Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế
TCCS - Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội không ngừng được nâng cao. Trong đó, hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố, cấp huyện, xã được đầu tư nâng cấp. Tuy nhiên, hệ thống y tế của thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu bác sĩ xảy ra ở tuyến xã và huyện. Trang thiết bị của hệ thống y tế thiếu thốn, nhiều nơi xuống cấp. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện và chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến thành phố chưa giải quyết hiệu quả. Chế độ đãi ngộ, thu nhập của lực lượng y tế nói chung, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở còn thấp… Do vậy việc tìm ra giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đưa vị thế của Hà Nội xứng tầm khu vực là hết sức cần thiết.
Vai trò nguồn nhân lực y tế
Trong chiến lược phát triển con người một cách toàn diện của Đảng và Nhà nước, chăm sóc sức khỏe là việc rất quan trọng. Sức khỏe là tài sản vô giá của bản thân từng người và của cả xã hội, đầu tư cho sức khỏe chính là đầu tư cho ”sức lao động”. Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và mỗi cá nhân. Ngành y tế đóng vai trò nòng cốt cho việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe chứ không đơn thuần chỉ là khám, chữa bệnh.
Lao động nghề y là loại lao động đặc biệt, lao động cao quý, vinh quang, có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, do vậy phải được đào tạo theo chương trình nghiêm ngặt với thời gian dài hơn các ngành khác. Đồng thời, lại là lao động cực nhọc, căng thẳng, độc hại do luôn tiếp xúc với đau đớn của bệnh nhân, trong môi trường dễ lây nhiễm bệnh tật, có thể phải tiếp xúc với hoá chất, chất thải môi trường bệnh viện nhưng cũng chịu sức ép từ dư luận xã khi có những biến cố trong chuyên môn xảy ra. Vì thế, đòi hỏi người cán bộ y tế luôn phải có ý thức rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực làm việc và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao.
Muốn thực hiện tốt công tác y tế, yêu cầu phải xây dựng hệ thống mạng lưới y tế với nguồn nhân lực y tế, cần xây dựng hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Trong phát triển ngành y tế, bên cạnh việc xây dựng khung khổ pháp lý thống nhất; xây dựng mạng lưới y tế đồng bộ trong toàn quốc; đầu tư nguồn lực tài chính một cách thỏa đáng để ngành y tế có thể làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nhà nước còn phải xây dựng, đào tạo đủ và phân bổ hợp lý nguồn nhân lực cho cho ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của quần chúng nhân dân.
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bởi một trong những yếu tố quyết định đến vai trò của Nhà nước đối với quản lý phát triển y tế là đội ngũ nhân lực. Nguồn nhân lực y tế có đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức… có vai trò quan trọng dẫn đến thành công hay thất bại trong việc nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo của mình đối với công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các chính sách của nhà nước trong lĩnh vực y tế có đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hay không, việc thực hiện các chính sách ấy có hiệu quả hay không, có phát huy được tác dụng hay không… phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất, đạo đức của nguồn nhân lực y tế.
Mặt khác, nhu cầu về thầy thuốc và cán bộ thuộc nhiều chuyên môn khác nhau cũng đang đòi hỏi phải đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, nắm bắt các kiến thức y học hiện đại, giỏi thực hành, có y đức tốt… Trong xây dựng đội ngũ cán bộ y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách thích hợp, thể hiện ở tất cả các khâu từ tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ và tôn vinh…
Thực trạng nguồn nhân lực y tế của Hà Nội
Quan điểm chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ ngành y tế được nêu rõ trong Nghị quyết 46/NQ-TW, ngày 23-2-2005, của Bộ Chính trị là “giảm tỉ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mới đây nhất, tại Đại hội XIII Đảng ta đã xác định giai đoạn năm 2021 - 2025 cần “Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ số trong khám, chữa bệnh, liên thông công nhận kết quả khám, xét nghiệm. Đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức. Phấn đấu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.
Những năm qua, sau đại dịch COVID-19, đến nay Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, góp phần vào thành công của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế. Các dịch bệnh khác, như bệnh sốt xuất sốt huyết, tay chân miệng, bệnh do Adeno Virus, sởi, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản… cũng đã được kiểm soát. Công tác cấp cứu, khám chữa bệnh của ngành y tế được bảo đảm. Các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn bệnh viện, không để xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Ngành y tế Thủ đô đã duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, chất lượng chuẩn Quốc gia y tế xã, triển khai có hiệu quả mô hình Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Công tác quản lý an toàn thực phẩm được tăng cường, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về an toàn thực phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai các văn bản, chỉ đạo trong công tác điều trị, chăm sóc người bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian chờ khám của người dân đã được rút ngắn đáng kể. Thông tin dữ liệu khám chữa bệnh được cập nhật nhanh chóng, chính xác. 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân gắn chíp khi người dân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ngành y tế Thành phố đã phát triển nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, mũi nhọn trong lĩnh vực gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, ung bướu, tim mạch, sản khoa, ngoại khoa.
Ngoài ra ngành y tế thành phố cũng hoàn thành các chỉ tiêu dân số; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô. Các đơn vị thực hiện tốt công tác tự chủ, nâng cao năng lực quản lý chuyên môn, quản lý tài chính. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống y tế của thành phố Hà Nội còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, hệ thống y tế công lập, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn Thủ đô chưa đồng đều và chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô Hà Nội, như tình trạng thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là y tế có trình độ chuyên môn cao và bác sỹ tại tuyến y tế cơ sở. Kinh phí bảo hiểm y tế được phân bổ chưa đáp ứng với thực tế khám, chữa bệnh tại các đơn vị. Giá dịch vụ y tế chưa tính đủ các cấu phần. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của từng đơn vị cũng như toàn ngành chưa đáp ứng yêu cầu. Thu nhập của cán bộ y tế còn thấp, đặc biệt là cán bộ y tế làm việc trong khối dự phòng...
Trong công tác y tế dự phòng, đặc biệt là ở tuyến cơ sở còn yếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế công của thành phố, đặc biệt là tuyến huyện, xã còn thiếu và xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế còn thiếu về số lượng với bằng chứng là tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân của thành phố trên số dân chưa cao: 14 bác sĩ/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó, sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học sự phòng, giữa các chuyên khoa là vấn đề tồn tại nhiều năm. Sự thiếu vắng các chuyên gia trong một số lĩnh vực chuyên khoa đã tạo ra những khoảng trống nhân lực y tế chuyên khoa chất lượng cao ở ngay các bệnh viện của Hà Nội ở giữa Thủ đô. Nếu tính đến các bệnh viện ở các quận, huyện ngoại thành thì tình hình còn khó khăn hơn rất nhiều.
Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ yếu tập trung ở khu vực nội đô; có sự tập trung khá lớn các bệnh viện tuyến Trung ương. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của một số bệnh viện thành phố chưa xứng tầm với vị thế là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Nhân lực y tế còn thiếu, nhất là nguồn nhân lực chuyên khoa có chất lượng cao. Hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế ngoài công lập đang từng bước phát triển, thể hiện vai trò của mình trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận nhưng hệ thống y tế tư nhân hầu như hình thành tự phát, chưa nằm trong quy hoạch tổng thể của mạng lưới y tế Thủ đô. Vai trò của các cơ sở y tế tư nhân còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế dự phòng và chỉ chủ yếu tập trung ở một số các lĩnh vực chuyên khoa có khả năng mang lại lợi nhuận cao. Điều này đã làm mất sự cân đối trong bức tranh tổng thể về cung cấp các dịch vụ y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn Thủ đô.
Cùng với đó, Hà Nội chưa có các chính sách vượt trội đặc thù dành cho lĩnh vực y tế như chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về khám, chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với địa bàn Thủ đô để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập; tạo mối liên hệ có tính hệ thống giữa cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Ngoài nguồn bảo hiểm, ngân sách thành phố chưa có chính sách ưu tiên bảo đảm cho hoạt động y học gia đình, cả công và tư, khuyến khích y tế tư nhân, để từ đó tăng cường được mạng lưới y tế cơ sở.
Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế cho Hà Nội
Nhằm phát triển nguồn nhân lực y tế cho Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 353/KH-UBND, “Về phát triển nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2022 - 2025, với chỉ tiêu 26,4 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y/10.000 dân và 8,4 dược sĩ đại học/10.000 dân; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc. Trong đó, 95% trạm y tế có bác sĩ cơ hữu tại trạm; phấn đấu 41% viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập có trình độ đại học và sau đại học; 100% cán bộ trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo quy định. Thành phố cũng phấn đấu bố trí đủ số lượng và cơ cấu nhân lực cho các cơ sở y tế hiện có trên địa bàn. Để đạt mục tiêu về phát triển nguồn nhân lực ngành y tế giai đoạn 2022 - 2025, thành phố tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Phát triển giường bệnh cho các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; bảo đảm đến năm 2025 dự kiến tăng thêm tối thiểu 4.704 giường bệnh. Khi tuyển dụng đủ nhân lực theo quy định với số giường bệnh trên, sẽ có thêm 5.610 người, trong đó có 1.555 bác sĩ; 2.595 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 338 dược sĩ và 1.122 cán bộ khác. Cụ thể:
Một là, Hà Nội cần xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức, lao động hợp đồng hằng năm, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu nhân lực cho các cơ sở y tế hiện có trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố phối hợp với các trường đại học, cao đẳng khối ngành sức khỏe thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao đăng ký dự tuyển vào làm việc tại đơn vị trực thuộc Sở Y tế sau khi tốt nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ được cử đi học đại học, sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở và chuyên khoa lao, tâm thần, truyền nhiễm, giải phẫu bệnh, pháp y. Tăng cường quản lý, hướng dẫn cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nâng cao chất lượng hoạt động, phối hợp với hệ thống y tế công lập thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; động viên cán bộ y tế mới nghỉ hưu còn đủ sức khỏe tiếp tục đăng ký hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập.
Hai là, Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cần ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các bệnh viện, trường đại học y - dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn. Muốn vậy, cần có chính sách nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, chiến lược và có kế hoạch cụ thể để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế đặc thù của Thủ đô, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đào tạo nhân lực y tế tổng thể quốc gia. Cần phải có các chính sách ưu đãi tuyển dụng, chi trả lương phù hợp, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại tuyến y tế cơ sở. Có chế độ đãi ngộ, quy định về khám, chữa bệnh và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa và đặc thù của Thủ đô.
Ba là, chủ động dự báo tình hình dịch bệnh, xây dựng và triển khai các kế hoạch phòng chống dịch nhanh chóng, phù hợp, theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, đặc biệt chú ý tới các dịch bệnh COVID-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ…; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo hướng “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, trong đó trọng tâm là triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại, tiên tiến, Thành phố cần xây dựng mô hình bệnh viện thông minh; triển khai, hoàn thiện bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh. Hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu của các Chương trình y tế. Thực hiện tốt cải cách hành chính, phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính của Sở Y tế đạt trên 90%. Phát triển nguồn nhân lực y tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về trình độ quản lý, quản trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế.
Bốn là, ngành Y tế tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026, ký trình phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án cơ sở y tế. Với sự quan tâm đặc biệt của Thành phố, ngành y tế cho rằng đây là cơ hội thuận lợi, để trong thời gian gần nhất ngành sẽ có một diện mạo mới và những công trình bệnh viện hiện đại phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Các cấp ủy Đảng tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương về công tác cán bộ của Đảng trong thời kỳ mới; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, triển khai đồng bộ các chủ trương, biện pháp công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để xây dựng nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu xã hội, cần thiết phải xây dựng một nghị quyết chuyên đề của Đảng về đội ngũ cán bộ y tế.
Năm là, thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí cán bộ y tế. Trong thời gian tới, các trường y dược cần tiếp tục nghiên cứu và đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, 4-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, nâng cao cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trong tuyển dụng, bố trí cán bộ y tế, nhất là ở cơ sở, ở lĩnh vực khó tuyển. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp cho cán bộ đi học tập dài hạn, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn để nâng cao trình độ chuyên môn. Tiếp tục tăng cường hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật để qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới có đủ khả năng đảm đương những kỹ thuật phức tạp, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên./.
Quận ủy Hoàn Kiếm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ XXVI  (05/09/2023)
Tăng cường phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội - Một số vấn đề đặt ra hiện nay  (10/08/2023)
Quảng Ninh nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực  (04/08/2023)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay