Về xây dựng tổ chức đảng và phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân hiện nay
TCCS - Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18-3-2019, “Về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”, đã tạo động lực to lớn thúc đẩy quá trình xây dựng tổ chức đảng và phát triển Đảng tại các doanh nghiệp tư nhân hiện nay. Tuy nhiên, thực tế xây dựng tổ chức đảng và phát triển Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân hiện nay đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua
Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác xây dựng các tổ chức đảng bảo đảm vai trò lãnh đạo, hạt nhân chính trị ở cơ sở, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, từ năm 1996 đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản về công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp, như Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 23-11-1996, của Bộ Chính trị khóa VIII, về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân (gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 2-2-2008, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29-7-2010, của Ban Bí thư “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006, “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”; thực hiện thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân có những chuyển biến tích cực: Cả nước hiện có 12.808 tổ chức đảng với tổng số 182.995 đảng viên trong các đơn vị khu vực kinh tế ngoài nhà nước, trong đó có 21 đảng bộ cấp trên cơ sở, 1.481 đảng bộ cơ sở, 4.160 chi bộ cơ sở, 75 đảng bộ bộ phận và 7.071 chi bộ trực thuộc. Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp; tập hợp, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm lao động sản xuất; đồng thời, góp phần đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã có nhận thức đúng về Đảng, phấn đấu và được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Phần lớn các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân đã phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, quy tụ được đảng viên tham gia, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, vận động công nhân, người lao động chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời xây dựng mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đoàn thể với lãnh đạo doanh nghiệp, được chủ doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Thực tế cho thấy, ở nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng, kể từ khi có tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể, nhận thức của công nhân, người lao động được nâng lên rõ rệt, tình trạng đình công, lãn công không xảy ra, nội bộ đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất đạt năng suất cao.
Đến nay, số lượng đảng viên và tổ chức đảng trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước tuy đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Cụ thể, như thành phố Hà Nội có 2.801 đảng viên, chiếm 21,87%, Thành phố Hồ Chí Minh có 2.420 đảng viên, chiếm 18,89%, Hải Phòng có 488 đảng viên, chiếm 3,82%,... Đặc biệt, năm 2018, thành phố Hà Nội đã thành lập mới 152 tổ chức đảng, đạt 116% kế hoạch; kết nạp được 1.242 đảng viên mới; đến hết quý I-2019, đã có 34 chi bộ đảng trong các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước được thành lập. Thành phố Hải Phòng hiện có hơn 31.000 doanh nghiệp, 340 hợp tác xã, 2.500 tổ hợp tác, 122 trường học ngoài công lập, hơn 1.200 cơ sở y tế ngoài nhà nước. Sau 9 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU, ngày 10-11-2009, của Ban Thường vụ Thành ủy, về “Xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”, Hải Phòng có 490 đơn vị kinh tế ngoài nhà nước có tổ chức đảng; gồm 343 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 99 hợp tác xã, 48 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, với tổng số hơn 7.300 đảng viên. Tỉnh Bình Dương, sau 3 năm thực hiện Chương trình số 16-CTr/TU, ngày 9-6-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về xây dựng, phát triển tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước giai đoạn 2016-2020, đến nay có 76 tổ chức cơ sở đảng trong các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước, gồm 16 đảng bộ cơ sở, 60 chi bộ cơ sở và 125 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 2.526 đảng viên. Có 53 đồng chí bí thư chi bộ là lãnh đạo quản lý doanh nghiệp, 18 đồng chí bí thư chi bộ là chủ doanh nghiệp... Tỉnh Vĩnh Phúc, sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII, đã phát triển mới được 47 tổ chức đảng và kết nạp được gần 2.200 đảng viên, trong đó có 33 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay, toàn tỉnh có 121 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp với hơn 4.000 đảng viên (trong tổng số hơn 8.600 doanh nghiệp dân doanh với hơn 90.000 lao động). Tuy nhiên, chỉ có hơn 40 chi, đảng bộ thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân, doanh nghiệp tư nhân; 2 chi bộ thuộc doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI)...
Một số khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển Đảng tại khu vực kinh tế ngoài nhà nước nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Tỷ lệ các doanh nghiệp thuộc đơn vị kinh tế ngoài nhà nước có các tổ chức đảng còn rất thấp so với tổng số doanh nghiệp trong đơn vị kinh tế ngoài nhà nước, mới chỉ chiếm 1,5%. Ngay ở những địa phương thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên, tổ chức đảng điển hình, như thành phố Hà Nội năm 2018 đã thành lập mới 152 tổ chức đảng trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, vượt 16% so với chỉ tiêu đề ra, nhưng vẫn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của các doanh nghiệp, khi có tới 25 nghìn doanh nghiệp mới trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước được thành lập.
Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên không đồng đều, hầu hết tổ chức đảng, đảng viên tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tỷ lệ tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 0,86%, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 93,34% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Những doanh nghiệp này có số lao động ít (từ dưới 10 lao động đến 50 lao động), sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định, thu nhập thấp, lực lượng lao động thường xuyên biến động là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc phát triển Đảng ở đây. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức đảng chưa cao, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng còn mờ nhạt. Các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân thường có ít đảng viên, nền nếp sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng thấp; chưa chú ý tạo nguồn kết nạp đảng viên; kinh phí hoạt động của tổ chức đảng còn hạn hẹp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chủ doanh nghiệp.
Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân; chưa chủ động, quyết liệt, thiếu các giải pháp đột phá, chưa có nhiều sáng tạo, đổi mới trong phương pháp thực hiện. Vì vậy, nhiều khó khăn, vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời; năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng Đảng trong các cấp ủy khối doanh nghiệp còn hạn chế, một số cán bộ ngại khó, thiếu kiên trì; một số bí thư, phó bí thư chi bộ do tập trung vào nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nên ít dành thời gian cho công tác đảng, chưa nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, dẫn đến còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện nội dung sinh hoạt và hoạt động của tổ chức đảng.
Về phía công nhân và người lao động, do nhận thức chính trị còn thấp, cho nên phần lớn công nhân, người lao động trong doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, ngại tham gia các hoạt động chính trị, chưa có ý thức tu dưỡng, rèn luyện để trở thành đảng viên. Số lượng công nhân, người lao động tăng nhanh, song chất lượng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; sự biến động thường xuyên về nguồn lao động tại các doanh nghiệp cũng là trở ngại lớn cho công tác vận động, bồi dưỡng công nhân lao động phấn đấu vào Đảng.
Sự phối hợp của các cơ quan chức năng với tổ chức công đoàn trong việc xây dựng giai cấp công nhân, chăm lo đời sống, bảo đảm quyền lợi chính trị cho công nhân lao động thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, lãnh đạo tổ chức đoàn thể chưa thực sự quyết liệt, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp giai đoạn hiện nay. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức đúng mức vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp; tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dẫn tới việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng quyết liệt làm cho việc thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người lao động ngày càng phức tạp hơn; thậm chí có nơi giới chủ, người sử dụng lao động và đại diện của họ không muốn thành lập tổ chức hoặc làm giảm uy tín của tổ chức đảng, đoàn thể… Chính những khó khăn đó cũng làm cho số lượng công nhân lao động được kết nạp vào Đảng tại các doanh nghiệp tư nhân còn ít so với tổng số đảng viên mới được kết nạp.
Một số giải pháp, nhiệm vụ thời gian tới
Để tiếp tục tăng cường xây dựng tổ chức đảng và phát triển Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân ở nước ta hiện nay và tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, thời gian tới các cấp ủy, tổ chức đảng, cần chú trọng làm tốt những nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về vai trò, vị trí cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong đơn vị kinh tế tư nhân.
Hai là, các cấp ủy đảng tiếp tục chỉ đạo thành lập các tổ chức đảng, phát triển Đảng ở những nơi có đủ điều kiện, nhưng chưa có đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ. Trong trường hợp đó cấp ủy cấp cơ sở có trách nhiệm phân công đảng viên có uy tín, kinh nghiệm phối hợp với lãnh đạo các đoàn thể theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, lựa chọn những quần chúng ưu tú trong các đoàn thể để giới thiệu kết nạp vào Đảng. Ưu tiên phát triển Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân có số lượng từ 50 - 70 công nhân trở lên; qua đó, từng bước tiến tới thành lập chi bộ đảng ở cơ sở.
Ba là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII - Nghị quyết đã mở đường cho việc đưa ra những cơ chế, chính sách mới, phù hợp hơn và đột phá hơn nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo với năng lực cạnh tranh và tác động lan tỏa cao tới các khu vực kinh tế khác, qua đó tới toàn bộ nền kinh tế.
Bốn là, hướng dẫn tổ chức đảng tại doanh nghiệp xây dựng quy chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, trong đó cần quy định rõ việc tổ chức đảng tham gia xây dựng, phát triển doanh nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện để tổ chức đảng hoạt động, việc phát hiện, giới thiệu, tiến cử đảng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp và việc phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.
Năm là, nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức công đoàn đồng bộ, thống nhất với tổ chức đảng để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của tổ chức đảng đối với các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp theo Nghị định số 98/2004/NĐ-CP, ngày 24-10-2014, của Chính phủ “Quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế” ở nước ta hiện nay. Từ đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc phát triển các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên,… trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân để tạo nguồn phát triển Đảng và tổ chức đảng.
Sáu là, tiếp tục đánh giá, tổng kết việc thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28-8-2006, của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, “Về đảng viên làm kinh tế tư nhân”, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương, giải pháp phù hợp để xây dựng, củng cố tổ chức đảng, phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nói chung, trong đó có doanh nghiệp tư nhân; tiến hành tổng kết chủ trương thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện vào Đảng; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình phát triển Đảng và các quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp cho phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện hoạt động hiện nay./.
Nâng tầm năng lực lãnh đạo của Đảng - nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh  (18/08/2019)
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển