TCCSĐT - Được chọn là một trong 20 xã điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2015, buổi đầu xã Tiến Hưng mới đạt 7/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia, trong quá trình triển khai đã nỗ lực phấn đấu xây dựng nhanh 12 tiêu chí còn lại. Đến cuối năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thực tiễn ở Tiến Hưng có thể rút ra được một số bài học kinh nghiệm và gợi mở hướng phát phát triển trong thời gian tới.

Nỗ lực tập trung đầu tư để sớm tạo được diện mạo nông thôn mới

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy xã đã thành lập tổ và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới đến các đoàn thể, chi bộ, ban điều hành ấp bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú như thông qua hệ thống đài truyền thanh của xã, các hợp tác xã, hầu hết các cuộc hội họp của xã đều lồng ghép công tác này để vận động đến tận người dân nhận thức được tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, các hoạt động cụ thể ở địa phương đều do chính người dân bàn bạc, quyết định trên cơ sở các quy hoạch, kế hoạch quy chuẩn để bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững.

Thời gian qua, Xã tổ chức được 127 hội nghị với 7.173 người tham dự. Các đợt tuyên truyền đều mang lại hiệu quả thiết thực: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân từng bước được nâng lên; ý thức của người dân trong việc chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cao hơn; nhân dân trong các khu dân cư ngày càng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn trong sinh hoạt và công tác, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nhắc nhở nhau trong công tác bảo vệ môi trường, tích cực đóng góp tiền của, hiến đất làm đường giao thông nông thôn và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương.

Quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong định hướng cho xây dựng nông thôn mới. Công tác lập quy hoạch được thực hiện gắn liền với quy hoạch chung và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được bảo đảm tính công khai, minh bạch, có sự tham gia, đóng góp của toàn thể nhân dân. Đề án xây dựng nông thôn mới của Xã được phê duyệt từ đầu năm 2012, theo đó, Đồ án quy hoạch cũng được phê duyệt ngay trong năm; việc cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch nhanh chóng được thực hiện.

Xác định xây dựng hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất để tạo diện mạo nông thôn mới, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân, Ủy ban nhân dân xã đã huy động tối đa nguồn lực của địa phương kết hợp lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác để đầu tư cơ sở hạ tầng. Cụ thể:

Triển khai làm 60 tuyến đường với tổng chiều dài 85.55km, trong đó xây dựng nhựa hóa 20,7km đường liên xã, bê tông hóa 32,25km đường liên ấp, ngõ xóm và nâng cấp sỏi đỏ 32,6km đường nội đồng và đường liên xã. Tổng kinh phí thực hiện là 23 tỷ đồng, vốn của nhân dân và doanh nghiệp đóng góp trên 9 tỷ đồng, ngoài ra còn góp 3.459 ngày công, hiến 2550m2 đất để phục vụ cho công tác làm đường giao thông nông thôn.

Ủy ban nhân dân xã đã phối hợp với Điện lực Đồng Xoài và Đồng Phú đầu tư 500m đường dây trung thế, 9 tuyến đường dây hạ thế có chiều dài 11,4km. Với tổng kinh phí thực hiện 6,8 tỷ đồng bảo đảm phục vụ điện sinh hoạt cho người dân, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện đến năm 2015 đạt 3.054/3.060 hộ (đạt 99,8%).

Các cấp, các ngành hỗ trợ 50,4 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng cho giáo dục, đào tạo, nên Xã đã xây mới được 48 phòng học, 34 phòng chức năng, sửa chữa 13 phòng học, xây dựng sân bê tông và hàng rào. Nâng tổng số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia lên 2/5 trường, những trường còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ đạt chuẩn quốc gia toàn bộ vào quý II năm 2016. Cơ sở vật chất được tăng cường, đã góp phần chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên, duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt trên 90%.

Sáu nhà văn hóa của xã đều được xây dựng kiên cố từ trước khi xây dựng nông thôn mới nhưng chưa đạt chuẩn về diện tích sân khấu. Song, Ủy ban nhân dân xã đã hỗ trợ kinh phí 125 triệu đồng và vận động nhân dân đóng góp thêm được 70 triệu đồng để tu sửa các nhà văn hóa theo chuẩn nông thôn mới. Đến nay, các nhà văn hóa đã được nâng cấp bảo đảm đủ điều kiện sinh hoạt theo yêu cầu.

Trước khi xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ dân có nhà kiên cố đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng mới có tỷ lệ 27,5%, đến nay, tỷ lệ hộ dân có nhà đạt tiêu chuẩn lên đến 98,76%.

Về kinh tế và tổ chức sản xuất. Theo kết quả điều tra thu nhập từ dịch vụ, thương mại, xây dựng và thu nhập của cán bộ công nhân làm công ăn lương tính đến hết năm 2015 có mức thu nhập bình quân 43 triệu đồng/người/năm, tăng 2,3 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, trong trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới, Xã tổ chức được 60 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất trong nông nghiệp với 9 mô hình sản xuất được áp dụng vào thực tế (bao gồm 3 mô hình chăm sóc cây trồng và 6 mô hình chăn nuôi). Qua triển khai, các mô hình đã góp phần giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đến nay chỉ còn 1,2%. Xã rất chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hiện có 2 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác sản xuất đi vào hoạt động có hiệu quả.

Về văn hóa - xã hội - môi trường. Lĩnh vực văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đa dạng hóa và đẩy mạnh. Tỷ lệ hộ dân đạt gia đình văn hóa năm 2015 là 92,6%, 6/6 ấp đạt ấp văn hóa, có 5/6 ấp đạt khu dân cư văn hóa 3 năm liên tục.

Bằng nhiều hình thức và cách làm cụ thể, đã tuyên truyền vận động nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa thu gom rác thải sinh hoạt. Hiện nay, xã có 2.500 hộ, 100% các doanh nghiệp, cơ sở đều tham gia xã hội hóa thu gom rác. 90% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,69%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà vệ sinh hợp vệ sinh đạt 95,7 %. Trên địa bàn xã có 2 nghĩa trang, 1 nghĩa trang đã được nâng cấp đạt chuẩn, còn 1 nghĩa trang đang tiến hành giải tỏa thực hiện quy tụ tập trung đầu mối.

Tổng vốn huy động để xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua là 88,16 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước gồm vốn Trung ương 46,56 tỷ đồng, của tỉnh 8,2 tỷ đồng, thị xã 23,3 tỷ đồng; Vốn doanh nghiệp 3,4 tỷ đồng; Vốn huy động dân đóng góp 6,65 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân còn được vay vốn tín dụng ở các ngân hàng đến 23,67 tỷ đồng để phát triển sản xuất và xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ vậy, Xã nhanh chóng hoàn thành mục tiêu đề ra, từ chỗ trước xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí, đến cuối năm 2014 đạt 15/19 tiêu chí và năm 2015 đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới tại Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 13-11-2015.

Những bài học kinh nghiệm

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Tiến Hưng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quý sau:

Thứ nhất, để công tác xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao cần có sự tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ của Đảng bộ cùng với việc huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã phải xây dựng kế hoạch chi tiết, có quy chế làm việc và có sự phân công công việc cụ thể cho từng thành viên. Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban chỉ đạo với các đoàn thể, ban phát triển ấp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ phải gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đội ngũ cán bộ đảng viên, nhân dân trong xã nhận thức rõ và thấy được tầm quan trọng xây dựng nông thôn mới, đây là một chương trình lớn mang tính tổng hợp về kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm cao. Công tác tuyên truyền phải thật sự đi vào chiều sâu, rộng khắp tạo niềm tin lớn để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân.

Thứ ba, phát huy tốt quyền làm chủ của người dân trong thực hiện Chương trình theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và hưởng lợi”; phát huy tối đa vai trò của các tổ giám sát đầu tư cộng đồng trong giám sát các công trình xây dựng.

Thứ tư, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp có tiềm lực và tâm huyết với nông thôn, khai thác các nguồn lực tại địa phương, “lấy sức dân để lo cho dân”, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của Nhà nước.

Thứ năm, trong quá trình thực hiện cần xem trọng việc xây dựng chương trình, kế hoạch hằng năm phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với quy hoạch, phù hợp với điều kiện địa phương. Chủ động lồng ghép Chương trình, lựa chọn dự án cần ưu tiên, phù hợp với nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình có tính thực tiễn cao, từ đó thu hút được nguồn lực từ nhân dân nhiều hơn.

Để giữ vững danh hiệu nông thôn mới

Với mục tiêu, quyết tâm giữ vững và nâng cao kết quả xây dựng nông thôn mới đạt được bằng: Tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng và trang thiết bị đã được đầu tư; hoàn thiện, củng cố các mô hình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới... Đảng bộ, chính quyền cùng với nhân dân xã Tiến Hưng cần thực hiện một số giải pháp sát hợp, cụ thể sau trong thời gian tới:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về việc tiếp tục giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn thiếu: “Dựa vào nội lực của dân và cộng đồng là chính, Nhà nước hỗ trợ chủ yếu qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm”; làm thay đổi suy nghĩ thụ động, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một số bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Văn hóa nông thôn mới”; “Văn minh đô thị”. Vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm ở khu dân cư, vận động con em tránh xa các tệ nạn xã hội.

Hai là, tiếp tục củng cố đổi mới và phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hợp tác xã phát triển, đầu tư mở rộng sản xuất thu hút nhiều lao động và tiêu thụ hàng nông sản cho nhân dân địa phương. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất; tiếp cận vốn và cùng hỗ trợ phát triển; tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội để hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn do tỉnh cấp, xây dựng mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi tổ chức thực hiện điểm và nhân rộng. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Ba là, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa. Tiếp tục đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất cho các trường học. Củng cố và nâng cao năng lực khám chữa bệnh của trạm y tế đáp ứng việc triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho các nhà văn hóa ấp ngày càng phong phú. Thường xuyên tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất.

Bốn là, tăng cường công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng công việc, chấp hành giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đạt từ loại khá trở lên. Lực lượng Công an xã được xây dựng, củng cố ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể, tham gia giải quyết có hiệu quả các vụ, việc xảy ra trên địa bàn./.