TCCS - Với lợi thế bờ biển dài và các hệ sinh thái quan trọng như cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, san hô,... tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế biển, trong đó có ngành thủy sản.

Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch là hướng đi mới không chỉ cho ngành du lịch, mà còn là mô hình điểm của ngành nông nghiệp của Bà Rịa - Vũng tàu_Ảnh: Tư liệu

Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng các ngành kinh tế biển trong GRDP của tỉnh (không kể dầu khí) khoảng 60%, trong đó các ngành kinh tế thuần biển khoảng 20%... Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch hành động phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, với mục tiêu phát triển ngành thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đến năm 2030 có tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 23.000 tấn/năm, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch và xuất khẩu. Đẩy mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển tàu khai thác hải sản xa bờ; nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi trồng hữu cơ, sinh thái bền vững, hiệu quả; phát triển mạnh nuôi thủy sản trên biển… Triển khai thực hiện khai thác hải sản vùng lộng và vùng ven bờ, gắn với nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái để phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Chú trọng chuyển đổi các nghề khai thác có tính xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, tập trung thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU, đồng thời khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản,…

Những năm gần đây, tàu thuyền khai thác hải sản ngày càng được hiện đại hóa, có khả năng chịu sóng, chịu gió, khai thác khơi xa và dài ngày trên biển. Nhiều tàu đã vươn khơi xa thu hoạch được những loài có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc gia tăng sản xuất, đội tàu còn góp phần tích cực trong bảo vệ an ninh, an toàn trên biển. Hiện nay, tổng số tàu cá thuộc diện đăng ký quản lý của tỉnh là 4.484 tàu cá, với sản lượng khai thác trung bình hằng năm đạt trên 300.000 tấn/năm. Phần lớn các tàu cá được trang bị đồng bộ máy móc tiên tiến, hiện đại, như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, vô tuyến điện tầm xa... Loại hình khai thác bao gồm: Nghề câu khơi, rê, vây, rập và các nghề khai thác hải sản khác có chọn lọc. Tỉnh khuyến khích chuyển đổi tàu cá làm nghề lưới kéo khai thác không có hiệu quả sang các loại nghề câu, lưới rê, lồng bẫy. Tỉnh đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển đội tàu khai thác xa bờ, chuyển mạnh sang ngư trường đánh bắt xa bờ các loại hải sản có giá trị cao để làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; qua đó giảm tỷ trọng hải sản giá trị thấp và giảm những nghề khai thác gần bờ, gây suy giảm nguồn lợi thủy sản. Việc thực hiện tốt các chính sách phát triển thủy sản tạo động lực cho ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá, đầu tư ngư cụ, thiết bị hiện đại khai thác vùng biển xa, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, chủ động tổ chức đánh bắt phù hợp mùa, vụ và theo hình thức tổ hợp tác, tổ đoàn kết sản xuất ổn định, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành các chủ trương giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, duy trì, phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường; khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ nghề lưới giã cào sang các ngành, nghề khác; trong đó, phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi ở vùng cửa sông và biển đảo. Thời gian qua, tỉnh phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, thành phố Bà Rịa và nuôi lồng bè tại thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đến nay, đã có hàng chục tổ chức, cá nhân nuôi và sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích khoảng 429ha. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao đạt 46,54%. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 6.310ha, với sản lượng hằng năm đạt khoảng 22 ngàn tấn, chủ yếu tập trung ở nhóm tôm nước lợ có giá trị kinh tế cao. Việc ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm mang lại năng suất cao gấp nhiều lần so với hình thức nuôi tôm truyền thống trước đây. Mô hình này còn giúp bà con tiết kiệm nước, tiết kiệm nhân công, không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm tôm sạch, đáp ứng được nguồn cung cho thị trường trong và nước ngoài. Ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ có khả năng tạo ra đột phá kinh tế, góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản, mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác thủy sản xa bờ. Ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là về công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa trong nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển bền vững loại hình này.

Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch là hướng đi mới không chỉ cho ngành du lịch, mà còn là mô hình điểm của ngành nông nghiệp của Bà Rịa - Vũng tàu. Ngoài trữ lượng hải sản tự nhiên dồi dào, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có những mô hình nuôi trồng thủy sản trên các làng bè ở thành phố Vũng Tàu, huyện Côn Đảo… Tại xã Long Sơn (thành phố Vũng Tàu), sản lượng các loài thủy sản đạt khoảng 15.000 đến 20.000 tấn/năm. Tại huyện Côn Đảo, tham quan mô hình nuôi trai lấy ngọc và mua sắm ngọc trai đã trở thành hoạt động không thể thiếu khi du khách đến tham quan hòn đảo này. Nghề nuôi trai lấy ngọc ở Côn Đảo trải qua hơn chục năm hình thành và phát triển, giờ đây đã tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu mua sắm trang sức, quà lưu niệm của du khách. Với diện tích nuôi trồng hơn 100ha mặt nước, nghề nuôi trai lấy ngọc giúp hàng nghìn lao động sinh sống trên đảo nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy hải sản trong địa bàn tỉnh không ngừng nâng cao trình độ quản lý, mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ, đáp ứng các điều kiện xuất khẩu vào thị trường thế giới, góp phần quan trọng trong giải quyết nguồn nguyên liệu và công ăn việc làm tại địa phương. Các doanh nghiệp tăng cường liên kết chặt chẽ từ các yếu tố nuôi trồng - khai thác, chế biến - bảo quản; vận chuyển - lưu thông, tiêu thụ - phân phối đến quản lý chuỗi cung ứng nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, tăng chất lượng, giá trị thủy sản. 

Thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển thủy sản, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông lâm, ngư nghiệp trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm, ưu tiên các dự án nuôi thủy sản, nuôi biển ứng dụng công nghệ cao. Với hàng loạt các giải pháp phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản được tỉnh triển khai sẽ góp phần giúp Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm lớn về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản trong thời gian tới./.