Giá trị văn minh - một đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
TCCS - Văn minh là một thành tố trong đặc trưng hàng đầu của xã hội xã hội chủ nghĩa được nêu trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đồng thời cũng là một trong những mục tiêu phát triển của đất nước, phù hợp với giá trị tiến bộ phổ quát mà nhân loại đang hướng tới. Trong giai đoạn phát triển mới, giá trị văn minh ngày càng được khẳng định, đề cao và phát triển lên một tầm cao mới.
Văn minh là tiêu chí quan trọng của tiến bộ xã hội, cũng là một đặc trưng của xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Văn minh có nội hàm rất phong phú. Từ điển Chính trị vắn tắt do Nhà xuất bản Tiến bộ (Mát-xcơ-va) và Nhà xuất bản Sự thật đồng ấn hành năm 1988 ghi: Văn minh có 3 cách hiểu như sau: Đồng nghĩa với văn hóa; trình độ, giai đoạn phát triển của nền văn hóa vật chất và tinh thần; giai đoạn phát triển xã hội sau thời đại dã man(1).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội hàm khái niệm văn minh được hiểu đồng nghĩa với văn hóa; văn minh là sự đối lập với dã man, mông muội, lạc hậu; văn minh trên cả phương diện vật chất và tinh thần. Như vậy, văn minh, theo nghĩa rộng, là tổng hòa các giá trị sáng tạo của nhân loại, bao gồm văn minh vật chất, văn minh tinh thần, văn minh chính trị, văn minh xã hội, văn minh sinh thái… Văn minh, theo nghĩa hẹp, có nội dung về phương diện tinh thần, về tư tưởng, lý luận, đạo đức, văn học, nghệ thuật, giáo dục và khoa học, những sinh hoạt xã hội của nhân loại. Xét cho cùng, tiêu chí của văn minh là sự tiến bộ ở đỉnh cao.
Lịch sử xã hội loài người chứng kiến sự xuất hiện và tiêu vong của nhiều nền văn minh, khi sự tiến bộ này được thay thế bằng sự tiến bộ khác cao hơn, phù hợp hơn. Xã hội cộng sản chủ nghĩa với tất cả tính ưu việt vốn có là khát vọng về một nền văn minh trong tương lai. Tính tất yếu của sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản khẳng định điều đó.
Đặc trưng của văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa
Văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa phản ánh trào lưu tiến bộ của thời đại, phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, có những phẩm chất và đặc điểm ưu trội so với các loại văn minh đã từng có trong lịch sử.
Xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm chủ đạo. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là khoa học về những quy luật phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống lại sự áp bức, bất công; về xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa…
Kể từ khi ra đời cho đến nay, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã trải qua hơn 170 năm. Thế giới biến động không ngừng nhưng học thuyết Mác - Lê-nin vẫn chứng tỏ tính khoa học và cách mạng, có sức sống trường tồn. Tuy nhiên, để thích ứng với thời đại mới, cần nghiên cứu và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lê-nin.
Xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(2). Đại hội VII cũng nêu rõ tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện cụ thể của nước ta và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của cả dân tộc(3).
Qua gần 35 năm đổi mới, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành tựu đó cũng chính là kết quả của quá trình thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, giải phóng và không ngừng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo; phát triển các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp... thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác thông qua phúc lợi xã hội; giữ vững độc lập, tự chủ và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trong hội nhập quốc tế; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh sự phát triển của văn minh vật chất, văn minh tinh thần cũng đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đặc trưng thời đại và hấp thụ bản sắc tinh hoa của truyền thống Việt Nam. Đó là sự tích lũy hành vi chuẩn mực, thể hiện chủ nghĩa yêu nước Việt Nam mà trọng tâm là yêu hòa bình, nỗ lực cần cù lao động, chịu khó vươn lên… Chúng ta xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vì thế, phải làm cho văn minh tinh thần có tính thời đại sâu sắc.
Văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa có tính mở cửa và tính khoan dung mang lại cho Việt Nam những cơ hội quan trọng trong tiếp thu và sử dụng các nguồn lực từ bên ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững và hiệu quả hơn.
Tăng cường xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa
Từ năm 1986 đến nay, đời sống tinh thần của người dân đã có những thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã nảy sinh những biểu hiện tư tưởng đáng lo ngại, như việc giải quyết yêu cầu phát huy dân chủ, phản biện trong xã hội với yêu cầu giữ vững kỷ luật, kỷ cương chưa được xử lý tốt; các căn bệnh cơ hội, thực dụng, tham nhũng, lãng phí, nói không đi đôi với làm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn chưa được khắc phục; sự hẫng hụt, mất định hướng về giá trị đạo đức trong giai đoạn quá độ trong một bộ phận người dân; niềm tin tâm linh mù quáng có xu hướng tăng, dễ bị lợi dụng, kích động…
Trước tình hình đó, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng văn minh tinh thần nhằm tạo ra đời sống tinh thần tiến bộ trong xã hội.
Xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa là bộ phận quan trọng cấu thành xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa - xã hội phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế. Chỉ có xây dựng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tốt đẹp một cách đồng bộ mới khiến sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới đi đến thành công.
Văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa là tiêu chí quan trọng và là bộ phận cấu thành của sức mạnh tổng hợp của đất nước. Thực tế đã chứng minh, cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia không chỉ bao gồm thực lực kinh tế, khoa học - kỹ thuật, quân sự, mà còn bao gồm cạnh tranh tinh thần dân tộc và văn hóa. Sức mạnh tinh thần đẩy mạnh phát triển sức mạnh vật chất, khiến cho sức mạnh vật chất phát huy tốt hơn, có tác dụng to lớn hơn. Xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa giúp hình thành sự thống nhất tư tưởng chỉ đạo, có niềm tin lý tưởng chung, có quy phạm đạo đức cơ bản… khiến cho nó có thể vượt qua sự khác biệt về địa lý, dân tộc, ngôn ngữ, vượt qua các phương diện lợi ích, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mang đến sức mạnh tinh thần chung; xác lập thế giới quan, nhân sinh quan, quan điểm giá trị kiên định niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, tăng cường lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong xã hội thực hiện công cuộc đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tăng cường xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa, ra sức phát triển văn hóa xã hội chủ nghĩa, hấp thu những thành quả ưu tú của văn minh nhân loại, tích cực đóng góp vào sự phát triển văn minh thế giới cũng chính là quá trình tăng cường sự lan tỏa của văn hóa Việt Nam ra bên ngoài.
Công cuộc đổi mới ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, với những chuyển biến trong tái cấu trúc nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu giai đoạn phát triển mới. Vì thế, chúng ta cần tăng cường nhận thức về sự cấp thiết và vai trò quan trọng của sự nghiệp xây dựng văn minh tinh thần xã hội chủ nghĩa, đồng thời với thúc đẩy sự nghiệp xây dựng văn minh vật chất.
Trước hết, trong quá trình hội nhập, cần thống nhất nhận thức về phát triển văn hóa. Trong thế giới toàn cầu hóa, văn hóa là cơ sở vững chắc để gắn kết, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, mấu chốt là phải xác lập được hệ giá trị văn hóa dân tộc trong hệ giá trị văn hóa nhân loại. Cùng với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức, văn hóa ngày càng trở thành nhân tố có ý nghĩa quyết định thực lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, bảo đảm an ninh, sự phát triển bền vững và sức cạnh tranh quốc gia. Văn hóa không đơn thuần là những giá trị tinh thần mà ngày càng thâm nhập, gắn kết với các thành tố của lực lượng sản xuất, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo ra những giá trị vật chất mới. Văn hóa chính trị, cốt lõi là văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa nói riêng, phát triển quốc gia nói chung. Con người là chủ thể sáng tạo, gìn giữ, truyền bá thụ hưởng văn hóa. Phát triển văn hóa gắn liền với xây dựng con người, mấu chốt là phát triển con người toàn diện, phát huy quyền con người, quyền làm chủ và tiềm năng sáng tạo của con người.
Phát triển văn hóa gắn liền với việc thực hiện các mục tiêu chiến lược tổng quát của đất nước. Mục tiêu phát triển văn hóa là xây dựng và không ngừng phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ, khoa học; đưa văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, thật sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện có phẩm chất, năng lực, thực sự là chủ thể sáng tạo trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Không ngừng nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đẩy mạnh giáo dục tố chất, đặc biệt là với nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, đào tạo nhân tài. Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; phổ cập tri thức khoa học, phát huy tinh thần khoa học, hình thành xã hội đề cao khoa học, đề cao sáng tạo, loại bỏ mê tín và phi khoa học. Tiến bộ của khoa học và công nghệ sẽ thúc đẩy văn hóa, nghệ thuật phát triển, tạo điều kiện cho các giá trị tinh thần đi vào chiều sâu, nâng cao dân trí, đời sống tinh thần và sáng tạo của con người, khắc phục các căn bệnh của xã hội tiểu nông.
Đổi mới thể chế văn hóa, giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất văn hóa, hình thành môi trường phát triển sự sáng tạo văn hóa. Thúc đẩy sáng tạo phong cách, trường phái tích cực, trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, bao dung cá tính, cổ vũ sức sáng tạo văn học, nghệ thuật phong phú, đa dạng, khuyến khích tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người làm công tác văn hóa, đề cao chất lượng sản phẩm văn hóa, xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật mang tính tư tưởng, nghệ thuật cao. Hướng tới xây dựng những công trình văn hóa lớn phục vụ quần chúng. Tăng cường xây dựng văn hóa trong cư dân nông thôn, thành thị, phát triển đa dạng các loại dịch vụ văn hóa; tăng cường xây dựng văn hóa mạng, giữ vững “trận địa” báo chí, xuất bản, mở rộng không gian văn hóa tinh thần lành mạnh. Muốn vậy, cần phải tạo ra sự phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực: xây dựng hệ giá trị văn hóa; phát huy phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp; nâng cao đạo đức công dân; làm phong phú sản phẩm văn hóa, xuất hiện nhiều hơn nữa tác phẩm có giá trị, thiết lập hệ thống dịch vụ văn hóa công cộng bao phủ toàn xã hội; đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế; lấy văn hóa dân tộc làm chủ thể thu hút tinh hoa văn hóa thế giới, tăng cường xây dựng đội ngũ nhân tài. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức công dân, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, mỹ đức gia đình, phẩm cách đạo đức cá nhân, thúc đẩy xã hội học tập…
Mỗi công dân phải bảo đảm tự tâm hướng thiện, tự giác duy trì đạo đức chung, đề cao các giá trị chân, thiện, mỹ, vứt bỏ cái giả, cái ác, cái xấu, thúc đẩy ngày càng nhiều những điều tốt đẹp trong xã hội. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, để xứng đáng là một đảng cách mạng chân chính, đảng tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại, Đảng ta phải thực sự là hiện thân của “đạo đức”, “văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Và chỉ có như thế, Đảng mới chiếm trọn niềm tin của nhân dân, tiếp tục chèo lái thành công con thuyền cách mạng Việt Nam tiến về phía trước./.
------------------------------
(1) Xem: Từ điển Chính trị vắn tắt, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1998
(2), (3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chịnh trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.51, tr.29-30
Khoa học và công nghệ - động lực cho phát triển  (12/11/2020)
Tây Ninh: Tiếp tục bứt phá phát triển, vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước  (13/10/2020)
Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương làm việc tại Bắc Ninh  (26/08/2020)
Petrovietnam: 45 năm sứ mệnh tìm dầu  (18/08/2020)
Đồng chí Trần Quốc Vượng thăm cụm công nghiệp Khí Điện Đạm Cà Mau  (10/08/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên