Mô hình gắn kết giữa trường Đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học ở nước ta
TCCS - Mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp là sự kết nối quan hệ cung - cầu lao động đang diễn ra trên thị trường lao động để khắc phục một nghịch lý đang tồn tại giữa giáo dục đại học và nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp, đó là sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau khi được đào tạo đại học, đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Việc trường đại học và doanh nghiệp gắn kết với nhau trong đào tạo theo một mô hình thích hợp là nhu cầu tất yếu và cấp thiết hiện nay cũng như trong tương lai.
Về mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học
Gắn kết giữa trường đại học (ĐH) với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo ĐH là xu hướng chung của thế giới trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thì giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng có vai trò rất quan trọng đối với phát triển nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao. Đây là một trong những khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến 2020 và tầm nhìn xa hơn, góp phần thúc đẩy tăng trường kinh tế, giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, nhất là vấn đề việc làm bền vững cho người lao động.
Trên thế giới, việc gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH đã trở thành khuôn mẫu và phương thức hoạt động theo những mô hình khác nhau tùy thuộc vào sự lựa chọn tối ưu của mỗi trường cho phù hợp với điều kiện cụ thể của trường mình. Do đó mỗi mô hình thường có khái niệm cụ thể của nó, khó có thể đưa ra một khái niệm chung về mô hình gắn kết này. Tuy nhiên, xu hướng chung của mô hình là xóa bỏ dần khoảng cách giữa trường ĐH và việc đáp ứng nhu cầu thực tế của DN về nguồn nhân lực trình độ và chất lượng cao. Và do đó, khái niệm về gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH được mở rộng về nội hàm. Sự gắn kết đó không chỉ là lấy DN làm nơi cho sinh viên đến thực tập để nâng cao kỹ năng thực hành hoặc trường ĐH là nơi các DN tìm đến để lựa chọn những nhân tài dưới hình thức “săn đầu người”, hay cấp học bổng... Vấn đề đặt ra về mặt lý luận mô hình gắn kết này là nó cần phải được định hình trở thành khuôn mẫu, phương thức chung với nhiều hình thức gắn kết đa dạng. Trên cơ sở nhận thức chung về mô hình gắn kết mỗi trường ĐH xây dựng cho mình mô hình thích hợp, cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực dựa trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của DN (bên cầu lao động) và đánh giá năng lực thực tế của trường ĐH (bên cung lao động trình độ ĐH) có khả năng đào tạo để đáp ứng yêu cầu của DN.
Mô hình gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH được hiểu là khuôn mẫu được định hình về hoạt động tương tác chặt chẽ giữa quá trình đào tạo nguồn nhân lực ĐH của trường ĐH và nhu cầu sử dụng của DN. Mô hình này đòi hỏi việc đào tạo (yếu tố cung) phải có sự thay đổi mục tiêu, chương trình, cơ cấu và chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của DN (yếu tố cầu) trên thị trường lao động. Có 2 loại sau:
- Mô hình tổng thể: Mô hình này được hình thành trên cơ sở thiết lập một khuôn mẫu gắn kết chung với nhiều hình thức gắn kết trong một hệ thống chặt chẽ, có thể tương tác và hỗ trợ nhau. Đây là loại mô hình gắn kết tương đối toàn diện và mức độ gắn kết chặt chẽ, lâu dài hơn. Xu hướng của mô hình này ở mức thấp có thể chỉ gắn kết trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH đáp ứng nhu cầu của DN, nhưng có thể phát triển lên ở trình độ gắn kết cao hơn thành mô hình gắn kết vừa đào tạo, vừa chuyển giao công nghệ hoặc cao hơn nữa là mô hình gắn kết của trường ĐH với DN trong việc vừa đào tạo, vừa nghiên cứu và triển khai.
- Mô hình cụ thể, riêng rẽ: Đó là mô hình được thiết lập với một hình thức gắn kết cụ thể, riêng rẽ. Ví dụ như mô hình gắn kết theo hình thức đào tạo ĐH vừa học, vừa làm; mô hình gắn kết với hình thức đào tạo lý thuyết ở trường ĐH, thực tập kỹ năng tại DN; mô hình gắn kết với hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của DN (tiêu chuẩn đầu ra do DN quy định); mô hình gắn kết với hình thức mở rộng giảng đường đào tạo từ ĐH đến DN...
Cấu trúc của mô hình gắn kết này gồm các nhóm yếu tố cơ bản hợp thành và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như sau:
Nhóm yếu tố lợi ích: Nhóm yếu tố này của mô hình được xác định trên cơ sở chia sẻ, gắn kết và hài hòa lợi ích giữa bên đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao (trường ĐH) và bên sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao (DN) đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Đồng thời, góp phần tích cực vào lợi ích chung của quốc gia hướng vào tạo việc làm bền vững cho người lao động, giảm thất nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước. Theo đó, nội dung cơ bản của nhóm yếu tố lợi ích là xác định mục đích gắn kết nhằm đạt được lợi ích tối đa của nhà trường ĐH và lợi ích DN một cách hài hòa, “cả hai cùng thắng” (WIN - WIN); xác lập được DN hoặc nhiều DN đối tác (khách hàng) mục tiêu mà trường ĐH cần hướng đến trong đào tạo ĐH để đem lại lợi ích cho cả 2 bên; tác động của mô hình gắn kết đến lợi ích xã hội (của sinh viên và lợi ích chung của quốc gia).
Nhóm yếu tố quá trình: Đó là các yếu tố liên quan đến thiết kế định dạng (khuôn mẫu) mô hình với những hoạt động gắn kết cụ thể giữa trường ĐH và DN để có thể hành động được nhằm đem lại lợi ích cho nhà trường, DN và xã hội về sản phẩm đào tạo ĐH có chất lượng đáp ứng nhu cầu của xã hội, của DN. Theo đó, nội dung cơ bản của nhóm yếu tố quá trình là: hình thành khung chiến lược gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH phù hợp với từng giai đoạn và tầm nhìn xa hơn nữa; xác định khung hoạt động của mô hình gắn kết tổng thể hoặc với các hình thức gắn kết cụ thể, riêng lẻ giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH phù hợp với khả năng của trường và hướng tới đáp ứng nhu cầu của DN về nguồn nhân lực trình độ cao; xây dựng chính sách và cơ chế gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH. Chính sách và cơ chế đó phải lấy chất lượng sản phẩm đào tạo làm cầu nối gắn kết theo nguyên tắc thị trường, nhất là thị trường lao động và trên cơ sở hài hòa, chia sẻ lợi ích các bên; thiết lập thể chế quản trị mô hình gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH (quản trị quá trình tổ chức gắn kết; đánh giá kết quả đầu ra; sự phản hồi từ DN...).
Nhóm yếu tố bảo đảm (điều kiện): Đó là các yếu tố tạo môi trường đào tạo gần với môi trường làm việc của DN, chủ yếu liên quan đến các yếu tố bảo đảm chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực (NNL) của xã hội, của DN. Theo đó, nội dung cơ bản của nhóm yếu tố bảo đảm (điều kiện) là: chất lượng đội ngũ giảng viên, nhất là coi trọng việc giảng viên ĐH đi thực tế tại DN để bổ sung, cập nhật kiến thức, công nghệ, nâng cao kỹ năng nghề, phương pháp giảng dạy (thực tế hóa giảng viên) và sử dụng giảng viên kiêm nhiệm từ thực tế của DN, hoặc trí thức hóa các giảng viên từ DN để sử dụng trong trường ĐH; tăng cường mối tương tác giữa giảng viên và người sử dụng lao động được đào tạo ĐH...; thiết kế nội dung, chương trình, xây dựng giáo trình đào tạo bảo đảm chất lượng đầu ra của đào tạo ĐH phù hợp với yêu cầu của DN. Cần đặc biệt chú ý thiết kế các khóa đào tạo chuyên biệt theo yêu cầu của DN đặt hàng hoặc tăng cường sự tham gia của DN đối tác (khách hàng mục tiêu) vào xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo...; đầu tư kết cấu hạ tầng đào tạo ĐH đáp ứng yêu cầu của DN, trước hết là phải bảo đảm cơ sở vật chất có khả năng đào tạo cập nhật kỹ thuật và công nghệ mà DN đang áp dụng; hoặc kết hợp sử dụng cơ sở vật chất của DN phục vụ cho đào tạo; xác định tiêu chí đầu vào và đầu ra của đào tạo ĐH phù hợp với yêu cầu của DN, kiểm định chất lượng đầu ra của đào tạo ĐH. Nguyên tắc ở đây là phải căn cứ vào tiêu chí đầu ra (về kiến thức, kỹ năng, nhân cách) để lựa chọn công nghệ đào tạo và xác định tiêu chí đầu vào phù hợp; hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị đào tạo theo các mô hình gắn kết được xác định; xây dựng phương án khả thi tạo nguồn tài chính cho thực hiện mô hình theo nguyên tắc tự chủ, có tư cách pháp nhân đầy đủ và tự chịu trách nhiệm; hình thành thiết chế tổ chức dịch vụ đào tạo gắn với nhu cầu của DN (marketing đào tạo, PR thương hiệu nhà trường, thông tin thị trường lao động, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm...).
Phát triển mô hình gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp trong đào tạo đại học ở Việt Nam
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2017 quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,16 triệu người, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 76,9%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ chiếm 21,8% (khoảng 12,02 triệu người), riêng ĐH và trên ĐH có khoảng 5,373 triệu người, chiếm khoảng 44,7%. Số lao động có việc làm là 54,05 triệu người, nhưng số người làm việc trong lĩnh vực có quan hệ lao động (làm công hưởng lương, phần lớn là trong các DN) có khoảng 23,48 triệu người, chiếm 43,44%. Số người lao động trong độ tuổi bị thất nghiệp có khoảng 1.071,2 nghìn người. Trong số người thất nghiệp, có 471 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật (chiếm 42,43%), nhưng nhiều nhất là ở nhóm có trình độ ĐH trở lên: khoảng 215,3 nghìn người, tuy có giảm 21,7 nghìn người so với quý trước, những vẫn còn cao, chiếm khoảng 45,71% trong tổng số lao động có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp. Số người có nhu cầu tìm việc làm là 48,1 nghìn người, tăng 17,2% so với quý trước, trong đó số người có chuyên môn kỹ thuật chiếm 79,8%. Trong số này, người có trình độ ĐH trở lên chiếm 18,3%. Trong khi đó, quý 4 năm 2017 chỉ có 169,4 nghìn chỗ làm việc còn trống được các DN đăng ký để tuyển dụng, bao gồm cả nhu cầu tuyển dụng lao động chuyên môn kỹ thuật, trong đó có trình độ ĐH trở lên. Tuy nhiên, nhiều ứng viên có trình độ ĐH trở lên không đáp ứng được nhu cầu của DN. Đây là bất cập rất lớn của đào tạo ĐH do chưa theo định hướng cầu của DN.
Những năm gần đây, Chính phủ chủ trương phát triển mô hình gắn kết giữa đào tạo ĐH với sử dụng lao động, nhất là gắn kết giữa các trường ĐH với DN. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP, ngày 2-11-2005, của Chính phủ Về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo, trong đó xác định giáo dục ĐH phải gắn kết chặt chẽ với nhu cầu nhân lực trình độ cao của đất nước và xu thế của khoa học và công nghệ, với mục tiêu đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, nhu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo ĐH của DN là rất lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, đào tạo ĐH ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN. Các trường ĐH về cơ bản vẫn theo tư duy cũ là đào tạo trên cơ sở cái mà nhà trường có mà chưa chuyển mạnh sang đào tạo ra sản phẩm là nguồn nhân lực trình độ cao mà DN cần. Trong các diễn đàn về kết nối cung - cầu lao động trên thị trường lao động hoặc trên các sàn giao dịch việc làm chính thức, các DN thường đưa ra những nhận định không mấy khả quan rằng, chất lượng sinh viên ra trường hiện nay còn thấp. Theo các nhà tuyển dụng, sinh viên tốt nghiệp ĐH không thể chỉ xuất trình bằng cấp ra là được tuyển dụng mà là phải bảo đảm kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghề trên thực tế mới là yếu tố chính để có cơ hội việc làm. Trong khi đó, phần nhiều sinh viên tốt nghiệp đều không đáp ứng được ngay yêu cầu công việc, nhất là kỹ năng thực hành còn yếu, hoặc thiếu những kiến thức, kỹ năng mềm, khoảng cách giữa học lý thuyết và thực tế công việc còn lớn. Bởi vậy nhiều sinh viên không đáp ứng được các tiêu chí tuyển dụng của DN. Ngay cả các ứng viên được DN tuyển dụng cũng phải đào tạo lại, đào tạo bổ sung tại DN từ 3 đến 6 tháng mới có thể làm việc được, trong đó chủ yếu là cập nhật kỹ thuật và công nghệ mà DN đang áp dụng. Khoảng trống hay nút thắt cơ bản ở đây là về cơ bản các trường ĐH chưa thiết lập và phát triển được mối quan hệ gắn kết bền vững và hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và các DN trong đào tạo ĐH một cách chính thống theo một mô hình lựa chọn tối ưu.
Sự tồn tại của nút thắt này có thể lý giải trên các khía cạnh sau:
- Về mặt nhận thức, cho đến nay chưa có sự thống nhất về khái niệm, cũng như nội hàm, cấu trúc mô hình gắn kết giữa đào tạo ĐH và DN trong kinh tế thị trường; đồng thời cả trường ĐH và DN cũng chưa có sự đồng điệu về tư duy, nhận thức đầy đủ, đúng, đồng thuận về nhu cầu gắn kết và hợp tác giữa các trường ĐH và DN nên chưa thấy hết tính cấp thiết của sự gắn kết này. Hơn nữa, các hoạt động gắn kết vừa qua giữa trường ĐH và DN thường có tính tự phát, thiếu bài bản.
- Ở tầm vĩ mô, mặc dù đã có chủ trương tăng cường gắn kết giữa trường ĐH và DN trong đào tạo ĐH, song Nhà nước chưa thể chế hóa mô hình gắn kết này thành cơ chế, chính sách rõ ràng và do đó cũng chưa có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo hành lang pháp lý để các trường ĐH và DN thực hiện nên các trường ĐH khá lúng túng trong triển khai chủ trương thực hiện, dẫn đến “mạnh ai nấy làm”.
- Vấn đề rất cốt yếu để trường ĐH xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa đào tạo ĐH với nhu cầu sử dụng của DN là phải trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải cho nhà trường, nhưng trên thực tế các trường ĐH đang gặp phải những rào cản lớn liên quan đến quản lý vĩ mô, nhất là việc trao cho các trường ĐH được tự chủ về đầu tư, tài chính, tuyển sinh, tiền lương,... với nhiều khó khăn, vướng mắc.
- Trong những năm qua đã xuất hiện một số mô hình gắn kết giữa trường ĐH và DN khá hiệu quả, đem lại lợi ích cho sinh viên, nhà trường, DN và xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá rằng, việc gắn kết này đang có xu hướng trở thành trào lưu, mang tính hình thức và còn nặng về sự tài trợ, hỗ trợ của DN. Vấn đề quan trọng ở đây là chưa thiết lập được mối quan hệ tương tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi để đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, của DN. Trong đó, quan trọng nhất là nhà trường cũng chưa chủ động đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của xã hội, nhu cầu sử dụng của DN, còn DN không chỉ thụ động trong việc hỗ trợ các trường để đưa sinh viên đến tham quan thực tế và thực tập, mà còn chưa tư vấn và đề xuất với các trường ĐH trong việc định hướng chiến lược đào tạo trong nền kinh tế thị trường và đổi mới phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, của DN.
Từ tình hình trên, phát triển các mô hình gắn kết giữa nhà trường và DN trong đào tạo ĐH là một tất yếu khách quan, không thể trì hoãn và phải hành động thực sự, thực tế, hiệu quả, không thể hình thức, theo kiểu phong trào. Vì đó là lợi ích sống còn của các trường ĐH trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, là lợi ích thiết thân, lâu dài của DN trong cuộc cạnh tranh trên thương trường và cũng là lợi ích của người học, của xã hội. Đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH theo mô hình gắn kết này sẽ góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng và trình độ cao là một trong những khâu đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2020 và tầm nhìn xa hơn, cũng là một trong những định hướng đổi mới căn bản đào tạo ĐH ở nước ta.
Một số khuyến nghị
Việc gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH cần phải có vai trò của Nhà nước trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế lĩnh vực giáo dục ĐH để tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho cả trường ĐH và DN thực hiện. Tuy nhiên, trường ĐH và DN với vai trò là chủ thể cần chủ động vào cuộc bằng hành động quyết liệt, cụ thể. Sau đây là một số khuyến nghị với trường ĐH và DN để góp phần đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới:
Một là, nâng cao nhận thức, quyết tâm của cả 2 phía, cả trường ĐH lẫn DN trong việc gắn kết và hợp tác với nhau trong đào tạo ĐH vì lợi ích của cả 2 bên, lợi ích của người học và lợi ích chung của xã hội. Đặc biệt, ở các trường ĐH cần thực hiện tốt phương châm đào tạo những gì xã hội, DN cần chứ không đào tạo những gì nhà trường có; đào tạo phải lấy người học làm trung tâm và coi chất lượng kết quả đầu ra là quyết định. Đây là một trong những khâu quan trọng và có tính đột phá về đổi mới đào tạo ĐH trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Điều đó có nghĩa là phải bắt đầu từ đổi mới tư duy đào tạo ĐH và hành động quyết liệt mới đem lại kết quả.
Hai là, các trường ĐH cần xây dựng chiến lược hành động cụ thể để định hướng và điều chỉnh hoạt động gắn kết giữa nhà trường và DN không trái với chính sách chung của Nhà nước, tạo hành lang, khung thể chế quản trị nhà trường gắn kết trên thực tế. Các chiến lược cần tập trung vào vấn đề bảo đảm chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế động lực đối với giảng viên, với sinh viên...
Ba là, việc các trường ĐH xây dựng và thực hiện mô hình gắn kết với DN trong đào tạo ĐH là một quá trình và cần có bước đi thích hợp. Để xây dựng mô hình gắn kết này cần bắt đầu từ nghiên cứu nhu cầu của DN về ngành, nghề, kỹ thuật và công nghệ áp dụng; yêu cầu về kiến thức, kỹ năng nghề và thái độ của lao động để xây dựng tiêu chí đầu vào và chuẩn chất lượng đầu ra. Tiếp đó là đánh giá năng lực thực tế của nhà trường về quy trình và công nghệ đào tạo, các yếu tố bảo đảm đào tạo cho kết quả đầu ra là nguồn nhân lực trình độ ĐH đáp ứng nhu cầu của DN để có sự điều chỉnh hoặc đổi mới cho phù hợp. Trên cơ sở đó thiết lập mạng lưới DN theo mô hình gắn kết lựa chọn khả thi. Việc lựa chọn mô hình gắn kết có thể rất linh hoạt, nhưng nên phát triển mô hình từ thấp đến cao, có thể bắt đầu từ lựa chọn mô hình với những hình thức gắn kết riêng lẻ; tiến tới mô hình gắn kết tổng thể; cao hơn là xây dựng nhà trường thành trường “ĐH đào tạo gắn với chuyển giao công nghệ” và tiến tới xây dựng trường “ĐH nghiên cứu và triển khai”...
Bốn là, trong xu thế chuyển đổi trường ĐH thành đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo (dịch vụ công hoặc DN xã hội), để thực hiện mô hình gắn kết giữa trường ĐH với DN trong đào tạo ĐH, nhà trường cần tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu và triển khai, bao gồm cả gắn kết với DN trong đào tạo ĐH. Trong đó, thực hiện nguyên tắc chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa các bên phù hợp với cơ chế thị trường trong đào tạo ĐH gắn kết với nhu cầu sử dụng của DN. Về lâu dài, vấn đề quan trọng nhất là các trường ĐH cần có chiến lược xây dựng trường ĐH thành trường có chất lượng cao nhằm xây dựng thương hiệu có uy tín được DN tin tưởng.
Năm là, về thiết chế tổ chức thực hiện mô hình gắn kết giữa nhà trường với DN trong đào tạo ĐH, các trường ĐH cần thiết lập bộ phận chuyên trách xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình gắn kết này thông qua thỏa thuận hoặc hợp đồng ký kết giữa nhà trường và DN cụ thể. Thiết lập được mối quan hệ gắn kết với mạng lưới các DN phù hợp với sở trường của trường mình (cùng ngành nghề). Trường ĐH cũng có thể nghiên cứu thành lập tổ chức dịch vụ đào tạo gắn với nhu cầu của DN (marketing đào tạo, PR thương hiệu nhà trường, thông tin thị trường lao động, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm...). /.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 01 đến ngày 07-10-2018)  (10/10/2018)
Các hoạt động của Thủ tướng trong khuôn khổ Hội nghị Mekong - Nhật Bản  (09/10/2018)
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp xúc cử tri tại Vĩnh Long  (09/10/2018)
Chủ tịch Quốc hội hội kiến Chủ tịch Duma quốc gia Liên bang Nga  (09/10/2018)
Việt Nam coi trọng quan hệ với đối tác chiến lược Indonesia  (09/10/2018)
Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi  (09/10/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển