Tỉnh Quảng Ninh - Du lịch văn hóa và câu chuyện của 10 năm…
TCCS - Sự gắn kết giữa văn hóa với du lịch theo chủ trương của tỉnh đã từng bước định hình một ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh. Từ không có gì, du lịch văn hóa giờ đây đã trở thành một trong 4 loại hình du lịch chủ đạo, có sự phát triển khá mạnh của Quảng Ninh. Đó là câu chuyện của 10 năm trở lại đây…
“Đánh thức” du lịch văn hóa tâm linh
Chỉ 10 năm trước đây, khái niệm du lịch văn hóa tâm linh ở Quảng Ninh còn xa vời. Khi ấy, Yên Tử đông khách thăm quan, lễ phật nhất và khách hành hương đi kiểu “mùa xuân trảy hội”. Đây cũng là khu di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo sớm từ nhiều nguồn vốn, từ vốn ngân sách theo chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa cho tới nguồn thu từ công đức, nguồn vốn xã hội hóa khác.
Vì vậy, khi đó thì hệ thống chùa, am, tháp của Yên Tử cơ bản đã được tu bổ; các tuyến hành hương bộ cũng được mở rộng, kè lát đá, giảm thiểu tình trạng “thắt cổ chai” như trước kia. Và doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư vào di tích ở tỉnh Quảng Ninh là Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm, cũng là đơn vị đầu tư vào Yên Tử với hệ thống cáp treo lên các điểm chùa và một số công trình, dịch vụ phụ trợ khác.
Bên cạnh đó, đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa rất lớn và hoàn thành giai đoạn 1 (cuối năm 2009) còn có công trình chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, với tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng.
Còn lại, rất nhiều di tích lớn, nhỏ của Quảng Ninh khi đó đa phần trong tình trạng xuống cấp, hàng năm trông chờ chủ yếu vào nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, chủ yếu chỉ đủ vá víu, chống xuống cấp tạm thời. Quy mô, giá trị lớn nhưng hoang tàn với hầu hết là phế tích khi đó phải kể đến khu di sản nhà Trần ở Đông Triều…
Giải quyết bài toán này, tỉnh Quảng Ninh có chủ trương gắn việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản phục vụ phát triển du lịch. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, từ công tác quản lý tới khâu đầu tư, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích sau đầu tư. Rồi chủ trương xã hội hóa trong đầu tư cho di tích đã mở đường cho hàng loạt di tích “hồi sinh”.
Giai đoạn này, không chỉ Yên Tử “thay da đổi thịt” với hệ thống dịch vụ dưới chân núi là Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử được đầu tư, mà khu di sản nhà Trần cũng “hồi sinh” với hàng loạt các kiến trúc được phục hồi, tôn tạo cùng hệ thống dịch vụ đi kèm.
Các đình, đền, chùa, miếu lớn, nhỏ cũng được đầu tư khang trang, bề thế, như chùa Ba Vàng (Uông Bí), chùa Đống Phúc (Quảng Yên), chùa Cảnh Huống (Đông Triều), đền Cửa Ông (Cẩm Phả) - đền Cặp Tiên (Vân Đồn)… Nguồn vốn nhà nước cũng đầu tư cho các công trình tín ngưỡng khó huy động xã hội hóa, như đình Phong Cốc, đình Trung Cốc, đình Trà Cổ, khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng 1288 tại Quảng Yên…
Diện mạo các di tích thay đổi theo hướng khang trang, sạch đẹp, nhiều lễ hội gắn với các di tích được phục hồi, sức hút với du khách cũng tăng lên. Các điểm di tích nay đa phần đều trở thành các điểm du lịch địa phương, năm nay bị tác động do dịch COVID-19 nên giảm lượng khách đáng kể, tuy nhiên những năm trước đây đều thu hút hàng triệu lượt khách hằng năm. Không chỉ đông khách vào mùa hội xuân mà từng bước giảm tính mùa vụ, thu hút khách bốn mùa.
Làm tốt nhất điều này có lẽ vẫn là Yên Tử. Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm đã có sự liên kết với các công ty lữ hành, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch để phục vụ du khách. Hơn thế, không chỉ đón khách nội, doanh nghiệp còn đón khách nước ngoài, như khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Không kể năm nay bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, những năm trước đây, trung bình hàng năm công ty đón khoảng 200 nghìn khách nước ngoài về với Yên Tử.
Khởi sắc du lịch trải nghiệm văn hóa
Bên cạnh dòng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa địa phương ở Quảng Ninh cũng có cơ hội rất lớn để phát triển. Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Du lịch Sen Á Đông Đoàn Văn Dũng chia sẻ: “Quá trình phát triển của công ty, chúng tôi nhận thấy là du khách ngày càng có xu hướng tìm đến các sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa. Chính vì vậy, chúng tôi đặt vấn đề xuyên suốt trong các sản phẩm du lịch trải nghiệm của mình sẽ đem yếu tố văn hóa đến giới thiệu tới du khách…”
Ở Quảng Ninh thì Tổng công ty cổ phần Du lịch Sen Á Đông là doanh nghiệp tiên phong, luôn coi trọng việc khai thác các sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao. Đơn cử như sản phẩm “Một ngày làm ngư dân” phục vụ du khách trải nghiệm cuộc sống làm nghề của ngư dân các làng chài trên Vịnh Hạ Long. Mô hình du lịch làng quê Yên Đức (xã Yên Đức, Đông Triều) vào năm 2011, giới thiệu những nét văn hóa làng quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ tới du khách trên hành trình từ Hà Nội về Hạ Long. Gần đây, đơn vị cũng đang khảo sát nhằm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu…
Bà Nguyễn Thị Chi Ngân, một du khách lưu trú tại phường Bạch Đằng, thành phố Hạ Long, khi cùng bạn bè đến với mô hình du lịch làng quê Yên Đức, đã bày tỏ: Thăm làng quê, chúng tôi thấy rất hấp dẫn vì đây là một vùng quê trù phú gắn liền với những di tích lịch sử, những nét văn hóa thấm đẫm truyền thống văn hóa của dân tộc, của quê hương, như hang 73, chùa Cảnh Huống…
Nghe giới thiệu thì nhiều nhưng hôm nay, tôi mới được lưu lại lâu hơn để tìm hiểu kỹ hơn, rồi được làm nông dân đi cắt lúa, đơm đó, xay lúa, giã gạo và được đóng vai những cô thôn nữ gánh lúa đi hái hoa sen. Chúng tôi rất mê mô hình du lịch ở đây vì xây dựng lại một nét đẹp của làng quê Việt, của Quảng Ninh. Quảng Ninh không chỉ đẹp bởi vùng than, bởi di sản thiên thiên thế giới mà còn đẹp cả về những phong tục tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có làng quê Yên Đức…
Không chỉ Sen Á Đông, nhiều doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị cũng nắm bắt kịp thời xu hướng du lịch gắn với trải nghiệm văn hóa, từ đó đầu tư các sản phẩm phù hợp để đáp ứng nhu cầu du khách.
Đơn cử như mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống, văn hóa đặc trưng của người dân vùng đảo Quan Lạn (Vân Đồn), với 2 chủ đề “Khám phá lịch sử, văn hóa hào hùng đảo Quan Lạn” và “Một ngày làm ngư dân trên đảo”; các mô hình trải nghiệm văn hóa tại Bảo tàng Quảng Ninh; tại vùng cao huyện Bình Liêu; trải nghiệm mô hình chợ phiên vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa tại Quảng Ninh Gate (Đông Triều); du lịch sinh thái và thể thao mạo hiểm tại khu vực vùng cao của thành phố Hạ Long…
Dù phát triển chưa mạnh mẽ, chưa nhiều sản phẩm nhưng qua đó đã cho thấy những giá trị văn hóa độc đáo riêng của tỉnh Quảng Ninh, những trải nghiệm mới lạ để du khách hòa mình vào đời sống thực của người dân địa phương, tận hưởng và cảm nhận nét văn hóa miền biển nói riêng.
Đánh giá về lợi thế phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa ở Quảng Ninh, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, nhận định: Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh ven biển với đặc trưng văn hóa miền biển là nét độc đáo không thể mất đi trong lối sống hàng ngày, những hoạt động sản xuất, sinh hoạt, tập quán, lễ hội của người dân, rồi những di tích lịch sử, tín ngưỡng trải khắp các địa phương của tỉnh cũng như nét đặc trưng văn hóa các dân tộc cùng sinh sống nơi đây tạo nên rất nhiều sắc màu văn hóa đặc sắc, cuốn hút du khách trải nghiệm.
Đối với du lịch Quảng Ninh, ông Tuấn cho rằng, việc gia tăng các dịch vụ trải nghiệm văn hóa bản địa cho các đoàn khách có ý nghĩa quan trọng nhất là hướng mở rộng không gian phát triển du lịch ra các địa phương khác, tránh tập trung quá mức ở khu vực thành phố Hạ Long.
Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cũng như kết cấu hạ tầng ở những địa phương khác trong tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, tăng cường quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh. Trên cơ sở đó xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh với những màu sắc thiên nhiên và văn hóa mới lạ, độc đáo, đa dạng, giúp nâng tầm du lịch Quảng Ninh trên thị trường trong nước và quốc tế./.
Khởi sắc vùng căn cứ địa cách mạng  (03/09/2020)
Du lịch Hà Nội nỗ lực vượt khó  (03/09/2020)
Chính thức đóng điện lưới quốc gia ra đảo Trần  (02/09/2020)
Xây dựng nông thôn mới: Công tác tuyên truyền đi trước  (02/09/2020)
Khẳng định vai trò của lực lượng biên phòng trong công tác dân vận  (02/09/2020)
Tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh  (27/08/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam