Ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025 giữa Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh
TCCS - Ngày 26-6-2021, tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025. PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì hội nghị.
Cùng tham dự có các đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ninh và các ban chuyên môn của Tạp chí Cộng sản.
Theo báo cáo tổng kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2013 - 2020, từ năm 2013, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Tạp chí Cộng sản ký kết Thỏa thuận hợp tác tuyên truyền nhằm mục đích “Quảng bá hình ảnh của Tạp chí Cộng sản và tỉnh Quảng Ninh. Phối hợp nghiên cứu và tổng kết thực tiễn công cuộc đổi mới ở Quảng Ninh; tuyên truyền các ý kiến đóng góp của tỉnh Quảng Ninh để phản ánh, kiến nghị và tham mưu cho các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường và điều kiện đầu tư, phát triển của tỉnh. Phối hợp đẩy mạnh công tác phát hành các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản trên địa bàn tỉnh”. Sau khi ký kết, hai cơ quan đã tích cực triển khai thực hiện các công việc, đó là: Đăng tải các bài viết của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh, các bài viết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, tác giả về Quảng Ninh trên các ấn phẩm in, xây dựng chuyên trang riêng về tỉnh Quảng Ninh trên Tạp chí Cộng sản điện tử, các số chuyên đề về Quảng Ninh trên Chuyên san Hồ sơ - sự kiện. Thực hiện việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận những vấn đề đặt ra từ Quảng Ninh hằng năm, nhất là tiến hành cuộc tổng kết quy mô lớn, phối hợp xuất bản cuốn sách “Quảng Ninh 30 năm đổi mới cùng đất nước”. Tổ chức các hội thảo quy mô quốc gia có giá trị khoa học - thực tiễn cao, với tư duy xuất phát từ Quảng Ninh nhưng soi chiếu những vấn đề mang tầm quốc gia…
Với vị trí, vai trò, thế mạnh của là cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Cộng sản đã góp phần thiết thực trong việc tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, tư vấn xây dựng các quyết sách của tỉnh Quảng Ninh; tuyên truyền về Quảng Ninh một cách có chiều sâu, lan tỏa và thiết thực dựa trên hệ bài chuyên sâu nhiều giá trị thông tin, tri thức, giàu hàm lượng lý luận, khoa học.
Giai đoạn 2021 - 2025, với phương châm việc hợp tác và các sản phẩm hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, giàu hàm lượng tri thức, có chất lượng cao, thiết thực, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tỉnh Quảng Ninh, Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Quảng Ninh thống nhất nội dung phối hợp tập trung vào tổng kết các nội dung trọng điểm, phản ánh sự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để xác lập mô hình phát triển, phương thức phát triển riêng có của tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể là: Chuỗi bài viết nâng tầm tổng kết thực tiễn - lý luận, tập trung vào những điểm mới, sáng tạo có ý nghĩa định hình mô hình phát triển, phương thức phát triển, xu hướng phát triển của Quảng Ninh; truyền thông các bài viết trên các ấn phẩm Tạp chí Cộng sản, kết nối với các phương tiện truyền thông khác để tạo hiệu ứng tuyên truyền; các hội thảo khoa học cấp quốc gia do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Tạp chí Cộng sản và các ban, bộ, ngành trung ương tổ chức, chủ đề là những thành công từ thực tiễn Quảng Ninh, những đóng góp về mặt lý luận của Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025; báo cáo chắt lọc để kiến nghị với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về những vấn đề quản lý và phát triển, tổ chức thành công Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh; tham gia tổng kết 40 năm đổi mới - nhìn từ thực tiễn của Quảng Ninh...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết, công cuộc đổi mới tại tỉnh Quảng Ninh là quá trình không ngừng tìm tòi, thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, phấn đấu đầy gian khổ của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh. Trong suốt hành trình đó, tỉnh Quảng Ninh coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; đã xuất phát từ thực tiễn để đổi mới tư duy, nhận thức; tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Việc thường xuyên tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu lý luận giúp hạn chế những sai lầm có thể gặp phải, không ngừng bổ sung, hoàn thiện những khuyết thiếu, gia tăng hàm lượng khoa học, cơ sở thực tiễn trong các quyết sách của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh. Mỗi giai đoạn phát triển, qua mỗi kỳ đại hội đảng bộ tỉnh đều đánh dấu những bước tiến trong nhận thức lý luận và hành động thực tiễn. Quảng Ninh dần hình thành được hệ thống triết lý phát triển và lý luận mang nét riêng của mình để dẫn dắt thực tiễn và hành động cách mạng, góp phần vào xây dựng hệ thống lý luận của Đảng về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nhiều đề xuất, mô hình của tỉnh Quảng Ninh là tiền đề quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ nghiên cứu, xem xét và triển khai rộng rãi trong cả nước.
Thời gian qua, việc phối hợp công tác giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh và Tạp chí Cộng sản giúp thiết thực nâng cao hơn chất lượng công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, xây dựng các quyết sách của tỉnh Quảng Ninh. Hoạt động tuyên truyền về kết quả, thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh ngày càng sâu sắc, hiệu quả, có chiều sâu.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký cho rằng, trong giai đoạn tới, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Tạp chí Cộng sản cần tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp, không chỉ ở việc tuyên truyền, đăng tải các bài viết, mà mong muốn Tạp chí Cộng sản tham gia sâu hơn vào nhiệm vụ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của tỉnh, tập trung vào 13 vấn đề và 11 mô hình cụ thể được xác định trong nội dung chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV. Hằng năm, các cơ quan chức năng của hai bên tham mưu, theo dõi, đôn đốc, tổ chức đánh giá để kịp thời bổ sung, điều chỉnh các nội dung hợp tác phù hợp. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo mọi điều kiện để Tạp chí Cộng sản triển khai các công việc hợp tác một cách toàn diện, có hệ thống, chất lượng.
Theo đồng chí Đoàn Minh Huấn, tỉnh Quảng Ninh là địa phương có nhiều “dư địa” cho công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Những cách làm mới, đột phá, mô hình tốt trong việc vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng trong điều kiện thực tiễn cụ thể, đặc thù của tỉnh Quảng Ninh chính là một "tài nguyên dữ liệu" quý để góp phần tổng kết thực tiễn, đúc kết lý luận, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của đất nước nói chung. Đồng chí Đoàn Minh Huấn tin tưởng, chương trình phối hợp công tác giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh và Tạp chí Cộng sản sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, nâng tầm hơn trong giai đoạn tới./.
Nội dung phối hợp giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh và Tạp chí Cộng sản trong tổng kết thực tiễn - nghiên cứu lý luận về mô hình đổi mới sáng tạo và phương thức phát triển của tỉnh Quảng Ninh
13 vấn đề cụ thể: (1) Đột phá từ đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu. (2) Nhận diện mâu thuẫn, phát hiện tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, giá trị khác biệt để tạo đột phá cho phát triển. (3) Chuyển đổi mô hình, phương thức phát triển gắn với tổ chức lại không gian phát triển, hình thành các hành lang, trục động lực phát triển mới. (4) Khơi thông nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, phát huy các động lực tăng trưởng cho tăng tốc và bứt phá. (5) Kết hợp vai trò kiến tạo phát triển của Đảng bộ, chính quyền với động lực của thị trường trong phát triển kinh tế - xã hội. (6) Phát triển hài hòa cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp dựa trên lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh gắn với tổ chức lại, xử lý quan hệ nông thôn - đô thị. (7) Chính sách phát triển lấy con người làm trung tâm, tìm động lực mới cho phát triển văn hóa - xã hội, vốn hóa các tài nguyên văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội và chăm lo an sinh xã hội cho người dân. (8) Cơ hội và thách thức, tầm nhìn 2025 và định hướng phát triển đến năm 2030. (9) Định dạng tổng quát mô hình, phương thức phát triển của Quảng Ninh - nền tảng vững chắc được tạo lập và xu hướng thập niên tới. (10) Thực hiện “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới. (11) Chuyển đổi phương thức phát triển. (12) Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo. (13) Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, thu hẹp khoảng cách vùng miền. Về giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức công đoàn - nhìn từ thực tiễn của Quảng Ninh.
11 mô hình cụ thể: (1) Mô hình “dân tin rồi Đảng cử”; (2) Mô hình Trung tâm Truyền thông tinh Quảng Ninh, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ, ban tuyên giáo - trung tâm chính trị cấp huyện; (3) Mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”, “sở hữu công, quản trị tư”…; (4) Mô hình lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư gắn với thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực và quản lý; (5) Mô hình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; (6) Mô hình “vốn hóa” các giá trị văn hóa thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; (7) Mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm hành chính công gắn với cải cách hành chính; (8) Mô hình thúc đẩy chính quyền số, chính quyền điện tử; (9) Mô hình phát triển các đảo ven bờ; (10) Mô hình tổ chức trục động lực, mở rộng không gian, hành lang phát triển; (11) Mô hình tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới.
Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống - Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới  (17/06/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay