Giải cơn khát vốn cho miền đất thiếu mưa, thừa nắng gió
TCCS - Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt trên 3.000 tỷ đồng với 100.000 hộ đang còn dư nợ, gấp 26,3 lần so với đầu năm 2003.
Theo đoàn công tác Ngân hàng Chính sách xã hội do Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng dẫn đầu chúng tôi về miền đất thiếu mưa, thừa nắng gió, khô hạn nhất cả nước - tỉnh Bình Thuận.
Vượt qua 3 giờ đồng hồ của hơn 56 hải lý, từ bờ biển thành phố Phan Thiết, theo hướng Đông - Đông Nam, chúng tôi đến đảo tiền tiêu Phú Quý. Đúng như tên gọi, vùng đất này không những được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp cùng sự trù phú của các sản vật biển... mà còn có đường thủy phát triển, mang những mầm kinh tế mới gieo lên mảnh đất này.
Từ một huyện đảo đã có thời gian dài kinh tế tự cung tự cấp, Phú Quý đang dần thay da đổi thịt. Đói nghèo đã lùi dần về quá khứ. Nhiều túp lều mái lá đã nhường chỗ cho những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp. 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm huyện, đường trục xã, liên xã được thảm nhựa và bê tông hóa.
Trong dòng chảy đó, cái khó nhất của người nghèo và các đối tượng chính sách 18 năm qua đã dần được hóa giải bằng các chương trình tín dụng ngày càng đa dạng hóa và hạn mức vay sát với nhu cầu thực tế. Nhờ vay vốn ưu đãi mà nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, nhận thức tốt hơn về cách thức sử dụng vốn vay sao cho có hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng.
Đáng chú ý hơn là kênh tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đi học. Phú Quý trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận và huyện đảo thứ hai của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2016.
Theo đồng chí Tạ Minh Nhựt, Phó Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực huyện Phú Quý, cộng hưởng hiệu quả từ tín dụng chính sách đã đưa thu nhập bình quân đầu người tại huyện năm 2020 đạt 50,542 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với cuối năm 2015 - thời điểm Phú Quý hoàn thành các chỉ tiêu huyện nông thôn mới. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 6.557 hộ dân với dân số trên 27.000 người, trong đó hộ nghèo chỉ còn chiếm tỷ lệ 0,5%; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,14% tổng số hộ trên địa bàn. Dư nợ tín dụng chính sách xã hội thực hiện đến nay đạt hơn 136 tỷ đồng với 2.619 hộ đang còn dư nợ, trong đó dư nợ cho vay chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là 60 tỷ đồng, chiếm 44,1% tổng dư nợ.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận chủ động nắm bắt nhu cầu của hộ vay, xây dựng đề án các chương trình tín dụng chính sách giai đoạn 2021 - 2025, đề xuất Trung ương bố trí nguồn lực đủ để cho vay trong thời gian tới; trước mắt Trung ương sẽ bố trí 20 tỷ đồng cho huyện Phú Qúy để thực hiện hiệu quả 2 chương trình này.
Không chỉ có Phú Quý, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã lan tỏa rộng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là sau khi triển khai Chỉ thị số 40, việc cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.
Tính đến ngày 31-3-2021, số dư vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Thuận đạt 108,3 tỷ đồng tăng 87,6 tỷ đồng với tỷ lệ tăng gấp 4,2 lần trước khi có Chỉ thị số 40; trong đó, ngân sách tỉnh bổ sung 46 tỷ đồng và 10/10 huyện, thị xã, thành phố chuyển sang 31 tỷ đồng, trích từ thu lãi và nguồn kết dư từ quỹ dự phòng rủi ro tín dụng nhập bổ sung nguồn 10,6 tỷ đồng. Ngay từ những tháng đầu năm 2021, tỉnh Bình Thuận đã chuyển 15 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội để ủy thác cho vay.
“Với một tỉnh ngân sách còn khó khăn, điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tạo lập nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách tại địa phương,” Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng ghi nhận.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 68.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm và qua từng thời kỳ, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 5,81% xuống còn 1,31%; góp phần hỗ trợ 65/93 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Phú Qúy được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hiện tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.000 tỷ đồng với 100.000 hộ đang còn dư nợ, gấp 26,3 lần so với đầu năm 2003, với tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt 19,1%; trong đó, dư nợ cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 388 tỷ đồng/11,1 nghìn hộ, chiếm 44,6% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của chi nhánh chỉ chiếm 0,44% tổng dư nợ cho thấy nguồn vốn đã được sử dụng và quay vòng hiệu quả.
Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách đã đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong 18 năm qua.
“Tín dụng chính sách đã có tác động tích cực và thiết thực đối với đời sống của nhân dân, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội địa phương,” Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng khẳng định với chức năng nhiệm vụ của mình, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của việc thiếu nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm là do nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương dù đã được quan tâm, cân đối nhưng còn khá thấp, chỉ đạt 3,6%, thấp hơn so với mức bình quân chung cả nước hiện nay (8,7%).
“Để hoạt động tín dụng chính sách ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới chúng tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động của chi nhánh Bình Thuận, đặc biệt là sự quan tâm tạo điều kiện tiếp tục chuyển nguồn vốn ủy thác nhiều hơn nữa để cho vay đối tượng chính sách theo chuẩn nghèo địa phương theo chỉ đạo tại Chị thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây là một trong những giải giải pháp hiệu quả nhằm giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh,” Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh./.
S&P nâng đánh giá tín nhiệm Vietcombank từ mức ổn định lên tích cực  (27/05/2021)
Ngân hàng Chính sách xã hội: Vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế  (27/05/2021)
Chuyển tải kịp thời vốn chính sách trong mùa dịch COVID-19  (26/05/2021)
Petrovietnam dành 30 tỷ đồng ủng hộ quỹ vắc-xin phòng COVID-19  (25/05/2021)
Chia sẻ khó khăn với người dân vùng dịch Bắc Giang  (21/05/2021)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên