Phụ nữ Bắc Ninh sản xuất, kinh doanh giỏi, sáng tạo khởi nghiệp và tham gia phát triển kinh tế
TCCS - Chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành, nghề trong mọi lĩnh vực ở Việt Nam, phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỉnh Bắc Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi và môi trường cho sự phát triển của doanh nghiệp và khởi nghiệp. Trong những năm qua, các nữ doanh nhân của tỉnh không chỉ “đảm việc nhà”, mà còn “giỏi việc nước”, thực thụ là “những chiến sĩ” trên thương trường đầy cam go và thử thách.
Phụ nữ Bắc Ninh tham gia sản xuất, kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp
Phụ nữ Việt Nam ngày càng tham gia và phát huy vai trò của mình trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề mới mà trước đây dường như chỉ dành cho nam giới. Ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành chính trị gia, nữ doanh nhân thành đạt, nhà quản lý năng động. Tại tỉnh Bắc Ninh, trong những năm qua, cùng với phong trào thi đua của toàn tỉnh, các tầng lớp phụ nữ Bắc Ninh luôn năng động, sáng tạo, tích cực thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp, thực hiện hiệu quả các phong trào:“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi”,“Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”,“Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”,“Nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả”… từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, ngày 30-6-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án“Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Ngay sau khi được ban hành, mặc dù là hoạt động mới, có nhiều khó khăn, nhưng các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án.
Để kịp thời nắm bắt, giải quyết khó khăn, vướng mắc của phụ nữ và những vấn đề đặt ra, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tổ chức đối thoại với phụ nữ nói chung và các doanh nghiệp nữ nói riêng để lắng nghe chị em bày tỏ những băn khoăn, vướng mắc, tập trung vào các vấn đề như hỗ trợ vay vốn, sáng tạo khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao… Năm 2018, tỉnh tổ chức cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” với 21/475 ý tưởng được vào vòng chung khảo và đã giới thiệu 2 ý tưởng tham dự “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” cấp Trung ương là “Mô hình giáo dục ứng dụng khoa học - công nghệ” và “Áp dụng khoa học - kỹ thuật trồng nấm theo tiêu chuẩn VIETGAP”. Kết quả, cả 2 ý tưởng của tỉnh đều lọt vào TOP 5 và TOP 20 trong số 137 ý tưởng toàn quốc, trong đó có một ý tưởng xuất sắc tiêu biểu được nhận mức tài trợ là 100 triệu đồng và một ý tưởng nhận mức tài trợ là 50 triệu đồng.
Đến năm 2020, toàn tỉnh có 4.078 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các cấp Hội đã giúp đỡ, hỗ trợ 952 phụ nữ khởi nghiệp. Với gói hỗ trợ 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho phụ nữ khởi nghiệp vay, đến nay, đã giải ngân 110 dự án phụ nữ khởi nghiệp. Các cấp Hội đang quản lý 1.445,8 tỷ đồng từ các ngân hàng và đã cho 48.772 lượt hội viên phụ nữ vay. Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế tiếp tục được duy trì ở các cơ sở Hội, có 89.590 lượt giúp đỡ của doanh nghiệp nữ và những phụ nữ có kinh tế khá giả cho 29.112 lượt chị em khó khăn bằng hình thức cho vay tiền, vàng, con giống, vật tư nông nghiệp..., với tổng trị giá thành tiền là 151 tỷ đồng. Hoạt động tiết kiệm của cán bộ, hội viên được duy trì thường xuyên ở các cơ sở Hội. Đã có 193.154 chị em phụ nữ tham gia tiết kiệm tại các cơ sở hội; từ nguồn tiết kiệm, đã giúp cho 51.614 lượt chị em có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, với số tiền lên đến 206.235,467 tỷ đồng, tiêu biểu là Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh duy trì Quỹ “Vì nữ công nhân lao động nghèo” cho 1.700 nữ công nhân vay trị giá hơn 11 tỷ đồng...
Các cấp Hội vận động phụ nữ tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển khu công nghiệp, làng nghề truyền thống, xây dựng nông thôn mới; chủ động khai thác các nguồn lực, xây dựng các mô hình kinh tế; nâng cao chất lượng quản lý hoạt động vay vốn, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; giúp phụ nữ nghèo; dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ... Bên cạnh đó, tháng 8-2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh cho 200 phụ nữ trên địa bàn tỉnh, với nội dung “Tự tạo lập kênh truyền thông số với mạng xã hội và thực hành các công nghệ sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ”. Các chị em được hướng dẫn và cung cấp những kiến thức cơ bản để tạo lập các kênh quảng bá trên mạng xã hội, nhận diện khách hàng tiềm năng, quy hoạch truyền thống, hệ thống bán lẻ và khách hàng, phân tích nhóm tiêu dùng trọng tâm, cách thức xây dựng và sử dụng phim quảng cáo trên mạng xã hội; giới thiệu những công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phế phẩm hữu cơ, các giải pháp bảo vệ thực vật chi phí thấp, định hướng các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản, sấy nhiệt thấp, sấy lạnh gia công…
Bằng nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của các cấp Hội, phụ nữ Kinh Bắc nói chung và nữ doanh nhân Bắc Ninh nói riêng ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, sự đóng góp của mình ở nhiều ngành, nghề, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất được chị em tích cực thực hiện, chú trọng sản xuất những cây, con có giá trị kinh tế cao, sản xuất thân thiện với môi trường, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống địa phương theo mô hình “Mỗi xã, phường 1 sản phẩm”, “Sản xuất theo vùng chuyên canh, vùng hàng hóa”, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, cây rau màu có giá trị kinh tế cao, phát triển các mô hình kinh tế trang trại và trồng cây ăn quả, trồng hoa, cây cảnh.
Trên địa bàn tỉnh, có nhiều phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp và phát triển kinh tế trang trại theo hướng công nghiệp hóa; nhiều trang trại có quy mô lớn do phụ nữ làm chủ và trực tiếp điều hành, điển hình như chị Hoàng Thị Thư (thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành) với mô hình nuôi 87 lồng cá trên diện tích sông 3.132m2, doanh thu hằng năm là 2,5 tỷ đồng; chị Nguyễn Thị Hiến (thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình) sản xuất rau, củ quả sạch kết hợp chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp sạch, với diện tích gần 10ha, tổng thu nhập hằng năm đạt từ 1,2-3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động; chị Vũ Thị Nhở (thôn Lai Nguyễn, xã Trung Kênh, huyện Lương Tài) với 3 mẫu ở bãi ngoài đê trồng ớt, lạc, dưa, đỗ, cà rốt... thu nhập trừ chi phí lãi 200 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi của chị Trịnh Thị Mý (xã Phù Lương, huyện Quế Võ) phát triển đàn 73 con lợn nái, 850 con lợn thịt, 12 mẫu cá... thu nhập từ 2 đến 4 tỷ đồng/năm; chị Nguyễn Thị Loan (khu phố Ao Sen, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn) chuyển đổi 1.000m2 diện tích lúa sang trồng 120 gốc bưởi, đào trên 1 mẫu ao thả cá, nuôi 2.000 con vịt, 1.500 con gà... thu nhập trên 300 triệu/năm; chị Hoàng Thị Huyền, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Tử Nê (xã Minh Đạo, huyện Tiên Du) với trang trại lợn trên 2.000 con, tạo việc làm cho 10 công nhân làm việc thường xuyên, doanh thu mỗi năm gần 1 tỷ đồng... Trên địa bàn tỉnh, có hàng nghìn phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp giỏi với mức thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh và dịch vụ: Bắc Ninh có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề truyền thống. Đây là điều kiện quan trọng để cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh tham gia duy trì, mở rộng và phát triển các ngành nghề truyền thống. Đặc biệt, các nữ chủ doanh nghiệp, nữ doanh nhân tích cực đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh; đa dạng hóa và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nhiều chị em năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mở mang các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn, sản xuất hàng hoá, đưa sản phẩm của đơn vị mình trở thành sản phẩm có thương hiệu và uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ.
Trong tỉnh có nhiều tấm gương tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Mai (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn) phát huy thế mạnh của địa phương có nghề truyền thống, đã thành lập Công ty Đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Đức Thắng, hằng năm cho thu nhập trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 130 lao động với thu nhập bình quân 5-10 triệu đồng/người/tháng; chị Hoàng Thị Bình, chủ doanh nghiệp Bình Anh Thái (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành) chuyên sản xuất các sản phẩm nước tẩy rửa, nước giặt, nước rửa chén, nước lau sàn, nước tẩy đa năng, thu nhập bình quân hằng năm là 3 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 20 lao động làm việc; chị Nguyễn Thị Sáu (Đại Mão, Hoài Thượng, Thuận Thành) áp dụng khoa học - kỹ thuật cho dây chuyền may màn có quy mô lớn, có doanh thu hằng năm khoảng 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động; mô hình may áo dài thời trang của chị Nguyễn Thị Thảnh (thôn Trung Thành, xã Đại Lai, Gia Bình) doanh thu đạt 700 - 800 triệu/năm; mô hình sản xuất đồ đồng mỹ nghệ của chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Đoan Bái, xã Đại Bái, Gia Bình) có doanh thu 6-7 tỷ đồng/năm…
Từ sự chỉ đạo trực tiếp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các phong trào thi đua của phụ nữ Bắc Ninh trong 5 năm qua đã giúp được 29.112 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và có 2.536 phụ nữ đã vươn lên thoát nghèo. Những nỗ lực của phụ nữ trong lao động, sản xuất, kinh doanh góp phần tích cực vào sự phát triển và thành tựu chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Ninh ngày càng giảm (2,2% năm 2015 giảm còn 1,27% năm 2019); tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng; quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 7 toàn quốc; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2 toàn quốc; thu nhập bình quân đầu người đạt 73,3 triệu đồng/năm, đứng thứ 5 toàn quốc.
Phát huy vai trò của các cấp Hội trong hỗ trợ phụ nữ Bắc Ninh phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp
Để ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ Kinh Bắc nói chung và đội ngũ nữ doanh nhân Bắc Ninh nói riêng trong thời kỳ mới, nhất là trong phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua với những mục tiêu, việc làm cụ thể, nội dung thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng và tính tự nguyện tham gia tích cực của các tầng lớp phụ nữ. Tập trung đổi mới cách thức tổ chức, động viên các tầng lớp phụ nữ thi đua thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; mọi hoạt động phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của hội viên, phụ nữ, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tính đặc thù của địa phương, đơn vị. Tổ chức vận động hội viên, phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; tham gia phong trào phụ nữ khởi nghiệp, các hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm nghèo bền vững; chủ động, tích cực trong nghiên cứu khoa học, phát huy nội lực, tính cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ba là, phát huy vai trò của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp; nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc đối thoại với các hội viên phụ nữ. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ trong việc rèn luyện những giá trị về chuẩn mực, phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Bốn là, các cấp Hội chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Hội vững mạnh toàn diện, đổi mới hình thức tập hợp hội viên, tăng cường bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tư tưởng, nguyện vọng của chị em; chủ động và tích cực tham mưu các cấp ủy, chính quyền chăm lo phát triển nguồn nhân lực nữ.
Trong sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh Bắc Ninh hiện nay, cộng đồng nữ doanh nhân nói riêng và phụ nữ Bắc Ninh ngày càng tự tin khẳng định bản lĩnh, tài năng trong sự nghiệp kinh doanh, sáng tạo khởi nghiệp của mình, tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại  (24/09/2020)
Thi đua yêu nước - Động lực để EVN hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ  (14/09/2020)
Khởi sắc vùng căn cứ địa cách mạng  (03/09/2020)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên