TCCS - Để giải quyết mâu thuẫn trong quá trình phát triển, nhất là mâu thuẫn lớn giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng, đô thị hóa nhanh với phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững, ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã quyết định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” để khai thác các tiềm năng, phát triển bền vững.

Định hướng phát triển bền vững

Trong quá trình chuyển đổi phương thức phát triển, bên cạnh việc tăng tốc phát triển dịch vụ, Quảng Ninh rất chú trọng phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ, coi đây là một trong các đột phá của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức phát triển.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, trong đó, về kinh tế: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD; cơ cấu kinh tế năm 2025: công nghiệp - xây dựng 49 - 50%; dịch vụ 46 - 47%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 3 - 5%. Đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD...

Để thực hiện mục tiêu, tỉnh xác định phương châm lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, theo nhu cầu thị trường, các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch chất lượng cao, các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, kinh tế số và tăng năng suất lao động làm định hướng để tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục - đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.

Những giải pháp trọng tâm

Theo phương châm tổng quát nêu trên, nhiều giải pháp toàn diện được quan tâm triển khai, trong đó tập trung vào một số giải pháp quan trọng sau:

Một là, phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. Khai thác than bền vững, hoạt động khai thác than phải sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm thiểu tác động đến môi trường, phù hợp với mục tiêu phát triển du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống. Phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các lĩnh vực, các ngành có giá trị cao, tiềm năng và lợi thế lớn, có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao; xây dựng thương hiệu hàng hóa và một số lĩnh vực dịch vụ của ngành. Mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, thúc đẩy sản xuất thông minh, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin - truyền thông.

Hai là, tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Trên cơ sở đó, phát huy lợi thế so sánh về địa kinh tế, hệ thống cảng biển để thu hút vốn đầu tư, phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp phụ trợ, tận dụng xu hướng tích hợp công nghệ để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài… Rà soát lại quy hoạch phát triển theo định hướng mới “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”; hình thành hành lang, các chuỗi, cực tăng trưởng đi đôi với tiếp nhận quá trình chuyển dịch đầu tư và phát triển công nghiệp từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các cực của tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Quy hoạch quỹ đất đủ lớn để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội, qua đó thu hút các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh đầu tư vào các khu công nghiệp.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Đây là khâu đột phá, cấp bách, trong đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công. Dành nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tích cực triển khai Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, ban hành cơ chế, chính sách riêng của tỉnh thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh. Phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiế#n bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính. Thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc theo đúng quy hoạch phát triển của tỉnh, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu./.