Chủ nghĩa cộng đồng và việc phát huy các giá trị cộng đồng trong việc ứng phó với khủng hoảng COVID-19 ở Việt Nam
TCCS - Chủ nghĩa cộng đồng đề cao giá trị cộng đồng: lợi ích chung, phúc lợi chung và các quyền mang tính cộng đồng, coi đó là sợi dây liên kết hành động của cá nhân, xác định các quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân đối với cộng đồng. Chủ nghĩa cộng đồng đã thể hiện vai trò đối với sự phát triển các mô hình dân chủ điển hình tại châu Á, đặc biệt còn là yếu tố quan trọng được phát huy mạnh mẽ, hiệu quả trong ứng phó với đại dịch COVID-19 ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á hiện nay.
Một số vấn đề về chủ nghĩa cộng đồng
Chủ nghĩa cộng đồng là một xu hướng triết học xã hội và chính trị nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng trong các hoạt động của đời sống chính trị, trong phân tích và đánh giá của các thiết chế chính trị, trong việc tìm hiểu bản sắc con người và hạnh phúc.
Chủ nghĩa cộng đồng đề cao giá trị cộng đồng và giá trị cộng đồng được xác định bởi: Thứ nhất, đó là một mạng lưới các mối quan hệ ảnh hưởng và củng cố lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng hơn là các mối quan hệ đơn lẻ giữa các cá nhân với cá nhân đơn thuần. Thứ hai, đó là sự cam kết với nền tảng của những giá trị chung, những quy phạm chung và ý nghĩa chung, cũng như lịch sử và bản sắc mang tính tập thể; tóm lại, đó là một nền văn hóa đạo đức mang tính đặc thù (1).
Chủ nghĩa cộng đồng có những đặc trưng chủ yếu sau:
Thứ nhất, chủ nghĩa cộng đồng đề cao thiện ích/lợi ích chung, lợi ích tập thể và quyền tập thể, nhấn mạnh tính đồng thuận cộng đồng, đề cao các giá trị gia đình, quyền kinh tế - xã hội và văn hóa. Đây là giá trị được nhắc đến nhiều và có nhiều biểu hiện trong thực tế và giao tiếp hằng ngày, đề cao tập thể hơn cá nhân. Đây là điểm khác biệt với phương Tây (nhấn mạnh tính riêng tư cá nhân).
Thứ hai, chủ nghĩa cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ không tách rời giữa nhà nước và xã hội với cộng đồng. Chủ nghĩa cộng đồng nhấn mạnh, nhà nước và xã hội là hình thức hiện hữu của các cộng đồng và coi cộng đồng chính là sự hiến thân vào nhà nước và xã hội. Điều đó tạo nên sự tập trung quyền lực và sự thừa nhận của xã hội với chủ thể quyền lực, từ đó cho phép chính phủ có các biện pháp can thiệp mạnh, điều hòa vì lợi ích chung.
Thứ ba, các quyền và trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng luôn được đề cao. Đối với chủ nghĩa cộng đồng, các quyền của cá nhân không tách rời lợi ích chung của xã hội cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân đó đối với cộng đồng, xã hội. Tùy theo mức độ mà sự cân bằng giữa các quyền và trách nhiệm được đề cập và vận dụng vào các xã hội với những đặc thù khác nhau. Chủ nghĩa cộng đồng đề cao mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng và xã hội với tính cách là một cộng đồng thống nhất, mang tính cộng đồng rất cao, được xem là tính cộng đồng của các cộng đồng. Đặc trưng này cho thấy cộng đồng tồn tại là nhờ mối liên kết gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên trong cộng đồng với những giá trị cùng chia sẻ, lợi ích chung được đề cao và có vai trò nền tảng.
Trong các xã hội bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cộng đồng, các cá nhân được xem là những “tế bào” gắn kết chặt chẽ với nhau và họ thường tìm thấy ý nghĩa của mình trong việc đóng góp vào tổng thể xã hội. Xã hội truyền thống Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những đặc điểm này. Các quyền con người của các cá nhân thường được nhấn mạnh trong sự song hành với quyền của cộng đồng, của quốc gia - dân tộc; các quyền của những cá nhân không tách biệt khỏi gia đình, cộng đồng, xã hội và không tách rời nghĩa vụ công dân. Vì vậy, văn hóa Việt Nam truyền thống nhấn mạnh đến các quyền của con người với tính cách là những thành viên của cộng đồng, là các quyền của cộng đồng.
Thứ tư, chủ nghĩa cộng đồng đề cao giá trị trật tự và thứ bậc. Trong các nền văn hóa châu Á, truyền thống tôn trọng trật tự và thứ bậc khá rõ nét, thể hiện ngay trong đời sống hằng ngày.
Tác động của chủ nghĩa cộng đồng trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 ở Việt Nam
Tối ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu.
Có thể nói, cuộc đối đầu với COVID-19 là một cuộc chiến sinh tử của toàn nhân loại. Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Một nửa nhân loại trên toàn cầu bị phong tỏa, “đóng cửa và ở yên trong nhà” là mệnh lệnh đối với hơn một nửa dân số thế giới (gần 4 tỷ người). Và thế giới đương đại cũng chưa từng chứng kiến một cuộc khủng hoảng, thảm họa hay bất kỳ một cuộc chiến nào có sức tàn phá và hủy diệt nhanh như đại dịch COVID-19.
“Cuộc chiến” với kẻ thù vô hình này đã thay đổi thế giới và giúp nhân loại ý thức rõ hơn về những giá trị cộng đồng, cho thấy giá trị cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng một thể chế công, bảo đảm các giá trị chung, lợi ích chung, tạo sự đồng thuận và hòa hợp hơn là các giá trị cá nhân, vị kỷ. Bên cạnh việc đề cao chủ nghĩa cộng đồng, khả năng ứng phó mau lẹ, cùng với chính sách, hành động quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp đã đem lại cho Việt Nam những thành công quan trọng trong ứng phó với đại dịch COVID-19.
Những giá trị cộng đồng đã được hiện thực hóa thông qua hành động quyết liệt của Chính phủ; sự tham gia, đồng lòng có trách nhiệm của người dân. Công thức “bốn tại chỗ” (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và thực hiện nghiêm 5 nguyên tắc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch), khả năng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đang cho thấy những ưu điểm rõ rệt, đặc biệt trong điều kiện các nguồn lực còn hạn chế như ở Việt Nam. Thành công của Việt Nam trong việc ứng phó, kiểm soát đại dịch COVID-19 là điều không thể không ghi nhận. Hãng thông tấn DPA của Đức ngày 13-4-2020 viết: “Không có bất kỳ ca tử vong nào và số ca nhiễm virus corona chủng mới chỉ dừng lại ở vài trăm người, cách ứng phó của Việt Nam với đại dịch COVID-19 đã nhận được sự khen ngợi từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và có thể là bài học cho các quốc gia trong việc chiến đấu để kiểm soát dịch bệnh”.
Tính đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ nhiễm tại Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc, Xin-ga-po, Đài Loan - những nơi được truyền thông quốc tế ca ngợi vì ứng phó hiệu quả với đại dịch. Kết quả khảo sát, đánh giá xếp hạng chính phủ của các quốc gia cũng như tín nhiệm của người dân đối với quyết sách của chính quyền trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của trang daliaresearch.com cho thấy, Chính phủ Việt Nam đạt tín nhiệm cao với sự ủng hộ rất lớn và thái độ hài lòng của người dân trong “cuộc chiến” này. Cụ thể, Việt Nam 62%, Argentina 61%, Áo 58%, Xin-ga-po 57%, Trung Quốc 56%, Nam Phi 56%.
Dù không phải quốc gia giàu có, nhưng Việt Nam được đánh giá là hình mẫu và tấm gương trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19. Hiệu quả ứng phó với đại dịch của Việt Nam chứng tỏ rằng, các giá trị cộng đồng là nền tảng gắn với vai trò không tách rời, sự tham gia của nhiều chủ thể của hệ thống chính trị Việt Nam. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến chính quyền cấp huyện, xã đến người dân, doanh nghiệp, truyền thông - báo chí. Công cuộc chống dịch đòi hỏi sự quyết liệt, sự tin tưởng, đồng lòng, chung sức của toàn dân, là cơ sở cho sự tập trung, thống nhất quyền lực, để những nỗ lực, hành động tập thể đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng trong việc hiện thực hóa những quyết sách của Trung ương. Đảng, Chính phủ Việt Nam đã hiệu triệu được sự đồng thuận và niềm tin của người dân. Ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 447/QĐ-TTg, ngày 1-4-2020, về việc công bố dịch COVID-19; trước đó là Quyết định số 173/QĐ-TTg, ngày 1-2-2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra - đây là cơ sở, căn cứ cho việc hoạch định, ban hành những chính sách tiếp theo trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành các chỉ thị (Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16), đưa ra những mệnh lệnh, yêu cầu người dân thực hiện những biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đồng thời, nhấn mạnh: “Hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, quyết tâm ngăn chặn có hiệu quả COVID-19 ở nước ta”.
Từ ngày 1-4-2020 đến ngày 23-4-2020, cả nước ta bước sang một giai đoạn mới với nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện giãn cách xã hội. Đây chính là thời điểm cần sự đồng thuận rất cao của cả cộng đồng. Sự đồng thuận đó còn được biểu hiện hết sức rõ nét, trên tất cả mọi phương diện, lĩnh vực của đời sống xã hội, từ việc đa số người dân chấp hành các hoạt động kiểm soát đến việc tự nguyện khai báo y tế và cao hơn nữa là việc đóng góp sức lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch. Chính tinh thần đoàn kết, sẻ chia và trách nhiệm, sự đồng lòng, đồng sức, đồng thuận cao trên phạm vi toàn xã hội trong chiến dịch phòng, chống COVID-19 đã khơi dậy tinh thần yêu nước, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước.
Sự bùng phát của COVID-19 nhắc nhở nhân loại về những giá trị cộng đồng mà mọi thành viên phải coi trọng, đó là một tập thể gắn kết, kỷ luật và lãnh đạo tốt. Việt Nam đã đạt được thành công quan trọng bước đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và cũng chỉ ra cho thế giới thấy sự chung sức, đồng lòng, làm việc như một thể thống nhất của toàn Đảng, toàn dân ta. Chính phủ Việt Nam đã giành được niềm tin của người dân. Đó chính là những giá trị của Việt Nam, thể hiện Việt Nam đã có cái nhìn và các quyết sách hợp lý, lâu dài.
Tiếp tục phát huy chủ nghĩa cộng đồng trong ứng phó với đại dịch COVID-19 trong giai đoạn tới
Trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với số người mắc bệnh và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Khi chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, thì chắc chắn cuộc chiến chưa thể kết thúc sớm. Lịch sử nhân loại cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng, loài người luôn có những tiến bộ vượt bậc trên ba lĩnh vực: 1- Nhận thức tư duy; 2- Phương thức vận hành hệ thống kinh tế - xã hội; 3- Năng lực công nghệ.
Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các ngành, các cấp, các địa phương, cả hệ thống chính trị đã đoàn kết, thống nhất triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn, hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội; bước đầu đã thu được nhiều kết quả tích cực, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến đấu chống đại dịch, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, đường đi đến thắng lợi còn dài và còn nhiều khó khăn phía trước, bởi vì thành quả mà chúng ta mong muốn sẽ không chỉ là chống dịch, mà còn là những nỗ lực nâng cấp nền tảng và thiết chế xã hội, thực lực kinh tế để đất nước tiến lên mạnh mẽ sau đại dịch. Trong nỗ lực này, Việt Nam cần coi trọng ba ưu tiên lớn:
Một là, xây dựng bộ máy công quyền ưu tú: Đây là một trong những yếu tố quyết định thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó là một hệ thống chính trị phát triển ổn định dựa vào sức mạnh dân tộc; hệ thống được tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; một thể chế dân chủ và pháp quyền đủ năng lực để thích nghi với bối cảnh của thế giới hiện đại còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Bên cạnh đó, cần có tầm nhìn, chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tinh hoa, tâm huyết và ưu tú; đổi mới phương cách quản lý và tuyển chọn đánh giá cán bộ phù hợp.
Hai là, phát triển hệ thống y tế hiện đại, có vị thế quan trọng ở khu vực châu Á. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, một hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh là giải pháp hiệu quả nhất, bao trùm nhất, kinh tế nhất để một quốc gia tiến gần hơn đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Theo Báo cáo giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ của Việt Nam đạt 73/100 điểm, có thể coi là khá cao so với mức chung trong vùng Đông Nam Á là 59/100 và toàn cầu là 64/100. Việt Nam là nước đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới công nhận kiểm soát hoàn toàn SARS (28-4-2003) và nghiên cứu xong trong một tháng bộ kiểm tra nhanh (Test Kit) phát hiện SARS-CoV-2... Những nỗ lực chủ động của Việt Nam chống COVID-19 diễn ra trong bối cảnh hệ thống y tế và chất lượng cuộc sống người dân đã có sự cải thiện lớn. Việt Nam đang tiến tới mục tiêu xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại và hoàn chỉnh hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển có vị thế quan trọng ở khu vực châu Á.
Ba là, khơi dậy niềm tin và sức mạnh của toàn dân tộc trong nỗ lực phát triển. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hiện nay đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để khơi dậy niềm tin, phát huy ý thức, trách nhiệm cộng đồng, sự đồng lòng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân./.
------------------------------
(1). Amitai Etzioni “The Common Good and Rights: A Neo-Communitarian Approach”. Available at http://aladinrc.wrlc.org/bitstream/handle/1961/5643/The%20Common%20G od%20and%20Rights%2c%20GTown0001.pdf . Last Accessed Oct. 10, 2014
(2). Francis Fukuyama: Asian Value and the Asian Crisis “Commentary”, tháng 2, 1998, tr. 23-27
Ngoại giao Việt Nam góp phần kiểm soát, khống chế đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế  (27/08/2020)
Sở Y tế Hà Nội: Vinmec là bệnh viện an toàn nhất trong đợt kiểm tra phòng dịch COVID-19  (25/08/2020)
MB đồng hành cùng tỉnh Quảng Nam chống dịch COVID-19  (20/08/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển