TCCS - Ngày 3-8-2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 790/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bình Dương sẽ phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái xanh, sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, lấy người nông dân làm chủ thể, trung tâm, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Mô hình trồng dưa lưới ở Khu nông nghiệp công nghệ cao Unifarm, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương_Nguồn: danviet.vn

Bình Dương có những lợi thế trong phát triển nông nghiệp, đó là diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và nguồn lao động nông thôn dồi dào. Cụ thể, diện tích đất nông nghiệp chiếm 75,63% diện tích tự nhiên của tỉnh, lao động nông thôn chiếm 15,5% lực lượng lao động toàn tỉnh. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và thời vụ, cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Song song đó, Bình Dương tập trung hỗ trợ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiêu biểu, đề ra những chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất, tạo đà cho toàn ngành nông nghiệp địa phương phát triển. Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, cho ra đời nhiều mô hình hay, cách làm mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.

Đến nay, tỉnh Bình Dương có khoảng 5.763ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao có diện tích gần 1.000ha. Cùng với việc hoạt động hiệu quả, các khu nông nghiệp công nghệ cao còn giữ vai trò là trung tâm chuyển giao kỹ thuật, xây dựng và phát triển thị trường, giúp các trang trại và nông hộ xung quanh trở thành các vệ tinh sản xuất theo kỹ thuật và hợp đồng bao tiêu. Toàn tỉnh Bình Dương có 80 cơ sở được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt. Bình Dương ngày càng có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho năng suất, chất lượng.

Bên cạnh việc đem lại hiệu quả kinh tế, nhiều mô hình còn góp phần chuyển giao kỹ thuật, tạo chuỗi vệ tinh sản xuất, xây dựng và phát triển thị trường, giúp đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Trang trại Unifarm có diện tích hơn 400ha có sản phẩm chính là chuối và dưa lưới công nghệ cao, với quy trình trồng theo tiêu chuẩn châu Âu; khoảng 300ha trồng chuối tại Unifarm cho năng suất gần 50 tấn/ha mỗi năm. Sau khi thu hoạch, sản phẩm trải qua các công đoạn sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xuất khẩu bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở huyện Phú Giáo có 73 hội viên tham gia trồng dưa lưới trên diện tích 20ha. Các thành viên hợp tác xã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ nhau tìm đầu ra cho sản phẩm. Việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, sản lượng tăng khoảng 30%, chi phí sản xuất giảm 20%, do đó, hội viên đã mạnh dạn đầu tư cho dù chi phí bỏ ra ban đầu khá cao. Hiện nay, hội viên đã ứng dụng trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Israel, sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động và bán tự động… Nhờ đó, Bình Dương trở thành địa phương trọng điểm trong xuất khẩu rau quả của khu vực Đông Nam Bộ, góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu rau quả của tỉnh Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung.

Bên cạnh trồng trọt, Bình Dương phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi. Tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại hoạt động chăn nuôi đạt hiệu quả. Toàn tỉnh có 974 trang trại với diện tích hơn 3.800ha. Bên cạnh những hộ nuôi riêng lẻ, trên địa bàn có 3 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn. Đó là: Khu chăn nuôi gia cầm công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên do Công ty TNHH Ba Huân đầu tư (diện tích 17,6ha), với số lượng tổng đàn gà hậu bị và gà đẻ thương phẩm 1 triệu con/20 trại, năng suất bình quân 500.000 quả/ngày; Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng, bắc Tân Uyên (diện tích 78,5ha), với tổng đàn 300.000 con gà đẻ và 95.000 con gà hậu bị, số lượng trứng sản xuất bình quân 80 triệu quả/năm; Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao Phú Giáo do Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Bình Dương làm chủ đầu tư với tổng diện tích được giao trên 470 ha; tổng đàn bò sữa của công ty trên 850 con; năng suất sữa trung bình đạt 17,7 kg/con/ngày, tổng sản lượng sữa bình quân khai thác khoảng 199.000kg/tháng.

Theo quy hoạch, Bình Dương sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường liên kết theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu bền vững, giàu bản sắc văn hóa. Đến năm 2025, ngành nông nghiệp Bình Dương đặt mục tiêu đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%/năm. Trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30% cơ cấu ngành. Tỉnh tập trung khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có kinh nghiệm sản xuất lâu đời, các trang trại lớn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn, có nguồn tiêu thụ ổn định chuyển đổi dần sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là giải pháp để hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy, tạo động lực, nâng cấp các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống hiện có. Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghệ cao, tạo đột phá rõ nét.

Tỉnh Bình Dương giao Sở Công Thương tỉnh phối hợp với các cấp, ngành xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng; thiết lập, củng cố mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản, trái cây với các kênh phân phối… Qua đó, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số nông nghiệp, phát triển thương mại điện tử, xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn liền với mô hình làng thông minh; nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp. Đây là những giải pháp quan trọng để nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Dương phát triển bền vững./.