qua, Tuần lễ Du lịch Ninh Bình năm 2024 với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” từ ngày 1-6 đến ngày 8-6-2024, tỉnh Ninh Bình đã đón 285.000 lượt khách, tăng 65,6% so với sự kiện tổ chức năm 2023 (trong đó, khách quốc tế ước đón 61.000 lượt khách, tăng gấp 2 lần so với dịp năm 2023); công suất sử dụng phòng khách sạn toàn tỉnh đạt khoảng từ 70% - 75%; riêng khu vực Tam Cốc, công suất sử dụng phòng trung bình đạt 85% - 90%, trong đêm khai mạc đạt 100%.
Sự phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng của tỉnh Ninh Bình có đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ; đồng thời thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển. Du lịch văn hóa cũng góp phần tăng việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh cho người dân ở các vùng có tài nguyên văn hóa; đồng thời góp phần quảng bá các giá trị văn hóa của đất và người Ninh Bình đến với du khách trong và ngoài nước.
Một số giải pháp thời gian tới
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thời gian qua, có thể thấy ngành du lịch nói chung và du lịch văn hóa tỉnh Ninh Bình nói riêng còn chưa phát triển tương xứng với những tiềm năng, lợi thế, giá trị đặc trưng riêng có của địa phương để tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa chưa thực sự đa dạng, còn thiếu tính độc đáo. Nguồn lực đầu tư và nguồn nhân lực còn hạn chế…
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình phấn đấu phát triển cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường du lịch, bảo đảm ngành du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, đặc sắc mang thương hiệu Ninh Bình và có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thụ hưởng, tiêu dùng của người dân và phục vụ xuất khẩu. Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29-10-2021, của Tỉnh ủy Ninh Bình “Về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045” cũng đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”; đến năm 2045, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp 10% GRDP. Để thực hiện mục tiêu đó, một số giải pháp được đề xuất là:
Thứ nhất, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về du lịch văn hóa - một trong những ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của tỉnh thông qua việc quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển văn hóa, con người, phát triển du lịch, qua đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, doanh nghiệp, doanh nhân và toàn thể nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa nhằm phát huy nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch và du lịch văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy sáng tạo, phát triển ngành du lịch văn hóa gắn với phân cấp phân quyền cho địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân làm du lịch; chú ý bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong quá trình khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch. Triển khai đầy đủ, kịp thời, đơn giản hóa thủ tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động lĩnh vực du lịch.
Thứ ba, tập trung quy hoạch các cụm du lịch, các tuyến du lịch hoàn chỉnh, ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cụm, tuyến du lịch đã được quy hoạch theo hướng chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Cố đô, bảo đảm tính bền vững. Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng một số công trình văn hóa mới tạo điểm nhấn về văn hóa của tỉnh để thu hút khách du lịch. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác, phát huy những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của vùng đất cố đô để phát triển bền vững ngành du lịch văn hóa.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển nguồn nhân lực, hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia ngành du lịch, du lịch văn hóa một cách chuyên nghiệp, hiện đại. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong ngành du lịch văn hóa. Tăng cường liên kết, hợp tác để các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu tham gia có hiệu quả vào phát triển nguồn nhân lực. Có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn về du lịch văn hóa đến Ninh Bình làm việc. Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, đủ số lượng và bảo đảm chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp, nghệ nhân, chuyên gia tham gia đào tạo nhân lực du lịch.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch văn hóa. Triển khai số hóa, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về văn hóa, di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể), dịch vụ văn hóa, tạo nền tảng quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về ngành du lịch của tỉnh.
Thứ sáu, phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường. Thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế. Tiếp tục xây dựng, định vị thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa mang tầm quốc gia và đặc trưng Ninh Bình, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, tiêu dùng văn hóa của người dân địa phương và cả nước. Thường niên tổ chức các sự kiện văn hóa lớn mang tính đặc trưng, đặc sắc của tỉnh Ninh Bình. Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa, thương hiệu doanh nghiệp văn hóa; qua đó thúc đẩy ngành du lịch văn hóa phát triển, góp phần tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đồng thời lan tỏa sâu rộng các giá trị văn hóa, con người Ninh Bình, nâng tầm thương hiệu địa phương trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế./.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu phát triển của ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu  (05/09/2024)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa thành phố Hà Nội trong thời kỳ mới  (02/09/2024)
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển văn hóa tỉnh Quảng Ninh thời kỳ mới  (21/08/2024)
Xây dựng, kiến tạo và lan tỏa văn hóa số ở nước ta hiện nay  (15/07/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm