Phú Yên thúc đẩy liên kết phát triển du lịch bền vững với vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ
TCCS - Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, thời gian qua, trên cơ sở những lợi thế so sánh, Phú Yên đã có nhiều hoạt động thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” phát triển, trong đó có tăng cường hoạt động liên kết với vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Thực trạng liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Phú Yên với vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ
“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên; vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2350/QĐ-TTg, ngày 24-12-2014, khẳng định phát triển du lịch vùng theo hướng liên kết giữa vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng khác trong cả nước và liên kết quốc tế để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương và của toàn vùng. Do đó, với vị trí gần như nằm giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ, được ví như tâm điểm trục Bắc - Nam và là cửa ngõ Đông - Tây kết nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, những năm gần đây Phú Yên đã mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, phát huy lợi thế so sánh trong phát triển du lịch của miền Trung với “con đường di sản”, những danh lam thắng cảnh, biển đảo, những di tích lịch sử, văn hóa, những lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc cùng những món ẩm thực đậm đà hương vị cảm xúc vùng duyên hải và Tây Nguyên với những trải nghiệm, khám phá độc đáo của văn hóa đại ngàn cao nguyên hùng vĩ...
Thời gian qua, Phú Yên đã tham gia ký kết hợp tác phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, nhằm hình thành các sản phẩm du lịch liên hoàn, phong phú, đa dạng, thu hút khá mạnh khách du lịch; mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Trong mối liên kết vùng rộng lớn, các chuyên gia du lịch khuyến nghị, giữa các tỉnh cần xác lập những mối liên kết nhỏ, tạo sự chắc chắn và đặc trưng. Trong khu vực các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thì cụm 4 tỉnh Phú Yên - Bình Định - Gia Lai - Đắk Lắk là “tứ giác” có nhiều tiềm năng và lợi thế nhất. Với vị trí chiến lược là cửa ngõ mới ra hướng Đông để phát triển vùng Tây Nguyên, hiện tại, hệ thống giao thông nối giữa Phú Yên đến các tỉnh trong “tứ giác” trên đã cơ bản được hoàn thiện với các tuyến quốc lộ 1, 25, 29, trục ven biển phía Đông, dọc miền Tây. Tương lai, tuyến đường sắt Phú Yên - Tây Nguyên qua Cam-pu-chia - Lào - Thái Lan cũng sẽ được nghiên cứu xây dựng. Hiện 4 tỉnh trên đều có sân bay đủ tiêu chuẩn đối với các máy bay loại lớn. Có thể thấy đây là khu vực có nhiều lợi thế có thể liên kết thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, đặc trưng, trong đó Phú Yên được xem là tâm điểm, là điểm đến mới thu hút sự quan tâm của du khách.
Để hiện thực ý tưởng liên kết cụm “tứ giác” này, từ giữa năm 2015, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức đoàn famtrip (một hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) đến các tỉnh để khảo sát. Tháng 4-2016, tại thành phố Tuy Hòa, lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk và Gia Lai đã ký kết Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 4 địa phương. Sau 3 năm triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch cùng sự hỗ trợ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch Phú Yên cùng các tỉnh trong cụm liên kết đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo đột phá thúc đẩy trong phát triển du lịch vùng. Các tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình phát triển sản phẩm du lịch, các điểm du lịch, chương trình tour và các sản phẩm du lịch mới của từng địa phương; liên kết trang thông tin điện tử giữa các tỉnh với nhau. Đặc biệt, các tỉnh đã tham gia xây dựng Ngôi nhà chung “Tây Nguyên - Nam Trung Bộ” tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hanoi) với chủ đề “Về với biển xanh, hoa vàng và đại ngàn Tây Nguyên”; phối hợp với Câu lạc bộ du lịch cộng đồng (CTC) tổ chức đoàn famtrip khảo sát các điểm du lịch 4 tỉnh trong Chương trình “Đại ngàn kết nối Đại dương” năm 2018. Trong 3 năm ký kết, các sở văn hóa, thể thao và du lịch của 4 tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch của địa phương, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...; trong đó hợp tác trong xúc tiến, quảng bá du lịch là hoạt động nổi bật. Ngoài ra, các hoạt động luân phiên tổ chức các lễ hội được các địa phương tham gia hưởng ứng, như Tuần lễ Văn hóa du lịch Phú Yên năm 2018, Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột, Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Bình Định, Gia Lai... Ngoài ra, Phú Yên còn mở rộng ký kết hợp tác phát triển du lịch với Thủ đô Hà Nội và cụm phía tây vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Từ sự nỗ lực chung của tỉnh kết hợp với các chương trình ký kết, hợp tác và quảng bá du lịch, du lịch Phú Yên đã có những bước đột phá mới, lượng khách đến Phú Yên ngày càng tăng và có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2018, hơn 1,6 triệu lượt khách du lịch đến Phú Yên, đạt 111% kế hoạch, tăng 14,6% so với năm 2017, trong đó có 41.005 lượt khách quốc tế, tăng 15,5% so với năm 2017. Riêng dịp nghỉ lễ từ ngày 27-4 đến ngày 1-5-2019, tổng lượng khách đến Phú Yên khoảng 42.165 lượt, tăng 20% so cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế khoảng 580 lượt. Hầu hết các khách sạn trên địa bàn thành phố Tuy Hòa của Phú Yên đạt công suất sử dụng phòng từ 70% đến 100%.
Tuy nhiên, sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Phú Yên với vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế nhất định, như các chương trình liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch được ký kết còn ít và chưa cụ thể hóa, chưa đưa ra những hướng dẫn cụ thể và hiệu quả cho doanh nghiệp. Giữa các tỉnh trong khu vực chưa có một “nhạc trưởng” trong lĩnh vực này nên hầu hết các điểm tham quan, sản phẩm du lịch của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ khá trùng lặp. Sự “sao chép” này vừa làm mất tính đặc trưng riêng có của từng tỉnh, vừa tạo cảm giác đơn điệu, nhàm chán cho du khách, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh. Công tác quy hoạch phát triển du lịch vùng mới chỉ dừng lại ở một số định hướng cơ bản, các chỉ tiêu phát triển chủ yếu cũng như khoanh vùng không gian chỉ dừng lại ở một vài khu, điểm du lịch mà chưa làm nổi bật mang tầm hoạch định phát triển của ngành.
Riêng Phú Yên tuy đã ký kết khá nhiều chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực và toàn quốc, nhưng việc liên kết mới chỉ dừng lại ở văn bản ký kết. Trên thực tế du lịch vẫn còn phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, thiếu tầm nhìn tổng thể. Sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Phú Yên với vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ chưa mang tính ổn định, bền vững, còn nhiều bất cập, như chưa có sự phối hợp và thực thi kế hoạch hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch; sản phẩm du lịch còn khá đơn điệu, trùng lặp, chưa có tính chuyên biệt, độc đáo; chưa tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, có chất lượng cao cho 4 tỉnh; chưa xây dựng được thương hiệu du lịch chung của 4 địa phương cũng như tour du lịch chung 4 tỉnh mang đặc sắc riêng mỗi địa phương; chưa liên kết, hợp tác trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của các tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, trong tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch chung tạo thành chuỗi sự kiện thu hút khách du lịch... Công tác xúc tiến quảng bá du lịch vẫn còn hạn chế, chưa có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế để thu hút khách từ những thị trường trọng điểm, có khả năng chi trả cao. Khả năng khai thác và liên kết sản phẩm du lịch giữa các tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của nhiều đối tượng khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài.
Ngoài ra, nhân lực ngành du lịch thời gian qua tuy có tăng về số lượng theo từng năm, nhưng còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tế chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ giỏi nghề để làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ. Trình độ ngoại ngữ, tin học, năng lực sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ nhân viên ngành du lịch còn hạn chế chưa tương ứng với yêu cầu thực tiễn.
Đề xuất một số giải pháp thời gian tới
Thứ nhất, chú trọng đúng mức công tác quy hoạch du lịch và quản lý, đầu tư theo quy hoạch.
Để du lịch phát triển bền vững, các địa phương vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ cần chú trọng đúng mức công tác quy hoạch du lịch và quản lý, đầu tư theo quy hoạch. Tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tích cực, phát triển theo chiều sâu, ổn định, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định và giữ vững thương hiệu trên cơ sở khai thác tối đa và hiệu quả tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh. Xác định các loại hình du lịch chủ lực làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, qua đó tạo động lực phát triển cho cả vùng. Với tiềm năng du lịch hiện có, Phú Yên cùng các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có thể phát triển mạnh loại hình du lịch biển, đảo, di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội gắn với miền sông nước, các loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch cộng đồng, văn hóa, lễ hội mang đậm bản sắc của các dân tộc. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư về đất đai, giải tỏa, đền bù..., để triển khai nhanh dự án sau khi được tỉnh chấp thuận dự án đầu tư.
Tăng cường đầu tư và kêu gọi đầu tư theo quy hoạch đối với kết cấu hạ tầng cho phát triển du lịch, trên cơ sở bảo đảm cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường tự nhiên và giữ gìn, bảo tồn các tài nguyên du lịch. Khoảng cách từ Phú Yên tới các tỉnh vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ không quá xa, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không khá thuận tiện nên việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch bền vững giữa các tỉnh này để hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, có thể đáp ứng được nhiều phân khúc, thị trường du khách khác nhau, tạo bước phát triển mạnh mẽ về du lịch cho từng tỉnh và toàn vùng.
Thứ hai, tập trung đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế thì nguồn nhân lực du lịch ở Phú Yên cũng như các tỉnh vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ cần được đào tạo về nhận thức, kiến thức nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm để có thể lan tỏa thành phương thức thực hành du lịch có trách nhiệm, hướng tới sự phát triển du lịch bền vững. Các địa phương thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng biển bãi ngang do điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí còn những hạn chế, vì vậy cần sự trợ giúp thiết thực đối với người lao động trong hoạt động kinh doanh du lịch là tổ chức miễn phí các chương trình đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng làm du lịch, hỗ trợ nâng cao trình độ nghề cho người lao động, dần dần chuyên môn hóa và chính thức hóa lực lượng lao động. Một mặt, tiếp tục hoàn thiện cơ chế trong việc thu hút cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; mặt khác, cần nâng cao nhận thức, năng lực cho cộng đồng để họ chính là những người có ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường tại địa bàn sinh sống.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong hoạt động về phát triển du lịch bền vững.
Phát triển du lịch bền vững đòi hỏi thực hiện đồng bộ, tổng thể một hệ thống các nhóm giải pháp về kinh tế, xã hội và môi trường. Với tầm quan trọng này, chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên và vùng Tây Nguyên cùng các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các chủ thể về phát triển du lịch bền vững. Mỗi chủ thể đều có vai trò quan trọng được thể hiện cả trong trách nhiệm, nghĩa vụ để bảo đảm hoạt động du lịch được phát triển theo hướng bền vững. Đối với cộng đồng dân cư địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cần quan tâm đến sinh kế của người dân, tạo việc làm, đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân thấy rõ những lợi ích trước mắt và lâu dài từ hoạt động du lịch, có trách nhiệm đối với việc phát triển du lịch bền vững, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, các ngành, nghề truyền thống và thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ gìn nếp sống văn minh, giữ vững an ninh, an toàn xã hội, thái độ ứng xử thân thiện với du khách... Tất cả những việc làm đó có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phát triển du lịch bền vững của từng địa phương và toàn vùng.
Thứ tư, phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch.
Liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương Phú Yên với các tỉnh vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, các doanh nghiệp trong ngành du lịch, giữa ngành du lịch với các ngành khác, như giao thông vận tải, an ninh, tài chính, công nghiệp, nông nghiệp trong tỉnh cũng như kết nối với các tỉnh vùng Tây Nguyên - duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước để mở rộng thị trường. Xây dựng cơ chế điều hành chung của các chương trình liên kết, hợp tác một cách thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác quảng bá các loại hình du lịch của Phú Yên và vùng Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đối với thị trường khu vực, trong nước và quốc tế.
Hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục cấp thị thực (visa), liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ địa điểm, thuế đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vào các điểm dừng chân, mua sắm cho du khách trên các tuyến quốc lộ 1, 14, 26, 27, 29 đi xuyên Việt và các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bình Định. Các doanh nghiệp kinh doanh cần xây dựng chính sách giá, chương trình khuyến mãi theo mùa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của các tỉnh.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, ban hành cơ chế vận hành liên kết, hợp tác hoạt động du lịch vùng Tây Nguyên - Nam Trung Bộ.
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương đẩy mạnh vai trò dẫn dắt doanh nghiệp và cộng đồng trong các hoạt động du lịch hướng đến phát triển bền vững. Phổ biến, tập huấn, phát hành tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương thực hiện theo các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững. Tổ chức các hội thảo, lớp đào tạo để nâng cao nhận thức và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, tôn vinh các điển hình thực hiện phát triển du lịch bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm việc xâm hại di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, thiếu trách nhiệm trong xử lý chất thải của các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên trên địa bàn.
Ban hành cơ chế vận hành hoạt động liên kết vùng. Cần phải có một “nhạc trưởng” có thể điều phối và có tiếng nói chung cho phát triển toàn vùng. Các tỉnh vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ cần kết nối đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Các tỉnh cần bàn thảo để xây dựng sản phẩm du lịch chung cho vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ và đặc thù của từng địa phương, như khu ẩm thực; khu mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, hàng rong; khu vui chơi giải trí... đáp ứng nhu cầu nhiều đối tượng khách du lịch. Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo kịp thời về nghiệp vụ và tiếp tục có các chính sách cùng các hoạt động ủng hộ, hỗ trợ du lịch các địa phương vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ phát triển mạnh, đúng định hướng.
Thứ sáu, tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong hoạt động du lịch.
Đi đôi với liên kết, hợp tác phát triển du lịch bền vững giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên và các địa phương cần tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm và thân thiện với môi trường cũng như học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trên thế giới. Tranh thủ sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế góp phần bảo đảm yêu cầu phát triển du lịch bền vững của vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ./.
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển