TCCS - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng vai trò, sức mạnh của nhân dân, coi đó là nguồn lực chủ yếu, là tài nguyên quý giá trong sự nghiệp cách mạng. Trên tinh thần chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, tư tưởng “trọng dân”, “thân dân” của Người được nâng lên một tầm cao mới. Vận dụng tư tưởng tư tưởng “thân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh của nhân dân trong giai đoạn hiện nay luôn có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh.

Tư tưởng “thân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đưa ra khái niệm cụ thể về “thân dân”. Trong bài nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người đã căn dặn: “…thân dân” tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Nói một cách khác, tức là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”…”(1). Như vậy, “thân dân” có thể hiểu là thái độ gần dân, chăm lo đến lợi ích và đời sống nhân dân của người lãnh đạo, cầm quyền. “Thân dân” là tư tưởng tiến bộ, coi trọng vai trò của nhân dân, lấy dân làm gốc, gần gũi, chia sẻ khó khăn, đau khổ cùng nhân dân, coi nhân dân là nguồn gốc của sức mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi “thân dân” tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, chính quyền là “của dân, do dân và vì nhân dân”.

Nội dung quan điểm về “thân dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện ở những khía cạnh sau:

Một là, phải lấy dân làm gốc, tôn trọng dân ý, hiểu thấu dân tâm.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “lấy dân làm gốc” không chỉ là nền tảng tư tưởng, mà còn là cơ sở để Người lựa chọn con đường cách mạng cho dân tộc, cứu nước gắn liền với cứu dân. Tư tưởng “thân dân”, lấy dân làm gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là sự kết hợp nhuần nhuyễn học thuyết Mác - Lê-nin với kinh nghiệm lịch sử, truyền thống dân tộc và thực tiễn cách mạng Việt Nam, mà còn là sự phát triển hợp lôgic của quan điểm đề cao vai trò nhân dân. Bởi đề cao dân thì ắt phải lấy dân làm gốc, “gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(2). Bằng những quan điểm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho tư tưởng “thân dân”, lấy dân làm gốc trở về với giá trị đích thực, khắc phục triệt để những hạn chế mà chế độ xã hội trước đó không làm được. Theo Người, nền tảng của cách mạng là nhân dân thì dân phải có quyền làm chủ thực sự. Người nói: “Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan niệm “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; hoặc “quyền hành và lực lượng đều nơi dân”(4).

Hai là, bảo đảm dân sinh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề bảo đảm dân sinh. Người đã dành trọn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng để đấu tranh cho mục đích cách mạng đầy tính nhân văn, đó là độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Giải phóng con người, chăm lo cho con người có cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn, hạnh phúc hơn luôn là sự trăn trở, đồng thời là mong muốn lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn khẳng định, độc lập dân tộc phải gắn với tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Nếu “chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói chết rét, thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(5). Trong bản Di chúc thiêng liêng gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân, vấn đề bảo đảm dân sinh, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Người căn dặn: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(6). Đó cũng là những lời dặn dò thể hiện tình nhân ái bao la, chủ nghĩa nhân văn trong sáng, sự biểu cảm của tư duy một con người vĩ đại suốt đời chăm lo đến đời sống của tất cả người dân.

Ba là, chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”(7), nên từ rất sớm, Người đã quan tâm đến việc không ngừng nâng cao dân trí, bởi “không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”(8). Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy nhân dân làm mục tiêu, lý tưởng của bản thân và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà...”(9). Đó là lý do để nâng cao dân trí trở thành một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu, lý tưởng về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bốn là, thực hiện dân quyền, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc... Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được. Dân quyền là những quyền con người được luật pháp quy định và bảo đảm. Tự do là quyền cơ bản trong dân quyền. Vấn đề này được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến như là mục tiêu chủ yếu mà Người và cách mạng Việt Nam hướng đến. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, “dân ta được hoàn toàn tự do” là ham muốn tột bậc. Không những thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định tự do cho nhân dân là một trong ba mục tiêu, lý tưởng chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thể hiện qua tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Năm là, thực hành dân chủ, để “dân là chủ” và “dân làm chủ”.

Dân chủ là một trong những “viên ngọc quý” trong di sản tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại. Dân chủ được  Chủ tịch Hồ Chí Minh kiến giải một cách giản dị, dễ hiểu, nghĩa là: dân là chủ và dân làm chủ. Nội dung cốt lõi trong tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh giá trị cao nhất, chung nhất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ”. Điều này khẳng định giá trị xã hội đích thực của dân chủ là ở chỗ giành về cho đại đa số nhân dân lao động, những quyền lực của chính họ thông qua đấu tranh cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới của chính bản thân quần chúng nhân dân.

Sáu là, phát huy vai trò của nhân dân, phục vụ nhân dân với tinh thần “Đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân”, “Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”.

Thấm nhuần sâu sắc lý luận Mác - Lê-nin về vai trò của nhân dân, trong tư tưởng chỉ đạo và thực tiễn hành động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, luôn tin vào khả năng, sức mạnh và quyền lực của dân, còn dân thì còn nước, được lòng dân là được tất cả. Người khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội là do Đảng lãnh đạo và do Nhân dân xây dựng lấy”(10). Chủ nghĩa xã hội là công trình tập thể của nhân dân, do nhân dân tự xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phải đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người có ý nghĩa như một tiền đề xuất phát, một tư tưởng chỉ đạo, một lực lượng thực hiện, là mục đích của tư tưởng: bắt đầu từ con người, vì con người, do con người và trở về với con người. “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Xuất phát từ truyền thống “trọng dân” của dân tộc, Người khẳng định: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(11).

Như vậy, tư tưởng “thân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, vận dụng, phát triển sáng tạo các giá trị tư tưởng “thân dân” của dân tộc, nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam, góp phần bổ sung, phát triển làm phong phú kho tàng lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Hiện nay, tư tưởng “thân dân” Hồ Chí Minh là cơ sở khoa học định hướng cho việc giải quyết nhiều vấn đề trong thực tiễn về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng “tư tưởng” thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong giai đoạn hiện nay

Vận dụng tư tưởng “thân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân ở Việt Nam thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, khai thác và phát huy các nguồn lực vật chất trong dân.

Nhân dân có nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực vật chất có ý nghĩa quan trọng. Nguồn lực vật chất của nhân dân bao gồm “sức dân”, “tài dân”, “của dân”. Năm 1947, trong lần về thăm Thanh Hóa, Người căn dặn cán bộ, đảng viên: Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân. Cụ thể hóa các nguồn lực vật chất “sức dân”, “tài dân”, “của dân” có thể kể đến như nguồn lực của cải, tài chính; nguồn lực sức lao động; nguồn lực trí tuệ. Phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân Việt Nam được hiểu là quá trình làm cho sức mạnh của quần chúng nhân dân không ngừng hoàn thiện, có vai trò ngày càng tăng đối với việc thúc đẩy tiến trình lịch sử phát triển, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Về nguồn lực của cải, tài chính: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tất cả của cải vật chất trong xã hội, đều do công nhân và nông dân làm ra; nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nguồn lực của cải, tài chính trong nhân dân là rất nhiều, Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải biết dựa vào dân, phát huy nguồn lực của cải, tài chính trong dân để làm cho dân giàu, nước mạnh. Với Người, từ việc to đến việc nhỏ, từ xa đến gần, dựa vào dân, huy động sức dân là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn.

Về nguồn lực sức lao động: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng lao động, coi người lao động là vốn quý nhất. Người đòi hỏi phải tổ chức lao động cho tốt để tiết kiệm sức lao động. Người căn dặn, phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của lao động. Người từng khẳng định: “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, là nhờ lao động. Xây nên giàu có, tự do, dân chủ cũng là nhờ lao động. Trí thức mở mang cũng nhờ lao động (lao động trí thức). Vì vậy, lao động là sức chính của sự tiến bộ loài người. Cũng là sức mạnh của sự giải phóng dân tộc”(12).

Về nguồn lực trí tuệ: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ cũng là trí thức, là sự hiểu biết, là tài năng. Người coi “dốt cũng là một thứ giặc”, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người cho rằng, muốn phát triển kinh tế, xã hội cần phải huy động được trí tuệ của nhân dân: “Quần chúng rất nhiều sáng kiến, họ hiểu biết rất mau, nhất là những cỏi thuộc về quyền lợi của họ”(13). Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là vốn liếng quý báu của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhân dân là những con người sáng tạo nhất, thông minh nhất; quần chúng nhân dân có thể giải quyết được mọi khó khăn. Nhiều lần Người nhắc nhở: Có những việc rất đơn giản, cán bộ, đảng viên nghĩ mãi không ra nhưng quần chúng nhân dân lại có cách giải quyết rất đơn giản, đầy đủ và hiệu quả, bởi người dân biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.

Hai là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”, chỉ có sức mạnh của tinh thần đoàn kết mới mang lại cho dân tộc một sự phát triển ổn định và thịnh vượng, mới giúp dân tộc thành công trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được hun đúc, hình thành và phát triển bởi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiến thắng mọi thiên tai, địch họa, để xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam ngày càng cường thịnh. Thực hiện đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Đảng ta khẳng định, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước phải phản ánh được nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số dân chúng để có thể tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng cho cách mạng.

Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay chính là sự tập hợp, giải quyết thành công mọi nhân tố với mọi mối quan hệ khác nhau trong sự thống nhất, quy tụ tất cả các lợi ích khác nhau bằng sự tương đồng để đưa đất nước phát triển đúng hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thống nhất đó là nền độc lập tự do của dân tộc; điểm tương đồng đó, là sinh mệnh của chủ nghĩa xã hội. Cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng sự khác biệt không trái với lợi ích quốc gia - dân tộc”. Đồng thời giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.

Ba là, phát huy sức mạnh tinh thần của nhân dân.

Sức mạnh tinh thần của nhân dân có vai trò rất quan trọng, là động lực trung tâm tạo nên sức mạnh vô song cho dân tộc. Sức mạnh tinh thần, nếu được định hướng và hình thành dựa trên những đường lối, chủ trương đúng đắn sẽ trở thành nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ quá trình phát triển; là động lực khai phóng các tiềm năng, phát huy ý chí tự lực tự cường, các nguồn lực của đất nước, là tiền đề vững chắc để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn thể nhân dân.

Điểm cốt lõi trong phát huy sức mạnh tinh thần của nhân dân là phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Đây là những giá trị bền vững, là nhân tố quan trọng hàng đầu tác động sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần và đã trở thành truyền thống, bản lĩnh Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc qua các thời kỳ lịch sử; là cơ sở vững chắc gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sức mạnh của ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc nếu được nhân lên trong giai đoạn hiện nay, sẽ giúp thực lực quốc gia Việt Nam mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực: Về chính trị, ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu nước giúp toàn dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước; sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn, thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài..; Về kinh tế, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu nước là phấn đấu phát triển kinh tế vì lợi ích cộng đồng, quốc gia; thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển..; Về văn hóa, đó là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; là sống nghĩa tình với nhau, xứng với hai chữ “đồng bào”; tiếp thu một cách chủ động và lành mạnh các giá trị văn hóa của nhân loại,..; Về đối ngoại, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu nước nước góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.. Trong Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng ta đã chỉ rõ: “Hơn bao giờ hết, phải phát huy cao độ lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, nêu cao ý chí và bản lĩnh dân tộc, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân vì sự phát triển đất nước”(14).

Như vậy, thực chất của tư tưởng “thân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gần dân, chăm lo tới hạnh phúc của dân, tin cậy ở khả năng và sức sáng tạo của nhân dân, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ để thực hiện mục tiêu lịch sử đưa nhân dân trở thành người chủ thực sự trong xã hội, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Tư tưởng “thân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bước kế thừa, phát triển khoa học những giá trị tinh hoa trong tư tưởng thân dân truyền thống và của nhân loại.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu cao nhất là bảo đảm cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Sức mạnh của dân tộc, của cách mạng chính là sức mạnh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mọi chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước muốn thực hiện được hay không, phải xuất phát từ thực tiễn khách quan và phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được quần chúng nhân dân đồng thuận, ủng hộ, từ đó có giải pháp, cách thức và phương pháp giải quyết cụ thể, phù hợp. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng “thân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao nhất sức mạnh của quần chúng nhân dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay./.

----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 377
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 502
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 397
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 299
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4,  tr. 175
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15,  tr. 611
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 8
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.10, tr. 345
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 40
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 404
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 117
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 514
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 48
(14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban chỉ đạo tổng kết: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 22