TCCSĐT - Tây Nguyên là một vùng đất có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước. Kể từ khi tiến hành đổi mới, Đảng ta đã có nhiều quyết sách quan trọng để thúc đẩy Tây Nguyên phát triển một cách toàn diện. Trong những quyết sách quan trọng đó có các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng và chính sách liên quan đến đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà cụ thể là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng.





Không ít khó khăn, rào cản

Thời gian qua, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, Tây Nguyên đã có sự thay đổi hết sức lớn, kết cấu hạ tầng nông thôn, hình thức tổ chức sản xuất, phong tục tập quán… nói chung là đời sống vật chất lẫn tinh thần của người người nông dân đã thật sự biến đổi một cách tích cực. Đến cuối năm 2016, toàn vùng đã có 1 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới(1), và 2 thành phố(3) đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; toàn vùng có 123 xã được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định công nhận và 10 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, có 7.587/11.400 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66,6%, tăng 47,04% so với năm 2011. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân 12,65 tiêu chí/xã (cả nước là 13,47 tiêu chí/xã), tăng 8,94% so với năm 2011, cao nhất là tỉnh Lâm Đồng(3).

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả trên chỉ mới là bước đầu, trong thực tế việc thực hiện chương trình nông thôn mới ở đây gặp không ít khó khăn, rào cản từ cả những nguyên nhân khách quan đến nguyên nhân chủ quan. Đặc biệt, đối với hơn 100 xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng với trên 1600 thôn, buôn, làng có tiến trình xây dựng nông thôn mới và hoàn thành các tiêu chí gặp không ít những khó khăn, rào cản, vướng mắc cần phải được nghiên cứu để kịp thời có được những giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ, thúc đẩy tiến trình nông thôn mới cho các địa phương này cũng như cho toàn vùng trong giai đoạn tiếp theo. Những khó khăn đó vừa có yếu tố khách quan, vừa có yếu tố chủ quan mà để tháo gỡ cần phải có thời gian và đầu tư nhiều công sức tiền của.

Về những hạn chế, khó khăn, rào cản mang tính khách quan, trước hết do địa hình của khu vực Tây Nguyên nói chung, khu vực vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng nói riêng bị chia cắt lại phải thường xuyên hứng chịu thiên tai khắc nghiệt như lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất, xâm thực... cùng với điều kiện xã hội, xuất phát điểm của hầu hết các địa phương vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, mặt bằng dân trí còn tương đối thấp. Do đó, trong quá trình triển khai thực thi các hạng mục về hạ tầng gặp không ít khó khăn, nhiều công trình vừa hoàn thành đã phải làm lại, nhiều tiêu chí “cứng” vừa đạt được phải làm lại từ đầu vì thiên tai tàn phá, nhiều mùa vụ mất trắng do thiên tai, bão lụt làm cho thu nhập của nhiều người dân bấp bênh...

Hai là, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương ban hành chậm, có nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Như đã nêu ở trên, nhiều địa phương trong vùng thuộc “diện 30a” nên điều kiện xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, mức sống và thu nhập của người dân còn hết sức khó khăn, nạn thiếu đói giáp hạt vẫn còn(4).

Ba là, việc huy động nguồn lực trong xã hội hạn chế, vì người dân không thể cùng lúc đóng góp để xây dựng nhiều hạng mục hạ tầng ở nông thôn, do thu nhập và mức sống của đa số người dân trong vùng còn nhiều khó khăn. Mặt khác, khu vực nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng trong vùng chưa thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp. Vì vậy, đối với công trình sử dụng nhiều nguồn lực, đầu tư lớn, kêu gọi tính xã hội hóa rộng sẽ khó có thể cùng lúc tập trung thực hiện hoàn thành trong thời gian ngắn. Có thể khẳng định rằng, hạn chế này, cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ so với mục tiêu đặt ra của nhiều địa phương và cũng là nguyên nhân làm cho vùng Tây Nguyên có mức đạt tiêu chí bình quân thấp hơn so với nhiều vùng khác trong cả nước. Các tỉnh như Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum ở các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều xã đạt dưới 10 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Về những khó khăn, rào cản mang tính chủ quan, điều dễ nhận thấy nhất là xuất phát từ nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện các mục tiêu và triển khai các nhiệm vụ, nội dung của nông thôn mới, vấn đề tiên quyết là phải thống nhất về nhận thức. Đối với cán bộ trong bộ máy tham mưu, Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp thì việc nhận thức và thống nhất nhận thức về nội dung và các mục tiêu, phương pháp, phương thức tiến hành cũng như chủ trương chung về nông thôn mới là yêu cầu trọng yếu. Bởi vì, có nhận thức đúng mới có sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, khoa học, phù hợp với điều kiện của địa phương và có như thế mới đạt được những thành quả đích thực, đúng mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, theo khảo sát cho thấy, vẫn còn một số người dân thậm chí là cán bộ cơ sở chưa nắm rõ được nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

 Nguồn : Khảo sát của nhóm tác giả đối với cán bộ thuộc các xã ở Tây Nguyên trong phạm vi nghiên cứu.


Trong thực tế, khi được hỏi: “Đồng chí có biết về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay ở nước ta?” với các tiêu chí trả lời là “Biết rất rõ”, “Biết đôi chút”, “Có nghe nói qua nhưng không biết nội dung cụ thể”, và “Hoàn toàn không biết”, thì chỉ có 45,2% cán bộ trong mẫu điều tra cho rằng mình “biết rất rõ” về chương trình nông thôn mới, 38,8% trả lời “biết đôi chút”, 15,7% cho rằng “có nghe qua nhưng không biết nội dung cụ thể” và 0,3% “hoàn toàn không biết”. Điều đáng nói là, nhóm cán bộ thuộc Ban chỉ đạo (hoặc Tổ giúp việc) về nông thôn mới các cấp vẫn không phải 100% đều “biết” rõ về nông thôn mới, thậm chí một bộ phận không nhỏ trong số này (15,0%) chỉ cho rằng mình “biết đôi chút” về một Chương trình quốc gia mà bản thân là thành phần cốt cán nằm trong các Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Tổ giúp việc (xem số liệu bảng 1).

Một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước có tầm chiến lược và ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống xã hội, nhất là khoảng 70% dân số sống ở nông thôn(5) mà chính những người làm công tác chỉ đạo Chương trình chỉ “biết đôi chút” hay “không biết nội dung cụ thể” thì chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình đến người dân.

Người nông dân tại chỗ có vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới trên chính địa phương mình, thế nhưng, trên thực tế nhận thức về vai trò chủ thể của người nông dân còn bất cập, hạn chế. Nói khác đi, người dân (ở đây là người nông dân) không biết được mình là chủ thể trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Qua số liệu thống kê ở bảng 2 cho thấy, chỉ có 42,1% người dân trong mẫu điều tra xác định đúng chính mình là chủ thể trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.

 

 Nguồn : Khảo sát của nhóm tác giả đối với cán bộ thuộc các xã ở Tây Nguyên trong phạm vi nghiên cứu.


Như thế, hơn một nửa (57,9%) nông dân không biết (chưa nhận thức được vị trí, vai trò của bản thân) mình đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình thực hiện nông thôn mới: vai trò chủ thể. Nếu xét về địa bàn điều tra thì có sự khác biệt về nhận thức vai trò chủ thể của người dân, người dân Lâm Đồng (54,2%) có tỷ lệ nhận thức rõ về vai trò của mình hơn Đắk Lắk (42,8%) và Kon Tum (29,7%). Sự khác biệt này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, như công tác chỉ đạo, tuyên truyền của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các bộ phận hữu quan về nông thôn mới, tính tích cực của người dân trong tìm hiểu về Chương trình nông thôn mới. Thực tiễn cho thấy, nơi nào mà các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm theo dõi, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, bài bản, đúng quy trình thì nơi đó sự nhận thức của người dân về nông thôn mới sẽ chuyển biến tích cực hơn, bà con nông dân và các cộng đồng ở nông thôn nắm và tham gia tích cực hơn vào thực hiện nông thôn mới.

Thứ hai, rào cản trong công tác chỉ đạo điều hành thể hiện rõ, một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đúng (và thống nhất nhận thức), đầy đủ về vai trò, nhiệm vụ, ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như vai trò, vị trí của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình; thiếu chủ động, sáng tạo, phối kết hợp trong quá trình tổ chức thực hiện; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên, nhất là trong bố trí nguồn lực. Cạnh đó, một số cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện còn chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là cơ chế, chính sách huy động tham gia của doanh nghiệp vào phát triển kinh tế nông thôn như chính sách huy động nguồn lực, chính sách phân bổ nguồn vốn... Mặc dù cán bộ làm công tác chỉ đạo, điều hành nông thôn mới ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua đã trải qua không ít đợt tập huấn về kiến thức, kỹ năng điều hành xây dựng nông thôn mới, thế nhưng việc xác định nguồn lực hiện hữu và lợi thế địa phương chưa rõ, tư tưởng chủ quan, nóng vội hoặc trông chờ, ỷ lại trong điều hành chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các xã này vẫn còn.

Thứ ba, rào cản trong công tác tuyên truyền, đối với từng xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên, xét về phương thức đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động vẫn còn bất cập do hình thức tuyên truyền ở nhiều xã còn mang tính đơn giản, tẻ nhạt như in ấn các tờ bướm và phát cho người dân mà không biết họ có đọc hay không, hiệu quả đến đâu. Do đó, nhiều người dân tự nhận mình “chỉ biết đôi chút” (27,3%) hay “có nghe nói qua, nhưng không biết nội dung cụ thể” (11,9%)(6) về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn mình là điều dễ hiểu, có đến 57,9% người dân được hỏi không biết mình chính là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới, chỉ có 44,0% biết được bộ tiêu chí quốc gia có 19 tiêu chí,... chính là những minh chứng. Mặt khác, nhiều nơi nặng tính hình thức như tiến hành các cuộc tọa đàm, hội thảo, hội nghị, lễ phát động... mà không chú ý đến tính hiệu quả, mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn mà không chú ý đến chất lượng.

Thứ tư, rào cản về nguồn vốn và huy động nguồn lực. Theo quyết định 1600/QĐ-TTg thì các nguồn vốn huy động để xây dựng nông thôn mới gồm có: a) Vốn từ ngân sách (Trung ương và địa phương) bao gồm: Vốn trực tiếp để thực hiện các nội dung của Chương trình khoảng 24%; vốn lồng ghép với các chương trình khác khoảng 6%; vốn tín dụng khoảng 45%; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã khoảng 15%; vốn do dân đóng góp khoảng 10%. Tuy vậy, do nguồn vốn đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án còn hạn chế, nên nhiều địa phương có “sáng kiến” là tập trung ưu tiên phân bổ cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Hơn nữa, đối với các xã vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên thì việc huy động vốn ngoài ngân sách Nhà nước (như doanh nghiệp, các tổ chức và nhân dân) là hết sức khó khăn do điều kiện thực tế của mình (chẳng hạn trên địa bàn xã không có doanh nghiệp, người dân quá nghèo, thậm chí đại đa số là người nghèo), do đó muốn huy động 15% từ doan nghiệp và 10% từ người dân như quy định là không khả thi.

Thứ năm, rào cản về phong tục tập quán, văn hóa lối sống. Với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên thì việc thực thi một số chính sách về nông thôn mới mà cụ thể là một số tiêu chí theo quy trình gặp phải những rào cản về văn hóa, lối sống và phong tục, tập quán. Chẳng hạn, việc “xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch” (tiêu chí 17 của chương trình xây dựng nông thôn mới), hẳn sẽ là chuyện khó có thể thực hiện. Bởi lẽ, ở nhiều bản vùng sâu, vùng xa, thường sống không tập trung, thậm chí mỗi quả đồi chỉ có 1 - 2 hộ sinh sống. Lúc sống là vậy, lúc chết, mỗi hộ cũng tự tìm kiếm nơi chôn cất phù hợp với điều kiện gia đình. Nếu có xây nghĩa trang cũng không ai chịu mang người nhà đến đó chôn. Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều bản, làng thuộc các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Đắk Lắk…

Với tiêu chí số 9 là phải có “75% số hộ có nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng”. Tiêu chí này hoàn toàn không phù hợp với nhiều bản làng vốn có phong tục dựng nhà sàn, nhà gỗ mà vật liệu hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa, tranh (như Êđê, Gia-rai, Xê-đăng, Ba-na, ở Gia Lai, Đắk Lắk…), các kiểu nhà “mu rùa” của người Ca Tu, Jẻ, Triêng và một số tộc người khác như Brâu, Mnâm, Hrê, Ka Dong, K’Ho. Mạ, ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, kiểu nhà dài của người Êđê, Gia-rai ở Gia Lai, Kon Tum…

Thứ sáu, rào cản về quy mô, cơ cấu kinh tế và thu nhập. Tây Nguyên nói chung là vùng đất nông nghiệp tuy có lợi thế nhưng chưa khai thác hiệu quả, sản lượng cây trồng tăng qua các năm chủ yếu do diện tích tăng; chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường thấp, các nông sản chủ lực của địa phương chưa có thương hiệu mạnh. Lâm nghiệp cũng là thế mạnh, nhưng sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, diện tích trồng rừng không ổn định. Trong khi đó, tại một số thôn, buôn, làng người dân thiếu đất sản xuất làm nảy sinh những bất ổn về mặt xã hội.

Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn Tây Nguyên, trong đó có các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng, tuy đến nay đã dần được cải thiện, nhưng mới bằng 2/3 so với cả nước. Tình trạng tái nghèo, cận nghèo còn cao, hộ nghèo chiếm tỷ lệ 22,48%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 45% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 7,51%, số người nghèo này chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng.

Định hướng và kiến nghị giải pháp

Trước hết, cần thống nhất quan điểm định hướng chung là, xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng phải gắn với đặc điểm của địa phương và đặc điểm vùng miền, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững cần phát huy vai trò chủ thể của người nông dân và phù hợp với thực tiễn của vùng. Xây dựng nông thôn mới với những mục tiêu, nội dung, các bước thực hiện trong từng giai đoạn đã được quy định hết sức cụ thể và rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, theo trên, nhiều địa phương thuộc diện 30a, xã nghèo, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng sẽ khó đạt được các tiêu chí “theo quy định cứng”. Theo nhiều kiến nghị từ thực tế: “Không nhất thiết xã nào cũng có chợ, có nghĩa trang, khu thể thao...”(7). Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ 19 tiêu chí là cần thiết nhưng cũng cần “linh hoạt” cho từng vùng, miền, thậm chí từng huyện, xã có tính chất đặc thù về địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống dân trí, phong tục tập quán.

Về mặt lý luận mà nói, xây dựng nông thôn mới phải theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, ban hành các chính sách. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện thời gian qua, vai chủ chủ thể của người dân chưa được phát huy một cách đúng mực, nhiều địa phương phát động phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới” nhưng cũng chỉ dừng lại ở bề nổi, chưa đi vào chiều sâu và thực chất vấn đề, khiến không ít nông dân chưa nhận thức được vai trò của mình nên vẫn còn trông chờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Trước hết về nhận thức, cần tăng cường sự tập trung chỉ đạo cụ thể, thường xuyên, liên tục, đồng bộ, thống nhất, và huy động được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị (Ban chỉ đạo nông thôn mới các cấp, các ban, ngành hữu quan,...), có sự phân công, phân cấp, thể chế hóa vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, ngành hữu quan, thường xuyên kiểm tra, giám sát từ cơ quan chức năng đối với các hoạt động triển khai các nội dung thực thi nông thôn mới (nhất là cơ chế tài chính, đầu tư), có kế hoạch và chương trình sơ kết, tổng kết một cách chặt chẽ, nghiêm túc để đúc rút những kinh nghiệm tốt (và cả những bài học) từ các địa phương nhằm thúc đẩy công tác tuyên truyền một cách có hiệu quả, chất lượng, đúng hướng, đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, không chỉ tuyên truyền trong nhân dân mà tuyên truyền cả đối với cán bộ, nhất là cán bộ sát cơ sở như già làng, trưởng thôn, trưởng buôn, trưởng làng...

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm giáo dục, định hướng về đời sống văn hóa mới phù hợp cho các nhóm cư dân. Đối với những phong tục, tập quán ở một số địa phương không còn phù hợp (hay lạc hậu, phản văn hóa) thì cũng cần có những định hướng và loại bỏ, đối với những nét văn hóa và hoạt động sinh hoạt văn hóa mang tính bản địa tiên tiến, nhân văn, phù hợp với sự phát triển chung của đất nước thì cần hỗ trợ, khuyến khích, phổ biến.

Thứ hai, với một địa bàn có địa hình, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, con người, văn hóa, lối sống đặc thù như các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng như ở Tây Nguyên thì việc thực thi chính sách nông thôn mới nói chung, thực hiện các tiêu chí nói riêng (nhất là tiêu chí về giao thông, trường học, y tế, nhà ở, thủy lợi, thu nhập, giảm nghèo...) là hết sức khó khăn. Do đó, muốn tháo gỡ khó khăn này, thiết nghĩ nhà nước cần có chính sách đặc thù cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng thuộc địa bàn Tây Nguyên. Chẳng hạn, với cơ cấu huy động nguồn vốn cần phải linh hoạt hơn, cơ cấu vốn đầu tư từ Nhà nước phải chiếm tỷ lệ cao hơn, giảm gánh nặng thì phía người dân, nhất là đối tượng người nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Thứ ba, đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứu cách mạng, cần có chính sách và quy định hợp lý hơn về công tác cán bộ nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Xây dựng nông thôn mới là chương trình có tính chiến lược, tổng thể nên công tác tổ chức, cơ cấu cán bộ cần phải được hoạch định một cách khoa học, tránh tình trạng chắp vá, trùng lắp, cán bộ phải “đóng quá nhiều vai” vừa thuộc các ban chỉ đạo, vừa thuộc ban điều hành, tổ giúp việc... Cần có chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác nông thôn mới cấp xã, trong đó nhiều xã yêu cầu cần phải có cán bộ chuyên trách (hoặc một phó chủ tịch phụ trách) về nông thôn mới và giảm bớt các cán bộ kiêm nhiệm, tăng cường các bộ chuyên trách về nông thôn mới.

Thứ tư, từ những vướng mắc trong cơ chế huy động vốn ở đây cho thấy, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để lồng ghép các nguồn vốn từ những chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác trên địa bàn. Huy động vốn cần phát huy yếu tố nội lực của cộng đồng, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến vật kiến trúc, cây lâu năm, quyền sử dụng đất, nhằm tập trung nâng cấp, sửa chữa, xây dựng chính sách hỗ trợ kỹ thuật, ưu tiên xây dựng các công trình chính sách hỗ trợ kỹ thuật thiết yếu, các công trình trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu thiết thực cuộc sống của người dân. Việc huy động vốn theo Quyết định 1600 là hết sức khó khăn. Theo quy định thì vốn huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu huy động, thế nhưng huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư là khó khăn, bởi đời sống người dân còn nghèo, thu nhập thấp và không ổn định, nhiều xã khó khăn trong bố trí kinh phí đối ứng để thực hiện chương trình. Về cơ chế quản lý, phân bổ các nguồn vốn, cần có quy định rõ ràng, hợp lý, quy trình đơn giản hơn và kể rút ngắn thời gian.

Thứ năm, về đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nên cân nhắc, điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với đặc thù của Tây Nguyên nói chung, của các xã đặc thù ở vùng Tây Nguyên nói riêng như: Tiêu chí sử dụng nhà văn hóa, quản lý và tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang… cần có sự hỗ trợ nhất định trong quá trình chuyển giao kỹ thuật, đầu tư đào tạo nghề và lao động cho phù hợp với người dân tộc thiểu số, có kế hoạch truyền thông, vận động người dân thực hiện, đặc biệt liên quan đến hôn nhân, gia đình, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tích cực như hương ước, quy ước, lễ hội, các nghi lễ mang tính cộng đồng và có tính giáo dục cao…

Thứ sáu, nhằm phát triển sản xuất, không ngừng nâng cao thu nhập của người dân, cần hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách khuyến khích để doanh nghiệp có thể đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trên địa bàn các xã nghèo, xã khó khăn của vùng, chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động. Tùy tình hình thực tế có thể phát triển các làng nghề truyền thống - ngành, nghề có thế mạnh của địa phương, ít nhiều đã có chỗ đứng trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp, với phương châm “mỗi làng một sản phẩm” và xem đây không chỉ là giải pháp vừa mang tính trước mắt (giải quyết bài toán thu nhập và lao động nông thôn) mà còn có tính lâu dài (chuyển đổi dần cơ cấu ngành nghề, phát triển làng nghề bền vững) để từ đó, khẳng định thế mạnh của từng địa phương về các sản phẩm của làng nghề truyền thống, vừa tránh trùng lắp trong mô hình sản xuất, vừa phát huy được các nguồn lực sẵn có (vật lực, nhân lực, tài lực).

Đối với các xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng ở Tây Nguyên, thực hiện xây dựng nông thôn mới là một sự chuyển đổi lớn lao, có sức mạnh bóc tách, loại bỏ những tập quán làm ăn lạc hậu, xua tan sự đói nghèo triền miên luôn ám ảnh người dân, nhưng để thực hiện được không phải là chuyện của ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian, đầu tư không ít về tiền của, công sức, cần nhất sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Để xây dựng nông thôn mới “ở những nơi tận cùng của đói nghèo” thành công, ngoài nghiêm túc thực hiện các tiêu chí, thì việc đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gắn công nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, khai thác được các nguồn lực tại chỗ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động ngay tại địa bàn nông thôn là một hướng đi tích cực để phát triển nông thôn đặc biệt là nông thôn vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng một cách toàn diện đúng như nghị quyết, chủ trương của Đảng./.

-------------------------------------------------------------

(1) Huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

(2) Đà Lạt và Bảo Lộc Lâm Đồng

(3) Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tập tư liệu kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên 2001-2015, trang 18-19

(4) Như một số huyện ở Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum

(5) Cục thống kê, Niên giám thống kê năm 2013

(6) Kết quả khảo sát xã hội học trên địa bàn nghiên cứu

(7) Phỏng vấn sâu (nữ, 40 tuổi, bí thư xã) Ayunpa, Gia Lai