Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng phát triển bền vững ở tỉnh Quảng Ninh thời gian tới
TCCS - Hơn 10 năm qua, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả bước đầu trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc. Cơ cấu kinh tế thay đổi tích cực, chất lượng và tỷ trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch nâng cao; phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm giai đoạn 2015 - 2020 tăng 10,7%. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hệ thống giải pháp thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững.
Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”: Kết quả và những hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Thực hiện chiến lược chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng phát triển bền vững, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp từ công tác quy hoạch đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản; phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, tận dụng xu hướng tích hợp công nghệ để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài; cải tiến mạnh mẽ công nghệ khai thác than bằng đẩy mạnh cơ giới hóa hầm lò, đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa, nâng cao hiệu quả khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành các “mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”.
Quy mô nền kinh tế của tỉnh tăng nhanh, đạt 211.476 tỷ đồng năm 2020, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng bền vững hơn so với năm 2015: Tỷ trọng khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tỉnh đã thực thi nhiều chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Hạ tầng du lịch có bước phát triển nhanh chóng, ngày càng đồng bộ, hiện đại, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn với chất lượng dịch vụ cao: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long, công viên Đại dương, quần thể du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC, khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, khu nghỉ dưỡng cao cấp suối khoáng nóng Quang Hanh...; hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 3 sao trở lên hiện có 7.587 phòng, tăng 68% so với năm 2015... góp phần kéo dài thời gian trải nghiệm, lưu trú và tăng chi tiêu của du khách và doanh thu của ngành du lịch.
Công nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo được nâng lên. Tỷ trọng đóng góp của ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% năm 2015 xuống còn 17,3% năm 2020, phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; đóng góp vào thu nội địa của ngành than mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng lớn, song có xu hướng giảm dần. Giá trị tăng thêm ngành chế biến, chế tạo bình quân tăng 15%/năm, cao hơn so với giai đoạn trước (10%/năm), chiếm 9,6% trong cơ cấu kinh tế (năm 2015 là 7,9%); một số nhà đầu tư lớn có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp sạch vào nghiên cứu, đầu tư tại tỉnh như TCL, Foxconn, Thành Công...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục trong thời gian tới, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm…; tốc độ tăng trưởng khu vực du lịch, dịch vụ không đạt mục tiêu đề ra; phát triển kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo còn chậm so với tiềm năng, lợi thế… Hiệu quả của khu vực đầu tư nước ngoài còn thấp, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa có nhiều đột phá. Năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gây khó khăn cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các ngành dịch vụ du lịch chất lượng cao, đang đòi hỏi cần sớm phải giải quyết. Kết quả xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo ở một số địa phương, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự vững chắc… Quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản còn nhiều khó khăn.
Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Ninh thời gian tới
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, trong đó, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD; cơ cấu kinh tế năm 2025: công nghiệp - xây dựng 49 - 50%; dịch vụ 46 - 47%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 3 - 5%. Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD;...
Để thực hiện mục tiêu tổng quát nêu trên, tỉnh xác định phương châm lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, theo nhu cầu thị trường, các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch chất lượng cao, các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, kinh tế số và tăng năng suất lao động làm định hướng để tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục - đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.
Theo phương châm tổng quát nêu trên, nhiều giải pháp toàn diện được quan tâm triển khai, trong đó tỉnh tập trung vào một số giải pháp quan trọng sau:
- Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. Khai thác than bền vững, hoạt động khai thác than phải sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu tác động đến môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống. Phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các lĩnh vực, các ngành có giá trị cao, tiềm năng và lợi thế lớn, có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao; xây dựng thương hiệu hàng hóa và một số lĩnh vực dịch vụ của ngành. Mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, thúc đẩy sản xuất thông minh, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông.
- Tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trên cơ sở đó, phát huy lợi thế so sánh về địa kinh tế, hệ thống cảng biển để thu hút vốn đầu tư phát triển, phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, tận dụng xu hướng tích hợp công nghệ để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài… Tiến hành rà soát lại quy hoạch phát triển theo định hướng mới “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”; hình thành hành lang, các chuỗi, cực tăng trưởng, đi đôi với tiếp nhận quá trình chuyển dịch đầu tư và phát triển công nghiệp từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các cực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Quy hoạch quỹ đất đủ lớn để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội, qua đó, thu hút các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh đầu tư vào các khu công nghiệp.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Đây phải được coi là khâu đột phá, cấp bách, trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công. Dành nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tích cực triển khai Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, ban hành cơ chế, chính sách riêng của tỉnh thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh. Phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính. Thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc theo đúng quy hoạch phát triển của tỉnh, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu./.
Phát triển hệ thống sản phẩm OCOP để khai thác lợi thế so sánh của các địa phương tỉnh Quảng Ninh  (29/11/2022)
Khơi thông nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông  (26/11/2022)
Tăng cường xúc tiến đầu tư nhằm thu hút công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường vào tỉnh Quảng Ninh  (26/11/2022)
Về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh  (26/11/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển