Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững
TCCS - Ngày 27-12-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1701/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận không ngừng nâng cao đời sống và phúc lợi xã hội cho người dân, hướng tới phát triển bền vững bao trùm, đảm bảo mọi người dân dễ dàng tiếp cận các cơ hội phát triển và thụ hưởng những thành quả của quá trình phát triển. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện trên cơ sở tạo lập một hệ sinh thái phát triển hiện đại và bền vững.
Theo đó, tỉnh Bình Thuận sẽ phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh, hình thành nền kinh tế ít chất thải, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột: (1) Công nghiệp, với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành; (2) Dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics; (3) Nông nghiệp, với trọng tâm là nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao với những chuỗi sản xuất nông - công nghiệp chế biến.
Đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hướng tới hình thành một trong những trung tâm đào tạo và phát triển công nghệ của vùng và quốc gia. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
Năm 2023, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đạt và vượt kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng 8,1% so năm 2022, xếp thứ hạng 14/63 tỉnh, thành. Thu nhập bình quân đầu người đạt 54,3 triệu đồng, tăng 5,1% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế trong GRDP năm 2023 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 26,2%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 33,53%; khu vực dịch vụ chiếm 34,62%; thu ngân sách nhà nước năm 2023 hơn 10.000 tỷ đồng; trong đó thu nội địa hơn 9.000 tỷ đồng. Năm 2023 đánh dấu có sự chuyển dịch khá lớn về cơ cấu kinh tế, theo đó có sự sụt giảm trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản và tăng trưởng ở khu vực dịch vụ.
Kết cấu hạ tầng trên địa bàn Bình Thuận từng bước được cải thiện, đặc biệt đã đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Cùng với đó, Bình Thuận đăng cai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội Tụ xanh”, đã tạo hiệu ứng tích cực, góp phần thu hút các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước đến với Bình Thuận, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Hoạt động du lịch trong năm có sự khởi sắc mạnh mẽ. Bình Thuận đã thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Năm 2023, cả tỉnh đón 8.351 ngàn lượt khách, tăng 45,99% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 274,3 ngàn lượt khách, tăng 3,13 lần so với năm 2022); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 22.309,1 tỷ đồng, tăng 63,08% so với cùng kỳ năm trước.
Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp được tỉnh quan tâm đầu tư đúng mức, từ đó, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm tăng 1,76%, sản lượng lương thực tăng 2,97% so với năm 2022. Sản lượng khai thác hải sản tăng 1,71% so với năm 2022. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện tốt hơn; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,8%, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,66%; thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 45.410 tỷ đồng, tăng hơn 9,06% so với năm trước. Toàn tỉnh có thêm 30 dự án được cấp có thẩm quyền cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hút một số dự án có quy mô lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh (Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, các dự án khí điện LNG Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2).
Bên cạnh kinh tế, các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra về văn hóa, xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được thực hiện tốt hơn; công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng được giữ vững, bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là sau đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”. Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được quan tâm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và công tác chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, quyết liệt.
Tiếp theo đó, Bình Thuận đặt chỉ tiêu tăng GRDP từ 8% - 8,5% trong năm 2024; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.000 tỷ đồng. Để đạt những mục tiêu đề ra, Bình Thuận xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội dựa trên phát huy tiềm năng, lợi thế và hiệu quả của đầu tư công (với phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư), phấn đấu đẩy nhanh tiến độ lớn. Tỉnh Bình Thuận phấn đấu quy mô kinh tế của tỉnh trên 110 nghìn tỷ đồng. Tỉnh Bình Thuận xác định tập trung phát triển đồng đều 3 trụ cột công nghiệp - du lịch - nông nghiệp; phát triển các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, phấn đấu đạt được mục tiêu Đại hội XIV đề ra là “Xây dựng tỉnh Bình Thuận mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch”. Năng lượng và du lịch tỉnh đã có nền tảng, do đó tỉnh tập trung phát triển kinh tế biển. Tỉnh xác định kinh tế biển không chỉ đơn thuần là phát triển thủy hải sản mà là tất cả hoạt động dựa trên nền tảng biển như cảng biển, logistics, du lịch - thể thao biển,…
Tỉnh đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; củng cố xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình triển khai nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương… Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đòi hỏi các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải đoàn kết, nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.
Bình Thuận: Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội  (18/11/2024)
Huyện Hàm Tân: nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế  (06/11/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm