Đa dạng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam: Nguồn lực để phát triển bền vững
TCCS - Quảng Nam là vùng đất có sự đa dạng sinh thái, dân tộc/tộc người, tôn giáo và đa dạng các biểu đạt văn hóa của từng cộng đồng, khu vực. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự đa dạng văn hóa nơi đây đang bị suy giảm theo nhiều chiều hướng khác nhau. Trước thực tế ấy, việc nhìn nhận đúng đắn bức tranh đa dạng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam, chỉ rõ những thách thức, nguy cơ, từ đó đưa ra giải pháp bảo vệ và làm giàu đa dạng văn hóa, tạo ra và duy trì nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, con người Quảng Nam trong phát triển bền vững.
Một số vấn đề lý luận về đa dạng văn hóa
Có thể hiểu một cách khái quát, đa dạng văn hóa là sự cùng tồn tại của nhiều kiểu lựa chọn văn hóa khác nhau, nhiều dạng thức và biểu đạt văn hóa khác nhau ở các vùng, miền, cộng đồng, dân tộc khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có thể đúng về đa dạng văn hóa trên cơ sở hiểu khái niệm “văn hóa” theo nghĩa rộng, đó là “tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và tình cảm của một xã hội hay một nhóm xã hội, và rằng, ngoài nghệ thuật và văn học ra, văn hóa bao gồm cả những lối sống, những cách chung sống, những hệ thống giá trị, những truyền thống và những tín ngưỡng”(1). Trên cơ sở đó, đa dạng văn hóa được coi “là một nguồn trao đổi, cải tiến và sáng tạo, sự đa dạng văn hóa đối với nhân loại cũng cần thiết như sự đa dạng sinh học trong trật tự cơ thể sống. Với ý nghĩa đó, đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại và phải được thừa nhận và khẳng định vì lợi ích của các thế hệ ngày nay và mai sau”(2). Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) khẳng định: “Đa dạng văn hóa tạo nên một thế giới phong phú và đa dạng, gia tăng các lựa chọn, nuôi dưỡng khả năng và giá trị của con người, và vì vậy, đa dạng văn hóa là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia”(3). Có thể thấy, đa dạng văn hóa như là đặc trưng của xã hội loài người và là điều kiện cần thiết cho sự phát triển.
Đa dạng văn hóa có thể nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau
Đa dạng văn hóa và quyền con người
Các nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng, đa dạng văn hóa là một quyền. Quyền đa dạng văn hóa cần được xem xét nhiều hơn ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, dân tộc địa phương, các nhóm xã hội yếu thế... Để có được sự bình đẳng và tôn trọng đa dạng văn hóa, cần bảo đảm công bằng về cơ hội cho mọi người dân địa phương, bảo đảm quyền cá nhân khi tham gia vào đời sống văn hóa, quyền được hưởng lợi ích kinh tế từ những dịch vụ văn hóa và địa điểm văn hóa.
Đa dạng văn hóa và bản sắc văn hóa
Bản sắc văn hóa chỉ được kiến tạo tốt và duy trì bền vững trong môi trường của đa dạng văn hóa. Bản sắc văn hóa có rất nhiều cấp độ khác nhau, như bản sắc văn hóa của từng cá nhân, nhóm, cộng đồng, dân tộc, quốc gia và khu vực. Chỉ riêng các cấp độ đó của bản sắc đã thể hiện rõ nét sự đa dạng văn hóa. Đa dạng văn hóa chỉ có được và duy trì tốt khi những yếu tố thuộc về bản sắc văn hóa được sinh ra và duy trì trong mỗi cộng đồng trên cơ sở tôn trọng, học hỏi lẫn nhau. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng phải có được bản sắc rõ nét thì thế giới mới tồn tại được sự đa dạng. Việc tạo dựng, duy trì và làm giàu bản sắc được đặt ra và trở thành vấn đề được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn khoa học cũng như trên thực tế.
Đa dạng văn hóa và sáng tạo văn hóa
Đa dạng văn hóa thừa nhận, tôn vinh và đề cao sự công bằng với những di sản văn hóa, những thể chế văn hóa, trở thành môi trường cho những sự sáng tạo văn hóa liên tục và bền vững. Sự sáng tạo văn hóa phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, xã hội và đặc trưng văn hóa riêng của mỗi cá nhân, cộng đồng, nhanh chóng trở thành những giá trị được chia sẻ và thể hiện, nhờ đó tính đa dạng văn hóa của cộng đồng được gia tăng. Muốn có được đa dạng văn hóa, cần thiết phải bảo đảm được sự sáng tạo văn hóa thường xuyên và liên tục.
Đa dạng văn hóa và phát triển xã hội
Đa dạng văn hóa được xem là khởi nguồn của bản sắc, của đổi mới và sáng tạo, giúp liên kết mọi người trên thế giới(4). Không những vậy, đa dạng văn hóa còn được nhìn nhận là động lực thúc đẩy phát triển, làm phong phú hơn cuộc sống, trí tuệ, tình cảm, đạo đức và tinh thần. Về kinh tế, đa dạng văn hóa là nguồn lực cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, như du lịch, sản xuất hàng thủ công và các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Về xã hội, đa dạng văn hóa gia tăng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, khắc phục được những định kiến giới, định kiến dân tộc/tộc người,... hướng đến sự công bằng, tạo sự ổn định xã hội. Về môi trường, đa dạng văn hóa gắn bó chặt chẽ với đa dạng sinh học, nếu đa dạng sinh học bị suy giảm thì đa dạng văn hóa chắc chắn suy giảm theo. Ngược lại, nếu không có đa dạng hệ thống tri thức, tín ngưỡng của địa phương liên quan đến việc quản lý và làm giàu các nguồn tài nguyên thì chắc chắn, sự đa dạng của sinh thái môi trường cũng bị ảnh hưởng. Về quốc phòng - an ninh, đa dạng văn hóa tạo ra các phương tiện quan trọng giúp bảo đảm quốc phòng - an ninh, ví như vai trò của những người lãnh đạo tinh thần ở nhiều cộng đồng, việc thực hành các tri thức liên quan đến sinh kế, ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng tạo ra những “cột mốc văn hóa” có ý nghĩa trong việc bảo đảm quốc phòng - an ninh của cộng đồng cũng như của quốc gia... Duy trì và làm giàu được đa dạng văn hóa, mọi người đều bình đẳng với nhau trong việc sáng tạo, biểu đạt và trao truyền văn hóa sẽ có được sự phát triển bền vững.
Bức tranh đa dạng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam
Đa dạng sinh thái
Tỉnh Quảng Nam có địa hình phong phú, đa dạng. Địa hình theo hướng thấp dần từ tây sang đông với 3 vùng sinh thái rõ rệt, trong đó, vùng đồi núi chiếm 72% diện tích tự nhiên với nhiều ngọn cao trên 2.000m. Đây còn là một trong những địa phương có diện tích đất rừng lớn nhất cả nước. Vùng ven biển phía đông có bờ biển chạy dài trên 125km với nhiều ngư trường khai thác hải sản, những cồn cát trải dài từ Điện Ngọc, Điện Bàn đến Tam Quang, Núi Thành và nhiều bãi tắm đẹp. Ngoài ra, khu vực biển còn có 15 hòn đảo nhỏ ngoài khơi, trong đó Cù lao Chàm là cụm đảo ven bờ với hệ sinh thái phong phú, được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Quảng Nam còn có hệ thống sông ngòi tự nhiên dày đặc với 941km. Hệ thống sông này chia cắt địa hình Quảng Nam, tạo nên sự gắn bó giữa các hệ sinh thái đa dạng của vùng đồi núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô, nhưng lại chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc nên vùng đồng bằng và miền núi có mùa đông với nhiệt độ có thể xuống dưới 12°C, tạo ra sự đa dạng về cảnh quan, khí hậu. Có thể nói, Quảng Nam là địa phương có sự đa dạng sinh thái đặc biệt, gồm sinh thái núi với đủ các dạng núi cao, núi thấp đan xen ở các khu vực; sinh thái rừng với rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng đặc dụng, rừng tạp,...; sinh thái sông với nhiều hệ thống sông lớn nhỏ, nhiều thác ghềnh, nhiều cửa sông, cửa biển; sinh thái trung du với ruộng vườn trồng lúa, rau mầu, cây ăn trái xanh mát dưới chân những ngọn núi thấp; sinh thái đồng bằng ven biển với những cồn cát, bãi biển, cảng biển, cửa biển đan xen những cánh đồng ven sông, ven biển; sinh thái biển, đảo với các cù lao, đảo ven bờ, đảo ngoài khơi. Sự đa dạng sinh thái ở tỉnh Quảng Nam tạo ra nguồn lực tự nhiên quan trọng trong phát triển.
Đa dạng dân tộc/tộc người
Tỉnh Quảng Nam có hơn 1,495 triệu người với 37 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm 91,1%; người Cơ Tu chiếm 3,2%; người Xơ Đăng chiếm 2,7%; người Giẻ Triêng chiếm 1,3%; 29 dân tộc còn lại chỉ chiếm 0,9%(5). Trong số các dân tộc thiểu số còn có thêm nhiều nhóm, ví như người Xơ Đăng có nhóm Mơ Nâm, Ca Dong, Xơ Teng, người Giẻ Triêng có nhóm Ve, Tà Riềng, Bh’Noong. Các dân tộc có sự giao lưu về nhân chủng cũng như văn hóa - xã hội giữa nhiều dân tộc thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ, ngữ hệ khác nhau. Thành phần dân tộc/tộc người đa dạng cùng quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa diễn ra liên tục giúp vùng đất này có sự đa dạng dân tộc/tộc người đặc trưng. Bên cạnh đó, Quảng Nam còn có sự đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng, với 11 tôn giáo, trong đó Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài chiếm số đông, còn lại là các tôn giáo khác.
Đa dạng các biểu đạt văn hóa
Đi cùng với đa dạng sinh thái và đa dạng dân tộc/tộc người là sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của tỉnh Quảng Nam, thể hiện tập trung ở sự đa dạng của các loại hình văn hóa.
(i) Các di tích khảo cổ học: Nhiều cuộc khai quật khảo cổ diễn ra ở tỉnh Quảng Nam đã thu nhận được nhiều phát hiện khảo cổ có giá trị. Các di tích khảo cổ học nổi tiếng ở Quảng Nam, như Gò Miếu Bà, Gò Mả Vôi, phế tích tháp Chăm Gò Gạch, phế tích Chăm Gò Chùa, An Hòa; di chỉ Bàu Trám, Bàu Dũ, Gò Dừa, An Phú, Chiên Đàn; 12 di tích khảo cổ ở Hội An. Hay cuộc khai quật khảo cổ dưới nước nổi tiếng - khai quật con tàu đắm tại vùng biển Cù lao Chàm, ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa về các nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới, đồ đồng, đồ sắt cùng các nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đông Sơn, Chăm Pa...
(ii) Các di tích lịch sử: Với địa phương có bề dày lịch sử trong công cuộc dựng nước và giữ nước, Quảng Nam còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử. Theo Quyết định số 3508/QĐ-UBND, ngày 5-11-2019, của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, ban hành Danh mục Di tích đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh có 213 di tích lịch sử, trong đó có các di tích (đình, đền, miếu, nhà thờ, nhà ở, lăng, mộ...) ghi dấu ấn lịch sử tụ cư, khai khẩn vùng đất Quảng Nam; các di tích ghi dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường của người dân, như địa đạo, địa điểm quân đội giành chiến thắng, các căn cứ cách mạng trong kháng chiến; các di tích ghi dấu ấn lịch sử di cư của các nhóm người nước ngoài đến Quảng Nam, như Hội quán của người Hoa, ngôi nhà cổ của người Nhật, dinh thự hay tòa công sứ của người Pháp...
(iii) Các di tích tôn giáo, tín ngưỡng: Những di tích, như tháp chàm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bàng An, Phật viện Đồng Dương, nhà thờ giáo xứ Vĩnh An, chùa Cầu, chùa Chúc Thánh, chùa Cổ Lâm, Phước Lâm, Hải Tạng,... là những không gian thực hành tôn giáo, tín ngưỡng từ lâu đời của cư dân Quảng Nam, ghi dấu đời sống tâm linh phong phú của cư dân. Mỗi di tích hàm chứa những câu chuyện lịch sử, những truyền thuyết, huyền thoại liên quan đến những chủ nhân tạo dựng và duy trì nó.
(iv) Các di tích kiến trúc nghệ thuật: Trong Danh mục Di tích đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh có 80 di tích kiến trúc nghệ thuật. Đó là những ngôi nhà cổ, các nhà thờ tộc họ, các ngôi đình tập trung ở phố cổ Hội An và huyện Tiên Phước. Các di tích này thể hiện rõ các phong cách nghệ thuật cũng như ghi dấu quá trình giao lưu hội nhập văn hóa diễn ra sâu sắc và liên tục.
(v) Hệ thống bảo tàng: Tỉnh Quảng Nam có hệ thống bảo tàng đa dạng, gồm Bảo tàng Quảng Nam, Bảo tàng Điện Bàn, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Lịch sử - văn hóa, Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An, Bảo tàng gốm sứ Mậu Dịch. Hệ thống bảo tàng này lưu giữ số lượng lớn hiện vật, thường xuyên diễn ra các hoạt động trưng bày chuyên đề, hoạt động, sự kiện văn hóa gắn với du lịch.
(vi) Hệ thống nhà lưu niệm, bộ sưu tập: Là mảnh đất sinh ra nhiều danh nhân, chí sĩ yêu nước, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, tỉnh Quảng Nam có nhiều nhà lưu niệm, như Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Châu Trinh; Khu lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu, chí sĩ Trần Cao Vân, Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công. Tỉnh Quảng Nam cũng nổi tiếng với các bộ sưu tập, như bộ sưu tập tem, bộ sưu tập đèn cổ, bộ sưu tập cổ vật Chăm...
(vii) Hệ thống chợ phiên, chợ quê: Chợ phiên, chợ quê rất phong phú, trải rộng từ các thành phố đến thôn quê, trong đó có các chợ nổi tiếng và độc đáo, như chợ heo Bà Rén, phiên chợ sâm Ngọc Linh, chợ phiên Hội An... Các chợ phiên, chợ quê thể hiện sinh động và đa sắc màu văn hóa của cư dân.
(viii) Hệ thống danh thắng: Các bãi biển Hà My, Cửa Đại, Bình Minh, Tam Thanh, Bãi Rạng, lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, hồ Phú Ninh, Khe Lim, suối Tiên, suối Nước Ví, thác Đèo Liêu, thác Ồ - Vực Vin, suối Long, Vũng Dội, đập Hố Quờn, đập Đá Vác... Mỗi danh thắng gắn liền với vẻ đẹp riêng của trời biển, sông hồ, núi non.
(ix) Lễ hội dân gian: Lễ hội dân gian ở Quảng Nam rất đa dạng, phong phú với 120 lễ hội tiêu biểu, bao gồm lễ hội gắn với cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp, làm nghề thủ công; lễ hội gắn với cư dân các dân tộc/tộc người vùng đồng bằng, vùng núi, vùng biển; lễ hội tôn giáo, lễ hội dân gian, lễ hội du nhập, lễ hội mới... Trong đó, có nhiều lễ hội nổi tiếng, như lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Cầu Bông, lễ vía Bà Thiên Hậu, lễ tế cá Ông, lễ rước Thần Nông, lễ đâm trâu hoa làng Ông Tía, lễ giỗ tổ nghề Yến, lễ hội làng gốm Thanh Hà, lễ hội chùa Chúc Thánh...
(x) Các phong tục, nghi lễ liên quan đến vòng đời người: Với sự đa dạng của các tộc người, nhóm tộc người nên phong tục, nghi lễ liên quan đến vòng đời người ở tỉnh Quảng Nam rất phong phú. Chỉ tính riêng phong tục và nghi lễ hôn nhân đã có rất nhiều sự khác nhau giữa các dân tộc, tiểu vùng. Ví dụ, phong tục đấu chiêng trong đám cưới người Cor, bó củi hứa hôn của người Bh’noong (một nhóm của Giẻ Triêng), tục “ngủ duông” hay hát lý đối đáp trong đám cưới của người Cơ Tu...
(xi) Các phong tục, nghi lễ của cộng đồng và đời sống văn hóa: Với người Kinh ở Quảng Nam, các phong tục, nghi lễ cộng đồng gắn với ngày Tết Nguyên đán, rằm tháng bảy, trung thu hay lễ cúng tá thổ với nhiều nét đặc sắc. Ngoài ra, các tộc người thiểu số có nhiều phong tục, nghi lễ cộng đồng, như lễ cúng hồn lúa, cúng máng nước của người Xơ Đăng, lễ cúng cơm mới ở nhiều tộc người, lễ làm trống đất cầu mưa của người Cor, lễ kết nghĩa của người Cơ Tu, ngày hội đại đoàn kết các dân tộc... Mỗi làng, bản, buôn lại có những đặc trưng riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi đây.
(xii) Văn hóa ẩm thực: Ẩm thực Quảng Nam trở thành loại hình di sản đặc sắc. Từ lâu, mỳ Quảng là món ăn nổi tiếng cả nước, đặc biệt là gần đây mỳ Quảng là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt kỷ lục ẩm thực châu Á. Các món ăn, như cơm gà, cao lầu, xí mà, bánh canh, bánh mỳ, bánh bao, bánh vạc thường được gắn với phố cổ Hội An. Bên cạnh đó, các món ăn gắn với địa danh Quảng Nam còn có bê thui Cầu Mống, gỏi bòn bon Tiên Phước, măng núi trộn Đông Giang, gà Đèo Le, phở sắn, ram tôm, nem nướng, bánh tráng đập...
(xiii) Sinh hoạt nghệ thuật: Sinh hoạt nghệ thuật gắn với từng ngôi nhà, làng quê, góc phố của Quảng Nam, trong đó gồm có sinh hoạt nghệ thuật truyền thống, như bài chòi, tuồng, cồng chiêng, nói lý, hát lý, hò bả trạo cùng các loại hình dân ca, múa, nhạc, văn thơ...; sinh hoạt nghệ thuật đương đại, như Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, các sinh hoạt nghệ thuật đường phố. Các hình thức sinh hoạt nghệ thuật diễn ra rất phong phú, như sinh hoạt theo nhóm, hội, câu lạc bộ, theo làng, bản, buôn hoặc theo các sự kiện, các ngày lễ quan trọng của gia đình, cộng đồng và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
(xiv) Hệ thống tri thức dân gian: Tri thức dân gian được tất cả các tộc người trên đất Quảng sáng tạo trong quá trình thích ứng với tự nhiên, lịch sử và xã hội, trở thành di sản quý báu giúp người dân ổn định và phát triển trong điều kiện khó khăn. Hệ thống tri thức này vô cùng phong phú, liên quan đến hầu hết khía cạnh của đời sống xã hội, từ hệ tri thức liên quan đến sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, làm nghề cho đến tri thức liên quan đến ứng xử, từ tri thức tạo dựng ra các công cụ, vật dụng trong đời sống đến tri thức về phòng, chữa bệnh, từ kinh nghiệm dự đoán thời tiết, luồng cá đến các kỹ năng đi biển, kỹ thuật chế tạo công cụ đi biển.
Với sự nỗ lực không ngừng của chính quyền, các ban, ngành và của cộng đồng, các biểu đạt văn hóa đa dạng đó không phải chỉ tồn tại trong quá khứ, mà vẫn đang sống động và được tiếp tục bồi đắp thêm bằng những sáng tạo đương đại. Ở loại hình văn hóa nào cũng tồn tại thực tế này, có những lễ hội mới được sáng tạo, như Lễ hội Đêm rằm phố cổ, Lễ hội sâm núi Ngọc Linh, có những trình diễn mới, như Ký ức Hội An, Festival Di sản Quảng Nam, Đêm văn hóa Cơ Tu... Có những trưng bày mới, như Vinahouse Space, Công viên Ấn tượng Hội An, Bảo tàng ẩm thực xứ Quảng và Dinh trấn mỳ Quảng...
Như vậy, trong bức tranh đa dạng văn hóa Quảng Nam luôn có sự đan xen, hòa quyện giữa văn hóa truyền thống và văn hóa đương đại, xưa và nay, mới và cũ, thậm chí có loại hình văn hóa mới phá vỡ các “đường biên” thể loại, làm giàu thêm cho sự đa dạng văn hóa của vùng đất này, tạo ra nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Sự suy giảm đa dạng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam
Do tác động của rất nhiều yếu tố, bức tranh đa dạng văn hóa ở tỉnh Quảng Nam đang bị suy giảm một cách rõ rệt.
Suy giảm đa dạng sinh học dẫn đến suy giảm đa dạng văn hóa
Trong những năm qua, do nhiều tác động của tự nhiên và con người mà hệ sinh thái rừng, biển, sông, núi, nguồn nước ngầm,... của tỉnh Quảng Nam đều có sự thay đổi theo hướng suy giảm đa dạng sinh học. Rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp diện tích do tình trạng phá rừng tự nhiên, khai thác gỗ, săn bắt thú rừng ngày càng nghiêm trọng. Diện tích rừng trồng tăng lên, song lại có xu hướng độc tôn cây keo mang lại lợi ích trước mắt, nhưng gây hại lâu dài do loại cây này không giữ được đất, nguy cơ sạt lở cao. Việc quy hoạch và xây dựng, vận hành nhiều dự án thủy điện đã gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân. Tình trạng khai thác vàng sa khoáng, khai thác cát tràn lan trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn càng làm cho tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, môi trường sinh thái có nguy cơ bị hủy diệt.
Không những vậy, nhiều khu công nghiệp, khu dân cư xả thải ra các dòng sông, nhiều công trình xây dựng tại vùng cửa sông gây ô nhiễm các dòng sông đã gây tổn hại đến nhiều loài thủy, hải sản trong khu hệ sinh thái lưu vực sông, làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học. Hàng loạt công trình, như nhà máy xử lý nước thải của thành phố Hội An, công trình cầu Cửa Đại, các khu tái định cư... đã lấy đi rất nhiều diện tích rừng dừa nước. Quá trình thi công và chất thải của những hoạt động này có ảnh hưởng đến sức khỏe của rừng dừa nước tại khu vực hạ lưu. Những thảm thực vật bề mặt ven biển, như muống biển, phi lao,... cũng ít dần, nhường chỗ cho sự bê-tông hóa bờ biển. Tất cả sự suy giảm đa dạng sinh học này đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Mỗi một hệ sinh thái bị mất đi hoặc thay đổi kéo theo sự mất đi của hệ tri thức dân gian, sự mất đi của các phương thức sinh kế, của các thực hành văn hóa liên quan. Hệ sinh thái sông, biển thay đổi sẽ nhanh chóng kéo theo sự suy giảm của các hình thức sinh kế, các loại động, thực vật và cả những thực hành tín ngưỡng, lễ hội, văn nghệ dân gian liên quan.
Đô thị hóa, công nghiệp hóa làm suy giảm đa dạng văn hóa
Sau hơn 20 năm chia tách, từ địa phương có kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hệ thống đô thị không ngừng mở rộng. Tính đến nay, tỉnh Quảng Nam có 9 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế tại Cửa khẩu Nam Giang. Tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cùng sự thay đổi cơ cấu kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Một phần không nhỏ diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng kéo theo sự thay đổi về sinh kế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp, thay đổi cả hình thức sở hữu và sử dụng đất rừng ở nhiều cộng đồng. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, đặc biệt là về văn hóa, bởi môi trường truyền thống cho sáng tạo và trao truyền các giá trị văn hóa bị mai một hoặc mất đi, sự gắn kết các thành viên trong cộng đồng trở nên lỏng lẻo, vai trò của luật tục, của già làng suy giảm.
Di cư tự do tăng nhanh làm thay đổi cơ cấu lao động, việc làm và các phong tục, tập quán. Tình trạng bê-tông hóa ở các làng quê, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã làm suy giảm nhanh chóng hệ sinh thái, cảnh quan. Đô thị hóa, công nghiệp hóa còn dẫn đến hậu quả khó lường về an ninh lương thực, bất bình đẳng thu nhập, bất bình đẳng trong tương quan phát triển nông thôn - đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường, khủng hoảng về lối sống, phá vỡ các hình thức tương trợ truyền thống trong cộng đồng.
Đồng nhất mô hình phát triển hiện đại dẫn đến suy giảm đa dạng văn hóa
Mô hình phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại để đạt được các chỉ số phát triển kinh tế và công nghệ là mô hình mà tỉnh Quảng Nam và nhiều địa phương khác lựa chọn. Với mục tiêu trở thành địa phương phát triển khá của cả nước theo hướng nhanh, bền vững vào năm 2030, tỉnh Quảng Nam xác định các nhiệm vụ trọng tâm tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, dịch vụ du lịch, logistics, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, ưu tiên phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Mô hình phát triển này mặc dù tạo ra sự phát triển kinh tế và công nghệ, song xét trên phương diện văn hóa lại dẫn đến những hệ luỵ không mong đợi. Một trong những điều đó là “đồng dạng hóa” văn hóa, làm suy giảm đa dạng văn hóa.
Các cộng đồng trở nên đồng dạng cả về cảnh quan, về lựa chọn các thực hành văn hóa sao cho phù hợp với bối cảnh công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại. Các dòng chảy di cư gia tăng và sự đan xen dân tộc/tộc người trong một cộng đồng trở nên phổ biến. Các dân tộc/tộc người có xu hướng thực hành văn hóa theo xu hướng chung, phổ quát hơn, dần dần các thực hành văn hóa này trở nên giống nhau. Một số cộng đồng dân tộc dần phai nhạt nét bản sắc văn hóa truyền thống, thay vào đó, họ thực hành văn hóa giống nhau, từ trang phục, nhà ở, ẩm thực đến các thực hành nghi lễ, các loại hình ca múa nhạc. Đồng nhất mô hình phát triển khiến văn hóa trở nên đơn điệu và nhàm chán. Trong nhiều bối cảnh, đồng nhất mô hình phát triển hiện đại còn dẫn tới sự định kiến, áp đặt về văn hóa, “ngoài lề hóa” một số cộng đồng không theo hoặc không theo kịp mô hình phát triển đó. Tất cả những điều này khiến màu sắc văn hóa địa phương trở nên khó nhận biết, không còn rõ nét bản sắc và như vậy không thể có được sự đa dạng văn hóa theo đúng nghĩa.
Phát triển du lịch nhanh dẫn đến suy giảm đa dạng văn hóa
Tỉnh Quảng Nam có cơ sở vững chắc để phát triển du lịch và được xác định là hướng phát triển trọng điểm trong thời gian tới. Tuy vậy, từ góc nhìn đa dạng văn hóa, du lịch, một mặt, khai thác và quảng bá cho đa dạng văn hóa; mặt khác, cũng làm suy giảm phần nào đa dạng văn hóa. Các di sản được xây dựng thành sản phẩm du lịch đi theo hướng trình diễn, “sân khấu hóa”, “thương mại hóa”, phần nào chiều theo thị hiếu của khách du lịch khiến di sản không được hiểu theo đúng ý nghĩa, đúng không gian và giá trị vốn có.
Du lịch phát triển nhanh chóng khiến các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ bình dân đến cao cấp mọc lên nhiều, lấn chiếm các bãi biển, các khu rừng phòng hộ, dẫn đến tình trạng “nuốt” rừng, “chặn” biển của các resort ven biển, bê-tông hóa các bãi biển khiến hệ sinh thái biển, rừng đều bị ảnh hưởng. Để phục vụ du lịch, các sản phẩm văn hóa, thủ công của địa phương được sản xuất hàng loạt mà thiếu đi sự đầu tư tri thức, tâm huyết của các nghệ nhân trong từng sản phẩm.
Một số khuyến nghị góp phần bảo vệ và làm giàu đa dạng văn hóa
Trên cơ sở các tác động đã được chỉ ra, có thể đưa ra một số khuyến nghị cơ bản nhằm bảo vệ và làm giàu đa dạng văn hóa, tạo nền tảng phát triển bền vững ở tỉnh Quảng Nam như sau:
Một là, bảo vệ sự đa dạng sinh học: Đa dạng sinh học gắn bó chặt chẽ với đa dạng văn hóa. Hiện nay, đa dạng sinh học ở tỉnh Quảng Nam đang bị suy giảm, vì vậy muốn gìn giữ được đa dạng văn hóa phải chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng các loại hình sinh thái vì mỗi loại hình sinh thái đều gắn bó chặt chẽ với các loại hình văn hóa.
Hai là, đa dạng mô hình phát triển: Đồng nhất mô hình phát triển có nghĩa là đồng nhất mô hình văn hóa và như vậy không còn đa dạng văn hóa. Chính vì vậy, đa dạng văn hóa chỉ có thể có được trên cơ sở đa dạng các mô hình phát triển, đa dạng sự lựa chọn, đa dạng nhu cầu. Quảng Nam vốn là vùng đất của sự đa dạng nên rất phù hợp với sự đa dạng mô hình phát triển ở các địa phương, các khu vực địa lý và dân tộc/tộc người.
Ba là, tôn trọng chủ thể văn hóa: Người dân, cộng đồng chính là chủ thể của các hiện tượng văn hóa, vì vậy, muốn có đa dạng văn hóa thì việc lắng nghe và tôn trọng các chủ thể văn hóa này là vô cùng quan trọng. Đa dạng văn hóa sẽ không có được khi người dân, cộng đồng không cất lên được tiếng nói của họ hoặc tiếng nói ấy bị lấn át, không được chủ động trong lựa chọn, duy trì, làm giàu những biểu đạt văn hóa của họ.
Bốn là, thay đổi, cập nhật cách nhìn nhận, đánh giá về đa dạng văn hóa: Sự thay đổi này cần có ở các nhà lãnh đạo, quản lý và từng cá nhân, từng cộng đồng. Chỉ khi tất cả các bên liên quan hiểu được đúng, rõ ràng về đa dạng văn hóa và những vấn đề liên quan thì mới thực sự bảo vệ, làm giàu được đa dạng văn hóa./.
------------------------
(1), (2) Xem: UNESCO: Universal Declaration on Cultural Diversity (tạm dịch: Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa), 2001, https://www.unesco.org/en/legal-affairs/unesco-universal-declaration-cultural-diversity
(3) Xem: UNESCO: The Protection and Promotion of the Diversity of Cultural Expressions (tạm dịch: Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa), 2005, https://en.unesco.org/creativity/sites/creativity/files/passeport-convention2005-web2.pdf
(4) Xem UNESCO: The Protection and Promotion of the Diversity of Cultural Expressions, Tlđd; Phạm Xuân Nam: Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa - một góc nhìn từ Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008
(5) Tổng cục Thống kê: “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019”, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2019/12
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá ở tỉnh Bạc Liêu - Bài học quản lý và phát triển địa phương  (24/04/2023)
Gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để đưa An Giang phát triển nhanh và bền vững  (01/03/2023)
Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững  (19/02/2023)
Phát triển thị trường bất động sản bền vững tại Việt Nam  (16/02/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên