TCCS - Tai nạn giao thông nói chung, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong lứa tuổi thanh, thiếu niên nói riêng vẫn đang là một vấn đề nhức nhối, là nỗi lo của toàn xã hội. Thông qua công tác tuyên truyền, sự hiểu biết luật giao thông trong thanh, thiếu niên tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn một bộ phận thanh, thiếu niên chưa chấp hành tốt Luật Giao thông dẫn đến không ít vụ tai nạn nghiêm trọng.

Học sinh vi phạm Luật Giao thông khi tham gia giao thông _ Ảnh: baohaiphong.com.vn

Thực trạng đáng báo động

Tình trạng một số thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên vẫn còn không ít thanh, thiếu niên thiếu hiểu biết, hoặc biết nhưng coi thường pháp luật, chỉ nghiêm chỉnh chấp hành khi có lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát.

Theo số liệu thống kê, số người vi phạm an toàn giao thông trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 35 tuổi chiếm gần 70% so với các lỗi vi phạm như sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện, chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm... Nhiều trường hợp thanh, thiếu niên vi phạm khi chưa đủ tuổi nhưng vẫn điều khiển xe mô-tô tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thanh, thiếu niên không chấp hành hiệu lệnh dừng, đỗ, đồng thời có thái độ, lời lẽ thách thức cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ. Các hành vi đó không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn đe dọa tới tính mạng người khác cùng tham gia giao thông trên đường.

Thực tế cho thấy, lực lượng thanh niên lao động các nghề tự do lại rất ít được tiếp cận việc tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông trong khi họ là đối tượng đáng quan tâm khi thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông. 

Những giải pháp phòng ngừa 

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm luật giao thông trong thanh, thiếu niên, giảm thiểu những đau thương, mất mát do tai nạn giao thông gây ra, cần thực hiện các giải pháp cụ thể: 

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông cho học sinh, sinh viên. Để công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông cho học sinh ở trường học đạt hiệu quả, bên cạnh việc đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt sao cho phong phú, hấp dẫn, nhà trường cần chỉ đạo xen kẽ giáo dục Luật Giao thông vào các tiết học môn giáo dục công dân, nghiêm cấm học sinh không có giấy phép lái xe điều khiển xe gắn máy khi tham gia giao thông; tiến hành cam kết với phụ huynh học sinh, học sinh với nhà trường phải tuyệt đối nghiêm túc chấp hành luật an toàn giao thông, coi đây là một trong những tiêu chí để xếp loại hạnh kiểm của học sinh trong năm học. 

Hai là, các trường học cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh vi phạm Luật Giao thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với gia đình và các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể duy trì thường xuyên việc tuyên truyền, giáo dục, quản lý và có biện pháp xử lý các học sinh, sinh viên vi phạm. Học sinh, sinh viên ký và thực hiện cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông; duy trì mô hình “cổng trường an toàn giao thông”; phối hợp với phụ huynh học sinh và các cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, ngăn chặn tình trạng học sinh điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông trong khối trường học dưới hình thức sân khấu hóa. 

Ba là, để góp phần nâng cao ý thức của chấp hành an toàn giao thông cho thanh, thiếu niên, chương trình giáo dục về an toàn giao thông ngay từ cấp tiểu học là rất cần thiết. Bên cạnh các bài học lý thuyết bắt buộc phải có tiết thực hành dành cho học sinh. Từ đó, hình thành ý thức chấp hành tốt luật giao thông cho học sinh ngay từ khi cắp sách tới trường. Kiểu giáo dục “mưa dầm thấm lâu” sẽ giúp thế hệ trẻ trong tương lai biết sống và làm việc theo pháp luật, vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Các hình thức tuyên truyền cũng cần sinh động hơn, như tổ chức sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi kết hợp tuyên truyền miệng… Đồng thời, mỗi gia đình phải là tấm gương trong việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Các bậc phụ huynh cần có thái độ nghiêm túc trong việc quản lý phương tiện đối với con em mình.

Bốn là, đội cảnh sát giao thông công an thành phố triển khai nhiều biện pháp rà soát, lên danh sách toàn bộ thanh, thiếu niên vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; răn đe giáo dục; tổ chức tuyên truyền cá biệt những đối tượng vi phạm, viết cam kết không tái phạm. Bên cạnh đó, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát đã sử dụng camera ghi nhận những hình ảnh vi phạm của số đối tượng thanh thiếu niên này và kịp thời thông báo cho tổ tuần tra kiểm soát công khai xử lý.

Năm là, tăng cường kiểm tra các tiêu chí an toàn, kỹ thuật của phương tiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, tăng cường đầu tư cho các dự án liên quan đến việc phát triển hạ tầng giao thông và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông…/.