Đồng bào Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo
TCCS - Nêu cao truyền thống “Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đồng bào Công giáo luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo.
Đạo Công giáo là một trong những tôn giáo lớn ở Việt Nam hiện nay, với số tín đồ chiếm khoảng 7% dân số. Với bề dày lịch sử mấy nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, thời điểm đạo Công giáo được truyền vào nước ta không phải là sớm (vào thế kỷ XVI). Vậy nên, trước khi trở thành tín đồ Công giáo, những tín đồ của đạo này đã là con dân đất Việt với đầy đủ những phẩm chất cao đẹp, như truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh quật cường chống giặc ngoại xâm, tinh thần tương thân tương ái, đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn”... Sự hòa quyện giữa tinh thần “Phúc âm” của đạo Công giáo và tinh thần dân tộc khiến cho các tín đồ Công giáo trở thành những công dân gương mẫu, như Giáo hoàng Bê-nê-đích-tô XVI từng căn dặn: “Người tín hữu tốt là người công dân tốt”.
Những năm qua, với quyết tâm cùng nhân dân cả nước hiện thực hóa mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, trên tinh thần thấm nhuần đường hướng Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành phần Dân Chúa”(1), đồng bào Công giáo ngày càng tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo”; sau đó là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo”, do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động, với những nội dung của “Bảy tốt đời, ba đẹp đạo”, được cụ thể hóa trên các lĩnh vực như sau:
Phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đồng bào Công giáo đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và hàng vạn ngày công lao động. Nhiều gia đình đồng bào Công giáo sẵn sàng tháo dỡ hàng rào, thu hoạch cây lấy gỗ, cây ăn quả sớm để hiến đất mở rộng đường nông thôn; đóng góp công sức xây dựng kênh mương, nhà văn hóa thôn và các kết cấu hạ tầng khác theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Nhiều địa phương có đông đồng bào Công giáo được chọn làm thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới đã về đích, như huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng),...
Tại các thành phố lớn, các khu đô thị, đồng bào Công giáo tích cực thực hiện các quy định về giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố để kinh doanh, quảng cáo bán hàng; tích cực bảo vệ môi trường, không sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng cấm... Qua đó, góp phần xây dựng nhiều xã, huyện trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, các đô thị ngày càng văn minh.
Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế cùng với các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, từ thiện, bác ái.
Đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước. Ở hầu hết các khu dân cư có đông đồng bào Công giáo, đồng bào tích cực vận động con em đi học và chăm lo tốt việc học tập của con em mình. Số con em đồng bào Công giáo thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học hằng năm ngày càng tăng. Nhiều dòng nữ tu tại các địa phương trên cả nước mở các trường mầm non tư thục, với đội ngũ giáo viên là các sơ được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đầy ắp tinh thần yêu nghề, yêu trẻ, nên đã thực hiện tốt việc nuôi dạy trẻ, được các bậc phụ huynh tin tưởng, yêu mến. Nhiều cơ sở nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em khuyết tật do các linh mục, nữ tu thành lập là nơi đón nhận những số phận bị bỏ rơi, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Kết quả này đã được ghi nhận tại Hội nghị tổng kết mô hình các tôn giáo tham gia xã hội hóa giáo dục mầm non, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2015.
Ở nhiều địa phương trên cả nước, đồng bào Công giáo tích cực tham gia các hoạt động khám, chữa bệnh cho người nghèo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bằng cách tổ chức các đợt khám, chữa bệnh lưu động và tại các phòng khám, chữa bệnh từ thiện, do nhiều linh mục, nữ tu và bà con giáo dân thực hiện. Thông qua ủy ban Mặt trận Tổ quốc và hội chữ thập đỏ ở địa phương, nhiều linh mục đã nhiều lần mời được các đoàn bác sĩ ở các bệnh viện thuộc tuyến Trung ương (tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) về khám bệnh và cấp, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các giáo xứ, không phân biệt người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo. Nhiều linh mục còn tạo điều kiện giúp đỡ các bệnh nhân nan y, phải điều trị dài ngày; thăm hỏi, giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh neo đơn; đồng thời hướng dẫn bà con ở cộng đồng dân cư giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm vệ sinh, an toàn, không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc gây hại cho sức khỏe.
Từ thiện, bác ái là phẩm chất vốn có của người Công giáo, lại được thấm nhuần truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc. Trong 5 năm qua, đồng bào Công giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc tích cực hưởng ứng và chủ động thực hiện các hoạt động từ thiện, bác ái bằng việc tham gia các cuộc vận động xây dựng Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Vì biển, đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt,... do Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và ủy ban đoàn kết Công giáo các cấp phát động, với số tiền nhiều tỷ đồng. Các linh mục và nữ tu cũng đóng góp nhiều công sức vào công tác từ thiện, bác ái thông qua hoạt động tại các phòng khám bệnh từ thiện, trực tiếp phục vụ tại các bệnh viện, các trung tâm chăm sóc người bị nhiễm HIV/AIDS, trong đó điển hình là các hình thức hoạt động từ thiện “Nồi cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo”, “Bếp ăn tình thương”, “Tủ thuốc miễn phí”...
Tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cộng đồng dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Các linh mục, ban hành giáo và đồng bào Công giáo ở các giáo xứ, giáo họ cùng với cộng đồng dân cư thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường tại các hộ gia đình và địa bàn công cộng; huy động nhân dân nói chung và đồng bào có đạo nói riêng làm tổng vệ sinh khu phố, ấp; giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các linh mục luôn nhắc nhở bà con giáo dân thực hiện bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực, ngay trong gia đình và cộng đồng dân cư, như tiết kiệm nước, sử dụng bóng đèn và các thiết bị điện ít tiêu hao năng lượng, tắt điện khi không sử dụng, không xả rác, không sử dụng chất thải bừa bãi, không sử dụng hóa chất độc hại trong canh tác và sản xuất... Ở nhiều giáo xứ, các linh mục tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung và đồng bào Công giáo nói riêng tổ chức các hoạt động bảo đảm vệ sinh định kỳ và đột xuất, đổ rác tập trung, thực hiện ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm hợp vệ sinh..., với trên 1.200 lượt người tham gia; tổ chức trồng cây dọc tuyến đường ven biển Phước Hải - Lộc An, Phước Tỉnh, khu vực dọc đường quy hoạch số 2 nhằm mang lại cảnh quan sạch, đẹp và cải tạo môi trường đất ở địa phương, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Các giáo xứ Phước Bình, Tân Phước, Phước Tỉnh thực hiệc tốt việc tuyên truyền Đề án “4 giảm” trong chương trình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại thành phố Hà Nội, Giáo xứ Cẩm Cơ (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) được chọn để “Xây dựng mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và dân cư thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Theo đó, toàn bộ 198 hộ gia đình, với khoảng 600 nhân khẩu của Giáo xứ đều đăng ký trồng rau sạch, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và tổ chức các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư sinh sống; đồng thời tạo thói quen thu gom rác trong gia đình theo quy định.
Đoàn kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Đồng bào Công giáo tại các địa bàn dân cư luôn lấy việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là một trong những chuẩn mực đạo đức trong đời sống đạo của người Công giáo. Ủy ban đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp hướng dẫn xây dựng mô hình “Thanh niên xung kích giữ gìn an toàn, trật tự xã hội”; phối hợp với các vị linh mục quản xứ và ban hành giáo xây dựng mô hình “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật”, tổ chức các cuộc hòa giải mâu thuẫn ngay tại cộng đồng dân cư. Đặc biệt, trong những dịp lễ trọng của người Công giáo có đông các tầng lớp nhân dân tham gia, dưới sự hướng dẫn của các vị linh mục quản xứ, ban hành giáo và thực hiện kế hoạch của ủy ban đoàn kết Công giáo các cấp, đồng bào Công giáo thực hiện tốt việc hành lễ, vừa bảo đảm chương trình mục vụ của Giáo hội, vừa bảo đảm an toàn, trật tự xã hội, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa cũng như đời sống tinh thần tại địa phương.
Đồng bào Công giáo tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, coi việc phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội là nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm cuộc sống bình yên của chính mình và mọi người. Cộng đoàn giáo dân cùng nhau chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo...; xây dựng và thực hiện tốt các nội quy, quy ước, hương ước nhằm thực hiện tốt Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, làm trọn bổn phận của cộng đoàn giáo dân với Giáo hội. Trong 5 năm qua, rất nhiều khu dân cư Công giáo bảo đảm an toàn, trật tự công cộng, ít có tệ nạn xã hội,... Đồng bào Công giáo trên toàn quốc luôn nêu cao ý thức, tinh thần cảnh giác trước các âm mưu lợi dụng những vấn đề về dân tộc, tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại tỉnh Bình Phước, linh mục và hội đồng mục vụ ở nhiều giáo xứ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào Công giáo chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; xây dựng các sân chơi lành mạnh, như sân chơi thể dục - thể thao, ca nhạc, sinh hoạt hè...; qua đó, cũng giúp các thanh thiếu niên có sân chơi bổ ích, xa tránh những tệ nạn xã hội. Nhiều giáo xứ còn tổ chức các mô hình bảo vệ an ninh, trật tự, như Giáo xứ Mỹ Hưng - Chơn Thành có Đội Thanh niên xung kích, gồm 24 thành viên tự nguyện tham gia; Giáo xứ Tích Thiện - Lộc Ninh thành lập Câu lạc bộ “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật”, gồm 47 thành viên tham gia; Giáo xứ Long Điền - Phước Long có mô hình “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật” được 100% số hộ gia đình tham gia thực hiện.
Tại tỉnh Thanh Hóa, ở các khu dân cư có đông đồng bào Công giáo không xảy ra các vụ trọng án; thực hiện được 670 vụ hòa giải, cảm hóa được 150 đối tượng lầm lỗi; hằng năm, động viên con em đến độ tuổi đi làm nghĩa vụ quân sự đạt tỷ lệ cao. Ở nhiều địa phương, đồng bào Công giáo còn làm tốt công tác hậu phương quân đội, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, thăm hỏi con em làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo.
Tại thành phố Đà Nẵng, có nhiều giáo dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh khu phố, phối hợp với các cơ quan chức năng chặn bắt cướp, xóa các tụ điểm hút chích ma túy, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn dân cư, được nhân dân yêu mến và lãnh đạo chính quyền các cấp ghi nhận, khen thưởng. Ở các khu dân cư có đông đồng bào Công giáo, các tệ nạn xã hội ít xảy ra, như khu chung cư Hòa Minh, khu dân cư Cồn Dầu, các khu dân cư Công giáo trên địa bàn xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, khu dân cư Giáo họ Gioan B thuộc Giáo xứ Gia Phước, khu dân cư số 13 thuộc Giáo xứ Nhượng Nghĩa, tổ 48 khu dân cư Giáo xứ Nội Hà, khu dân cư Quang Thành 3a thuộc Giáo xứ Hòa Khánh,... Các mô hình “vùng giáo 3 không” (không có tội phạm, không có người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư, không có người vi phạm pháp luật) của Giáo xứ Tam Tòa, “Xóm đạo bình yên” của Giáo họ Tùng Sơn và khu dân cư Công giáo An Ngãi Tây, “Nói không với rác và thực phẩm bẩn” của Giáo xứ Hòa Khánh và Giáo họ Hòa Minh... đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
Có thể nói, thời gian qua, các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo tiếp tục được duy trì và phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm tốt và nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này, một mặt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mặt khác, chính là thực hiện tốt chương trình mục vụ hằng năm của Giáo hội Công giáo Việt Nam./.
----------------------------------------------
(1) Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam, năm 1980
Lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội tiếp Thủ tướng Italy  (05/06/2019)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm