Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở thành phố Hà Nội: Thực trạng và một số khuyến nghị

Lê Thị Phượng
Học viện Báo chí và Tuyên tuyền
08:18, ngày 30-09-2024

TCCS - Thời gian qua, việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, tạo đà cho Thủ đô phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Thủ đô còn bộc lộ những yếu tố thiếu bền vững. Để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thành công, thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh thực hiện hiệu quả một số giải pháp trọng tâm.

Thực trạng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Hà Nội thời gian qua

Triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của thành phố, thời gian qua, mặc dù Hà Nội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế thành phố đã duy trì tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; mô hình tăng trưởng chuyển dần từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu… góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) tăng bình quân 6,67%/năm. Trong 2 năm (2020 và 2021) kinh tế Thủ đô đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch COVID-19, song thành phố vẫn duy trì được đà phát triển. Năm 2020, GRDP của thành phố tăng 3,98%; năm 2021 tăng 2,92%. Năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế Thủ đô phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ, năng suất lao động tăng cao, đạt 188,1 triệu đồng/lao động, tăng 6,94%; GRDP tăng trưởng 8,89%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2023, kinh tế Thủ đô Hà Nội gặp những khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, xuất - nhập khẩu hàng hóa suy giảm,… năng suất lao động duy trì tăng trưởng nhưng ở mức thấp, ước đạt 195,4 triệu đồng/lao động. Bình quân giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,4%.

Trong giai đoạn 2011 - 2022, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) của Hà Nội luôn tăng trưởng ổn định, phản ánh những nỗ lực trong cải cách thể chế và nâng cao năng suất các nhân tố sản xuất của thành phố. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015, đóng góp của TFP bình quân đạt 46,29%; giai đoạn 2016 - 2020, con số này tăng lên 49,24%. Đến giai đoạn 2021 - 2022, tỷ trọng đóng góp của TFP tăng lên 52,65%, cho thấy nền kinh tế đã dần phục hồi sau đại dịch và các chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất đã có tác động tích cực. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội tăng dần qua các năm, phản ánh xu hướng tích cực trong việc dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất.

Năm 2023, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường, song GRDP Hà Nội vẫn tiếp tục đà duy trì tăng trưởng (ước đạt 6,27%). Các ngành duy trì tăng trưởng: dịch vụ tăng 7,26%; công nghiệp - xây dựng tăng 5,29%; nông, lâm, thủy sản tăng 2,74%. Thu nhập tính theo GRDP bình quân năm 2023 đạt 151,1 triệu đồng/người, gấp 2,8 lần so với năm 2011.

Giai đoạn 2011 - 2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động gần 4,16 triệu tỷ đồng, tăng hằng năm 9,47%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét: Khu vực nhà nước giảm từ 51,0% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3% năm 2023; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 59,0%. Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế,...

Thành phố đã ban hành các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung vào các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Nhờ đó, Hà Nội đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn, có giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Năm 2023, thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2.943 triệu USD, tăng 9,3% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, Hà Nội đã kiểm soát được lạm phát; thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 2,04% năm 2023, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô và cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội từ 2011 đến năm 2023 đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2023 đạt 3,08 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 10,65%/năm. An sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

Cơ cấu kinh tế theo ngành của Hà Nội có chuyển dịch tích cực, hiệu quả. Các thành phần và các ngành kinh tế phát triển đa dạng, phong phú. Tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Nếu như năm 2011 cơ cấu ngành kinh tế là: dịch vụ chiếm 63%; công nghiệp - xây dựng 20%; nông nghiệp 3,6%, thuế sản phẩm 13,4% thì đến năm 2023, cơ cấu các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tương ứng là: 64,06%; 23,65% - tăng tương ứng 1,06 điểm % và 3,65 điểm %; nông nghiệp và thuế sản phẩm tương ứng 1,97% và 10,32% - giảm tương ứng 1,63 điểm % và 3,08 điểm %.

Những năm gần đây, ngành dịch vụ được chú trọng phát triển, đẩy mạnh cơ cấu lại nội ngành, trong đó tập trung mạnh vào số hóa, đẩy mạnh thương mại điện tử và phục hồi phát triển ngành du lịch sau đại dịch COVID-19. Giai đoạn 2011 - 2022, dịch vụ tăng bình quân 6,77%/năm - cao hơn bình quân chung là 6,67%. Năm 2022, dịch vụ phục hồi tăng mạnh (đạt 10,06%). Năm 2023 tiếp tục khẳng định đà phục hồi, mức tăng đạt 7,26% - gấp 1,16 lần mức tăng chung của GRDP (6,27%).

Ngành du lịch được cơ cấu lại theo hướng hình thành các sản phẩm du lịch theo chuỗi, ứng dụng công nghệ số; xây dựng thêm nhiều sản phẩm mang đến “làn gió mới” cho du lịch; ký kết hợp tác, kết nối với các tỉnh, thành phố thiết lập “hành lang xanh” du lịch; tổ chức nhiều chương trình kích cầu, tuyên truyền, quảng bá “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”… Riêng năm 2023, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24,72 triệu lượt khách, cận dưới mục tiêu đặt ra cho năm 2025 (30 triệu khách).

Hạ tầng thương mại nội địa như trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… được chú trọng phát triển; các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, thương mại điện tử tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 7,0% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Xuất, nhập khẩu duy trì tăng trưởng, giai đoạn 2011 - 2023, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 4,57%/năm, nhập khẩu tăng 3,28%/năm. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 54 tỷ USD, gấp 1,54 lần so với năm 2011 (35,13 tỷ USD).

Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá. Ngành xây dựng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh; nhiều khu đô thị mới được xây dựng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô… Bên cạnh đó, thành phố đã thực hiện khởi công các dự án quan trọng, có tính liên vùng, như dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3; tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình…

Ngành nông nghiệp tiếp tục được cơ cấu lại, đẩy mạnh theo hướng phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; các huyện, thị xã đã tích cực chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau, màu hoặc kết hợp nuôi thủy sản cho hiệu quả cao hơn. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn).

Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Năm 2023, 100% các huyện và xã của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh cây ăn quả, chăn nuôi tập trung, trồng hoa, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thúc đẩy thực hiện Chương trình mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP). Đến cuối năm 2023, thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP.

Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Thành phố cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tiêu biểu như các dự án trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc; Trung tâm Ươm tạo và đào tạo Công nghệ cao… nhằm hình thành hệ sinh thái ươm tạo, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước được lãnh đạo thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt: đã vận hành hệ thống quản lý cuộc họp của thành phố; hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ đến các cấp, các ngành; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; hệ thống thông tin báo cáo thành phố phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành…

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được chú trọng; hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực; đào tạo chương trình song bằng; sử dụng phần mềm quản lý học sinh, như sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử và học bạ điện tử,... thúc đẩy hội nhập quốc tế về giáo dục - đào tạo. Những chuyển biến tích cực và kết quả đạt được của ngành giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%...

Một số khuyến nghị

Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) xác định quan điểm về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số(1).

Cùng với cả nước triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của thành phố Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thời gian tới, để Hà Nội tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thành công, đạt được các mục tiêu đã đề ra theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn cần được thực hiện đồng bộ, có lộ trình phù hợp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

Hai là, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng của thành phố, gồm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp bán dẫn, dịch vụ logistics, thương mại điện tử, du lịch, giáo dục, y tế,... Phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại hiện đại khu vực ngoại thành; thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt. Tiếp tục mở rộng các điểm thu hút du lịch, nâng cao năng lực của các khu, điểm du lịch hiện có. Phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là du lịch văn hóa.

Ba là, tích cực triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh lan toả từ trung tâm ra các vùng ngoại vi; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai. Hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch...

Bốn là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Rà soát, thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh góp phần đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư FDI, đặc biệt là các dự án lớn, tập trung vào các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động tích cực đến môi trường và xã hội.

Năm là, tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học - công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo; không ngừng nâng cao mức đóng góp của TFP và kinh tế số trong GRDP. Bên cạnh đó, thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển; khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động.

Sáu là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập và hợp tác phát triển. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, các danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác phát triển trong tất cả các lĩnh vực.../.

------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 214 - 215