Bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam hiện nay
TCCS - Sự thống nhất trong đa dạng là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển, là tiềm năng, sức mạnh nội sinh, tính hấp dẫn của nền văn hóa Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, đặc trưng đó cùng bản sắc văn hóa dân tộc đang đối mặt với nhiều thách thức, có nguy cơ bị mai một, biến dạng. Vì thế, xử lý đúng đắn, hài hòa mối quan hệ giữa tính thống nhất và tính đa dạng của văn hóa Việt Nam là vấn đề cơ bản có ý nghĩa thực tiễn cấp bách.
1- Bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam là một nội dung cơ bản của xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tính thống nhất và tính đa dạng phản ánh sâu sắc mối quan hệ giữa bản sắc văn hóa dân tộc - quốc gia Việt Nam và sắc thái văn hóa dân tộc/tộc người, văn hóa địa phương. Về bản chất, theo quan điểm mác-xít, đây chính là mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng. Bản sắc văn hóa là nét đẹp, tinh hoa, các giá trị tiêu biểu và đặc trưng của một nền văn hóa nhất định, được hình thành và phát triển dưới tác động của các yếu tố lịch sử, tự nhiên, xã hội... Các đặc trưng văn hóa ấy mang tính bền vững, trừu tượng và tiềm ẩn, do vậy muốn nhận biết bản sắc phải thông qua vô vàn biểu hiện sắc thái văn hóa. Bản sắc văn hóa là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất để nhận diện một nền văn hóa và để phân biệt nền văn hóa này với một nền văn hóa khác(1).
Bản sắc văn hóa kết tinh ở hệ giá trị văn hóa dân tộc, thấm sâu vào mọi hoạt động vật chất, tinh thần, phong tục, tập quán, sinh hoạt cá nhân, mang diện mạo, trí tuệ, tâm hồn, phong cách của các dân tộc hay cộng đồng quốc gia - dân tộc và được tiếp nối, phát huy, phát triển trong các thời kỳ lịch sử. Bản sắc văn hóa cũng chính là tài sản tinh thần chung, là nguồn sức mạnh giúp con người vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt để vươn lên trong hành trình phát triển không ngừng.
Tuy nhiên, quá trình phát triển luôn diễn ra sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Nếu nền văn hóa của dân tộc - quốc gia nào có bản lĩnh và năng lực chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa ngoại sinh để chuyển hóa thành yếu tố nội sinh thì bản sắc văn hóa của dân tộc - quốc gia đó sẽ được bảo tồn, phát huy và không ngừng bồi đắp những giá trị mới; ngược lại, bản sắc văn hóa sẽ bị mai một, phai nhạt, thậm chí đứng trước các mối đe dọa an ninh văn hóa và nguy cơ bị “xâm lăng văn hóa”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xác định bản sắc văn hóa dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam được vun đắp qua hàng nghìn nǎm lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...
Sắc thái văn hóa là hình thức biểu hiện riêng có của một nền văn hóa nhất định. Nếu như bản sắc văn hóa (cái chung) là cái tương đồng, đồng quy, thì sắc thái văn hóa (cái riêng) là cái khác biệt, cái đa dạng. Các sắc thái văn hóa tuy khác nhau nhưng đều xoay quanh một trục nhất định là bản sắc văn hóa, cùng tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó người Kinh chiếm đa số (chiếm 85,3% dân số cả nước); 53 dân tộc còn lại có 14,123 triệu người(2) (chiếm 14,7% dân số cả nước). Đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú và sinh sống thành cộng đồng, chủ yếu ở miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Hình thái cư trú giữa các dân tộc là phân tán và xen kẽ với sắc thái văn hóa rất phong phú, đa dạng.
Các dân tộc trên lãnh thổ nước ta dù tiếng nói, phong tục, tập quán khác nhau, nhưng đều là những bộ phận của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam, cùng chung lưng đấu cật, đoàn kết đấu tranh chống thiên tai, địch họa để dựng nước và giữ nước. Trên cơ sở “mẫu số chung” đó, những sắc thái văn hóa riêng có của từng dân tộc được định hình, phát triển và bổ sung cho nhau, tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.
2- Xử lý mối quan hệ giữa củng cố, nâng cao ý thức quốc gia - dân tộc và tôn trọng ý thức dân tộc/tộc người là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Ý thức quốc gia - dân tộc là tổng hòa những tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí của mọi cộng đồng dân cư cùng cư trú trên lãnh thổ một quốc gia - dân tộc, cùng chung lợi ích, lịch sử, bản sắc văn hóa và các biểu tượng của quốc gia - dân tộc (lãnh tụ, quốc kỳ, quốc ca...). Ý thức quốc gia - dân tộc là một bộ phận cấu thành ý thức xã hội, được hình thành, bồi đắp gắn với quá trình dựng nước và giữ nước; là một động lực tinh thần cơ bản cho đoàn kết các dân tộc, các giai cấp, tầng lớp, thực hiện các sứ mệnh của quốc gia - dân tộc; là nhân tố có ý nghĩa hàng đầu bảo đảm sự sinh tồn và phát triển của đất nước.
Ý thức quốc gia - dân tộc Việt Nam được hình thành, vun đắp và phát triển bởi các thế hệ người dân Việt Nam và là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, nhất là khi phải ứng phó với thiên tai, địch họa, hay những cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu... Ý thức quốc gia - dân tộc Việt Nam thể hiện ở tình yêu nước; lòng tự hào, tự tôn dân tộc; tinh thần xả thân, sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; ý thức về cội nguồn, về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao tiềm lực và khẳng định vị thế của đất nước.
Trong quản lý đất nước, giai cấp cầm quyền tiến bộ luôn tìm sự thống nhất giữa ý thức hệ giai cấp với ý thức quốc gia - dân tộc, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên lợi ích cục bộ. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; luôn ý thức rõ trách nhiệm, sứ mệnh lịch sử của chính mình, đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, lợi ích giai cấp phải phục tùng lợi ích quốc gia - dân tộc. Nhờ đó mà Đảng đã quy tụ, đoàn kết, tập hợp được mọi giai cấp, tầng lớp, dân tộc để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và ngày nay là đưa đất nước đi tới phồn vinh, hạnh phúc.
Ý thức dân tộc/tộc người là những tình cảm, tâm lý tộc người, thể hiện đặc điểm văn hóa của các dân tộc/tộc người khác nhau. Trong lịch sử hình thành và phát triển, mỗi cá nhân vừa là thành viên của một quốc gia - dân tộc, vừa là thành viên của cộng đồng dân tộc/tộc người nhất định. Tính dân tộc/tộc người chi phối ý thức, tình cảm, tâm lý của mỗi cá nhân và khi giao tiếp, quan hệ với một thành viên dân tộc/tộc người khác, thường biểu hiện bột phát, trực tiếp, rõ rệt. Ý thức dân tộc/tộc người thể hiện ở ý thức về tên tự gọi, về tiếng mẹ đẻ và các đặc trưng văn hóa tương đối bền vững. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, văn hóa dân tộc/tộc người là nền tảng từ đó nảy sinh ý thức dân tộc/tộc người. Khi văn hóa dân tộc/tộc người mai một thì ý thức dân tộc/tộc người mất đi và chính dân tộc/tộc người đó cũng bị tàn lụi. Ý thức dân tộc/tộc người chân chính góp phần hình thành ý thức quốc gia - dân tộc. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa ý thức dân tộc/tộc người dễ đẩy tới bệnh hẹp hòi, vị kỷ, thậm chí khi bị các thế lực xấu lợi dụng, kích động dễ chuyển hóa thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đi ngược lại lợi ích chung của quốc gia - dân tộc và gây tổn hại đến chính lợi ích từng dân tộc/tộc người.
Các dân tộc cư trú trên lãnh thổ nước ta luôn đoàn kết, tương trợ, liên hiệp, giúp đỡ nhau, chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia-rai hay Ê-đê, Xơ-đăng hay Ba-na... đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”(3). Như vậy, dù mang những ý thức dân tộc/tộc người riêng, nhưng cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam đều chung một ý thức quốc gia - dân tộc, đều chung sức, đồng lòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ý thức về quốc gia - dân tộc, tình cảm yêu nước, trách nhiệm công dân là mẫu số chung để đoàn kết mọi người dân Việt Nam, dù khác nhau về thành phần dân tộc, giai cấp, tôn giáo.
Trong sinh hoạt đời thường vốn chịu nhiều ràng buộc của phong tục, tập quán, văn hóa địa phương,... thì ý thức dân tộc/tộc người bao giờ cũng thể hiện rõ nét với những sắc thái văn hóa đa dạng. Khi đất nước phải đối mặt với các nguy cơ, mối đe dọa mất - còn thì ý thức quốc gia - dân tộc thể hiện nổi bật, tạo sức mạnh to lớn để liên kết cộng đồng các dân tộc/tộc người. Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, mà thực tiễn gần nhất là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã chứng minh ý thức quốc gia - dân tộc Việt Nam luôn được đặt lên trên hết, trước hết, trở thành cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh giúp dân tộc ta vượt qua khó khăn, thử thách.
Hiện nay, có thể thấy, giữa các dân tộc, niềm tin vào sự nghiệp đổi mới đất nước và con đường lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng không có sự khác biệt; song do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn bất cập, trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, rào cản của địa lý, ngôn ngữ, sự chống phá của các thế lực thù địch..., làm cho việc tiếp nhận và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không đồng đều, có sự phân hóa theo mức độ nhanh - chậm, nông - sâu, rộng - hẹp. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển... Chú trọng tính đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc”(4); qua đó, tạo động lực phát triển các vùng dân tộc thiểu số trên cả nước; tăng cường tính thống nhất giữa ý thức quốc gia - dân tộc với ý thức dân tộc - tộc người. Đây là yêu cầu cơ bản của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trên cơ sở quán triệt và thực hiện đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân.
3- Tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam gắn chặt giữa bảo đảm sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, tăng cường vị thế, sức mạnh tổng hợp quốc gia với phát huy lợi thế của tính đa dạng về mặt địa lý, văn hóa, xã hội và nhân văn của từng vùng, địa phương, địa vực.
Lãnh thổ quốc gia không chỉ chứa đựng các cấu trúc vật lý, mà còn là một cấu phần của nền văn hóa quốc gia - dân tộc, bởi quá trình hình thành lãnh thổ luôn in đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa của cả dân tộc, của cộng đồng cư dân, kết tinh thành quả lao động, chiến đấu của con người, nhiều khi phải trả giá bằng cả xương máu của nhiều thế hệ.
Địa vực là nơi con người hằng ngày cư trú, lao động, sản xuất, sinh hoạt, hình thành nên những khối cộng cư, cộng lợi, cộng cảm và cộng mệnh, mang tính địa phương rất đa dạng. Các địa vực hình thành nên những không gian văn hóa gắn với cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu, sáng tạo văn hóa vật chất và tinh thần của con người, thường được thiêng hóa và được dân gian gọi là Đất Mẹ.
Lãnh thổ quốc gia - dân tộc Việt Nam định hình với cấu trúc và hình thái như ngày nay là kết quả của hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước. Từ những nhà nước đầu tiên gắn với các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo đến Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay là một tiến trình lịch sử - tự nhiên với nhiều thăng trầm để định hình nên không gian lãnh thổ thống nhất, toàn vẹn, gắn với xương máu, trí tuệ, công sức từ thế hệ này đến thế hệ khác. Trong không gian lãnh thổ đó, cộng đồng 54 dân tộc, dù đến sớm hay muộn, đều coi nhau là anh em của đại gia đình Việt Nam, có cùng chung một cội nguồn, đoàn kết, chung lưng đấu cật để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được quản lý bởi một nhà nước thống nhất, thay mặt nhân dân thực thi chủ quyền quốc gia.
Lãnh thổ quốc gia bao gồm lãnh thổ đất liền, hải đảo, vùng biển, lòng đất và vùng trời, được xác định bằng biên giới quốc gia. Bảo vệ sự thống nhất, toàn vẹn, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là nguyên tắc cơ bản trong đường lối đối nội và đối ngoại, là lợi ích cơ bản của cộng đồng 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Lãnh thổ quốc gia có miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển và hải đảo gắn với tính đa dạng của điều kiện địa lý, hệ sinh thái, hình thái cư trú, mô hình sinh kế. Trong xã hội truyền thống, nhóm cư dân ở đồng bằng gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, phần nào khai thác và nuôi trồng thủy sản; nhóm cư dân miền núi, trung du gắn với nền nông nghiệp nương rẫy, phần nào khai thác, tận dụng tài nguyên rừng; nhóm cư dân miền biển gắn với đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác các nguồn lợi từ biển. Ngay kể cả nhóm cư dân miền núi, nơi tập trung phần lớn các dân tộc thiểu số, tính đa dạng vẫn thể hiện ở sự khác nhau giữa địa vực cư trú gắn với phương thức canh tác của cư dân rẻo thấp, rẻo giữa và rẻo cao. Cư trú và sinh kế dựa vào điều kiện tự nhiên đa dạng góp phần hình thành nên sắc thái văn hóa đa dạng từng tiểu vùng địa lý, từng dân tộc, từng cộng đồng dân cư, thể hiện trong cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, như ăn, mặc, ở, sinh hoạt, sản xuất, giao thông, liên lạc...
Trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, khi bị ngoại bang xâm lược, nhìn chung, lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa đều lấy địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa làm căn cứ địa, dấy nghiệp khôi phục nền độc lập dân tộc và lãnh thổ quốc gia, quy tụ xung quanh đồng bào các dân tộc, hợp thành lực lượng rộng lớn, đoàn kết vững chắc. Khi độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia được khôi phục thì các dân tộc đều ý thức sâu sắc về tinh thần đoàn kết, hợp lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp ngăn ngừa, đẩy lùi các nguy cơ xâm lược từ bên ngoài, sẵn sàng đánh bại mọi thế lực xâm lược để bảo vệ, củng cố nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc.
Tính đa dạng của tiểu vùng, địa vực cư trú, địa bàn sản xuất củng cố tính thống nhất của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Lợi thế của từng vùng, miền được bổ sung cho nhau tạo nên một chỉnh thể tương hỗ. Ngược lại, tính thống nhất của lãnh thổ quốc gia - dân tộc bảo đảm cho tính đa dạng của mỗi địa vực, địa bàn được khai thác, phát huy đầy đủ, nhất là các lợi thế so sánh về tiềm năng, sức mạnh để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
4- Bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa bao hàm cả tăng cường giáo dục tình cảm, niềm tin, lòng tự hào đối với lãnh tụ của quốc gia - dân tộc, của chế độ chính trị, đi đôi với chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đa dạng ở các cấp, nhất là cán bộ địa phương thuộc các dân tộc (cả đa số và thiểu số) và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản.
Lãnh tụ quốc gia - dân tộc không chỉ là người đứng đầu đất nước, mà còn là biểu tượng tầm cao của tư tưởng, trí tuệ, kết tinh tinh hoa văn hóa, phản ánh ý chí và đại diện cho lợi ích của toàn thể quốc gia - dân tộc, luôn vượt lên tính cục bộ địa phương hay tính dân tộc/tộc người, trở thành hạt nhân quy tụ, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thống nhất lòng người, dẫn dắt quốc dân.
Vào thời kỳ tiền hiện đại, lãnh tụ quốc gia - dân tộc chính là các bậc minh quân với cả tài năng, đạo đức, có tinh thần chăm lo cho muôn dân, tập hợp xung quanh mình thủ lĩnh và đồng bào các dân tộc để dựng nước và giữ nước.
Vào thời kỳ hiện đại, từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, dựng xây chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta tôn vinh là lãnh tụ vĩ đại. Chính dân tộc Việt Nam anh hùng đã sản sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta - như Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu Người đã khẳng định. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần quý báu, là ngọn cờ bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dẫn dắt cộng đồng các dân tộc Việt Nam đi tới phồn vinh, hạnh phúc.
Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, mà cụ thể là vai trò lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, gắn với vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; ở đó luôn dung nạp tinh thần, ý chí của toàn thể dân tộc; tiêu biểu cho trí tuệ, ý chí, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cán bộ địa phương, già làng, trưởng bản các dân tộc, dù mang trong mình sắc thái địa phương đa dạng, nhưng luôn quán triệt tư tưởng của Đảng, thực hiện luật pháp quốc gia thống nhất. Nếu như ở lãnh tụ phản ánh tính thống nhất của quốc gia - dân tộc, thì cán bộ địa phương, già làng, trưởng bản lại thể hiện tính đa dạng. Đặc điểm này trước hết phản ánh ở cơ cấu cán bộ phù hợp với cơ cấu dân cư, cơ cấu dân tộc đa dạng ở từng tỉnh, huyện, xã gắn với trách nhiệm chăm lo xây dựng của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Tính đa dạng còn thể hiện ở văn hóa các dân tộc, văn hóa vùng, văn hóa địa phương của đội ngũ cán bộ. Chính tính đa dạng giúp cho cán bộ địa phương, cơ sở khi thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật thống nhất luôn biết cách vận dụng, cụ thể hóa để triển khai có hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên, bản sắc, phong tục, tập quán. Mặt khác, tính đa dạng của điều kiện địa lý - tự nhiên, bản sắc văn hóa, mô hình sinh kế,... của từng địa phương chính là thực tiễn sinh động kiểm nghiệm tính phù hợp của các chủ trương, chính sách, pháp luật; sàng lọc và loại bỏ những chính sách xa rời thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, tình cảm của từng cộng đồng; phản hồi để sửa đổi, bổ sung, hiệu chỉnh những chính sách bất cập. Phân cấp, phân quyền trong quản lý khiến cho tính đa dạng được dung nạp đầy đủ vào hệ thống quản lý; khi ban hành chính sách luôn bám sát thực tiễn và khi thực hiện có tính khả thi hơn, khắc phục độ vênh giữa chính sách với thực tiễn.
Tại đơn vị dân cư, già làng, trưởng bản có vai trò rất quan trọng trong đời sống cộng đồng. Già làng, trưởng bản từng dân tộc có những nét riêng, nhưng điểm chung là có uy tín đối với cộng đồng dân cư nhờ tri thức địa phương được trao truyền từ đời này qua đời khác, nhờ nắm vững luật tục và phong tục, tập quán, có đạo đức và khả năng thuyết phục để dân tin và làm theo. Vì vậy, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản chính là tôn trọng tính đa dạng của văn hóa, làm cho luật pháp khi đi vào cuộc sống kết hợp nhuần nhuyễn với luật tục, tri thức địa phương kết hợp chặt chẽ với tri thức khoa học. Hiện nay, ở nhiều vùng nước ta (nhất là ở Tây Nguyên), luật tục vẫn giữ vị trí rất quan trọng, kết hợp với luật pháp để quản lý xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự tại cộng đồng. Tri thức địa phương là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong khai thác và quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh, trật tự, chăm sóc sức khỏe, lao động, sản xuất... Do đó, tôn trọng tính đa dạng văn hóa dân tộc phải gắn liền với phát huy tri thức địa phương để phục vụ cho quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.
5- Tăng cường vai trò của quốc ngữ (tiếng Việt) đi đôi với tôn trọng, phát huy tiếng mẹ đẻ các dân tộc/tộc người trong chính sách ngôn ngữ quốc gia - một nhân tố quan trọng bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa.
Ngôn ngữ là linh hồn của mỗi dân tộc, là tiêu chí cơ bản để phân biệt các dân tộc khác nhau. Ngôn ngữ cũng chính là yếu tố cốt lõi của văn hóa, nhưng cũng là “vách ngăn” giữa dân tộc này với dân tộc khác.
Ở nước ta, tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia (quốc ngữ) và các dân tộc nhìn chung đều có ngôn ngữ của mình (tiếng mẹ đẻ). Ngoài chữ quốc ngữ (dạng viết của tiếng Việt), nước ta có 26 dân tộc thiểu số có chữ viết riêng (như Ba-na, Ê-đê, Gia-rai, Chăm, Khmer, Tày, Nùng, Thái, Mông...). Mọi công dân trên đất nước Việt Nam, dù thuộc dân tộc nào, cũng có trách nhiệm và quyền lợi sử dụng quốc ngữ trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Chỉ trên cơ sở sử dụng thông thạo quốc ngữ mới giúp nâng cao dân trí, mở rộng cơ hội tiếp cận thông tin, xây dựng ý thức quốc gia - dân tộc thống nhất. Về tiếng mẹ đẻ của các dân tộc, Điều 42, Chương II của Hiến pháp năm 2013 khẳng định, công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp. Như vậy, tôn trọng tiếng mẹ đẻ góp phần bảo vệ tính đa dạng của văn hóa các dân tộc.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa, việc học tập, sử dụng quốc ngữ ở các dân tộc thiểu số ở nước ta ngày càng phát triển, tình trạng mù chữ dần được khắc phục. Cùng với đó, ngôn ngữ của các dân tộc cũng được tôn trọng, sử dụng, bảo tồn thông qua việc dạy trong một số trường với chính sách song ngữ (dạy cả quốc ngữ và tiếng mẹ đẻ của một số dân tộc). Một số phương tiện thông tin đại chúng, như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh - truyền hình của một số tỉnh đã có kênh, có chương trình dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số; qua đó vừa tuyên truyền kịp thời những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào các dân tộc thiểu số, vừa góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào, xóa dần khoảng cách và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc; vừa bảo tồn, phát huy ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hiện nay, ở vùng Tây Bắc, một số nơi đã tổ chức dạy và thực hành chữ cổ của người Tày, người Dao, người Thái, người Sán Dìu,... Các câu lạc bộ học chữ của một số dân tộc phát triển khá mạnh ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình... Nhiều địa phương trên cả nước đã sáng tạo trong việc thành lập các câu lạc bộ giữ gìn tiếng nói gắn liền với nhu cầu thực hành tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống, không chỉ thu hút thành viên các dân tộc thiểu số, mà cả thành viên là người Kinh tham gia; qua đó củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.
Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tác động mạnh mẽ đến việc giữ gìn di sản ngôn ngữ các dân tộc, chữ quốc ngữ. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, chưa hợp lý về nội dung, hình thức giảng dạy; đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc còn hạn chế về số lượng và chất lượng, dẫn đến việc dạy và học chưa hiệu quả. Nhiều dân tộc thiểu số hiện nay ngày càng ít sử dụng tiếng mẹ đẻ. Chữ quốc ngữ có hiện tượng bị biến dạng, bị làm cho méo mó, lai căng (việc sử dụng “tiếng lóng”, ngôn ngữ quảng cáo sử dụng không đúng quy cách...).
Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay trong chính sách ngôn ngữ ở nước ta là cần phân loại để có hướng bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cho phù hợp với thực tiễn. Việc triển khai và hoàn thiện chính sách ngôn ngữ cần gắn với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có việc nâng cao hiệu quả công tác phổ cập tiếng Việt, chống tái mù chữ ở tất cả các dân tộc thiểu số, đổi mới chương trình dạy học song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số), phát triển hệ thống đào tạo giáo viên giảng dạy song ngữ... Việc bảo tồn và phát huy giá trị của ngôn ngữ, đời sống văn hóa, phong tục, tập quán, di sản văn hóa các dân tộc thiểu số cần được thực hiện trong mối quan hệ biện chứng với ngôn ngữ quốc gia, đời sống văn hóa, phong tục, tập quán, di sản văn hóa của toàn dân tộc Việt Nam. Cần có cơ chế, chính sách đổi mới nội dung và hình thức phát sóng các chương trình giáo dục văn hóa truyền thống đặc sắc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như nâng cao năng lực cho các phóng viên, biên tập viên các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số. Nâng cao trách nhiệm, ý thức của toàn dân trong việc giữ gìn sự trong sáng và làm giàu tiếng Việt trên cơ sở nói và viết đúng chuẩn mực về phát âm, chính tả, chữ viết, từ ngữ, ngữ pháp và phong cách ngôn ngữ. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các dân tộc nước ta cần vừa bảo tồn, phát huy tiếng mẹ đẻ, không ngừng học tập tiếng Việt, vừa biết ít nhất một ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ, tiếp thu khoa học - công nghệ, tinh hoa văn hóa nhân loại.
6- Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao hiểu biết, tạo ảnh hưởng lan tỏa về những giá trị có tính biểu tượng quốc gia - dân tộc đi đôi với tôn trọng, phát huy các loại hình văn hóa đa dạng của từng cộng đồng dân tộc, địa phương.
Bất kỳ một quốc gia - dân tộc nào cũng có những biểu tượng riêng, như quốc kỳ, quốc ca, quốc huy, quốc lễ, quốc phục, quốc hoa, quốc tửu, quốc yến... Những biểu tượng này kết tinh giá trị văn hóa, lịch sử, chính trị của mỗi quốc gia, có ý nghĩa cao quý và thiêng liêng, là niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi công dân. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là ngay trong các sinh hoạt hằng ngày cũng như trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao..., chúng ta cần làm sao cho bất cứ người dân của bất cứ dân tộc nào trên đất nước ta cũng thấy đó là biểu tượng chung có ý nghĩa thiêng liêng để có ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy. Từ các hoạt động chào cờ gắn với thực hành nghi lễ quốc gia hay nghi lễ chào cờ hằng tuần trong các trường học, các cơ quan, đơn vị, đến hoạt động treo quốc kỳ vào các ngày đại lễ hay trên những tàu, thuyền vươn khơi, bám biển, trên những tuyến biên giới, trên những giàn khoan ngoài đại dương để khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, từ giai điệu đến lời ca của bài quốc ca được vang lên trong các kỳ khai mạc đại hội... với hàng triệu trái tim Việt Nam cùng chung nhịp đập Tổ quốc - tất cả đã khơi dậy và lan tỏa những tình cảm thiêng liêng nhất về quốc gia - dân tộc, củng cố tình yêu Tổ quốc, khát vọng dân tộc.
Bên cạnh đó, ý thức quốc gia - dân tộc cũng được bồi đắp thông qua các hoạt động tôn vinh quốc phục (áo dài), quốc hoa (hoa sen) trong các lễ hội, tuần lễ du lịch, tuần lễ thời trang có sự tham gia của đông đảo bạn bè quốc tế, các tuần lễ văn hóa Việt Nam ở nước ngoài... Qua đó, mỗi con người Việt Nam thêm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc và có ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế.
Việc tôn trọng và phát huy các loại hình văn hóa đa dạng của từng cộng đồng dân tộc, địa phương có ý nghĩa quan trọng bảo đảm tính đa dạng của văn hóa Việt Nam. Các dân tộc thiểu số nước ta có hệ thống lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa rất phong phú và đặc sắc. Thực tiễn cho thấy, công tác tổ chức cũng như phục dựng các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa thời gian qua ở nhiều địa phương trên cả nước chưa đạt hiệu quả cao, chưa phát huy được vai trò chủ thể của người dân, chưa thực sự tạo được sự cộng cảm trong cộng đồng. Nhiều lễ hội xuất hiện một số biến tướng hoặc bị kẻ xấu lợi dụng để kích động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngoài ra, âm nhạc, vũ đạo, trang phục mang bản sắc văn hóa của một số dân tộc đã và đang bị mai một, thậm chí có nguy cơ thất truyền. Thực trạng trên đòi hỏi cần tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc trên cơ sở phát huy những yếu tố tích cực và hạn chế, dần loại bỏ các yếu tố lạc hậu; cần tổ chức hiệu quả công tác kiểm kê, chọn lọc, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số phục dựng các lễ hội truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện tự nhiên - xã hội, bảo đảm tính dân gian và tính sáng tạo của cộng đồng với tư cách chủ thể văn hóa; phân loại quy mô tổ chức các lễ hội (theo cấp quốc gia hoặc cấp địa phương), tránh tổ chức tràn lan, lãng phí. Hoàn thiện cơ chế bảo tồn, khôi phục và truyền bá các loại hình văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt diễn xướng dân gian, ca múa nhạc dân gian, các trò chơi dân gian gắn với không gian sinh hoạt văn hóa và môi trường lao động của cộng đồng.
***
Như vậy, có thể khẳng định, văn hóa Việt Nam là sự thống nhất trong đa dạng sắc thái văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc. Tính thống nhất không triệt tiêu tính đa dạng, mà là cơ sở để tính đa dạng được thể hiện phong phú hơn, có môi trường bộc lộ tốt hơn thông qua giao thoa văn hóa, sự học hỏi và tiếp thu lẫn nhau giữa các dân tộc. Tính đa dạng bổ sung, làm phong phú, tăng cường tính thống nhất, làm cho cái riêng luôn được chắt lọc, lựa chọn được phần tinh túy để bồi đắp vào cái chung. Mọi biểu hiện tuyệt đối hóa tính đa dạng mà phủ nhận tính thống nhất, hoặc tuyệt đối hóa tính thống nhất mà phủ nhận tính đa dạng đều dẫn tới sai lầm. Chính vì vậy, bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam đòi hỏi phải được nhận thức thống nhất, phải được thao tác hóa thành những tiêu chí cụ thể để thuận lợi khi nhận thức, giáo dục, hoạch định chính sách cũng như thực hành văn hóa trong đời sống hằng ngày; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
--------------------------------
(1) Xem Nguyễn Quang Lê: Nhận diện bản sắc văn hóa qua lễ hội truyền thống người Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr. 14
(2) Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2019
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 249
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 170
Lưới an sinh xã hội hướng tới nền kinh tế vì con người ở Việt Nam  (21/06/2021)
Xu hướng biến đổi của lễ hội truyền thống hiện nay  (30/05/2021)
Khai mạc “Năm Du lịch quốc gia - Ninh Bình 2021” với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”  (21/04/2021)
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân Việt Nam  (09/12/2020)
Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch Thủ đô  (27/11/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên