Xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa nhằm phát triển con người trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay
TCCS - Để khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực phát triển đất nước, con người chiếm vai trò và vị trí hàng đầu, quan trọng nhất trong các nguồn lực. Trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn chú trọng và dành sự quan tâm đến vấn đề phát triển con người Việt Nam, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa được ban hành, tạo điều kiện tốt nhất để con người được thụ hưởng những thành quả từ chính sách văn hóa đem lại. Xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa nhằm phát triển con người đặt ra yêu cầu cấp thiết để khơi dậy và phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh của nguồn lực con người trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Một số vấn đề chung về văn hóa và phát triển con người
Văn hóa là một khái niệm có nội dung phong phú và phức tạp, do đó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của mỗi người. Nhà nhân chủng học người Anh Edward B. Tylor cho rằng: “Văn hóa hay văn minh, hiểu theo nghĩa rộng về dân tộc của nó, là toàn bộ phức thể bao gồm kiến thức, niềm tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và những khả năng, tập quán mà con người có được với tư cách là thành viên của xã hội”(1). Nhà văn hóa học người Pháp Abraham Moles lại quan niệm: “Văn hóa - đó là chiều cạnh trí tuệ của môi trường nhân tạo, do con người xây dựng nên trong tiến trình đời sống xã hội của mình”. Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng, văn hóa thể hiện trình độ được vun trồng của con người, của xã hội… Văn hóa là trạng thái của con người ngày càng tách khỏi giới động vật, ngày càng xóa bỏ những đặc tính của động vật, để khăng định những đặc tính của con người. Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Federico Mayor trong Lễ phát động “Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa” đưa ra định nghĩa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống con người đã diễn ra trong quá khứ và cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”(2). Như vậy, yếu tố hàng đầu của văn hóa chính là sự hiểu biết, gồm các tri thức về khoa học, kinh nghiệm, quá trình tích lũy trong quá trình lao động sản xuất, và quan trọng hơn là trí tuệ, tâm hồn, tư cách đạo đức, thị hiếu, thẩm mỹ, hành vi của con người. Với thiên chức hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, văn hóa khơi dậy tiềm năng sáng tạo vô tận của con người, từ đó khai thác tốt nhất các tài nguyên của đất nước, phục vụ cho sự phát triển. Với quan niệm này, con người và văn hóa được coi là những “hạt nhân sống còn của sự phát triển”(3).
Muốn phát triển văn hóa, trước hết phải phát triển con người (PTCN), bởi vì văn hóa là cái được tạo ra, được làm nên, được biến đổi bởi con người. Văn hóa là sản phẩm hoạt động của con người, đó là hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, giáo dục và hoạt động nghệ thuật. Các hoạt động ấy đồng thời tạo nên sự phát triển biện chứng giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Cách tiếp cận văn hóa với tư cách là hoạt động của con người khiến nội hàm văn hóa được mở rộng, coi con người như một thực thể văn hóa và phát triển văn hóa chính là sự tự phát triển của bản thân con người. Theo Đỗ Huy, “văn hóa lúc này không chỉ gắn với xã hội, tự nhiên mà gắn với sự phát triển của bản thân con người. Nghiên cứu văn hóa chính là nghiên cứu việc tăng trưởng nguồn lực của con người, bồi dưỡng những khả năng, hiểu biết, khám phá, sáng tạo và lưu giữ của con người”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Như vậy, có thể nói, văn hóa là toàn bộ các giá trị mà con người đã tạo ra. Nói đến văn hóa là nói đến toàn bộ các giá trị tinh thần mà con người tạo ra trong suốt quá trình phát triển, từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh, bởi “văn hóa là tư tưởng, lối sống, đạo đức, là các truyền thống lịch sử, phong tục tập quán, là lý tưởng, khát vọng, là dân trí, là những thành tựu phát minh trong sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần… kết tinh của những giá trị đó là nâng cao chất lượng đời sống, tầm vóc con người”(5). Có thể khẳng định, nói đến văn hóa là nói đến con người. Sản phẩm của văn hóa cũng là con người. Các chiến lược phát triển văn hóa cần phải gắn với chiến lược xây dựng và PTCN, bởi “con người sáng tạo ra văn hóa, ra các giá trị văn hóa, và đến lượt mình, văn hóa, các giá trị văn hóa tạo nên con người. Không có giá trị văn hóa nằm ngoài con người, cũng như không có con người nằm ngoài các giá trị văn hóa”(6). Thước đo của sự phát triển văn hóa thể hiện ở sự phát triển của con người, đồng thời mục tiêu của phát triển văn hóa hướng đến chính là sự PTCN.
Nhận thức được rõ vị trí, tầm quan trọng của vấn đề PTCN trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Đảng ta khẳng định: PTCN Việt Nam chính là việc phát triển “con người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính”(7). Sự quan tâm đến phát triển con người được thể hiện nhất quán trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội… Sự PTCN được chú trọng ở cả hai phương diện cơ bản, đó là nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội tiếp cận các điều kiện để con người phát triển. Những vấn đề được đặc biệt quan tâm, như an ninh con người, bảo vệ quyền con người, an sinh xã hội, phát triển bền vững và bao trùm... đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đem lại tự do, hạnh phúc cho con người.
Quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa vì mục tiêu phát triển con người
Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 - Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta đã khẳng định tính tất yếu lịch sử của vai trò lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa mới ở Việt Nam lúc bấy giờ. Đây là cái gốc của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, từ đó Đảng ta xây dựng đường lối hình thành và phát triển nền văn hóa mới, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chiến tranh giải phóng và nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Thực hiện đường lối đổi mới đất nước năm 1986, Đảng ta đã có những đổi mới quan trọng trong tư duy về văn hóa, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng thể chế văn hóa phải bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tạo cơ chế nhằm phát huy tính sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sinh hoạt văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991) đã hoạch định đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, trong đó có đường lối về văn hóa. Cương lĩnh 1991 chỉ rõ, “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”(8). Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) đã đề xuất những vấn đề văn hóa quan trọng đối với công cuộc hội nhập đất nước. Đặc biệt, vấn đề thể chế văn hóa được xác định: “Củng cố, hoàn thiện thể chế văn hóa đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của nhà nước, vai trò làm chủ của nhân dân và lực lượng những người hoạt động văn hóa, tạo nhiều sản phẩm và sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(9).
Đại hội X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh tới việc “xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam”(10). Vấn đề xây dựng con người đã được Đảng ta quan tâm trên bình diện mới là xây dựng và hoàn thiện về nhân cách, chú trọng bồi dưỡng tư tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh, bản sắc của con người Việt Nam trong giao lưu và hợp tác quốc tế.
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” chỉ rõ mối quan hệ giữa xây dựng, phát triển văn hóa và PTCN, đặc biệt đặt vấn đề xây dựng con người vào vị trí trung tâm của phát triển văn hóa; nhấn mạnh phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Do đó, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu: “Đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa, về quyền tác giả và các quyền liên quan, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Điều chỉnh và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật”(11).
Văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016) đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là: đúc kết, từng bước xây dựng trong thực tế các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Vấn đề xây dựng nhân cách con người trong thời kỳ đổi mới được nhấn mạnh, theo đó, “gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước; gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người; bước đầu hình thành những giá trị mới về con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, dân chủ, chủ động, sáng tạo, khát vọng vươn lên”(12).
Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đề ra định hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(13). Với quan điểm con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, Đại hội XIII xác định, “phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”(14). Trên cơ sở đó, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành các luật và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các chiến lược, quy hoạch, đề án, dự án phát triển văn hóa được quan tâm, trong đó nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị quốc gia được chú trọng triển khai.
Để cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa và PTCN, Nhà nước ta đã xây dựng hành lang pháp lý, các cơ chế, pháp luật, chính sách về văn hóa, xã hội nhằm mục tiêu PTCN.
Trên cơ sở kế thừa quy định về văn hóa, con người trong các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 2013 đã tổng hợp một cách cô đọng, tổng quát những quan điểm, định hướng về văn hóa và PTCN được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện Đại hội của Đảng thành 1 điều (Điều 60). Trong đó, tiếp tục nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và xã hội trong việc chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân. Chương II Hiến pháp năm 2013 khẳng định, mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.
Để cụ thể hóa các chế định về văn hóa, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật có liên quan(15); đồng thời xây dựng, sửa đổi, bổ sung hơn 200 luật, pháp lệnh, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. “Công tác xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa đã ngày càng được bổ sung, hoàn thiện và đáp ứng tốt những yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần vào phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người”(16). Hệ thống pháp luật về văn hóa cơ bản đã bao quát, toàn diện các lĩnh vực thuộc ngành quản lý, góp phần thúc đẩy các nguồn lực xã hội tham gia tích cực hơn vào lĩnh vực văn hóa nhằm PTCN, bảo đảm theo đúng các nguyên tắc, chuẩn mực pháp luật quy định.
Nhằm tạo khung pháp lý cho phát triển văn hóa và PTCN, ngày 12-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, với mục tiêu chung, đó là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng... Các chính sách của Nhà nước về văn hóa thể hiện trong các chương trình mục tiêu, chiến lược phát triển văn hóa(17) không chỉ giúp khôi phục, gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà còn nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần của con người.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để PTCN một cách toàn diện.
Thứ nhất, khung thể chế văn hóa chưa hoàn thiện, chưa triển khai đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa gắn với mục tiêu PTCN; một số vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn chậm được thể chế hóa. Hệ thống pháp luật liên quan tới lĩnh vực văn hóa tuy số lượng lớn nhưng còn chồng chéo, thiếu đồng bộ. Một số văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, quy định chưa cụ thể. Việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, con người chậm, lạc hậu nên nhiều chính sách còn có tình trạng chắp vá, giải quyết tình thế. Việc sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cần được rà soát, đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ hai, cơ chế, chính sách đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. “Mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách tương đối thấp so với các lĩnh vực khác, chưa tương xứng với thực tiễn, chưa đồng đều. Theo Nghị quyết số 40/2021/QH15, ngày 13-11-2021, của Quốc hội “Về việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022”, tỷ lệ ngân sách dành cho văn hóa và thông tin chỉ chiếm 0,9% tổng ngân sách được phân bổ”(18). Điều này không chỉ hạn chế về quy mô mà còn dẫn đến cơ cấu đầu tư công cho văn hóa trở nên bất cập. Phần lớn nguồn vốn đầu tư công dành cho hoạt động sự nghiệp, nên tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa còn thấp. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, chương trình phát triển văn hóa bị gián đoạn, làm giảm nguồn lực thúc đẩy phát triển văn hóa gắn với kinh tế - xã hội để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững. Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa chưa bao quát được toàn bộ các di sản, giá trị văn hóa dân tộc; có trường hợp chưa cụ thể, trong quá trình thực hiện vẫn còn vướng mắc. Chính sách đối với văn học, nghệ thuật chưa được chú trọng, chưa thể hiện tính đặc thù, chưa tạo được sự đột phá; có trường hợp chưa hiệu quả.
Thứ ba, cơ chế, chính sách phát triển hệ thống thiết chế văn hóa vẫn chưa tương xứng với nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, hoạt động kém hiệu quả, lãng phí. Chính sách văn hóa đối với các dân tộc thiểu số còn hạn chế, kém đồng bộ. Một số chính sách chưa phù hợp với đặc thù vùng, tộc người; thiếu các chính sách quản lý đặc thù. Chính sách khuyến khích sáng tạo chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều vướng mắc. Chính sách cho phát triển công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, chậm được ban hành; thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn phát triển manh mún. Một số chính sách về xây dựng, bảo vệ môi trường văn hóa thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, quy chuẩn, tính ổn định chưa cao; chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Chính sách xây dựng văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa, huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hóa chưa cụ thể, chưa thực sự tạo nhiều ưu đãi, hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa; chưa khắc phục được tâm lý trông chờ vào kinh phí của nhà nước.
Thứ tư, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân có lúc, có nơi chưa thực sự chặt chẽ. Chưa thực hiện tốt việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm giải trình. Cơ chế cho sự tham gia của xã hội vào việc hoạch định, triển khai và đánh giá chính sách của Nhà nước và giám sát hoạt động của doanh nghiệp chưa được quy định rõ ràng. Cơ chế phân bổ và tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước còn bất cập, chưa hài hòa giữa khu vực công và khu vực tư, chưa tạo ra động lực khuyến khích sáng tạo và nỗ lực nâng cao chất lượng tác phẩm, chưa tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Hoàn thiện thể chế văn hóa nhằm phát triển con người trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Để hoàn thiện thể chế văn hóa vì mục tiêu PTCN trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần chú ý một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa “bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, phát huy sức sáng tạo của những người làm văn hóa. Thể chế văn hóa phải tạo ra cơ chế nhằm bảo đảm sự tự do, dân chủ trong các hoạt động văn hóa, kích thích sự sáng tạo, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sinh hoạt văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân”(19). Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa, phải quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của con người. Thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có tính riêng biệt, đặc thù, vừa phải được lồng ghép trong thể chế, chính sách về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng với tư cách văn hóa là nền tảng, đồng thời là mục tiêu của các lĩnh vực này, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển toàn diện. Thể chế văn hóa phải vừa tạo động lực phát triển văn hóa, con người Việt Nam, góp phần giới thiệu, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới.
Hai là, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn thiếu trong các lĩnh vực văn hóa. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khắc phục bất cập trong các chính sách đã ban hành. Đặc biệt, “tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm tất cả chính sách đều hướng tới mục tiêu cao nhất là phát triển con người Việt Nam toàn diện, mang đầy đủ đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành và lan tỏa các giá trị chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; cụ thể hóa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, và chuẩn mực con người Việt Nam”(20). Rà soát, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, phù hợp với kinh tế thị trường và những đặc điểm riêng của lĩnh vực văn hóa. Có chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong xã hội đầu tư cho văn hóa thông qua các quỹ văn hóa, nghệ thuật; thu hút các tài trợ của doanh nghiệp bằng chính sách giảm trừ thuế, tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng khung thể chế mới nhằm phát huy nguồn lực văn hóa, nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa và con người, thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Đổi mới tư duy về phát triển văn hóa và PTCN, trong đó có cách tiếp cận vượt trội, đột phá, tiên phong về PTCN, hay nói cách khác, đó là đổi mới “tư duy, tiếp cận lấy con người, phát triển con người làm trung tâm của phát triển đất nước”(21). Gắn xây dựng con người với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bốn là, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa giai đoạn 2023 - 2025, cần tập trung xây dựng và ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là chương trình lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra nguồn lực, định hướng và làm tiền đề cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn tới. Cụ thể hóa nhiệm vụ, lộ trình và tiến độ thực hiện đối với giải pháp hoàn thiện thể chế văn hóa để PTCN. Cần tập trung xây dựng các thương hiệu quốc gia, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để tạo điều kiện phát triển thị trường văn hóa, nghệ thuật Việt Nam theo đúng xu hướng phát triển của thế giới.
Năm là, các cơ quan, tổ chức nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, thực chất trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách về văn hóa; nghiêm túc lấy ý kiến, tiếp thu và giải trình ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của luật pháp, chính sách về văn hóa và PTCN. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát việc thi hành pháp luật. Phát huy tính năng động, tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, nhất là Chính phủ trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách nói chung, chính sách về văn hóa, con người nói riêng . Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa, con người và giám sát việc thực hiện. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, chính sách; chú trọng thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn tham gia xây dựng xây dựng, hoàn thiện thể chế văn hóa vì mục tiêu PTCN xã hội chủ nghĩa.
Sáu là, đổi mới phương thức đầu tư cho văn hóa, có cơ chế thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ văn hóa. Thực hiện bình đẳng trong đầu tư của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động văn hóa trên cơ sở năng lực và hiệu quả xã hội của mỗi tổ chức. Tạo môi trường pháp lý để các doanh nghiệp kinh tế bảo trợ, tài trợ cho văn hóa. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho văn hóa, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa hiện đại, mang dấu ấn quốc gia ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh hoặc tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng du lịch, có điều kiện kinh tế phát triển để tạo điểm nhấn, thu hút quảng bá du lịch và phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Đẩy mạnh chiến lược văn hóa đối ngoại, ngoại giao nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa; xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia ở địa bàn trọng điểm, nơi có nhiều kiều bào sinh sống để nuôi dưỡng tình yêu quê hương cội nguồn, tăng cường trao đổi, giao lưu giữa các thế hệ người Việt Nam, giao lưu và tiếp thu có chọn lọc văn hóa nước ngoài. Coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành và cán bộ ở cơ sở.
Bảy là, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (đến năm 2030 và giai đoạn 2021 - 2040), gắn với xác định rõ sản phẩm và dịch vụ văn hóa cụ thể. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại (nhà hát, bảo tàng, thư viện, công viên) tạo điểm nhấn ở các đô thị lớn, xứng tầm với vị thế quốc gia tầm trung. Tập trung hoàn thành việc lập và phê duyệt các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành văn hóa làm cơ sở để đầu tư phát triển văn hóa bền vững, đúng định hướng được đề ra theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc hoàn thiện thể chế văn hóa vì mục tiêu PTCN Việt Nam cần được triển khai một cách hợp lý, đạt hiệu quả cao trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay./.
------------------------
(1) Edward Burnett Tylor: Primitive Culture V2: Researches Into the Development of Mythology, Philosophy, Religion, Language, Art and Custom, Publisher Literary Licensing, London, UK, 2014; Pitirim A. Sorokin: Social and Cultural Dynamics, Oxford, UK, 1985
(2) Ủy ban quốc gia về thập kỷ thế giới phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1992, tr. 23 - 24
(3) Hồ Bá Thâm: Khái quát kết quả tổng kết nghiên cứu các vấn đề con người, giá trị và vị trí của nó trong Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bổ sung và phát triển: Vấn đề đặt ra hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội, số 3(271), 2021
(4) Đỗ Huy: Văn hóa Việt Nam trên con đường giải phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển, Nxb. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2013, tr.29
(5) Trần Văn Bính: Văn hóa Việt Nam trên con đường đổi mới - Những thời cơ và thách thức, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, tr. 98
(6) Trần Văn Bính: Động lực cuối cùng cho sự phát triển bền vững đất nước vẫn là văn hóa, con người, trong Kỷ yếu Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, 2021, tr. 26, 27
(7) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 15
(8) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528
(9) Xem: Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-03-nqtw-ngay-1671998-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-tai-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-viii-ve-xay-dung-va-phat-1692
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.106
(11) Xem: Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-33-nqtw-ngay-962014-hoi-nghi-lan-thu-9-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-xay-dung-va-phat-trien-590
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 124
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 115 - 116
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 143, 215 - 216
(15) như: Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Di sản văn hóa; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Xuất bản; Luật Báo chí; Luật Điện ảnh; Luật Quảng cáo; Luật Du lịch; Luật Thể dục, thể thao; Luật Thư viện; Luật Giáo dục; Luật Khoa học và công nghệ...
(16) Nguyễn Duy Bắc: Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 6-3-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/duong-loi-chu-truong-cua-dang-nha-nuoc-ve-xay-dung-hoan-thien-the-che-chinh-sach-va-huy-dong-nguon-luc-cho-phat-trien-van-hoa
(17) như: Chương trình mục tiêu bảo tồn và tôn tạo di tích danh thắng, Chương trình mục tiêu chấn hưng điện ảnh, Chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cùng một số chương trình liên quan khác như: Chương trình 135; Chương trình xóa đói giảm nghèo; Chương trình xây dựng nông thôn mới...
(18) Nguyễn Đắc Vinh: Xây dựng thể chế, chính sách văn hóa trong 50 năm qua (1975 - 2025), in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Hà Nội, 2024, tr. 78
(19) Nguyễn Duy Bắc: Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, tldd
(20) Nguyễn Đắc Vinh: Xây dựng thể chế, chính sách văn hóa trong 50 năm qua (1975 - 2025), tlđd, tr. 85
(21) Võ Khánh Vinh: Một số vấn đề lý luận về lấy con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước ở Việt Nam, in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp quốc gia: Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước, Hưng Yên, 2024, t. 1, tr. 23
Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam  (25/11/2024)
Lễ ra mắt Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (16/10/2024)
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân  (28/08/2024)
Tập trung xây dựng ba nền tảng thể chế, kinh tế, văn hóa, nâng cao hiệu quả, kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  (28/03/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển