Một số gợi ý cho Quảng Ninh về công nghiệp chế biến, chế tạo

TS. Phạm Vĩnh Thắng - TS. Doãn Công Khánh
Chuyên gia độc lập
12:12, ngày 26-11-2022

TCCS - Quảng Ninh luôn được xếp vào nhóm có dư địa phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn dựa trên nền tảng của ngành khai thác, chế biến than. Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong ba trụ cột chính của ngành công nghiệp, động lực cho phát triển kinh tế của Quảng Ninh. Thời gian tới, để ngành công nghiệp này của Quảng Ninh phát triển, cần tạo lập được nền tảng và cơ sở vững chắc.

Phát triển công nghiệp ở Quảng Ninh thời gian qua

Quảng Ninh đã duy trì vị trí quán quân trong bảng xếp hạng PCI năm thứ 5 liên tiếp với 73,02 điểm. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất được xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế “rất tốt”. Theo Báo cáo PCI năm 2021, kết quả này tới từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2021, khi chính quyền tỉnh này luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành.

Trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đều thống nhất cơ chế làm việc theo nguyên tắc 5 tại chỗ (tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - đóng dấu - trả kết quả).

Xét các chỉ tiêu kinh tế quan trọng, năm 2021, GRDP Quảng Ninh ước tăng 10,28%, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trên cả nước (sau thành phố Hải Phòng 12,38%). Với kết quả này, Quảng Ninh nằm trong nhóm các địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là tỉnh liên tục trong 6 năm liền có tốc độ tăng trưởng 2 chữ số.

Description: Description: Description: Tỉnh duy nhất được đánh giá điều hành kinh tế rất tốt - Ảnh 1.

Năm 2021, Quảng Ninh đứng thứ 7 cả nước về quy mô nền kinh tế và đứng thứ 2 cả nước về GRDP bình quân đầu người. Nếu xét về thu nhập bình quân, năm 2021, Quảng Ninh đứng thứ 19/63 với 3,992 triệu đồng/người/tháng, theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2021.

Description: Description: Description: Tỉnh duy nhất được đánh giá điều hành kinh tế rất tốt - Ảnh 3.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 97 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT), vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 89.000 tỷ đồng (63 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư 3,23 tỷ USD; 34 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 13.361 tỷ đồng). Tổng diện tích thực hiện các dự án công nghiệp CBCT là 649,5ha.

Theo thống kê, tỷ trọng ngành công nghiệp CBCT trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh năm 2021 đạt 11,9% (tăng 2,1% so với năm 2020), 9 tháng năm 2022 ước đạt 12,3%, tăng 0,4% so với năm 2021 và tăng 2,5% so với năm 2020. Đến nay, ngành công nghiệp CBCT đang dần tiến tới mục tiêu đã đề ra là đến năm 2025, công nghiệp CBCT chiếm 15% trong GRDP, tương đương mức tăng 1,04%/năm.

Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp CBCT 9 tháng năm 2022 đạt 10,97%. Bình quân trong hai năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, tốc độ tăng trưởng đạt xấp xỉ 19%, cao hơn gần 2% so với mức bình quân đã đề ra theo nghị quyết là 17%/năm.

Đặc biệt, tỉnh đã thu hút 14 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 5 lượt dự án công nghiệp CBCT. Cụ thể, năm 2021 thu hút 10 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 4 lượt dự án; 9 tháng năm 2022 thu hút 4 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 1 lượt dự án; tổng thu hút vốn đầu tư 2 năm qua đạt 32.976 tỷ đồng.

Đến nay, lao động ngành công nghiệp CBCT tăng lên khoảng 9.200 người (đạt 76,7% so với mục tiêu bình quân tăng thêm 6.000 lao động/năm). Lao động tăng thêm chưa đạt được kỳ vọng, chủ yếu các doanh nghiệp công nghiệp CBCT thu hút trên địa bàn tỉnh hiện đều là dự án có công nghệ cao, tỷ lệ cơ giới hóa, tự động hóa cao. Ngoài ra, sự phục hồi chậm của một số ngành dịch vụ, du lịch dẫn đến việc làm trong ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp CBCT không hấp dẫn người lao động.

Để Quảng Ninh tạo lập nền tảng và cơ sở vững chắc cho việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Một là, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, định hướng phát triển các ngành công nghiệp CBCT có tiềm năng và có tính đột phá phù hợp với sự phát triển.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn, doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực công nghiệp CBCT tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Cùng với đó, quan tâm xúc tiến đầu tư ngành chiến lược với tốc độ tăng trưởng cao về sản xuất ô-tô và các thiết bị sản xuất điện gió, điện mặt trời; nâng chất lượng công tác thẩm định các dự án...

Ba là, tập trung nâng cao công tác thẩm định công nghệ, chuyển giao công nghệ, kiên quyết không chấp thuận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ cũ. Thúc đẩy việc đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và loại bỏ theo lộ trình các công nghệ lạc hậu, tiêu hao nguyên, nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích việc nhập khẩu các công nghệ sạch, công nghệ và sản phẩm thân thiện với môi trường

Bốn là, rà soát, lồng ghép các hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.Lồng ghép việc thực hiện sản xuất, tiêu dùng bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và giảm nghèo.

Năm là, xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ về thông tin, khả năng tiếp cận dịch vụ môi trường và nguồn nguyên liệu sạch. Trợ giúp các doanh nghiệp trong việc áp dụng/chứng chỉ phù hợp.

Sáu là, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc hướng dẫn thực hiện và phổ biến các mô hình và thực hành về sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Bảy là, các doanh nghiệp Quảng Ninh cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho sự chuyển đổi. Mặc dù tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế ở các quốc gia phát triển từ nhiều năm nay nhưng mới xuất hiện ở Việt Nam cách đây vài năm.Vì vậy, việc tỉnh Quảng Ninh triển khai các mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn còn rất nhiều hạn chế, tồn tại. Việc phải chi trả thêm những khoản đầu tư cho tăng trưởng xanh, công nghệ thân thiện với môi trường càng trở nên thách thức với doanh nghiệp. Cùng với đó là hàng loạt những chi phí phát sinh đi kèm như đào tạo nâng cao nhận thức cho người lao động, nghiên cứu cách thức ứng dụng, áp dụng công nghệ hợp lý… Do vậy, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp Quảng Ninh cần chủ động và thấy được sự cần thiết của việc đổi mới công nghệ xanh bởi đây là “chìa khóa” để nâng cao năng lực cạnh tranh, chinh phục thị trường cao cấp. Về nhận thức của xã hội và người tiêu dùng, khi nhận thức tăng lên sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi theo yêu cầu của người tiêu dùng nếu muốn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, đây là quá trình không thể diễn ra trong ngày một, ngày hai.

Tám là, để xây dựng và duy trì hình ảnh của một thương hiệu xanh, các doanh nghiệp Quảng Ninh cần thể hiện điều đó trong tuyên bố về thương hiệu của mình. Mức độ thể hiện tùy thuộc vào mức độ cam kết của người đứng đầu (sự điều chỉnh trong tuyên bố về triết lý kinh doanh, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp hoặc có thể ở mức độ thấp hơn là đưa yếu tố “xanh” thành một kế hoạch hành động của doanh nghiệp).Từ bên ngoài, các tiêu chuẩn của thương mại quốc tế đã trở thành một chuẩn mực cứng cho các doanh nghiệp kinh doanh trên quy mô quốc tế. Đó là các tiêu chuẩn như global gap, fairtrade trong nông nghiệp, ISO 14001 trong sản xuất công nghiệp...

ESG (viết tắt từ các từ: Environmental - Môi trường; Social – Xã hội; Governance - Quản trị) đã trở thành một mục tiêu mà mọi doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường quốc tế đều hướng tới để việc kinh doanh tôn trọng thiên nhiên, xã hội và các chuẩn mực quản trị được quốc tế công nhận. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao về nhân lực chất lượng cao, doanh nghiệp  nào có hình ảnh nhân văn và trách nhiệm sẽ có lợi thế khi thu hút được người lao động mà họ tìm kiếm. Bản thân các lãnh đạo doanh nghiệp Quảng Ninh cũng có nhận thức và mức độ cam kết cao trong lĩnh vực này cũng là một động lực quan trọng xác định chiều rộng, chiều sâu của các hoạt động truyền thông thương hiệu xanh cả trong và ngoài công ty./.