Bảo đảm an ninh môi trường làng nghề ở nước ta hiện nay
TCCS - Bảo đảm an ninh môi trường tại các làng nghề, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển với bảo vệ môi trường đang là yêu cầu cấp bách được đặt ra, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp khoa học, đồng bộ, góp phần phát triển bền vững các làng nghề.
1- Nước ta có hệ thống làng nghề phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống lâu đời với lịch sử phát triển hàng trăm năm, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Làng nghề là trung tâm sản xuất, hội tụ tinh hoa, kỹ thuật chế tạo các sản phẩm thủ công; là trung tâm văn hóa và cũng là địa điểm buôn bán, giao lưu văn hóa của vùng, khu vực. Làng nghề cũng chính là nơi quy tụ những nghệ nhân, thợ thủ công có tay nghề cao mà danh tiếng của họ đã gắn liền với sản phẩm được sản xuất. Các mặt hàng của làng nghề thường rất phong phú, đa dạng, không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, mà còn phục vụ đời sống tinh thần của người dân trong vùng cũng như đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhân dân các khu vực lân cận.
Làng nghề nước ta được phân bố tập trung chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng (chiếm khoảng 60%), còn lại ở miền Trung và miền Nam. Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, năm 2017, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.864 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống được công nhận(1); riêng Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Các làng nghề của Hà Nội cũng hội tụ đủ các nhóm nghề, như gốm sứ, sơn mài, vàng bạc, rèn, thêu ren, lụa, mây tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh... Kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và đang từng bước được hiện đại hóa khi ứng dụng khoa học, côngnghệ.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển làng nghề; quan tâm, hỗ trợ các làng nghề áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả. Nhờ vậy, các làng nghề và các cụm làng nghề mới không ngừng được phát triển, kinh doanh mở rộng, đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Nhiều làng nghề đã có bước chuyển mình bắt kịp với xu thế của thời đại. Sự phát triển của làng nghề không những góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, mà còn là nhân tố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, trực tiếp giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động. Sản phẩm hàng hóa của các làng nghề nước ta hiện có mặt ở hơn 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu ngày càng được mở rộng, vươn tới những thị trường lớn trên thế giới, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu,... Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỷ USD, tăng 0,6 tỷ USD so với năm 2017; trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, như các sản phẩm gốm sứ đạt 539 triệu USD; sản phẩm mây, tre, cói, thảm đạt 484 triệu USD; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 139 triệu USD. Mặc dù đại dịch COVID-19 gây nhiều trở ngại, khó khăn, nhưng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ vẫn đạt 309 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm mây tre cói thảm đạt 250 triệu USD tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 90 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019(2).
2- Bên cạnh những biến đổi và phát triển theo hướng tích cực, hiện nay, các làng nghề cũng đang phải đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức cần giải quyết để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những yêu cầu hàng đầu là phát triển làng nghề nhưng không để môi trường bị ô nhiễm, không đánh mất bản sắc văn hóa độc đáo. Thực tế cho thấy, xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề đã và đang là vấn đề nhức nhối, nan giải. Tại nhiều làng nghề, các chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đe dọa sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và trở thành vấn đề bức xúc trong cộng đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn xã hội; là nguyên nhân gây ra những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, tụ tập đông người. Các thế lực thù địch, phản động cũng lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường để tung tin xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật, phủ nhận đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước hoặc kích động chống phá Đảng, Nhà nước, gây ra những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Các làng nghề nước ta phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ, bố trí phân tán, xen kẽ trong khu vực dân cư, hộ gia đình dẫn đến việc xử lý ô nhiễm môi trường gặp không ít khó khăn, nhất là ở khâu quy hoạch. Kết quả khảo sát tại khu vực sản xuất của một số làng nghề cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức khá cao, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, như “95% người lao động có nguy cơ tiếp xúc với bụi, 85,9% có nguy cơ tiếp xúc với nhiệt, 59,6% tiếp xúc với hóa chất. Kết quả khảo sát 52 làng nghề điển hình trong cả nước cho thấy trong số đó có 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% ô nhiễm vừa, số còn lại ô nhiễm nhẹ”(3). Tại Hà Nội, địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, kết quả khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại 65 làng nghề cho thấy, 60/65 làng nghề bị ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp, thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ, sông, kênh, mương với mức độ ô nhiễm cao. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, lượng nước thải sản xuất có nơi ước tính lên đến 7.000 m3/ngày. Không chỉ nguồn nước, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh(4). Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ, nước thải có độ ô nhiễm hữu cơ cao. Ô nhiễm chất vô cơ tại các làng nghề dệt nhuộm, tái chế giấy tạo ra nước thải có hàm lượng cặn lớn; làng nghề tái chế kim loại có hàm lượng kim loại nặng độc hại vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Hầu hết chất thải rắn ở các làng nghề vẫn chưa được thu gom xử lý, mà xả thẳng vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và các nguồn nước mặt, nước ngầm tại các địa phương.
Ô nhiễm môi trường làng nghề đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của cộng đồng, gây những tổn thất kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự ngay tại các làng nghề. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động tại làng nghề có xu hướng tăng.
Công tác bảo vệ môi trường có nơi, có lúc còn bất cập, hạn chế. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu, một số nội dung chưa được cụ thể hóa; quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường làng nghề của các bộ, ngành và địa phương, cơ quan, lực lượng chưa rõ ràng và còn chồng chéo. Một số địa phương tuy đã có quy hoạch, nhưng các cụm, khu công nghiệp tập trung của làng nghề vẫn chưa có hệ thống quản lý môi trường chung mà đa phần là hoạt động riêng rẽ; nguồn nhân lực, tài chính, vật lực phục vụ công tác bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu; việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đầu tư, thực hiện đúng mức; một số chủ cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến quyền lợi, trang bị các thiết bị bảo hộ lao động cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
3- Thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu cấp thiết, cần tiếp tục có những chủ trương, chính sách phát triển làng nghề, trong đó, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh môi trường để các làng nghề phát triển theo hướng bền vững, gìn giữ được bản sắc văn hóa, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường sống trong lành cho người dân.
Bảo đảm an ninh môi trường chính là bảo đảm môi trường sống an toàn của con người trước các mối nguy hiểm do tự thân môi trường sinh ra hoặc do những hạn chế trong quản lý nhà nước về môi trường, do sự xâm hại về an ninh môi trường của các cơ sở sản xuất, do các hành vi vi phạm pháp luật, các loại tội phạm về môi trường gây ra. Bảo đảm an ninh môi trường là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, các cấp, các ngành, trong đó lực lượng công an, cảnh sát môi trường giữ vai trò nòng cốt. Dưới góc độ công tác bảo đảm an ninh môi trường, để phát triển bền vững các làng nghề trong thời gian tới, cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động tại các làng nghề về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan có chức năng quản lý, bảo vệ môi trường tại địa phương; cơ quan truyền thông, báo chí cần vào cuộc quyết liệt, sử dụng có hiệu quả nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, người lao động tại các làng nghề về ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương về công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền những kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo của các làng nghề tiêu biểu trong công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện nhất quán quan điểm sản xuất, kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường, tuyệt đối không hy sinh lợi ích môi trường để đạt một số lợi ích kinh tế trước mắt.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề theo hướng bảo đảm khoa học, toàn diện, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ môi trường. Quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ban, ngành, lực lượng, các tập thể, cá nhân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc bảo vệ môi trường. Đề cao tính kỷ cương, nghiêm minh theo hướng mở rộng hình thức, nâng cao mức độ xử lý đối với cá nhân, tập thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh và tại các làng nghề có những hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí “Làng nghề xanh” một cách khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong điều kiện mới, lấy đó làm căn cứ xếp loại làng nghề bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững một cách chính xác, khách quan. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường tại các làng nghề thông qua các nội quy, quy định, hương ước, viết cam kết bảo vệ môi trường... Nghiên cứu, ban hành quy định khuyến khích một số loại hình làng nghề phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng, quy mô sản xuất nếu bảo đảm các tiêu chí an toàn, thân thiện với môi trường; xem xét hạn chế hoặc không khuyến khích phát triển một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Một số hoạt động hoặc công nghệ cần được nghiêm cấm triệt để nếu gây tác động, ảnh hướng xấu đến môi trường, sức khỏe của con người.
Thứ ba, lực lượng công an cần làm tốt công tác tham mưu với các cấp chính quyền trong quy hoạch làng nghề gắn với bảo đảm an ninh môi trường. Các lực lượng có chức năng bảo đảm an ninh môi trường cần chủ động tham gia cùng chính quyền địa phương và các hộ sản xuất trong làng nghề xem xét, bàn bạc phương án quy hoạch đưa khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi khu dân cư, nơi sinh hoạt của gia đình. Địa phương nên quy hoạch khu đất riêng tách khỏi khu dân cư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Tại đây, cần có kết cấu hạ tầng đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn tiên tiến, hiện đại, đồng bộ để xử lý tập trung. Các hộ sản xuất, kinh doanh được quyền thuê, đấu thầu công khai hoặc mua đất để chuyển hướng sản xuất ra ngoài. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện việc quy hoạch phân tán, sản xuất ngay tại hộ gia đình trên cơ sở thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường để không phải di dời, hạn chế tối đa việc thay đổi kết cấu hạ tầng truyền thống. Chú trọng việc lưu giữ, bảo tồn khung cảnh sản xuất mang tính cổ truyền của làng nghề, là cơ sở để kết hợp với phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Thứ tư, tăng cường nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Các cấp có thẩm quyền cần có chương trình, kế hoạch quan tâm đầu tư các nguồn lực đúng mức để bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; có chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các làng nghề; tăng cường tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo, thử nghiệm, áp dụng phương thức sản xuất mới sạch hơn cho các chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề. Thực hiện chính sách quan tâm hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư kinh phí, công nghệ tiên tiến, hiện đại để xử lý nước thải, khí thải, chất thải bằng chính sách cho vay ưu đãi hoặc giảm thuế theo quy định. Đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, xã hội hóa nguồn tài chính trong bảo vệ môi trường làng nghề.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Các cơ quan, đơn vị của Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ cấp bộ đến cơ sở cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý, xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh môi trường. Chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý và yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm; nghiên cứu, xây dựng các quy trình, biện pháp triển khai xử lý ô nhiễm theo đúng quy định; qua đó góp phần thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững./.
-------------------
(1) Xem: Minh Phú: “Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 1,7 tỷ USD/năm”, Báo Hà Nội mới điện tử, ngày 29-5-2017, http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/869980/gia-tri-kim-ngach-xuat-khau-thu-cong-my-nghe-dat-khoang-17-ty-usdnam
(2) Xem: Thanh Tâm: “Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sẽ đạt trên 4 tỷ USD năm 2025”, Báo Kinh tế nông thôn điện tử, ngày 23-11-2020, https://kinhtenongthon.vn/kim-ngach-xk-hang-thu-cong-my-nghe-se-dat-tren-4-ty-usd-nam-2025-post39176.html
(3), (5) Xem: Hồng Vân: “Tuổi thọ dân làng nghề ngày càng giảm”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 20-4-2009, https://nhandan.vn/khoa-hoc/Tu%E1%BB%95i-th%E1%BB%8D-d%C3%A2n-l%C3%A0ng-ngh%E1%BB%81-ng%C3%A0y-c%C3%A0ng-gi%E1%BA%A3m-531963
(4) Xem Lương Thụy Bình:“Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường làng nghề tại Hà Nội”, Báo Khoa học và Đời sống điện tử, ngày 2-10-2020, https://khoahocdoisong.vn/giai-bai-toan-o-nhiem-moi-truong-lang-nghe-tai-ha-noi-150813.html
Ngành điện bảo vệ môi trường nhìn từ vấn đề xử lý tro, xỉ  (05/11/2021)
Tăng cường xử lý chất thải, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường  (01/11/2021)
Tỉnh Bắc Kạn làm tốt công tác bảo vệ môi trường  (15/10/2021)
Bảo vệ môi trường: Tiêu chí quan trọng xây dựng nông thôn mới  (05/10/2021)
Huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội: Trăn trở trong việc phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường sống  (10/09/2021)
Hà Nội tăng cường phát triển hệ thống cây xanh  (30/07/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển