Tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp
TCCS - Thực hiện mục tiêu quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, Hà Nội tập trung tăng cường nhiều nguồn lực phát triển nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân.
Hướng đi quan trọng, hiệu quả
Là một trong những địa phương của Hà Nội đặt mục tiêu về đích huyện nông thôn mới trong năm 2021, đến nay, huyện Ứng Hoà đã có 28/28 xã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Điểm nhấn trong bức tranh 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện chính là những chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của huyện ước đạt 54,6 triệu đồng/năm (tăng 42,3 triệu đồng so với năm 2010), đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2010 là 13,81% đến nay còn khoảng 0,08%, 28/28 xã trên địa bàn huyện đạt tiêu chí về thu nhập. Kết quả này bắt nguồn từ việc huyện tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, mở rộng vùng sản xuất lúa tập trung, tích cực chuyển đổi khoảng 3.000ha vùng trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới. Qua nhiều năm triển khai, huyện hình thành vùng sản xuất tập trung ở nhiều xã, như nuôi trồng thủy sản ở Phương Tú, Hòa Lâm; chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công; trồng cây ăn quả ở Đồng Tiến, Phù Lưu; sản xuất đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức.... Đồng thời, song song với việc hình thành các hợp tác xã dịch vụ liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản cho nông dân, huyện còn xây dựng chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Thực tiễn của huyện Ứng Hoà cho thấy, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn là một hướng đi quan trọng, hiệu quả, đem đến những đổi thay về chất cho đời sống người dân, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của nông thôn. Những con số thống kê về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở tổng kết Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” trong Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” đã khẳng định điều này. Theo đó, sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,53%. Cơ cấu giá trị sản xuất năm 2020: trồng trọt, lâm nghiệp38,76%; chăn nuôi, thuỷ sản 58,11%; dịch vụ nông nghiệp 3,13%. Thành phố đã thực hiện hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, cơ bản cấp xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân (đạt 99,21%), có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm, 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả nổi bật. Đến hết năm 2020, thành phố có 1.054 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%), 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%), 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%), với 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,5%); 30 sản phẩm đồ uống (chiếm 2,8%); 7 sản phẩm thảo dược (chiếm 0,7%); 27 sản phẩm vải, may mặc (chiếm 2,6%); 299 sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí (chiếm 28,4%); phát triển được14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố.
Có thể thấy, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao, duy trì và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần giúp chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành mục tiêu đề ra, đặc biệt trong tiêu chí thu nhập, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội tăng từ 33 triệu đồng/người năm 2015 lên 55 triệu đồng/người năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,43% năm 2016 xuống còn dưới 0,37% cuối năm 2020.
Tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt
Từ thành công của Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, ngày 17-3-2021, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Tập trung phát triển mạnh mẽ hơn nữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chương trình cho thấy Hà Nội đặc biệt chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nhiệm vụ này được gắn chặt chẽ với phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hà Nội xác định tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân là chủ thể. Mục tiêu cụ thể đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm từ 2,5 - 3%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%; đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên; mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; phấn đấu có trên 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.
Để đạt mục tiêu trên, thành phố xác định, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn. Trong Kế hoạch ban hành ngày 11-10-2021 triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, Ủy ban nhân dân thành phố đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho việc tái cơ cấu nông nghiệp theo 7 trọng tâm: cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất; quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai để sản xuất nông nghiệp hiệu quả; xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; đột phá cải thiện về môi trường kinh doanh nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường công tác đào tạo nghề làm nông nghiệp cho lao động nông thôn, tiếp tục chính sách ưu đãi trong đào tạo, chuyển đổi nghề; triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Các nhiệm vụ đi cùng giải pháp cụ thể cho thấy, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng gắn với quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Song song với đó, phát triển mô hình liên kết từ sản đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ củng cố hoạt động và thành lập mới các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phát triển kinh tế trang trại bền vững, đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, trong đó ưu tiên những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, thành phố đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.
Với những bước đi thiết thực, cơ cấu lại ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục tạo bước chuyển mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội thực chất, hiệu quả hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa, góp phần quan trọng trong sự phát triển bền vững, văn minh, hiện đại của Thủ đô./.
Khơi dậy khát vọng vươn lên và phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới  (30/08/2021)
Huyện Thanh Oai (thành phố Hà Nội): Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp  (30/08/2021)
Đan Phượng xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển đô thị  (28/08/2021)
Huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội): Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống  (20/08/2021)
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp  (05/08/2021)
Hà Nội đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo  (05/08/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên