Thúc đẩy sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường
TCCS - Văn học - nghệ thuật là một thành tố cấu thành của văn hóa, với tính đặc thù góp phần xây dựng nhân cách con người, một phương diện phản ánh đời sống tinh thần của nhân dân và có khả năng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khi được “vật hóa” gắn với bản quyền - quyền sở hữu trí tuệ được luật pháp bảo hộ và được trao đổi trong nền kinh tế thị trường. Tạo ra nhiều sản phẩm văn học - nghệ thuật phong phú, đa dạng trong cơ chế thị trường là một trong những nhiệm vụ của công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
1- Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhất là từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, văn học - nghệ thuật cách mạng đã tham gia tích cực vào động viên, tổ chức lực lượng, phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc được phát huy cao độ đã tạo nên sức mạnh của toàn dân đánh thắng “hai đế quốc to” là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói, Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội là hai đề tài cao đẹp nhất của văn nghệ thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Bác Hồ đi theo ngọn cờ quang vinh của dân tộc Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đến thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, như Nghị quyết số 04-NQ/HNTW “Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” đã được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII thông qua ngày 14-1-1993 nhằm thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường, mở rộng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định “văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”(1). Nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống, văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế đã tham gia tích cực vào xây dựng tâm hồn con người, vì những điều tốt đẹp trong đời sống xã hội, có đóng góp quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn ba thập niên đổi mới. Tác phẩm văn học, nghệ thuật với tư cách là “nhà thư ký của thời đại” đã phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần thời đại, chủ nghĩa nhân văn thể hiện rõ nét, nhất là ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh và người cộng sản đã dấn thân, hy sinh cho độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, vì nền hòa bình chân chính và tiến bộ xã hội.
Văn học, nghệ thuật phê phán cái ác, cái xấu, sự tha hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm xây dựng nhân cách con người, nâng cao tâm hồn con người, khi Việt Nam bước vào phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, văn học, nghệ thuật đưa ra những thông điệp có giá trị tư tưởng cao, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và phục vụ nhân dân, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Để làm được điều đó, văn học, nghệ thuật đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, sáng tạo. Văn học, nghệ thuật có phong cách, cá tính độc đáo; có sự hài hòa giữa nội dung và hình thức; kết hợp với sử dụng ngôn ngữ trong sáng.
Thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã xuất hiện những tác phẩm đỉnh cao, nhưng cũng có những tác phẩm còn hạn chế về giá trị tư tưởng và nghệ thuật, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, đánh mất chức năng giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Có những tác phẩm thể hiện tư tưởng cực đoan, xuyên tạc, bóp méo lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và các cuộc kháng chiến chống xâm lược; thậm chí có tác phẩm độc hại và phản động, đi ngược lại lợi ích của nhân dân và đất nước. Trong đội ngũ những người sáng tác văn học, nghệ thuật ngày càng thiếu những chuyên gia lớn, xuất sắc. Nhìn chung, đội ngũ này nhiều nhưng không mạnh. Thời kỳ cả nước lên đường ra mặt trận, văn học, nghệ thuật đã góp phần động viên các tầng lớp nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc, trở thành bản hùng ca bất tử văn hóa Việt Nam được cả thế giới ngợi ca, trở thành câu trả lời của thời đại “Why Viet nam”. Trong thời gian từ năm 1990 đến nay, do tác động của cơ chế thị trường và toàn cầu hóa, một số văn nghệ sĩ bị suy thoái tư tưởng chính trị, thậm chí hùa theo, phụ họa luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Trong số đó có những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đã từng có những tác phẩm đỉnh cao ca ngợi Tổ quốc và nhân dân trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nay tiếp tay cho các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam. Họ quên rằng trong mối quan hệ giữa văn học và đời sống, văn học, nghệ thuật chính là những hình ảnh chủ quan (của người nghệ sĩ) về thế giới khách quan (tồn tại ngoài thế giới con người). Văn học, nghệ thuật biểu hiện đời sống tinh thần của con người, phản ánh tồn tại xã hội. Thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng tầm phản ánh công cuộc đổi mới vĩ đại của nhân dân làm cho đời sống con người thiếu cân bằng giữa định hướng giá trị với ảnh hưởng của cơ chế thị trường. Thậm chí, một số tác giả còn chạy theo thị hiếu tầm thường, khước từ vai trò định hướng giá trị chân, thiện, mỹ. Có những văn nghệ sĩ hùa theo phụ họa các luận điệu sai trái, thù địch, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Đồng thời, đội ngũ văn nghệ sĩ trưởng thành trong cơ chế bao cấp, chậm thích ứng với cơ chế thị trường, nhất là những lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như điện ảnh, đã hạn chế đến phát triển công nghiệp văn hóa. Muốn phát triển công nghiệp điện ảnh phải có con người, đội ngũ những người làm phim tài năng và tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm với sự nghiệp điện ảnh của dân tộc để phản ánh gương mặt tinh thần của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong lĩnh vực âm nhạc cũng có những vấn đề giống như trong lĩnh vực văn học. Từ chỗ là sức mạnh tinh thần được phát huy cao độ trong cách mạng giải phóng dân tộc, âm nhạc trong thời kỳ đổi mới chưa có nhiều tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và nhân văn, thậm chí những tác phẩm rẻ tiền, thiếu tính giáo dục xuất hiện khá nhiều. Nguồn nhân lực và chất lượng đội ngũ người làm công tác sáng tác âm nhạc còn hạn chế, chưa có nhiều nhạc sĩ tài năng, cũng góp phần làm cho thị trường âm nhạc méo mó, mất cân đối. Trong khi đó lại xuất hiện những tác giả nổi lên nhất thời, nhờ đánh bóng tên tuổi và công nghệ biểu diễn. Có hiện tượng “bùng phát rồi chết yểu” với những ca sĩ, diễn viên gắn với ca khúc nổi lên 1 - 2 năm, thậm chí mấy tháng, sau một thời gian tắt ngấm, gây bất lợi cho phát triển nghệ thuật. Thương mại hóa văn học, nghệ thuật là nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này. Vì thế cần chú trọng hơn đến trọng dụng nhân tài, xây dựng các trường bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, để trong thời gian tới có được những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nhân cách, tâm hồn con người Việt Nam, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.
Các lĩnh vực nghệ thuật khác, như sân khấu, múa, nhiếp ảnh, kịch, điêu khắc, mỹ thuật, kiến trúc,... cũng đòi hỏi phải nỗ lực phấn đấu để có tác phẩm có giá trị cao tư tưởng, có bản sắc riêng, không lai căng. Có cơ chế tôn vinh, trọng dụng những văn nghệ sĩ tài năng, có khát vọng vươn tới đỉnh cao trong nghệ thuật, vì Tổ quốc và nhân dân, lao động hết mình với nghệ thuật và lắng nghe hơi thở cuộc sống của nhân dân.
Tăng cường giao lưu và chủ động tích cực hội nhập quốc tế để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Chú trọng bồi dưỡng văn nghệ sĩ xuất sắc có khát vọng cống hiến vì Tổ quốc và nhân dân, có những tác phẩm văn học, nghệ thuật thể hiện được bản sắc văn hóa và con người Việt Nam, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng hướng, đóng góp vào tăng trưởng GDP và phát huy được sức mạnh của con người Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế.
2- Yêu cầu đặt ra với nền văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế là sáng tác được những tác phẩm ưu tú thể hiện tính tư tưởng và tính nhân dân sâu sắc. Sáng tạo văn học, nghệ thuật phải vì Tổ quốc và nhân dân, vì con đường đi lên của dân tộc - độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bảo đảm “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Muốn phát triển văn học, nghệ thuật phải tạo ra sự phong phú về tư tưởng, nghệ thuật, kích thích lực lượng sản xuất trong lĩnh vực văn hóa phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, xây dựng đạo đức và giáo dục thẩm mỹ nhằm thúc đẩy phát triển xã hội.
Một là, tiếp tục lựa chọn đúng phương hướng sáng tạo: Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử; sáng tạo thể hiện trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, thể hiện chân thực tinh thần của thời đại. Nhân dân sáng tạo nên công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế do Đảng lãnh đạo nên yêu cầu văn học, nghệ thuật phải có sứ mạng phục vụ nhân dân, vì Tổ quốc, theo đuổi giá trị chân, thiện, mỹ, phê phán cái giả, cái xấu, cái ác, tìm ra những phương thức sáng tạo nghệ thuật đa dạng góp phần vào sự nghiệp cách mạng. Phát huy dân chủ trong học thuật, dân chủ trong nghệ thuật, yêu cầu đa dạng về thể tài, đề tài. Hình thức, biện pháp đổi mới quan niệm, nội dung, phong cách, trường phái văn học, nghệ thuật phải thể hiện được tinh thần của thời đại, kết hợp giữa phát huy truyền thống dân tộc với chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm phong phú nền văn học nước nhà và tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc.
Hai là, tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp thực tiễn đất nước với đặc điểm mới của thời đại, phát triển nền văn hóa Việt tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển nền khoa học xã hội và nhân văn, đổi mới các môn học, quan điểm học thuật, phương pháp nghiên cứu hiện đại, đặc biệt là các chuyên ngành và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ khoa học xã hội và nhân văn.
Ba là, định hướng dư luận chính xác trong xã hội thông tin kết nối toàn cầu. Văn học, nghệ thuật phải thể hiện được dòng mạch chính là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nắm bắt được những tư tưởng đời sống nhân dân để bảo đảm được định hướng dư luận chính xác. Xây dựng kết cấu hạ tầng và đội ngũ những người làm công tác báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình… vững mạnh. Tuyên truyền dòng mạch chính của xã hội, hệ giá trị văn hóa xã hội chủ nghĩa, tham gia giải quyết những vấn đề mới và khó được quần chúng quan tâm bằng tính đặc thù của văn học, nghệ thuật để bảo đảm lợi ích của quốc gia dân tộc, góp phần xây dựng niềm tin của nhân dân vào Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Để làm được điều đó, những người làm công tác báo chí, xuất bản phải có trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, tuyên truyền thông tin đúng, chính xác, đấu tranh chống những tư tưởng và quan điểm sai trái, thù địch, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, phấn đấu có nhiều tác phẩm ưu tú, đỉnh cao cả về giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Các lĩnh vực văn nghệ, như văn học, điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, mỹ thuật, hội họa, kiến trúc, văn nghệ dân gian phải sáng tạo được những tác phẩm ca ngợi Tổ quốc và nhân dân, tìm tòi về bút pháp, phong cách, tư tưởng, sáng tạo nên những tác phẩm văn nghệ xuất sắc, thống nhất tính tư tưởng và tính nghệ thuật, hấp dẫn quần chúng nhân dân, chú trọng đến đề tài cách mạng và lịch sử dân tộc, góp phần nâng cao tâm hồn cao đẹp của con người nhằm xây dựng nhân cách con người, phát triển con người tự do và toàn diện phù hợp với tinh thần đổi mới và hội nhập quốc tế.
Năm là, xây dựng, phát triển không gian văn hóa mạng lành mạnh, an ninh, an toàn cho con người. Định hướng dư luận trên mạng xã hội ca ngợi sự nghiệp cách mạng của nhân dân, xây dựng niềm tin vào Đảng và Nhà nước, miễn nhiễm với các thông tin độc hại. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao kỹ thuật mới, tăng cường quản lý in-tơ-nét, kết hợp giữa quy phạm pháp luật, quản lý hành chính với tự quản ngành nghệ thuật nhằm định hướng dư luận, giáo dục nhân dân. Dùng chế tài mạnh để xử lý vi phạm pháp luật về mạng, nhất là việc xuyên tạc, đưa tin giả, tin xấu độc, truyền bá những nội dung có hại cho Tổ quốc và nhân dân.
Sáu là, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng sản phẩm văn hóa và có cơ chế khích lệ, động viên kịp thời những tác phẩm xuất sắc. Lấy sự hài lòng của quần chúng làm tiêu chuẩn, kết hợp đánh giá của chuyên gia và thị trường, hình thành nên tiêu chuẩn đánh giá khoa học. Việc xét thưởng các giải thưởng quốc gia phải công khai, công bằng, trung thực, làm cho nhân dân tin tưởng. Xây dựng nền lý luận, phê bình vững mạnh, lên án cái xấu, ngợi ca cái tốt, làm sao để những tác phẩm xuất sắc được phổ biến rộng rãi đến nhân dân, thể hiện được dòng mạch chính của dân tộc và thời đại trong tất cả các lĩnh vực văn nghệ, như văn học, điện ảnh, ca nhạc, sân khấu, mỹ thuật, hội họa. Thành lập các quỹ nghệ thuật chuyên nghiệp, bảo đảm quyền tài sản hình thành từ sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả, nghiêm khắc trừng trị những hành vi xâm hại bản quyền, bảo vệ quyền lợi của người sáng tác, khích lệ đội ngũ văn nghệ sĩ có khát vọng sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao, phản ánh đời sống nhân dân, ca ngợi Tổ quốc, vững bước xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đi lên chủ nghĩa xã hội./.
------------------------------------
(1). Nghị quyết số 23 NQ/TW, ngày 16-8-2008, của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Về phát triển nông thôn và vai trò của văn hóa trong phát triển nông thôn ở nước ta  (28/10/2019)
Biến đổi xã hội và đổi mới công tác dân vận ở Việt Nam hiện nay  (27/10/2019)
Thực tiễn nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa ở nước ta trong hơn 30 năm đổi mới  (09/10/2019)
Về sự liêm chính trong kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp hiện nay  (13/09/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển