Tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp thành phố Hà Nội
TCCS - Một trong 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025 là nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%, đạt mục tiêu đề ra (từ 7,3-7,8%), cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (6,93%); năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân chung cả nước. Đạt được những kết quả nêu trên là do nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò quan trọng thuộc về công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp.
Quyết liệt tinh gọn tổ chức bộ máy
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình công tác của Thành ủy, đặc biệt là Chương trình 01-CT/TU và 08-CT/TU gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị, mục tiêu là xây dựng chính quyền phục vụ người dân hiệu quả, Hà Nội đi đầu trong tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản, sáng tạo công tác sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là bộ máy quản lý hành chính nhà nước các cấp gắn với tinh giản biên chế. Các nội dung chủ yếu được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gồm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, thiết thực, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong quá trình thực hiện sắp xếp, công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng, qua đó, nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như mỗi cơ quan, đơn vị về sự cần thiết phải tổ chức, sắp xếp lại. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cùng với phương pháp thực hiện công khai, dân chủ và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ trong quá trình thực hiện sắp xếp lại nên đã bảo đảm ổn định tổ chức bộ máy từ cơ sở. Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước hoạt động nhịp nhàng, ổn định, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của thành phố được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, trong những năm qua Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tinh gọn đầu mối: Giảm 5/17 ban chỉ đạo của Thành ủy; 74/102 ban chỉ đạo, 21/26 ban quản lý dự án thuộc UBND thành phố; giảm 13 đầu mối phòng, ban và đơn vị sự nghiệp khối các cơ quan Đảng, đoàn thể; giảm 45 phòng chuyên môn, 121 đơn vị sự nghiệp với 26 trưởng phòng, 116 phó phòng, 177/308 trưởng, phó các đơn vị sự nghiệp, 7/23 trụ sở làm việc ở các sở, ban, ngành thuộc khối chính quyền; các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị xuống còn 96 đơn vị (giảm 110 đơn vị, tương đương 53,4%). Qua sắp xếp lại, tổ chức, bộ máy, hệ thống các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp được sắp xếp lại đồng bộ, tinh gọn hơn, chi thường xuyên giảm nhưng hiệu lực và hiệu quả quản lý lại được nâng lên. Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố đã triển khai mô hình thí điểm tại 12 quận và thị xã Sơn Tây từ ngày 1-7-2021. Qua đó, thêm một bước tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời, mô hình quản lý hành chính sát hợp hơn với đặc điểm địa bàn đô thị.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Nhờ làm tốt công tác sắp xếp tổ chức nên chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố có nhiều cải thiện. Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Các kỳ họp HĐND đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của các đại biểu để quyết nghị những vấn đề lớn trong phát triển của Thủ đô. Trong nhiệm kỳ vừa qua, HĐND thành phố đã ban hành 148 nghị quyết, trong đó có 79 nghị quyết chuyên đề. Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, các kỳ họp của HĐND cũng có nhiều đổi mới, đặc biệt trong các hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình. Công tác giám sát được các đại biểu HĐND chú trọng, triển khai bài bản, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao; giám sát đến cùng những vấn đề quan trọng, dân sinh bức xúc, được dư luận đặc biệt quan tâm. Công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri được quan tâm, tỷ lệ giải quyết xong ở cấp thành phố đạt 90%; kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp huyện, cấp xã cơ bản được xem xét, giải quyết dứt điểm, tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền thành phố, đồng thời, tác động tích cực đến công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền.
Hoạt động của ủy ban nhân dân (UBND) các cấp có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Công tác xây dựng, ban hành, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thường xuyên, kịp thời, có chất lượng. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu “xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại”, chú trọng triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền từ thành phố xuống cơ sở được tăng cường, nhất là các lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, vệ sinh môi trường, bảo đảm bộ máy hành chính hoạt động nhịp nhàng, rõ người, rõ việc; giải quyết kịp thời các nhu cầu về thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Kỷ luật, kỷ cương công vụ nghiêm minh, tinh thần, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố, nhất là cấp cơ sở có sự cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng lên. Sự nỗ lực, cố gắng của thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, tiếp tục thực hiện quan điểm “người dân và doanh nghiệp” là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp và “sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” là tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động. Đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thể chế; tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý hành chính nhà nước; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo mô hình chính quyền điện tử phù hợp với đặc điểm đô thị; nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực, trình độ và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong thực thi công vụ./.
Đối ngoại của Hà Nội trong thời kỳ phát triển mới  (05/12/2021)
Công tác đối ngoại nhân dân của Thủ đô Hà Nội: Thực trạng và triển vọng  (02/12/2021)
Công an Hà Nội thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vàphòng, chống dịch bệnh COVID-19  (30/11/2021)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên