Chuyển biến nếp sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Xuyên (thành phố Hà Nội)
TCCS - Nhằm phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, ngay từ năm 2012, huyện Phú Xuyên thống nhất chủ trương, tập trung chỉ đạo 100% số thôn và cụm dân cư xây dựng quy ước nông thôn mới thay cho quy ước làng văn hóa trước đây. Đến nay, việc triển khai thực hiện quy ước tạo chuyển biển tích cực, rõ nét, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất văn hóa
Để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, hơn 10 năm qua, huyện Phú Xuyên tập trung làm mới và nâng cấp đường giao thông liên xã; xây dựng mới 2 trạm bơm, nâng cấp, cải tạo 20 trạm bơm và kiên cố hóa kênh mương, bảo đảm tưới tiêu chủ động 100% diện tích đất nông nghiệp. Hệ thống lưới điện nông thôn được cải tạo nâng cấp cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ sản xuất dân sinh. Cơ sở vật chất, trường lớp, phòng chức năng, trang thiết bị giáo dục được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu dạy và học, không còn lớp học nhờ học tạm, lớp học xuống cấp nguy hiểm. Huyện xây mới, nâng cấp, cải tạo 107 dự án công trình trường học với 40/88 trường thuộc 3 cấp học đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất; có 3/4 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Huyện có 17 chợ nông thôn, 1 siêu thị và hệ thống các cửa hàng tiện lợi, kinh doanh tổng hợp trong khu dân cư. Đặc biệt, huyện xây dựng mới 5 sân vận động xã; xây mới và nâng cấp 28 nhà văn hóa thôn. Các xã có điểm bưu chính viễn thông và mạng truy cập Internet đạt tiêu chí quốc gia. Nhà văn hóa các thôn/làng đều có mạng Internet và hệ thống loa, đài truyền thanh đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, cung cấp, tuyên truyền thông tin cho bà con nhân dân.
Các thiết chế văn hóa ở khu dân cư đều được quan tâm đầu tư. Hầu hết nhà văn hóa xã/thôn, làng trên địa bàn huyện Phú Xuyên bảo đảm các điều kiện cần thiết để tổ chức hội họp và các hoạt động văn hóa. Nhờ có nhà văn hóa, sân chơi thể thao, nhân dân có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm gìn giữ hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình văn hóa và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, tập luyện thể dục, thể thao. Các thôn, xã đều xây dựng được hội trường đa năng để tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, sinh hoạt câu lạc bộ, đọc sách báo hoặc thể thao quần chúng. Với phương châm “Mỗi người chọn cho mình một môn thể thao thích hợp để tập luyện hằng ngày”, phong trào thể dục thể thao ở huyện Phú Xuyên phát triển mạnh, với các môn võ thuật, thể thao dưỡng sinh, bóng đá, bóng chuyển, cầu lông, cờ tướng, xe đạp - những môn thể thao hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương. Hằng năm, huyện Phú Xuyên đều tổ chức các cuộc thi đấu nhân dịp ngày lễ, dịp kỷ niệm, các sự kiện; mở các lớp dạy võ thuật, các câu lạc bộ như: Dưỡng sinh, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, xe đạp,… thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Công tác giáo dục được chính quyền từ cấp huyện, xã thường xuyên quan tâm, đầu tư sửa chữa trường lớp, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học, chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2019, huyện Phú Xuyên đã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, có 26/26 xã/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2.
Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở tuyến y tế cơ sở được quan tâm. Chương trình vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, chương trình tiêm chủng mở rộng và công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Từ năm 2010 đến nay, có 16 trạm y tế được xây mới, sửa chữa, cải tạo với kinh phí 68,2 tỷ đồng. 100% số trạm y tế xã có bác sĩ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,7%. Trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách xã hội, người nghèo đều được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí từ tuyến xã.
Nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân
Xác định người dân là chủ thể trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, huyện Phú Xuyên chú trọng gắn kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị” kết hợp với việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nội dung các chương trình đều có sự gắn kết, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực vật chất và tinh thần nhằm thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm, huyện Phú Xuyên có 25/25 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Toàn huyện có 109/141 làng được công nhận “Làng văn hóa”, đạt 77,3%; số gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” đạt trên 95%. Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, khu phố văn hóa góp phần phát huy vai trò hạt nhân của mỗi gia đình trong xây dựng văn hóa nông thôn mới.
Bên cạnh các quy ước, hương ước, lệ làng vốn có từ lâu đời của các làng quê, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của các gia đình vừa góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa giúp quan hệ gia đình, hàng xóm ngày càng được gắn bó. Nhân dân đồng thuận, thống nhất xây dựng quy ước nông thôn mới của địa phương mình. Trên địa bàn toàn huyện Phú Xuyên có 153/153 làng, khu dân cư được chấp thuận quy ước nông thôn mới, trong đó đều quy định cụ thể việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ mừng thọ, trong các sinh hoạt tín ngưỡng khác.
Theo đó, việc cưới được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đăng ký hộ tịch và chỉ tổ chức cưới sau khi được ủy ban nhân dân cấp xã cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Các đám cưới tổ chức phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của địa phương (như: mời đại diện gia đình, dòng tộc, làng xóm thân gần, anh em, bạn bè thân thiết, đại diện cơ quan bố, mẹ và của cô dâu hoặc chú rể, tổng số lượng khách mời không quá 300 người). Hầu hết các đám cưới được tổ chức trang trọng, lành mạnh, không xa hoa, lãng phí, không còn tình trạng sử dụng thuốc lá, không chia cỗ khi bữa tiệc kết thúc.
Từ khi có quy ước, thực hiện việc tang có sự chuyển biến tích cực. Các thôn, làng, khu dân cư và tiểu khu thành lập ban tổ chức tang lễ nhằm thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với tinh thần Quy ước xây dựng nông thôn mới. Theo Quy ước xây dựng nông thôn mới, việc tang lễ được tổ chức tại gia đình người quá cố do trưởng thôn làm trưởng ban, cấp ủy đảng, tổ hội đồng các đoàn thể và gia đình tang chủ cùng tổ chức thực hiện. Các nghi thức cúng, giỗ được tiến hành trong 1 ngày, trong phạm vi nội bộ gia đình và thân tộc. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan được khắc phục, nhờ đó giảm bớt gánh nặng về thời gian, kinh tế cho gia đình, đồng thời thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng.
Tính đến nay, huyện Phú Xuyên có 345 di tích, trong đó có 120 di tích lịch sử được công nhận, 58 lễ hội truyền thống có quy mô khác nhau diễn ra hằng năm. Công tác lễ hội trên địa bàn được tổ chức theo nghi thức truyền thống, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn và lành mạnh, tạo không khí phấn khởi, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân.
Một số vấn đề đặt ra và giải pháp
Mặc dù các thiết chế văn hóa ở huyện Phú Xuyên được trang bị đầy đủ, song một số xã nhà văn hóa chưa đạt chuẩn, thiếu trang thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao. Việc quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động ở một số trung tâm văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn chưa phát huy hết công năng sử dụng, chưa thu hút đông đảo người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… Vẫn còn tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng đường trong một số đám cưới, còn mở nhạc to và quá giờ quy định. Tỷ lệ số ca đi hỏa táng chưa cao, trong một số đám tang vẫn còn tình trạng đốt vàng mã, rải tiền âm phủ, phúng viếng nhiều vòng hoa. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác văn hóa phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc nên việc tổ chức hoạt động, phong trào văn hóa cơ sở gặp nhiều khó khăn. Quy ước nông thôn mới tuy đã xây dựng, song việc quán triệt triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả chưa cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở một số khu dân cư chưa có chiều sâu. Việc xây dựng các mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa” ở một số xã mới chỉ mang tính hình thức. Do diễn biến của dịch bệnh COVID-19 phức tạp, từ đầu năm 2020 đến nay, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền, thể dục thể thao, các lễ hội từ huyện đến cơ sở phải tạm dừng hoạt động. Do đó, công tác xã hội hóa nguồn kinh phí đầu tư cho thiết chế văn hóa, tu bổ, tôn tạo di tích chưa hiệu quả.
Để tạo chuyển biến tích cực trong nếp sống văn hóa nông thôn mới, huyện Phú Xuyên cần chú ý thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xây dựng Quy ước xây dựng nông thôn mới phù hợp, thiết thực, gắn sát với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng địa phương. Chú trọng việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy, phát triển văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng thực hiện các quy ước nông thôn mới đã được cộng đồng công nhận; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng trường chuẩn quốc gia; tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng văn hóa và con người Phú Xuyên phát triển toàn diện.
Thứ hai, quan tâm phát triển làng nghề truyền thống gắn với đào tạo, dạy nghề, nhân cấy nghề, giúp người dân chuyển đổi phương thức sản xuất. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Tập trung phát triển làng nghề truyền thống có lợi thế gắn với du lịch làng nghề; mở rộng đầu tư và phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung, công nghệ cao; nâng cao chất lượng, hiệu quả về sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, bảo đảm đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế bền vững.
Thứ ba, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Phú Xuyên xác định xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Do đó, các yêu cầu về tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo quy hoạch; ưu tiên cải thiện hệ thống đường giao thông, điện nông thôn, hệ thống tưới tiêu, thoát nước thải, cấp nước sạch; đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế; tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở;… cần được chú trọng.
Thứ tư, giữ vững và phát huy các danh hiệu văn hóa đã đạt được, gắn với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”; duy trì các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, duy trì hoạt động các câu lạc bộ văn nghệ, mô hình điểm câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình…
Thứ năm, quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở; kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung, giải pháp thực hiện phong trào phù hợp với tình hình thực tiễn./.
Hà Nội đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững  (27/09/2021)
Một số kinh nghiệm bước đầu của Hà Nội trong phòng, chống dịch COVID-19  (26/09/2021)
Hà Nội thông qua Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19  (23/09/2021)
Thành phố Hà Nội: Thúc đẩy các hoạt động nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa  (23/09/2021)
Hà Nội áp dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến  (22/09/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay