Hà Nội tăng cường tuyên truyền, quảng bá nhằm phục hồi và phát triển du lịch
TCCS - Bằng sự vào cuộc quyết liệt, ngành du lịch Hà Nội có sự hồi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong 7 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh việc phục hồi, phát triển và thu hút nhiều hơn khách quốc tế nhằm đạt mục tiêu đón từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022; phấn đấu đến cuối năm 2023 có thể đón lượng khách quốc tế bằng 50% của năm 2019.
Truyền thông mạnh mẽ về điểm đến, dịch vụ và sản phẩm du lịch
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch số 07/KH-UBND, ngày 7-1-2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tuyên truyền quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội năm 2022, ngành du lịch Hà Nội đã tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội trên nhiều phương tiện truyền thông như Kênh Truyền hình VTV, HanoiTV, kênh CNN quốc tế, FM du lịch Hà Nội, trang tin, báo điện tử, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook). Hà Nội cũng triển khai xây dựng Chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch “Hà Nội - Đến để yêu” với Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 phát sóng từ tháng 4 đến tháng 8-2022; giai đoạn 2 phát sóng từ tháng 9 đến tháng 12-2022. Ngành du lịch duy trì hệ thống biển chỉ dẫn, thông tin phục vụ tuyên truyền quảng bá du lịch Hà Nội ở một số điểm đến, tuyên truyền cổ động trực quan bằng pano tấm lớn về du lịch Hà Nội chào mừng các ngày lễ, tết trong năm, các sự kiện lớn của đất nước và Thủ đô. Đồng thời, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu trên website du lịch Hà Nội để cung cấp thông tin cho du khách, tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tháng 7-2022, khách du lịch quốc tế và nội địa đến Hà Nội tiếp tục tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,94 triệu lượt (tháng 7-2021 đạt 17 nghìn lượt khách). Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 1,8 triệu lượt khách; khách du lịch quốc tế ước đón khoảng 141 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6,15 nghìn tỷ đồng. Tính chung, 7 tháng đầu năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 10,62 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 425,9 nghìn lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 10,2 triệu lượt khách, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tính đến tháng 7-2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt khoảng 41,7%, giảm 1,2 % so với tháng 6-2022 và tăng 17,8 % so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính, 7 tháng đầu năm 2022 công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1 đến 5 sao ước đạt khoảng 31,7%, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 26 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 8 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phuc vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.
Để triển khai tốt nhất việc khôi phục và phát triển du lịch, ngành du lịch Hà Nội tập trung vào công tác xây dựng sản phẩm du lịch, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường. Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chương trình khảo sát và làm việc với Ủy ban nhân dân các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Thanh Trì, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây về xây dựng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn theo Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 4-3-2022. Tham mưu tổ chức đoàn công tác tham dự Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức đoàn công tác khảo sát sản phẩm dịch vụ du lịch Đắk Lắk và đoàn công tác khảo sát sản phẩm dịch vụ du lịch tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Phát triển các sản phẩm du lịch mới, theo vùng và thế mạnh của địa phương
Thời gian qua, xu hướng, nhu cầu du lịch của khách đã thay đổi nhiều. Các hoạt động du lịch của Hà Nội mới chỉ mở lại hoàn toàn từ tháng 3-2022 đến nay, do đó nhu cầu du lịch của khách trong nước, nhất là dịp hè tăng lên rõ rệt. Du khách theo xu hướng đi du lịch nhóm nhỏ, gần nhà nên các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong khu vực nội, ngoại thành Hà Nội liên tục đầy khách dịp cuối tuần. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, nhà đầu tư xây dựng, triển khai các chương trình khuyến mại nghỉ dưỡng, các dịch vụ trải nghiệm, ẩm thực phục vụ thị hiếu nghỉ ngơi ngắn ngày của khách du lịch.
Từ nay đến cuối năm 2022, ngành du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của thành phố, như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE. Tổ chức chương trình khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố khảo sát các sản phẩm du lịch các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên…. Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu mới của thị trường. Khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, tập trung phát triển các sản phẩm theo từng vùng và thế mạnh của địa phương, như sản phẩm du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở huyện Ba Vì, bay dù lượn ở huyện Chương Mỹ gắn với đối tượng khách du lịch trẻ, năng động thích trải nghiệm khám phá. Khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch mua sắm ở khu vực Đông Anh - Sóc Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ.
Sở Du lịch Hà Nội sẽ tham mưu xây dựng, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết về việc quy định một số chính sách khuyến khích hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch và thủ tục hành chính công nhận khu du lịch, điểm du lịch đạt tiêu chí chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025. Đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đêm. Phối hợp với các đơn vị lữ hành, các đơn vị điểm đến đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản, xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các sản phẩm du lịch truyền thống. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...) và kênh CNN quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook...). Sản xuất phim, clip, với nhiều ngôn ngữ về du lịch Hà Nội an toàn, hấp dẫn đăng tải, phát hành tại sân bay Nội Bài, màn hình led, quầy hỗ trợ thông tin du lịch, khách sạn, doanh nghiệp lữ hành... Triển khai cuộc thi Ảnh du lịch Hà Nội và cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022./.
Hà Nội đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  (09/11/2022)
Hà Nội quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu  (06/11/2022)
Ngành du lịch Quảng Ninh nỗ lực phát triển thương hiệu du lịch  (06/11/2022)
Hà Nội tiếp tục phát huy sức mạnh mềm và tăng cường hội nhập quốc tế  (05/11/2022)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên