Tiếp cận chính sách chủ động và linh hoạt để thích ứng với xu thế già hóa dân số nhanh hiện nay
TCCS - Già hóa dân số là một quá trình khách quan, diễn ra ở các nước, tuy tốc độ già hóa nhanh, chậm ở mỗi nước khác nhau. Do những đặc thù nhân khẩu học và kết quả tích cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân thời gian qua nên xu thế già hóa dân số đang diễn ra nhanh ở Việt Nam. Xu thế già hóa dân số, chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già đặt ra những vấn đề, thách thức đối với xã hội trong việc bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác cho người cao tuổi. Trong bối cảnh đó, cần cách tiếp cận chính sách hệ thống, chủ động và linh hoạt để thích ứng.
Nhận diện các đặc điểm của nhóm xã hội đặc thù - người cao tuổi
Tùy theo các yêu cầu nghiên cứu, có thể có nhiều cách phân nhóm dân số. Theo độ tuổi, có thể phân thành 3 nhóm dân số, trong đó, nhóm trẻ em, từ 0 đến 14 tuổi; nhóm trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 60 tuổi (hiện nay ở Việt Nam đang được kéo dài tới 62 tuổi) và nhóm người cao tuổi, từ trên 60 tuổi. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA, 2010), thời kỳ “dân số vàng” của một quốc gia là khi có ít nhất hai người trong độ tuổi lao động mới có một người phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi). Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” bắt đầu từ năm 2007 (tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm 67,31%). Cũng theo UNFPA, dân số một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi người cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn “già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân(1).
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9-2-2023, cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân, trong đó từ 60 đến dưới 70 tuổi là 9.417.924 người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là 4.189.640 người, từ 80 đến dưới 90 tuổi là 1.907.991 người, từ 90 đến dưới 100 tuổi là 623.221 người, từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người(2). Dự báo, đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Những người từ 60 tuổi trở lên dự báo đến năm 2050 sẽ tăng lên hơn 25%. Nhóm người cao tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong cơ cấu dân số đặt ra yêu cầu nghiên cứu, nhận biết một cách toàn diện các đặc điểm của nhóm xã hội này, thấy rõ các vấn đề, thách thức đặt ra cũng như tiềm năng có thể khai thác, phát huy, từ đó, có các phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt phù hợp.
Trước hết, trên phương diện đạo đức truyền thống cũng như xét đến những đóng góp cho gia đình và xã hội, người cao tuổi là những người đáng kính trọng, là “vốn quý” của xã hội. Ở phạm vi gia đình, người cao tuổi là những người đã trực tiếp gây dựng nên gia đình, nuôi dạy con cháu đến lúc trưởng thành. Đối với xã hội, mỗi người cao tuổi tuy ở mỗi vị trí công việc khác nhau nhưng bằng lao động của mình đều đã đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đến lúc hết tuổi lao động, họ xứng đáng được nghỉ ngơi, vui chơi bên người thân, con cháu trong giai đoạn cuối cuộc đời. Trong mỗi gia đình, người cao tuổi luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu. Họ không chỉ nuôi dạy, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu mà còn là người giữ gìn gia phong, nét đẹp truyền thống mà tổ tiên để lại. Như vậy, người cao tuổi nước ta thực sự là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình và xã hội cần có thái độ tôn trọng đúng mức đối với người cao tuổi, xác định chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi là nghĩa vụ, là trách nhiệm theo đúng truyền thống đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Người cao tuổi là nhóm xã hội yếu thế về sức khỏe và thu nhập. Đây là đặc điểm dễ nhận biết của nhóm người cao tuổi. Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống làm cho tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, chất lượng sống của người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Người cao tuổi đang phải chịu nhiều bệnh tật phối hợp trong giai đoạn cuối cuộc đời. Trung bình mỗi người sau 60 tuổi mắc từ 3 đến 4 bệnh và sau 80 tuổi mắc tới 7 bệnh. Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi là: mạch vành, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, thoái hóa khớp, loãng xương, suy giảm trí tuệ… Hầu hết những bệnh này đều phải điều trị suốt đời, thậm chí nhiều bệnh cần phải được chăm sóc đặc biệt. Sức khỏe suy giảm, gánh nặng bệnh tật và chậm thích nghi với các tiện ích mới của đời sống là đặc điểm chung của người cao tuổi. Ước tính, khoảng 28% người cao tuổi cần trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như vệ sinh cá nhân, di chuyển, ăn uống…; 90% số người cao tuổi cần trợ giúp sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông…
Bệnh tật làm cho chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cao hơn nhiều lần người trẻ, trong khi thu nhập trung bình của người cao tuổi rất thấp và không ổn định. Theo một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên hợp quốc, nguồn thu nhập chính của người cao tuổi ở Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) chủ yếu đến từ hỗ trợ của con cái, chiếm khoảng 38%. Trong khi đó, các nguồn thu nhập mà người cao tuổi có được từ lương hưu chỉ khoảng 15% và từ nguồn trợ cấp xã hội khoảng 10%(3). Như vậy, phần lớn người cao tuổi không lương hưu, không bảo hiểm y tế, phụ thuộc tài chính hoàn toàn vào con cái hay trợ giúp xã hội.
Bệnh tật gắn liền với người cao tuổi, tuy nhiên, hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế, còn thiếu các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế chuyên sâu (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) cho người cao tuổi. Nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…) cũng còn thiếu hụt, trong khi số lượng người cao tuổi cần chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe chuyên biệt ngày càng lớn.
Tuy sức khỏe đã suy giảm cộng với gánh nặng bệnh tật nhưng người cao tuổi vẫn là nguồn lực quan trọng trong gia đình và xã hội, cần được khai thác, phát huy. Dù đã hết tuổi lao động nhưng nhiều người cao tuổi vẫn đang trực tiếp lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Không ít người cao tuổi là giảng viên, cán bộ nghiên cứu, chuyên gia trong các lĩnh vực. Đây là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, luôn có tinh thần cống hiến, góp sức hết mình cho sự phát triển của đất nước. Tiếp tục lao động sản xuất, cống hiến cho gia đình và xã hội không chỉ là tiềm năng mà còn là nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi. Nếu vẫn được tham gia lực lượng lao động một cách phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe, người cao tuổi sẽ nâng cao được tính độc lập, giảm phụ thuộc kinh tế vào con cháu. Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó có hơn 300 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi do các cơ quan chức năng và địa phương chứng nhận; người cao tuổi đóng góp hơn 11 triệu ngày công, gần 3.500 tỷ đồng, hiến 25 triệu m2 đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, trường học, cơ sở y tế... trong phong trào xây dựng nông thôn mới; 733.846 người cao tuổi tham gia công tác đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, tổ hòa giải ở cơ sở; trên 1.100.000 người cao tuổi tham gia phòng, chống tội phạm, trật tự, an ninh ở địa bàn, khu dân cư. Hơn 95 nghìn người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;... Ở cơ sở, người cao tuổi phối hợp giải quyết có hiệu quả hàng chục nghìn vụ mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ nhân dân. Cả nước có trên 77.000 câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút trên 2,5 triệu người cao tuổi tham gia(4).
Không chỉ là những người lao động cần cù, sáng tạo, người cao tuổi còn là những tấm gương sáng trong gia đình và xã hội, là hạt nhân đoàn kết gây dựng nên các phong trào ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Một số khuyến nghị tiếp cận chính sách chủ động và linh hoạt để thích ứng với xu thế già hóa dân số nhanh hiện nay
Xu thế già hóa dân số nhanh tạo nên những áp lực cho việc bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tuy nhiên, người cao tuổi cũng là một nguồn lực to lớn, cần khai thác, phát huy. Vì vậy, cần có quan điểm toàn diện khi tiếp cận vấn đề người cao tuổi, không chỉ thấy khó khăn, thách thức mà còn thấy cả tiềm năng, cơ hội. Ví dụ, khi số lượng người cao tuổi tăng cao, tạo ra các áp lực, thách thức về bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội, thị trường cho phát triển các loại hình dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí,… cho người cao tuổi. Chính sách cho người cao tuổi cũng phải toàn diện, không chỉ là các chính sách bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe mà phải cả các chính sách khai thác, phát huy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo của người cao tuổi trong gia đình và xã hội. Do đó, cần tiếp cận chính sách chủ động và linh hoạt để thích ứng với xu thế già hóa dân số nhanh hiện nay:
Thứ nhất, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi. Công tác người cao tuổi đã được Đảng ta quan tâm, thể hiện qua việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, như Chỉ thị số 59/CT-TW, ngày 27-9-1995, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII, “Về chăm sóc người cao tuổi”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; Kết luận số 58-KL/TW, ngày 23-6-2023, của Ban Bí thư, “Về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam”;… Tuy nhiên, trong tình hình mới, trước xu thế già hóa dân số nhanh chóng và tính cấp thiết của vấn đề người cao tuổi, cần có một nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị về công tác người cao tuổi, trong đó, đặt vấn đề một cách tổng thể, từ bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe đến khai thác, phát huy vai trò của người cao tuổi đối với sự phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, cơ chế, chính sách đối với người cao tuổi mới đồng bộ, nhất quán và thống nhất trong phạm vi cả nước. Nghị quyết của Đảng yêu cầu mỗi cấp, mỗi ngành và mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội; đồng thời, ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình cũng như có các hoạt động cụ thể theo hướng bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi.
Thứ hai, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đối với người cao tuổi để chủ động và linh hoạt thích ứng với xu thế già hóa dân số nhanh hiện nay, bao gồm từ Luật Người cao tuổi đến các văn bản pháp luật khác và cơ chế, chính sách liên quan. Cụ thể:
Xây dựng cơ chế trân trọng, tôn vinh những tấm gương người cao tuổi trong gia đình và xã hội. Các hình thức tôn vinh có thể rất đa dạng, do các chủ thể khác nhau thực hiện, từ Nhà nước đến các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng. Huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội hóa cho công tác này. Bên cạnh việc tôn vinh, cần có biện pháp phê phán, lên án, răn đe các hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín, ngược đãi, ép buộc người cao tuổi cả trong gia đình và xã hội.
Bảo đảm an sinh cho người cao tuổi. Trên con đường hướng tới phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, cần đặc biệt quan tâm bảo đảm an sinh cho người cao tuổi, nhất là các đối tượng khó khăn, không có lương hưu và thu nhập ổn định. Tăng cường các hình thức trợ cấp xã hội, mở rộng phạm vi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, bao gồm cả hình thức đóng góp và không đóng góp thông qua hệ thống bảo trợ xã hội đa tầng; xem xét mức trợ cấp lương hưu xã hội để hỗ trợ người cao tuổi đạt mức sống tối thiểu, cũng như bảo đảm hệ thống an sinh xã hội đáp ứng với cú sốc rủi ro. Ở tầm vĩ mô, cần tăng chi cho an sinh xã hội bằng cách tăng sự đóng góp từ ngân sách nhà nước, người làm công ăn lương cũng như người sử dụng lao động để có độ bao phủ an sinh xã hội rộng hơn. Công tác bảo đảm an sinh xã hội cần xác định lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, bảo đảm chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi cho người cao tuổi, bao gồm cả tinh thần và vật chất. Cần xây dựng văn hóa ưu tiên người cao tuổi trong các không gian công cộng (ưu tiên xếp hàng nơi công cộng, ghế ưu tiên trên các phương tiện giao thông công cộng,…). Có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí giao thông công cộng, các điểm du lịch, văn hóa, vui chơi, giải trí,… Chính sách ưu đãi người cao tuổi cần thực hiện thống nhất trong toàn quốc để bảo đảm công bằng cho người cao tuổi khi tiếp cận dịch vụ.
Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi các tổ chức, cá nhân để khuyến khích phát triển các dịch vụ cho người cao tuổi, như bệnh viện, nhà dưỡng lão, các điểm văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí,… nhằm hạ giá thành dịch vụ, bảo đảm cho người cao tuổi dễ dàng tiếp cận. Chính sách ưu đãi có thể bao gồm các lĩnh vực, như miễn, giảm thuế, tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh, tín dụng ưu đãi,…
Có chính sách động viên, khuyến khích người cao tuổi tham gia công tác xã hội nơi địa bàn sinh sống, tham gia các hình thức lao động phù hợp với năng lực, trình độ và sức khỏe. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động người cao tuổi. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động để có thêm các hình thức hợp đồng lao động linh hoạt, phù hợp với người cao tuổi, như làm việc theo giờ, làm việc không trọn thời gian, các hình thức thuê, khoán, chuyên gia,… Pháp luật cũng cần có các biện pháp bảo vệ người lao động cao tuổi trong các hình thức giao kết hợp đồng cũng như trong các tranh chấp lao động nếu phát sinh.
Có các hình thức tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo đảm an sinh, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi Việt Nam.
Thứ ba, kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi để phối hợp, điều tiết chính sách, pháp luật và hệ thống văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi. Sớm ban hành và thực hiện Chiến lược quốc gia về người cao tuổi Việt Nam. Củng cố tổ chức và đổi mới hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam.
Là tổ chức xã hội, đại diện nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam thời gian qua đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; xây dựng hội vững mạnh toàn diện, làm tốt vai trò đại diện quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên - người cao tuổi; tích cực phát triển hội viên và củng cố tổ chức hội, nhất là ở cơ sở; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; khích lệ người cao tuổi phát huy trí tuệ, kinh nghiệm góp phần phát triển mọi mặt của địa phương, đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với người cao tuổi. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy, năng lực công tác của một bộ phận cán bộ hội còn hạn chế; chưa thực sự làm tốt vai trò đại diện, tham mưu với cấp ủy, chính quyền, chưa phát huy vai trò tích cực của người cao tuổi và tổ chức hội trong đời sống xã hội. Tổ chức hội cấp tỉnh, cấp huyện mới chỉ được thành lập thí điểm ở 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đã đến lúc xây dựng tổ chức hội người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện ở những nơi có đủ điều kiện theo tinh thần Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về công tác người cao tuổi; quan tâm đúng mức việc xây dựng tổ chức hội và đội ngũ cán bộ hội; dành nguồn kinh phí thỏa đáng hỗ trợ cho hoạt động của Hội Người cao tuổi, nhất là ở địa phương, cơ sở./.
--------------------------------------
(1), (2) Nguyễn Thanh Bình: Già hóa dân số nhanh ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách, https://nhandan.vn/gia-hoa-dan-so-nhanh-o-viet-nam-va-khuyen-nghi-chinh-sach-post756305.html, ngày 6-6-2023
(3) Thu Hằng: Thu nhập từ lương hưu của người cao tuổi Việt Nam rất thấp, https://vneconomy.vn/thu-nhap-tu-luong-huu-cua-nguoi-cao-tuoi-viet-nam-rat-thap.htm, ngày 20-4-2022
(4) Nguyễn Thanh Bình: Người cao tuổi - Lực lượng quan trọng góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/827245/nguoi-cao-tuoi---luc-luong-quan-trong-gop-phan-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-trong-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc.aspx, ngày 9-4-2023
Phát triển văn hóa trong mối quan hệ với phát triển kinh tế, phát triển xã hội - Những vấn đề mới đặt ra  (28/08/2024)
Thành phố Dĩ An: Một đô thị trẻ, đang không ngừng lớn mạnh  (20/08/2024)
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục ưu tiên phát triển kinh tế gắn với giữ vững ổn định mục tiêu tăng trưởng bền vững  (10/08/2024)
Bảo đảm an ninh thu nhập cho người cao tuổi Việt Nam  (08/08/2024)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển