Thành phố Hà Nội triển khai thu, chi ngân sách hiệu quả
TCCS - Thời gian qua, hàng loạt các giải pháp tạo thuận lợi cho người nộp ngân sách, đồng thời kiểm soát chi một cách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan triển khai tích cực. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội ước đạt 50,2% dự toán, tăng 12,8% (so với cùng kỳ); chi ngân sách đã chủ động, bảo đảm, đáp ứng kịp thời các khoản chi.
Mở rộng các hình thức thu ngân sách
Số liệu từ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước thực hiện là 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán, tăng 12,8%. Phân tích một số khoản thu có tiến độ khá, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, số thu 6 tháng 2019 tăng chủ yếu từ thu nội địa. Cụ thể, khoản thu lớn chủ yếu là từ khu vực công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 25.975 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán và tăng 21,1%. Số thu từ khu vực này nhìn chung vẫn bảo đảm, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đồng thời thị trường tài chính tín dụng, bất động sản tiếp tục có sự tăng trưởng, do đó góp phần tăng thu cho NSNN. “Tiếp đến là thu thuế thu nhập cá nhân 14.750 tỷ đồng, đạt 56,7% dự toán, tăng 26,3%. Đây là khoản thu ngân sách thường xuyên có mức tăng trưởng những năm qua. Nguyên nhân tăng chủ yếu do số thu từ thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công; đồng thời do kinh tế ổn định, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nên số lượng người lao động và thu nhập của người lao động cũng tăng. Cùng với đó, thu tiền thuê mặt đất, mặt nước 3.190 tỷ đồng, đạt 63,8% dự toán, tăng 5,4%…” - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải cho biết.
Là một trong những đơn vị tích cực có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho hoạt động nộp ngân sách của doanh nghiệp, người nộp thuế, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội (KBNNHN) Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, thời gian qua, đơn vị đã triển khai đồng loạt và mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các hình thức thu nộp như bằng tiền mặt, chuyển khoản, qua máy chấp nhận thẻ, internet banking, mobile banking…. Đồng thời, KBNNHN đã mở các tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh ngân hàng thương mại (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MB) với hàng trăm điểm giao dịch thu NSNN, được bố trí rộng khắp, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu thu, nộp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến nộp thuế. Các hình thức thu nộp này đã góp phần rút ngắn thời gian nộp thuế cho người dân và doanh nghiệp.
Các cơ quan thu ngân sách trên đia bàn như Cục Thuế thành phố Hà Nội, Sở Tài chính, Cục Hải quan Hà Nội và hệ thống các ngân hàng thương mại, kho bạc cũng tổ chức thu kịp thời, đầy đủ các khoản thu vào NSNN, điều tiết chính xác từng khoản thu cho từng cấp ngân sách. Số liệu báo cáo thu được cập nhật kịp thời, đồng nhất giữa các cơ quan quản lý ngân sách giúp cho chính quyền địa phương các cấp chủ động trong việc điều hành và quản lý quỹ NSNN.
Thời gian tới, các cơ quan sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan thu, tập trung và phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu NSNN; tổ chức thực hiện việc thu vào NSNN các khoản tiền do các tổ chức và cá nhân nộp; thực hiện hạch toán số thu NSNN cho các cấp ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan này cũng tiếp tục rà soát, giảm bớt quy trình, nghiệp vụ, giảm các thủ tục, hồ sơ, cập nhật, công khai các quy trình, nghiệp vụ, thủ tục hành chính tại nơi làm việc và trên trang thông tin điện tử của ngành.
Giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư
Năm 2019, dự toán ngân sách Trung ương giao thành phố Hà Nội là thu 263,111 nghìn tỷ đồng; tổng chi là 101,045 nghìn tỷ đồng. Để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2019 ở mức cao nhất, đồng chí Hà Minh Hải cho biết, thời gian tới thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2019; đặc biệt, chú trọng công tác thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN được giao. Cụ thể, Thành phố tập trung chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu; phấn đấu hoàn thành dự toán Trung ương giao.
Trên cơ sở kết quả thực hiện các tháng đầu năm 2019, các sở, ngành Thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan thực hiện phân tích, nhận diện và đánh giá kết quả thu ngân sách; từ đó, chủ động xây dựng kịch bản thu ngân sách, xác định rõ mục tiêu phấn đấu trong các tháng, quý còn lại. Đồng thời, cơ quan thuế, hải quan chủ động phối hợp cùng các cấp, các ngành của Thành phố tập trung rà soát, phân loại chính xác nợ thuế của các đơn vị, xác định đúng nguyên nhân nợ thuế của từng đơn vị để tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Đơn cử, đối với chi thường xuyên, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) để tạo nguồn, bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, Thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra. Quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực; tiết kiệm các khoản chi liên quan đến mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài..
Nhiều biện pháp hiệu quả để kiểm soát chi một cách hiệu quả và tiết kiệm đã được Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Cụ thể, KBNNHN kiểm soát các khoản chi mua sắm tài sản trong kế hoạch, dự toán NSNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng tiêu chuẩn, định mức.
Với việc kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư ngân sách địa phương, KBNNHN thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố tiến độ giải ngân để Thành phố có biện pháp chỉ đạo, điều hành nguồn vốn xây dựng cơ bản linh hoạt, đảm bảo nhu cầu thanh toán cho các dự án. Cơ quan này cũng chỉ đạo các kho bạc nhà nước quận, huyện, thị xã, các phòng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, rút ngắn tối đa thời gian kiểm soát chi cho các dự án, công trình.
6 tháng đầu năm, KBNNHN đã làm tốt công tác thu, chi NSNN. Tuy nhiên, Giám đốc KBNNHN Nguyễn Thị Thanh Hương cũng thừa nhận, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn đạt ở mức thấp. Tính đến ngày 15-6-2019, mới có 5.633 tỷ đồng được giải ngân, đạt 16,4% kế hoạch. Do đó, từ nay đến cuối năm, KBNNHN sẽ khẩn trương thực hiện đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố. Đồng thời, sẽ tiếp tục đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, phấn đấu đến cuối năm hoàn thành kế hoạch vốn được giao. Cơ quan này cũng sẽ tập trung các giải pháp kiểm soát chi, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư cho các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố./.
Thành phố Hà Nội thúc đẩy các dự án đầu tư công  (27/12/2019)
Bảo vệ quyền của người tiêu dùng trong điều kiện phát triển xã hội thông tin và thương mại điện tử  (18/12/2019)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên