TCCS - Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các vùng nông thôn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển mình mạnh mẽ, thay da đổi thịt, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Nông thôn mới ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu_Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh kịp thời ban hành đề án và các nghị quyết, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuộc một cách chủ động và quyết liệt, cùng với sự đồng lòng tham gia đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, vận động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tế đời sống, sản xuất của người dân. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân; tạo được bước chuyển biến quan trọng về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và của người dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức, như hiến đất đai, hoa màu, công lao động… Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư nhựa hóa, bê-tông hóa hàng trăm km đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, các công trình đập đầu mối và hệ thống kênh nội đồng từng bước được kiên cố hóa. Có hàng trăm công trình trường mầm non, mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở và nhà thi đấu đa năng, công trình về cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn xã và nhiều công trình hạ tầng khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu được đầu tư đạt chuẩn, từ đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách đáng kể. Hệ thống giáo dục, y tế từng bước quan tâm đầu tư, chất lượng nâng cao, môi trường nông thôn ngày càng bảo đảm.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, được các địa phương đánh giá, đúc kết thành kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Tiêu biểu như: Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng suất cao ở các xã của huyện Châu Đức; mô hình “Nạo vét mương” đã vận động cán bộ, đảng viên và 175 hộ gia đình cùng đóng góp số tiền 115 triệu đồng, thực hiện nạo vét, khơi thông 560m đường mương thoát nước; mô hình “Ngõ sáng, đường sạch” vận động nhân dân đóng góp 85 triệu đồng, lắp đặt 60 bóng đèn chiến sáng trong tổ dân cư…

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại và phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế, phù hợp với quy hoạch nông nghiệp của địa phương như hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả, bắp, rau các loại. Các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác đã hình thành, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Hiện, tỉnh có 91 sản phẩm nông nghiệp của 45 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Mặt khác, tỉnh đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 47/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bà Rịa -Vũng Tàu trở thành 1/18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến tháng 8-2023, Bà Rịa - Vũng Tàu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã nông thôn mới đạt 67 triệu đồng/người/năm; xã xây dựng nông thôn mới nâng cao  đạt 72 triệu đồng/người/năm.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 4,12%/năm; có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 80,85%), 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 29,78%). Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững gắn với phát huy lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Triển khai các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Cùng với đó là, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; quản lý tài nguyên, nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường nông thôn cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh yêu cầu trong giai đoạn tiếp theo./.